Cách chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt tại nhà

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Ngoài ra, chăm sóc đúng cách cũng giúp người bệnh phục hồi chức năng tâm lý xã hội và có thể sống độc lập, không phụ thuộc vào gia đình.

chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt
Gia đình cần lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt hợp lý để quản lý bệnh thành công

Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt tại nhà

Tâm thần phân liệt là một dạng rối loạn tâm thần mãn tính có mức độ nặng. Tỷ lệ dân số mắc chứng bệnh này chiếm khoảng 1% và ở nước ta có khoảng 700.000 bệnh nhân. Tâm thần phân liệt gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và cuộc sống của chính người bệnh, đồng thời gián tiếp tác động đến gia đình và xã hội.

Người mắc chứng bệnh này phải đối mặt với nhiều triệu chứng tâm thần, thể chất và đôi khi mất đi khả năng nhận thức. Chính vì vậy, gia đình cần phải có những hiểu biết nhất định để chăm sóc và hỗ trợ người bệnh trong quá trình điều trị.

Tâm thần phân liệt là bệnh tâm thần phức tạp với cơ chế bệnh sinh và căn nguyên có nhiều điểm chưa rõ ràng. Người mắc chứng bệnh này có thể phải sống chung với bệnh suốt đời nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ những người thân trong gia đình.

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt không quá phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên nếu không có hiểu biết, người thân có thể vô tình làm tổn thương bệnh nhân và khiến cho tình trạng nghiêm trọng dần theo thời gian. Khi bác sĩ thông báo người nhà bị tâm thần phân liệt, phản ứng chung của tất cả mọi người là hoang mang, lo lắng và có đôi chút sợ hãi. Một số thành viên trong gia đình có thể phải trị liệu tâm lý để nâng đỡ tinh thần và chấp nhận việc người thân của mình mắc bệnh tâm thần.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nếu đang băn khoăn trong việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt, những thông tin hữu ích sau sẽ giúp người nhà dễ dàng hơn trong vấn đề này:

1. Nâng cao hiểu biết về bệnh tâm thần phân biệt

Trên thực tế, hiểu biết của cộng đồng về các rối loạn tâm thần nói chung và tâm thần phân liệt nói riêng còn khá hạn chế. Do đó, việc đầu tiên cần làm là trang bị kiến thức về bệnh lý này. Tâm thần phân liệt là bệnh tâm thần có mức độ nặng, tiến triển mãn tính và nguyên nhân thường do di truyền. Ngoài ra, những ảnh hưởng từ môi trường và tâm lý xã hội cũng góp phần vào cơ chế bệnh sinh.

Người bị tâm thần phân liệt sẽ giảm khả năng nhận thức, có những hành vi kỳ dị và rối loạn tư duy. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng âm tính (giảm/ mất cảm xúc và các chức năng bình thường) và dương tính (biến đổi các chức năng thông thường).

Chứng bệnh này khiến người bệnh không thể suy nghĩ một cách rõ ràng, ngôn ngữ nghèo nàn, ít cảm xúc, không có mối liên hệ chặt chẽ với những người xung quanh, kích động, trí nhớ giảm,… Khi có những hiểu biết nhất định về tâm thần phân liệt, gia đình sẽ thấu hiểu tâm lý và biết được vì sao người bệnh có những hành vi, cảm xúc kỳ lạ.

kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt
Bác sĩ sẽ hỗ trợ gia đình trang bị những kiến thức cần thiết trước khi cho bệnh nhân xuất viện

Trước khi cho bệnh nhân xuất viện, bác sĩ sẽ trao đổi để người nhà hiểu rõ hơn về bệnh lý này và có cái nhìn đúng đắn hơn về các rối loạn tâm thần. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ giúp gia đình hiểu rõ, chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt không chỉ bao gồm sử dụng thuốc mà phải có thái độ, cách ứng xử phù hợp để người bệnh phục hồi các chức năng tâm lý xã hội.

Việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt sẽ gây ra những căng thẳng, mệt mỏi đáng kể. Chính vì vậy, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn người nhà một số biện pháp thư giãn để biết cách quản lý cảm xúc và giải tỏa stress lành mạnh.

2. Động viên và quan tâm đúng mực đến người bệnh

Có thể nói, thái độ của gia đình chính là yếu tố quan trọng nhất khi chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt. Người thân trong gia đình cần phải thấu hiểu và động viên để bệnh nhân có động lực trong quá trình điều trị. Ngoài ra, nên cảm thông với những khó khăn, phiền toái người bệnh phải đối mặt như không thể tắm rửa, vệ sinh cá nhân, chán ăn, bỏ ăn, ít biểu lộ cảm xúc,…

Tuyệt đối không thể thể hiện thái độ xa lánh, chì chiết và trách móc người bệnh. Cách ứng xử này của gia đình khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và có thể thôi thúc ý nghĩ, hành vi tự sát. Bên cạnh đó, nên giữ cho không khí gia đình luôn vui vẻ, thoải mái và hạn chế tối đa những yếu tố làm nghiêm trọng tình trạng bệnh như căng thẳng, xung đột, cãi vã,…

kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt
Gia đình nên động viên và quan tâm để người bệnh có động lực vượt qua bệnh tật

Khi chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt, nhiều người quan tâm và phục vụ thái quá khiến người bệnh bị ám thị và cho rằng bản thân đang mắc phải bệnh lý nghiêm trọng. Hơn nữa, điều này cũng khiến cho người bệnh mất đi động lực để vượt qua bệnh tật và khó có thể chủ động trong cuộc sống. Do đó, gia đình chỉ nên quan tâm đúng mực, đồng thời động viên và khích lệ người bệnh thực hiện một số công việc trong khả năng.

3. Giữ thái độ tôn trọng với bệnh nhân

Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường giảm khả năng nhận thức và tư duy, ngôn ngữ thiếu tổ chức. Do đó, nhiều người xem người bệnh như một đứa trẻ và thiếu tôn trọng trong lời nói, hành vi. Mặc dù sức khỏe tâm thần bị suy giảm nhưng người bệnh vẫn ý thức được thái độ của mọi người đối với bản thân. Nếu những người xung quanh có thái độ coi thường và thiếu tôn trọng, bệnh nhân có thể xuất hiện các ảo giác, hoang tưởng với nội dung bị lừa gạt, tra tấn và có xu hướng sống thu mình, tách biệt.

Thái độ thiếu tôn trọng và xa lánh từ gia đình khiến cho các triệu chứng của người bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Ngay cả khi điều trị tích cực, bệnh nhân cũng sẽ gặp khó khăn trong việc phục hồi nếu gia đình có thái độ không phù hợp. Trong trường hợp xấu nhất, người bệnh có thể mắc phải các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu, trầm cảm, các rối loạn tâm thần do hội chứng nghiện và hình thành ý nghĩ, hành vi tự sát.

Ngoài ra, gia đình cũng cần báo trước với những người thân khác trong dòng họ khi đến thăm bệnh nhân để có lời nói và cách ứng xử phù hợp. Người mắc chứng tâm thần phân liệt chịu tác động rất mạnh từ các yếu tố tâm lý – xã hội. Do đó, gia đình cần kiểm soát chặt chẽ những tác động về mặt tâm lý để người bệnh nhanh chóng ổn định tinh thần và nhanh chóng phục hồi các chức năng tâm lý xã hội.

