Hội chứng rối loạn nhai lại là do đâu? Khắc phục thế nào?
Rối loạn nhai lại là tình trạng ợ thức ăn một cách vô thức, sau đó có thể nhai và nuốt lại thức ăn hoặc nhổ ra. Nguyên nhân gây bệnh còn nhiều điểm chưa rõ ràng nhưng được cho là có liên quan đến các vấn đề tâm thần và khiếm khuyết trong quá trình phát triển. Hiện tại, hội chứng này được điều trị chủ yếu bằng liệu pháp hành vi.
Rối loạn nhai lại là gì?
Rối loạn nhai lại (Tiếng Anh: Rumination Disorder) là một dạng rối loạn ăn uống ít gặp. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng bệnh nhân ợ thức ăn sau khi ăn, sau đó thức ăn có thể được nhai và nuốt lại hoặc nhổ ra. Rối loạn nhai lại thường bị nhầm lẫn với trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, hội chứng này không đi kèm với cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
Tình trạng ợ và nhai lại thức ăn diễn ra trong vô thức mà bản thân người bệnh cũng không thể nào kiểm soát. Rối loạn nhai lại thường có liên quan đến các rối loạn tâm thần nào đó và hay xảy ra ở những trẻ có khiếm khuyết trong quá trình phát triển. Tương tự như các rối loạn ăn uống khác, stress có thể làm gia tăng mức độ triệu chứng của hội chứng này.
Hiện tượng ợ và nhai lại thức ăn do rối loạn nhai lại thường xuất hiện trong khoảng 10 phút sau khi ăn. Chính vì vậy, thức ăn sau khi ợ lên thường không có vị chua do chưa lẫn với axit dạ dày. Trong khi đó nếu có liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản, thức ăn ợ lên thường có vị chua, đắng và đi kèm với cảm giác buồn nôn.
Hội chứng rối loạn nhai lại có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến trẻ em. Người mắc chứng bệnh này có thể nhận thức được hành vi ợ và nhai lại thức ăn là bất thường (chủ yếu là thanh thiếu niên và người lớn). Khi ý thức được điều này, bệnh nhân sẽ cố ý che giấu bằng cách đặt tay lên miệng hoặc né tránh ăn cùng với mọi người.
Rối loạn nhai lại không quá nguy hiểm như chán ăn tâm thần và rối loạn ăn uống vô độ. Tuy nhiên, về lâu dài chứng bệnh này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và tâm thần. Chính vì vậy, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị sớm.
Nhận biết hội chứng rối loạn nhai lại
Hội chứng rối loạn nhai lại đặc trưng bởi tình trạng ợ thức ăn, sau đó nhai và nuốt lại hoặc nhổ ra. Tình trạng này diễn ra rất thường xuyên, đa số là xảy ra hằng ngày và sau hầu như tất cả các bữa ăn. Do khả năng nhận thức khác nhau nên trẻ thường nuốt lại thức ăn, trong khi người lớn thường nhổ bỏ thức ăn bị ợ lên.
Các triệu chứng nhận biết hội chứng rối loạn nhai lại:
- Ợ và nhai lại thức ăn xảy ra trong vòng 30 – 120 phút sau khi ăn. Tuy nhiên, đa số đều xảy ra tình trạng này trong 10 phút kể từ khi nuốt thức ăn lần đầu tiên.
- Khó tiêu, ợ hơi
- Hơi thở hôi do nôn trớ thức ăn thường xuyên
- Khô miệng, khô môi
- Sâu răng
- Sụt cân
Các triệu chứng của rối loạn nhai lại rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa như đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản,… Trong lần chẩn đoán đầu tiên, đa số bệnh nhân đều bị chẩn đoán sai. Chỉ khi điều trị không mang lại hiệu quả, các bác sĩ mới xem xét khả năng mắc hội chứng rối loạn nhai lại.
Nguyên nhân gây ra hội chứng rối loạn nhai lại
Nguyên nhân gây rối loạn ăn uống nói chung và rối loạn nhai lại nói riêng đều chưa được biết rõ. Tuy nhiên, hội chứng này không có liên quan đến bất thường ở thực quản và dạ dày mà bắt nguồn từ những vấn đề tâm thần. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy, rối loạn nhai lại có liên quan đến những yếu tố sau:
- Có các khiếm khuyết trong quá trình phát triển như tự kỷ, chậm phát triển,…
- Bị stress, sang chấn tâm lý nặng
- Vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lớn
- Người có các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,… sẽ có nguy cơ mắc hội chứng rối loạn nhai lại cao hơn so với bình thường
Hội chứng rối loạn nhai lại có nguy hiểm không?
Các rối loạn ăn uống nói chung và hội chứng rối loạn nhai lại nói riêng không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất. Chính vì vậy, hội chứng này cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mặc dù nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng nhưng may mắn thay, các chuyên gia đã tìm ra các giải pháp khắc phục và điều trị hội chứng này.
