Hội chứng ăn đêm (NES): Nguyên nhân và Tác hại với sức khỏe
Hội chứng ăn đêm (NES) là một dạng rối loạn ăn uống khá phổ biến thường xảy ra cùng với tình trạng gián đoạn giấc ngủ. Người bệnh có xu hướng ăn uống “vô độ” vào sau bữa tối hoặc khi thức dậy giữa đêm. Về lâu dài, NES có thể liên quan đến các biến chứng sức khỏe khác nên cần được can thiệp điều trị kịp thời.
Hội chứng ăn đêm (NES) là gì?
Thỉnh thoảng xuất hiện cảm giác muốn ăn nhẹ vào ban đêm có thể là bình thường. Tuy nhiên đối với một số người thì ăn vặt vào ban đêm có thể sẽ phát triển thành một hành vi lặp đi lặp lại với hậu quả nghiêm trọng. Nếu bạn dường như không thể ngừng ăn vào ban đêm thì bạn đang có nguy cơ cao mắc hội chứng ăn đêm.
Hội chứng ăn đêm (NES – Night Eating Syndrome) là một chứng rối loạn ăn uống xảy ra khá phổ biến. NES được gây ra bởi sự rối loạn điều hòa tiềm ẩn của đồng hồ cơ thể có ảnh hưởng tới sự thèm ăn, nhịp thức – ngủ và mức năng lượng tổng thể. Do đó, nó còn được coi là sự kết hợp của các vấn đề tâm trạng, ăn uống và rối loạn giấc ngủ.
NES đề cập đến tình trạng một người tiêu thụ 25% hoặc nhiều hơn tổng số calo hằng ngày của họ vào ban đêm, có thể vào sau bữa tối hoặc khi thức đêm. NES khiến cho người bệnh thường xuyên thức dậy vào ban đêm để ăn, khoảng vài ba lần trong suốt đêm.
Người bệnh thường cảm thấy rằng mình sẽ không thể ngủ được nếu không ăn. Đồng thời họ dường như không kiểm soát được nhu cầu ăn của mình vào nửa đêm. Những người bị NES có thể cảm thấy chán nản, xấu hổ và tội lỗi về thói quen ăn uống cực đoan của mình.
Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng gần 2% người dân ở Hoa Kỳ nói riêng và khoảng 1.5% dân số thế giới nói chung phát triển hội chứng ăn đêm. Các nghiên cứu còn chỉ ra một số vấn đề sau:
- NES phổ biến hơn ở những người bị béo phì hoặc bệnh nhân tiểu đường. Nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định nhưng nó có thể liên quan đến sự thay đổi quá trình trao đổi chất và giấc ngủ bị xáo trộn.
- NES có thể xảy ra đồng thời với một tình trạng sức khỏe tâm thần khác, thường thấy nhất là bệnh trầm cảm. Nó còn có thể liên quan tới các vấn đề về giấc ngủ hoặc đồng hồ sinh học bị thay đổi.
- NES có liên quan mật thiết với chứng mất ngủ do người bệnh cảm thấy rất đói vào ban đêm, thức dậy giữa đêm hoặc không thể quay trở lại giấc ngủ khi chưa ăn.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ăn đêm
Hội chứng ăn đêm (NES) lần đầu tiên được đề cập đến vào năm 1955 bởi một bác sĩ tâm thần người Mỹ – Albert Stunkard. So với một số dạng rối loạn ăn uống khác thì nghiên cứu về NES vẫn còn hạn chế. Đến nay nguyên nhân của chứng rối loạn này vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, một số yếu tố sau đây có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh:
1. Gián đoạn nhịp sinh học hằng ngày
Theo nghiên cứu, các chuyên gia nhận định, những người bị NES thường có sự gián đoạn trong nhịp sinh học của họ (quá trình sinh học điều chỉnh chế độ ăn uống và ngủ nghỉ theo chu kỳ tự nhiên của ánh sáng và bóng tối).