4. Theo dõi các triệu chứng của người bệnh

Tâm thần phân liệt là bệnh tâm thần mãn tính, tiến triển lâu dài và triệu chứng có sự thay đổi theo từng giai đoạn. Chính vì vậy khi chăm sóc bệnh nhân, gia đình cần phải theo dõi chặt chẽ các triệu chứng. Khi người bệnh xuất viện, cần ghi lại những triệu chứng hiện có. Sau đó, so sánh mức độ của triệu chứng theo từng mốc thời gian (nên so sánh, đối chiếu lại sau vài tuần) để đánh giá mức độ đáp ứng với điều trị.

kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt
Nên ghi chép lại các triệu chứng mà người bệnh gặp phải để bác sĩ dễ dàng đánh giá mức độ đáp ứng với điều trị

Đặc biệt, gia đình cần quan tâm nếu người bệnh có các triệu chứng mới hoặc có những chuyển biến tích cực như có khả năng tự chăm sóc bản thân, thực hiện các công việc đơn giản, giao tiếp thường xuyên hơn, ngôn ngữ đa dạng, linh hoạt,… Theo dõi và ghi chép lại triệu chứng có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý bệnh tâm thần phân liệt.

Khi tái khám, người nhà nên mang theo sổ tay ghi chép để bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe và mức độ đáp ứng với các phương pháp điều trị. Điều này sẽ giúp bác sĩ kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị và có những can thiệp đúng đắn nếu nhận thấy bệnh tình chuyển biến xấu.

5. Hỗ trợ bệnh nhân sử dụng thuốc

Bệnh nhân tâm thần phân liệt phải sử dụng thuốc hằng ngày để duy trì sự ổn định bệnh và ngăn ngừa tình trạng tái phát. Do đó, gia đình cần hỗ trợ bệnh nhân sử dụng thuốc, đảm bảo người bệnh dùng đúng liều lượng, loại thuốc và tần suất sử dụng.

kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt
Nên hỗ trợ người bệnh trong việc sử dụng thuốc và cần đảm bảo bệnh nhân dùng thuốc đều đặn

Thuốc chống loạn thần là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị tâm thần phân liệt. Mặc dù mang lại hiệu quả cao nhưng thuốc cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, người thân cũng nên chú ý đến những biểu hiện bất thường trong quá trình điều trị để kịp thời phát hiện và xử trí tác dụng ngoại ý.

6. Khuyến khích người bệnh làm việc, vui chơi

Trong thời gian đầu, những thành viên trong gia đình cần tạo điều kiện và hỗ trợ người bệnh thực hiện các hoạt động thường ngày như dọn dẹp vệ sinh, giặt giũ, nấu nướng, sắp xếp đồ dùng cá nhân,… Khi tình trạng đã thuyên giảm, gia đình nên khuyến khích người bệnh trò chuyện với người thân, bạn bè và tham gia các hoạt động vui chơi (thể thao, ca nhạc).

Ngoài ra, nên hướng dẫn người bệnh thực hiện một số công việc đơn giản như vệ sinh cá nhân, tắm giặt, quét dọn nhà cửa, nấu nướng,… Ban đầu, người bệnh sẽ gặp lúng túng khi thực hiện nên gia đình cần động viên và bày tỏ sự thấu cảm. Tránh tuyệt đối tình trạng trách móc hay chì chiết người bệnh. Sự khích lệ của gia đình sẽ giúp bệnh nhân có động lực để hoàn thành các công việc thường ngày – đây là bước đầu trong quá trình phục hồi các chức năng tâm lý xã hội nhằm ổn định cuộc sống lâu dài.

Khi chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt, người nhà cũng cần tránh tâm lý nóng vội bắt bệnh nhân làm những việc quá khả năng. Người mắc chứng bệnh này gặp nhiều khó khăn về mặt tư duy, nhận thức nên không thể hoàn thành mọi việc dễ dàng như người khỏe mạnh. Vì vậy, gia đình chỉ nên khuyến khích bệnh nhân làm những việc trong khả năng và cần hướng dẫn tận tình, an ủi, động viên để người bệnh tránh tâm lý xấu hổ, e ngại.