Mức độ ảnh hưởng của rối loạn nhai lại có sự khác biệt ở từng độ tuổi. Trẻ nhỏ chưa ý thức được hành vi của bản thân là bất thường nên trẻ có thể vô tư ăn uống và nhai lại thức ăn bị nôn trớ. Tuy nhiên, thanh thiếu niên và người trưởng thành đều ý thức được hành vi ăn uống bất thường của bản thân. Để che giấu hành vi của mình, bệnh nhân thường ăn rất ít và ngại ăn cùng với mọi người.
Rối loạn nhai lại không được điều trị sẽ dẫn đến sụt cân và suy dinh dưỡng. Vì vẫn có thể dung nạp thức ăn nên người bệnh không giảm cân đột ngột như những người bị chán ăn tâm thần. Tuy nhiên, hiện tượng nôn trớ xảy ra thường xuyên sẽ kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe thể chất như hôi miệng, mòn men răng, sâu răng, viêm loét thực quản, đau họng,…
Tình trạng ợ thức ăn không thể kiểm soát khiến người bệnh rất ngại ăn uống cùng với người khác. Hơn nữa, khi ý thức được hành vi ăn uống bất thường của bản thân, không ít người hình thành tâm lý thiếu tự tin, mặc cảm. Ngoài những ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, rối loạn nhai lại không được điều trị sẽ khiến người bệnh bị stress, rối loạn lo âu, trầm cảm và có khuynh hướng tự cô lập bản thân.
Rối loạn nhai lại gây ra sự bức bối về mặt tinh thần và có thể gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn ăn uống như chứng chán ăn tâm thần, rối loạn ăn uống vô độ và chứng ăn ói. Trước những ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hội chứng này cần được chẩn đoán và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Chẩn đoán hội chứng rối loạn nhai lại
Hội chứng rối loạn nhai lại dễ bị nhầm lẫn với trào ngược dạ dày thực quản và một số vấn đề tiêu hóa. Để chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ thường yêu cầu khám sức khỏe tổng quát, hỏi bệnh và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng.
Hiện tại, rối loạn nhai lại đã được công nhận là rối loạn ăn uống chính thức trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Do đó, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán được đề cập trong DSM-5 để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Các kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán rối loạn nhai lại:
- Khám sức khỏe tổng quát
- Nội soi thực quản – dạ dày
- Xét nghiệm máu, nước tiểu
Sau khi đã thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-5 để đưa ra chẩn đoán chính thức. Hội chứng rối loạn nhai lại được chẩn đoán khi đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:
- Tình trạng nôn trớ thức ăn lặp đi lặp lại trong ít nhất 30 ngày. Thức ăn sau khi nôn có thể được nhai và nuốt lại hoặc nhổ ra.
- Tình trạng ợ thức ăn thường xảy ra sau khoảng 10 phút kể từ lần nuốt thức ăn đầu tiên.
- Các triệu chứng không có liên quan đến các rối loạn ăn uống khác như rối loạn ăn uống vô độ, chứng ăn ói, chán ăn tâm thần,…
- Không liên quan đến các vấn đề tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, hẹp môn vị, polyp/ ung thư thực quản,…
- Nếu xảy ra với các rối loạn tâm thần như thiểu năng trí tuệ và tự kỷ, tình trạng nôn trớ thức ăn phải đủ nghiêm trọng để can thiệp các phương pháp điều trị y tế.
Các phương pháp điều trị hội chứng rối loạn nhai lại
Hội chứng rối loạn nhai lại cần được điều trị sớm để ngăn chặn kịp thời những hậu quả và biến chứng nghiêm trọng. Mặc dù nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng điều trị có thể kiểm soát các hành vi ăn uống bất thường. Trên thực tế, bác sĩ sẽ dựa vào độ tuổi và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân để lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp.
Các phương pháp được xem xét trong quá trình điều trị hội chứng rối loạn nhai lại:
1. Liệu pháp hành vi
Liệu pháp hành vi là phương pháp chính đối với hội chứng rối loạn nhai lại. Phương pháp này được thực hiện nhằm thay đổi hành vi ợ và nhai lại thức ăn. Trong liệu pháp hành vi, chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân kỹ thuật thở bằng cơ hoành để ngăn các cơn co thắt và giảm tần suất nôn trớ sau bữa ăn.
Cơ hoành là cơ có hình vòm nằm bên dưới phổi. Kỹ thuật thở bằng cơ hoành sẽ giúp thư giãn cơ, từ đó làm giảm co thắt ở dạ dày, thực quản giúp cải thiện tình trạng nôn trớ và nhai lại thức ăn sau các bữa ăn.
Hướng dẫn kỹ thuật thở bằng cơ hoành giúp cải thiện hội chứng rối loạn nhai lại:
- Nằm ngửa, co đầu gối và kê đầu bằng gối mỏng. Sau đó, đặt một tay dưới khung xương sườn và tay còn lại đặt lên ngực để có thể cảm nhận được sự di chuyển của cơ hoành khi thở.
- Hít thở từ từ bằng mũi, sau đó giữ không khí trong lồng ngực nhằm thư giãn cơ hoành. Khi hít vào, vùng bụng phải phình ra.
- Giữ không khí trong khoảng vài giây, sau đó thở ra từ từ bằng miệng. Khi thở ra, bụng sẽ xẹp xuống.
- Lặp đi lặp lại kỹ thuật thở này sẽ giúp thư giãn cơ hoành, từ đó giúp giảm co thắt ở thực quản và cải thiện tình trạng ợ thức ăn hiệu quả.
- Nên thực hiện bài tập này trong 5 – 10 phút và thực hiện khoảng 3 – 4 lần/ ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
Đối với trẻ sơ sinh, chuyên gia sẽ tập trung vào việc thay đổi môi trường và hành vi của bố mẹ để có thể điều chỉnh của hành vi của trẻ. Nhìn chung, liệu pháp hành vi mang lại kết quả khả quan trong việc kiểm soát hội chứng rối loạn nhai lại.
2. Sử dụng thuốc
Tình trạng ợ thức ăn liên tục có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản, mòn men răng, hôi miệng,… Do đó trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một số loại thuốc.
Các loại thuốc được dùng cho bệnh nhân bị rối loạn nhai lại:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Thuốc ức chế bơm proton có tác dụng giảm bài tiết dịch vị dạ dày, từ đó làm giảm tổn thương và ngăn chặn hiện tượng viêm loét thực quản do nôn trớ thức ăn thường xuyên. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm Omeprazole và Esomeprazole.
- Thuốc kháng histamine H2: Thuốc kháng histamine H2 có tác dụng tương tự như thuốc ức chế bơm proton. Những trường hợp không thể dùng PPI sẽ được chỉ định nhóm thuốc này để thay thế. Các loại thuốc kháng histamine H2 được sử dụng phổ biến bao gồm Famotidin, Ranitidin, Cimetidin,…
- Viên uống bổ sung vitamin, khoáng chất: Tình trạng ợ thức ăn thường xuyên có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và sụt cân. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một số viên uống bổ sung khoáng chất và vitamin để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.
Phòng ngừa rối loạn nhai lại tái phát
Rối loạn nhai lại có thể được kiểm soát bằng liệu pháp hành vi. Tuy nhiên, hội chứng này có thể tái phát nếu bị căng thẳng quá mức. Do đó, ngoài các biện pháp y tế, bệnh nhân cần có các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa hợp lý.
Các biện pháp phòng ngừa rối loạn nhai lại tái phát:
- Stress là yếu tố kích thích rối loạn nhai lại bùng phát trở lại. Chính vì vậy, cần hạn chế căng thẳng trong công việc và học tập.
- Trang bị các biện pháp thư giãn để giải tỏa căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực. Tùy theo độ tuổi, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp thư giãn như tập yoga, hít thở sâu, uống trà thảo mộc, liệu pháp mùi hương, xoa bóp bấm huyệt, vẽ tranh, đọc sách, nghe nhạc,…
- Rối loạn nhai lại sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất và sụt cân. Do đó, sau khi điều trị, cần xây dựng chế độ ăn cân bằng để phục hồi sức khỏe.
- Rối loạn nhai lại không liên quan đến rối loạn cơ năng và thực thể ở thực quản, dạ dày, đường ruột. Tuy nhiên, tình trạng nôn trớ xảy ra thường xuyên có thể làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Do đó, bệnh nhân cần chủ động bảo vệ đường tiêu hóa bằng cách xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, nên tăng cường rau xanh, trái cây, sữa chua, tinh bột, hạn chế dùng thức ăn khó tiêu hóa, nhiều gia vị và dầu mỡ.
- Một số nghiên cứu cho thấy, nhai kẹo cao su có thể làm giảm triệu chứng của hội chứng rối loạn nhai lại. Vì vậy, bệnh nhân có thể thử cách này để cải thiện tình trạng nôn trớ sau khi ăn.
Rối loạn nhai lại là một dạng rối loạn ăn uống ít gặp. Các triệu chứng của hội chứng này dễ bị nhầm lẫn với trào ngược dạ dày thực quản nên không thể chẩn đoán và tự ý dùng thuốc. Nếu có biểu hiện ợ thức ăn thường xuyên, cần chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Chứng chán ăn do tâm lý
- Hội chứng ăn đêm (NES): Nguyên nhân và Tác hại với sức khỏe
- Hội chứng Pica: chứng thèm ăn các thứ không phải thực phẩm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!