Đối với một người bình thường, cảm giác thèm ăn và tiêu thụ thức ăn có sự tương thích chặt chẽ với thời gian thức dậy đầu tiên. Các bữa ăn thường sẽ được tiêu thụ từ sáng sớm cho đến buổi tối. Những người bị NES đôi khi vẫn giữ được chu kỳ ngủ bình thường nhưng lại có biểu hiện chậm tiêu thụ thức ăn.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị NES tiêu thụ lên đến 56% lượng calo cần thiết hằng ngày trong khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Trong khi đó những người không mắc NES chỉ tiêu thụ 15% lượng calo trong khoảng thời gian này.
2. Chế độ ăn kiêng cực đoan ban ngày
Hiện nay, có rất nhiều người thực hiện việc ăn kiêng rất kham khổ với mong muốn có được vóc dáng thon gọn nhanh chóng. Và theo đánh giá từ các chuyên gia thì hội chứng ăn đêm có thể là một phản ứng đối với việc ăn kiêng.
Khi mọi người giảm lượng thức ăn vào ban ngày thì cơ thể sẽ rơi vào trạng thái thiếu thốn năng lượng. Do đó cảm giác đói sẽ thường trực vào cuối ngày. Điều này sẽ thôi thúc hành vi đi tìm kiếm và tiêu thụ thức ăn nhiều hơn.
Nhiều người muốn ăn đêm như một phản ứng bình thường khi não bộ liên tục phát tín hiệu đói. Theo thời gian, thói quen ăn đêm sẽ trở thành vấn đề không thể kiểm soát được. Hơn nữa, ăn đêm còn gây tăng cân do quá trình tiêu hóa và trao đổi chất bị ngưng trệ.
3. Di truyền và các yếu tố khác
Một số nhà nghiên cứu tin rằng, hội chứng ăn đêm (NES) có thể có nguồn gốc di truyền. Đối với những người có khuynh hướng di truyền thì căng thẳng có thể kích hoạt mức serotonin thấp. Điều này có thể gây ra hiệu ứng domino khiến cho đồng hồ sinh học bị thay đổi và cản trở cảm giác no.
Một số khảo sát và nghiên cứu điển hình cũng đã phát hiện ra rằng, hội chứng ăn đêm có thể xảy ra trong các gia đình. Các chuyên gia nhận thấy, những người bị khiếm khuyết về gen PER1 sẽ có nguy cơ bị NES cao hơn.
Ngoài yếu tố di truyền thì sự mất cân bằng hormone làm gián đoạn cách ăn uống cũng có thể làm tăng nguy cơ bị NES. Hội chứng này cũng có thể phát triển để phản ứng lại với thói quen thức khuya và ăn khuya (rất phổ biến ở sinh viên đại học).
Bên cạnh đó, những người bị béo phì phải thực hiện chế độ ăn uống đặc biệt, người có sẵn các rối loạn ăn uống khác (chẳng hạn như chứng ăn – ói hoặc chứng ăn vô độ tâm thần), người có tiền sử rối loạn lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất,… cũng có nhiều nguy cơ bị NES hơn.
Dấu hiệu thường thấy ở người mắc hội chứng ăn đêm
Những người thân trong gia đình nếu chú ý thì sẽ có thể dễ dàng phát hiện ra trong nhà có thành viên đang mắc hội chứng ăn đêm. Họ có thể nhìn thấy sự lộn xộn trong nhà bếp hoặc thiếu thức ăn. Điều này cho thấy rằng, có ai đó trong gia đình đã thức dậy và ăn vào nửa đêm.
NES có biểu hiện khá rõ ràng, những dấu hiệu thường gặp nhất bao gồm:
- Thức dậy để ăn: Những người bị NES thường bị mất ngủ nhiều hơn 4 lần mỗi tuần. Họ thức dậy để ăn (đôi khi vài ba lần trong đêm) trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Người bệnh có cảm giác phải ăn no căng bụng mới có thể ngủ được.