7. Cho bệnh nhân nhập viện kịp thời

Tâm thần phân liệt là bệnh mãn tính và triệu chứng có sự khác biệt ở từng giai đoạn. Do đó vào một số thời điểm, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện bất thường với mức độ nghiêm trọng. Gia đình cần nhận biết sớm các triệu chứng này để kịp thời cho bệnh nhân nhập viện điều trị.

kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt
Gia đình nên cho bệnh nhân nhập viện ngay khi có các triệu chứng bất thường như không ăn uống, hoảng loạn, sợ hãi,…

Nên cho bệnh nhân nhập viện khi có các triệu chứng sau:

  • Thu mình, sống tách biệt với mọi người
  • Không ăn uống và không trả lời những người xung quanh
  • Nói liên tục, có những hành vi kích động và cảm xúc quá khích
  • Sợ hãi, hoảng loạn quá mức
  • Có ý định gây thương tích cho chính bản thân hoặc những người xung quanh
  • Lên kế hoạch tự sát

Nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt cố ý giấu thuốc vì hoang tưởng đây là thuốc độc. Tình trạng này khiến cho bệnh tình chuyển biến nặng và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Vì vậy, gia đình cần quản lý thuốc chặt chẽ và phải đảm bảo bệnh nhân đã uống thuốc đầy đủ. Nếu cần thiết, nên theo dõi trong suốt 1 – 2 giờ kể từ thời điểm dùng thuốc để tránh tình trạng tự gây nôn.

8. Tái khám định kỳ để theo dõi bệnh

Khi chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt, gia đình nên tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ. Trong giai đoạn chưa ổn định, bệnh nhân cần tái khám 2 – 3 tuần hoặc 1 tháng/ lần, sau đó có thể khám định kỳ 3 – 6 tháng/ lần. Khi tái khám, cần mang theo đầy đủ hồ sơ bệnh án và những tài liệu có liên quan.

Một số bệnh nhân có hoang tưởng bị truy hại, theo dõi nên cố tình nói với gia đình bản thân hoàn toàn khỏe và không có biểu hiện bệnh nên không cần tái khám. Tuy nhiên, gia đình không nên nghe theo lời người bệnh. Thay vào đó, nên động viên và khích lệ bệnh nhân đến gặp bác sĩ để được đánh giá tình trạng sức khỏe. Trong trường hợp cần thiết, có thể cưỡng chế nếu người bệnh có những hành vi chống đối và đe dọa người thân trong gia đình.

9. Nắm rõ những điều không nên làm với bệnh nhân

Khi chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt, gia đình cần nắm rõ những điều không nên làm với người bệnh như:

  • Tuyệt đối không đưa người bệnh đến các thầy cúng vì đây là bệnh lý, hoàn toàn không phải do ma quỷ hay các thế lực siêu nhiên gây ra.
  • Bệnh nhân sẽ có những quan niệm, suy nghĩ sai lệch hoàn toàn do hoang tưởng, ảo giác và ảo thanh. Gia đình không nên tranh luận vì điều này không mang lại hiệu quả, ngược lại còn khiến người bệnh kích động và căng thẳng. Các ý nghĩ vô lý này sẽ thuyên giảm ngay sau khi bệnh nhân sử dụng thuốc.
  • Không tự ý ngưng thuốc và điều chỉnh liều lượng mà không có chỉ định của bác sĩ.
  • Khi bệnh nhân có biểu hiện kích động và hung hăng, nên trò chuyện nhẹ nhàng để người bệnh chấp nhận uống thuốc. Nếu cần thiết, có thể cưỡng chế bệnh nhân đến bệnh viện. Tuyệt đối không nhốt hoặc trói người bệnh.
  • Không tỏ thái độ coi thường, thiếu tôn trọng với bệnh nhân. Gia đình cũng nên trao đổi với người thân trong dòng họ và hàng xóm để mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về bệnh tâm thần phân biệt. Qua đó điều chỉnh thái độ và cách ứng xử phù hợp hơn.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt tại nhà có vai trò quan trọng không kém so với các phương pháp y tế. Nếu chăm sóc đúng cách, các triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt, bệnh nhân có thể hồi phục chức năng tâm lý xã hội và chủ động hơn trong cuộc sống.

Tham khảo thêm:

4.9/5 - (89 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *