Cách Chăm Sóc Và Phòng Ngừa Bệnh Tâm Thần Tái Phát
Chăm sóc và phòng ngừa bệnh tâm thần tái phát mang ý nghĩa rất lớn đối với quá trình điều trị bệnh. Cũng bởi nếu các triệu chứng bệnh khởi phát trở lại sẽ dễ biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn, hậu quả để lại cũng sẽ nặng nề hơn so với trước.
Cách chăm sóc người bệnh tâm thần
Bên cạnh việc chăm lo và bảo vệ tốt cho sức khỏe thể chất thì sức khỏe tâm thần cũng đóng một vai trò to lớn và quyết định đối với đời sống của mỗi người. Sức khỏe tâm thần không đơn thuần chỉ là trạng thái không có sự rối loạn mà nó còn bao gồm cả khả năng học hỏi, suy nghĩ, hiểu được các phản ứng, cảm xúc của người khác.
Khi một người mắc phải các chứng bệnh tâm thần sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, thậm chí là trở nên tách biệt, cô lập với xã hội. Trong thực tế có rất nhiều các chứng bệnh tâm thần khác nhau với đa dạng các biểu hiện như trầm cảm, bệnh tâm thần phân liệt,…
Tuy nhiên, hầu hết các chứng bệnh tâm thần đều có sự đặc trưng bởi tình trạng kết hợp của các nhận thức, suy nghĩ, hành vi, cảm xúc và mối quan hệ bất ổn với những người xung quanh. Hiện nay, số lượng người mắc phải các chứng bệnh tâm thần đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, tỉ lệ mắc phải 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến nhất nước ta vào năm 2014 chiếm khoảng 14,25. Trong đó riêng tình trạng rối loạn trầm cảm đã chiếm đến 2,45%. Vào năm 2015, tỉ lệ tự sát vì sự ảnh hưởng của sức khỏe tâm thần chiếm đến 5,87% trên tổng số 100.000 dân.
Hiện nay, văn phòng WHO tại nước ta cũng đang cố gắng hỗ trợ Bộ Y tế phát triển tốt về mô hình lồng ghép sức khỏe tâm thần vào mục sức khỏe nói chung, tập trung chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc có thể sớm phát hiện và áp dụng đúng các biện pháp chăm sóc tốt cho người bệnh sẽ góp phần tích cực trong quá trình cải thiện sức khỏe cho những bệnh nhân tâm thần.
Dưới đây là một số cách giúp bạn có thể chăm sóc tốt cho người bệnh tâm thần:
1. Tìm hiểu thông tin về bệnh tâm thần
Có rất nhiều loại bệnh tâm thần khác nhau, mỗi loại sẽ có các đặc trưng riêng biệt. Vì thế, để chăm sóc tốt cho người thân điều đầu tiên bạn cần phải thực hiện đó chính là tìm hiểu rõ thông tin về căn bệnh mà họ đang mắc phải.
Các chứng bệnh tâm thần thường được biểu hiện đặc trưng bởi sự bất ổn về hành vi, nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng bất thường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống hàng ngày.
Một số người bệnh nặng còn có nhiều nguy cơ không thể tự chăm sóc cho bản thân. Hầu hết các công việc hàng ngày, kể cả việc vệ sinh cá nhân họ cũng cần phải có người giúp đỡ và hỗ trợ. Do đó, cần phải nắm rõ thông tin về bệnh lý và biết rõ về tình trạng, các triệu chứng hiện có của người bệnh để có thể hỗ trợ họ tốt hơn.
Người chăm sóc có thể tham khảo các thông tin trên báo đài, các trang mạng, sách vở hoặc trao đổi trực tiếp với bác sĩ. Việc có thể trò chuyện và tìm hiểu thông tin từ chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý của đối tượng cần được chăm sóc. Đồng thời bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cho bạn một số cách hỗ trợ phù hợp.
2. Tôn trọng và lắng nghe người bệnh
Những bệnh nhân tâm thần đôi lúc sẽ có những hành động, cảm xúc, suy nghĩ, lời nói bất thường. Thậm chí có nhiều trường hợp trở nên mất nhận thức, suy giảm khả năng ngôn ngữ, tư duy. Tuy vậy họ vẫn có thể đủ ý thức để nhận biết được phản ứng và thái độ của người khác dành cho mình. Vì thế, khi chăm sóc bệnh nhân tâm thần bạn cần phải giữ thái độ tôn trọng họ.