- Ăn nhiều calo vào ban đêm: Những người mắc hội chứng ăn đêm tiêu thụ nhiều hơn 25% lượng calo hằng ngày của họ vào ban đêm. Họ có thể ăn sau bữa tối, ăn khuya trước khi đi ngủ hoặc thức dậy giữa đêm để ăn. Thay vì ăn một bữa lớn thì nhiều người bị NES có xu hướng ăn nhiều bữa nhỏ hoặc tiêu thụ đồ ăn nhẹ suốt cả đêm. Họ thường thèm các loại thức ăn có chứa nhiều calo, carbohydrate hoặc đường.
- Giảm cảm giác thèm ăn trong ngày: Ở những người bị NES, tình trạng đói dữ dội và ăn quá nhiều xảy ra vào ban đêm. Họ thường không đói vào buổi sáng và nhiều người bỏ không ăn bữa sáng. Một số người còn không cảm thấy đói cho tới tận buổi chiều.
- Trầm cảm và lo lắng: Các tình trạng sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm và lo lắng có thể xảy ra cùng với NES. Những người mắc hội chứng ăn đêm có xu hướng cảm thấy họ không thể kiểm soát được việc ăn uống của mình. Điều này gây ra cảm giác buồn bã, chán nản và xấu hổ.
Bạn cần nhớ rằng, hội chứng ăn đêm không giống với chứng rối loạn ăn uống vô độ. Những người mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ có xu hướng ăn rất nhiều trong một khoảng thời gian. Mục đích thường là để đối phó với chứng lo lắng hoặc trầm cảm. Họ có thể muốn ăn vào bất cứ lúc nào trong ngày. Trong khi đó, những người bị NES chỉ có cảm giác thèm ăn vào ban đêm, họ có thể thức dậy nhiều lần để kiếm thức ăn.
Hội chứng ăn đêm gây ra những tác hại sức khỏe nào?
Trên thực tế, có khoảng 25% bệnh nhân mắc hội chứng ăn đêm có thêm các rối loạn ăn uống khác đi kèm. Đây là vấn đề đáng quan ngại có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cho sức khỏe. Một điều dễ thấy là người bị đồng thời nhiều loại rối loạn ăn uống thường có tiên lượng xấu hơn so với những người chỉ bị NES.
Bệnh nhân mắc hội chứng ăn đêm có thói quen ăn uống kém lành mạnh. Điều này khiến cho cơ thể phải đối mặt với nhiều vấn đề về thể chất. Ngoài ra, tâm lý của người bệnh cũng bị ảnh hưởng không ít do lo lắng về ngoại hình và cảm giác tội lỗi, xấu hổ về hành vi ăn uống cực đoan của bản thân.
Dưới đây là một số tác hại sức khỏe mà hội chứng ăn đêm gây ra, cần đặc biệt cẩn trọng:
- Béo phì: Tình trạng thừa cân – béo phì và hội chứng ăn đêm có mối liên hệ với nhau. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn nhiều trong khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau có liên quan đến việc tăng cân cao hơn. Ngoài ra, gián đoạn giấc ngủ ở những người bị NES còn làm cản trở quá trình trao đổi chất. Đồng thời làm gia tăng lượng mỡ thừa tích trữ trong cơ thể.
- Chất lượng giấc ngủ kém: Thức dậy trong đêm để ăn và không thể ngủ khi chưa ăn no sẽ khiến cho người bị NES có chất lượng giấc ngủ kém. Điều này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải và suy nhược. Hơn nữa còn làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe mãn tính.
- Suy giảm sức khỏe thể chất: NES có thể làm gia tăng nguy cơ bị tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn giấc ngủ, thiếu máu não,… Đối với những người đã có sẵn các bệnh mãn tính này thì hội chứng ăn đêm thường khiến cho bệnh tình tiến triển nghiêm trọng. Đặc biệt là gia tăng các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý: Như đã phân tích, người bị NES luôn cảm thấy chán nản, xấu hổ và tội lỗi trước hành vi ăn uống cực đoan của mình. Hơn nữa họ còn lo lắng quá mức về thể hình và cân nặng. Nếu không sớm can thiệp thì những cảm xúc tiêu cực này sẽ phát triển và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý.