Mặt khác, thái độ coi thường, dè bỉu của những người xung quanh đôi lúc có thể khiến cho các triệu chứng tâm thần càng trở nên nghiêm trọng hơn. Họ có thể xuất hiện các hoang tưởng, ảo giác hoặc thực hiện các hành vi chống đối, tự tách biệt, thu mình lại với xã hội.
Song song với sự tôn trọng thì lắng nghe cũng là một biện pháp chăm sóc tốt dành cho các đối tượng đang mắc bệnh tâm thần. Những người thân trong gia đình nên dành nhiều thời gian bên cạnh và quan tâm bệnh nhân nhiều hơn. Hãy trò chuyện, chia sẻ và lắng nghe những suy nghĩ, tâm tư của họ để giúp họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu và ổn định trạng thái tâm lý tốt hơn.
Tuy nhiên, gia đình cũng chỉ nên dành sự quan tâm đúng mực, đừng thể hiện thái quá sự lo lắng, phục vụ đối với người bệnh. Cũng bởi nếu thể hiện quá mức sẽ khiến cho bệnh nhân bị ám thị và nghĩ rằng mình đang mắc phải một chứng bệnh nghiêm trọng. Bên cạnh đó, điều này cũng có thể khiến cho bệnh nhân dần mất đi động lực để chống lại với bệnh tật, không còn nhiều khả năng chủ động trong đời sống.
3. Theo dõi và hỗ trợ quá trình dùng thuốc của người bệnh
Thông thường, đối với các bệnh nhân tâm thần ở giai đoạn vừa và nặng sẽ được chỉ định sử dụng thuốc để hỗ trợ kiểm soát tốt các triệu chứng bất thường. Vì thế, những người thân bên cạnh cũng nên chú ý quan tâm và hỗ trợ tốt cho người bệnh sử dụng thuốc đúng cách.
Đối với các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân dần mất đi ý thức hoặc liên tục có ý định, hành vi muốn tự sát thì người chăm sóc nên quản lý và theo dõi chặt chẽ quá trình sử dụng thuốc của họ. Đảm bảo người bệnh sử dụng thuốc đúng theo liều lượng, quy định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc đột ngột sẽ làm gia tăng nguy cơ tái phát bệnh nghiêm trọng hơn.
Các loại thuốc hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh tâm thần thường có nhiều nguy cơ gây ra tác dụng phụ. Do đó, người nhà cũng cần chú ý quan sát để kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường của bệnh nhân. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất ổn thì nên thông báo ngay với bác sĩ điều trị để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
4. Khuyến khích và đồng hành cùng người bệnh làm việc, vui chơi lành mạnh
Người bệnh tâm thần có nhiều xu hướng muốn sống tách biệt, thu mình và không còn nhiều hứng thú đối với các hoạt động xảy ra xung quanh. Do đó, cách tốt nhất để họ mau chóng thoát khỏi trạng thái này đó chính là khuyến khích và đồng hành cùng họ thực hiện các công việc hàng ngày.
Khi mới bắt đầu bạn có thể đưa ra yêu cầu làm việc nhà, xếp quần áo, lau nhà, giặt đồ, nấu nướng, chăm sóc cây cảnh,..Khi nhận thấy trạng thái tâm lý của họ đã ổn định hơn bạn hãy tiến tới các hoạt động ngoài trời như chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh.
Có thể lúc đầu người bệnh sẽ không hợp tác tốt hoặc thực hiện một cách vụng về, lúng túng. Do đó, bạn hãy cùng đồng hành và kiên trì cố gắng cùng họ, tuyệt đối không tỏ thái độ thất vọng hay sử dụng những lời nói trách móc, chê bai. Sự khích lệ, động viên của những người thân bên cạnh cũng chính là động lực to lớn giúp người bệnh có thể cố gắng nhiều hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
5. Cho người bệnh tái khám định kỳ
Việc tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp người bệnh theo dõi và kịp thời phát hiện được các triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị, nhờ đó có thể ngăn chặn tốt các nguy cơ và hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra. Trong thời gian cải thiện, người bệnh vẫn chưa hoàn toàn ổn định về mặt tâm lý thì cần phải tiến hành tái khám 2 đến 3 lần mỗi tuần hoặc 1 lần/ tháng.
Khi tiến hành tái khám, người bệnh cần phải đem theo đầy đủ hồ sơ bệnh lý và những tài liệu có liên quan đến bệnh. Đồng thời cần khai báo và chia sẻ cụ thể về tình trạng bệnh qua các giai đoạn và các phản ứng trong quá trình sử dụng thuốc để bác sĩ tiếp tục cân nhắc về những biện pháp điều trị duy trì.
Tuy nhiên, đa số những người bệnh tâm thần đều không muốn đối diện với quá trình thăm khám, điều trị bệnh. Do đó, họ thường có xu hướng nói rằng bệnh tình của mình đã thuyên giảm và không cần phải tái khám. Lúc này những người thân bên cạnh nên động viên, khuyến khích và đưa họ đến gặp bác sĩ để được đánh giá tình trạng sức khỏe chính xác. Ngay cả khi người bệnh đã phục hồi tốt cũng cần phải tái khám đúng hẹn để chuyên gia xem xét và đánh giá tình trạng sức khỏe, giúp điều trị tận gốc các triệu chứng bệnh.
Phòng ngừa bệnh tâm thần tái phát thế nào?
Điều trị các bệnh tâm thần cần phải kiên trì trong một khoảng thời gian dài. Người bệnh phải đối diện với rất nhiều khó khăn và cản trở để có thể tái hòa nhập tốt với cộng đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì một số bệnh tâm thần sau khi được điều trị thành công vẫn có nhiều nguy cơ tái phát về sau.
Do đó, dù các triệu chứng bệnh đã được kiểm soát, người bệnh đã ổn định được trạng thái tâm lý và hòa nhập tốt với cuộc sống nhưng vẫn cần phải đảm bảo các quy tắc sau để tránh tình trạng tái phát. Nếu có phương pháp dự phòng sớm thì khả năng tái bệnh bệnh sau điều trị sẽ được giảm đi đáng kể.
1. Cần phải tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ
Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ có phác đồ điều trị riêng biệt. Để tránh tình trạng tái phát bệnh nghiêm trọng về sau thì bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo những chỉ định của chuyên gia. Đặc biệt là về thời gian và nguyên tắc sử dụng thuốc, cách chăm sóc tại nhà và thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Người bệnh tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng của thuốc, không được ngưng sử dụng thuốc đột ngột khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Nguyên nhân lớn nhất khiến cho các triệu chứng của bệnh tâm thần dễ tái phát đó chính là người bệnh ngừng sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của chuyên gia.
Cũng bởi có rất nhiều các trường hợp người bệnh khi nhận thấy những triệu chứng tâm thần dần được thuyên giảm và tâm trạng bắt đầu ổn định lại có xu hướng tự ý ngừng sử dụng thuốc sớm hơn liều trình ban đầu. Điều này không chỉ khiến cho tình trạng bệnh không được thuyên giảm mà còn gia tăng nguy cơ tái phát bệnh nặng nề và nghiêm trọng hơn ban đầu.
2. Kiểm tra tâm lý thường xuyên
Các triệu chứng rối loạn tâm thần có thể khởi phát lại bất cứ lúc nào, nhất là khi người bệnh phải đối mặt với các tình huống gây sang chấn, căng thẳng,…Vì thế, sau khi tiến hành điều trị bệnh thành công thì người bệnh cũng nên dành thời gian để đến các trung tâm tâm lý để được kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn, nhằm phòng tránh và kịp thời ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Bên cạnh đó, trị liệu tâm lý cũng là một trong các biện pháp hữu hiệu và an toàn giúp loại bỏ tốt các căng thẳng, mệt mỏi, áp lực trong cuộc sống, giúp bạn nâng cao kỹ năng ứng phó với các tình huống khó khăn xảy ra trong đời sống hàng ngày. Đối với một số người bệnh tâm thần ở mức độ nặng đôi khi phải duy trì việc trị liệu tâm lý cả đời.
3. Tránh căng thẳng, stress kéo dài
Sau khi quay lại nhịp sống bình thường, chắc hẳn những bệnh nhân tâm thần sẽ đối mặt với không ít các khó khăn, cản trở. Áp lực từ việc học tập, công việc, gia đình, các mối quan hệ đôi lúc sẽ khiến họ cảm thấy stress và mệt mỏi. Tuy nhiên, ngay khi nhận thấy sự bất ổn trong tâm trí bạn cần phải tìm cách thư giãn và giải tỏa chúng ngay lập tức.
Nếu cảm thấy căng thẳng, buồn chán thì bạn có thể gặp gỡ bạn bè, trò chuyện cùng người thân. Hoặc đơn giản là áp dụng các liệu pháp thư giãn hiệu quả như nghe nhạc, đọc sách, xem phim, yoga, thiền định,…Các chuyên gia sức khỏe tâm thần thường hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp để những bệnh nhân tâm thần có thể lựa chọn được công việc phù hợp với sở thích và sức khỏe, nhằm phòng tránh các nguy cơ tác động khiến cho bệnh tình dễ tái phát.
4. Tránh sử dụng rượu bia, các chất kích thích
Rượu bia, các chất kích thích là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh và khiến cho bệnh dễ tái phát nghiêm trọng về sau. Do đó, ngay cả khi bệnh tình đã được kiểm soát và điều trị tốt thì người bệnh cũng không nên sử dụng chúng. Cũng bởi các chất này sẽ tác động tiêu cực đến hệ thần kinh, làm ảnh hưởng đến những hoạt động của não bộ và kích thích các triệu chứng của bệnh tâm thần.
Khi sử dụng rượu bia, tâm trạng của bạn sẽ bị kích thích, mất kiểm soát, cơ thể như đang lơ lửng, rất dễ hình thành các suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Vì thế, thay vì sử dụng rượu bia, thuốc lá thì người bệnh nên ưu tiên bổ sung các loại nước trái cây, nước ép rau củ để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
5. Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
Để chăm sóc và phòng ngừa bệnh tâm thần tái phát thì bạn không thể bỏ qua chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh cần phải chú ý thiết lập một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học. Ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất có lợi cho não bộ. Đồng thời hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, các thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.
Sau quá trình điều trị cũng nên duy trì và rèn luyện thói quen tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày. Khi cơ thể được vận động đúng cách không chỉ giúp cho sức đề kháng được nâng cao mà còn hỗ trợ bảo vệ tốt cho sức khỏe tinh thần. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc tập luyện thể thao thường xuyên sẽ giúp sản sinh ra nhiều loại hormone hạnh phúc, giúp tâm trạng được thoải mái và vui vẻ hơn.
6. Sự hỗ trợ của gia đình và xã hội
Để giúp cho người bệnh tâm thần phòng ngừa tốt tình trạng tái phát thì không thể thiếu được sự chăm sóc của gia đình và xã hội. Các thành viên trong gia đình cần dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ người bệnh mau chóng quay lại cuộc sống bình thường. Gia đình cũng chính là nguồn động viên tinh thần lớn nhất của mỗi người bệnh, giúp họ có thêm nhiều động lực để phấn đấu và nỗ lực.
Bên cạnh đó, xã hội cũng là một trong các yếu tố góp phần quyết định đến sức khỏe và đời sống của người bệnh tâm thần sau khi đã điều trị thành công. Bạn nên hiểu rằng các bệnh rối loạn tâm thần không lây nhiễm. Khi người bệnh đã được ổn định và kiểm soát tâm trí thì vẫn có thể quay về với nhịp sống bình thường và sinh hoạt tốt. Vì thế đừng nên dùng thái độ dò xét hay ánh mắt kỳ thị, xa lánh đối với họ.
Hi vọng qua thông tin của bài viết trên đây bạn đọc sẽ biết được cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh tâm thần tái phát. Gia đình và những người thân bên cạnh cần phải quan tâm, chú ý quan sát để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường và tiến hành thăm khám để ngăn chặn kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Cách Chăm Sóc Bệnh Nhân Tâm Thần Phân Liệt Tại Nhà
- Bệnh Tâm Thần Phân Liệt Có Chữa Được Không?
- Thuốc Chống Loạn Thần: Cơ Chế Và Tác Dụng Phụ Cần Lưu Ý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!