Chẩn đoán hội chứng ăn đêm
Tiêu chuẩn chẩn đoán chính thức cho hội chứng ăn đêm đã được thiết lập từ năm 2008. Sau đó, NES lần đầu tiên được đưa vào danh sách các rối loạn ăn uống độc lập trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần, Ấn bản lần thứ năm (DSM-5) vào năm 2013.
Bảng câu hỏi ăn đêm (Night Eating Questionnaire – NEQ) là công cụ được dùng rộng rãi nhất để chẩn đoán hội chứng ăn đêm. NEQ bao gồm một loạt các câu hỏi được thiết kế nhằm đánh giá xem cảm xúc và hành vi của một người có phù hợp với NES hay không.
Các câu hỏi để hỗ trợ chẩn đoán hội chứng ăn đêm thường xoay quanh 6 chủ đề bao gồm:
- Cảm giác đói vào buổi sáng
- Thời gian ăn sáng
- Tỷ lệ % calo tiêu thụ sau bữa tối
- Khó ngủ
- Thức giấc vào ban đêm
- Các cơn ăn đêm
Bác sĩ chỉ xác định chẩn đoán hội chứng ăn đêm khi người bệnh ăn quá nhiều vào ban đêm (bao gồm cả sau bữa tối và khi thức dậy giữa đêm) và tình trạng này phải kéo dài trong vòng ít nhất 3 tháng. Đồng thời, các triệu chứng mà người bệnh gặp phải không phải là do lạm dụng chất, vấn đề sức khỏe mãn tính hay các rối loạn tâm thần khác gây ra.
Các phương pháp điều trị hội chứng ăn đêm
Hiện nay, các chuyên gia vẫn đang tích cực nghiên cứu phương pháp điều trị tốt nhất cho hội chứng ăn đêm. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, sự kết hợp giữa tâm lý trị liệu, thuốc men và liệu pháp ánh sáng có thể mang đến những cải thiện đáng kể. Cụ thể như sau:
1. Tâm lý trị liệu
Các chuyên gia nhận định, tâm lý trị liệu là phương pháp ưu tiên trong điều trị các dạng rối loạn ăn uống nói chung và hội chứng ăn đêm nói riêng. Điều trị tâm lý sẽ giúp người bệnh thay đổi thói quen ăn uống kém lành mạnh cũng như điều chỉnh các quan niệm méo mó về ngoại hình.
Một số liệu pháp tâm lý đã được chứng minh là mang lại hiệu quả đối với NES. Trong đó, liệu pháp nhận thức – hành vi được rất nhiều chuyên gia tâm lý đánh giá cao. Đồng thời đây cũng chính là lựa chọn hàng đầu trong điều trị NES.
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) đối với NES tập trung vào việc làm mất đi niềm tin của người bệnh về việc phải ăn để đi vào giấc ngủ. Thông qua CBT, chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp người bệnh xây dựng thói quen ăn nhiều hơn vào ban ngày, đồng thời kiểm soát cơn đói vào ban đêm.
2. Liệu pháp ánh sáng
Ngoài tâm lý trị liệu thì một số phương pháp điều trị khác như liệu pháp ánh sáng (được sử dụng phổ biến để điều trị chứng rối loạn cảm xúc theo mùa) cũng có thể đem lại lợi ích cho người bị NES. Liệu pháp ánh sáng hoạt động bằng cách ảnh hưởng tới melatonin – một loại hormone giúp điều chỉnh nhịp sinh học.
Trong liệu pháp ánh sáng cho hội chứng ăn đêm, người bệnh sẽ được tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào buổi sáng. Tác động của tia UV trong ánh sáng nhân tạo có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tạo cảm giác đói và thèm ăn vào ban ngày. Liệu pháp ánh sáng nhắm trực tiếp vào sự gián đoạn nhịp sinh học để cố gắng thiết lập lại đồng hồ bên trong cơ thể.
3. Thuốc men
Các thuốc điều trị tâm thần đã được nghiên cứu rất nhiều cho hội chứng ăn đêm. Mặc dù có rất ít bằng chứng ủng hộ việc sử dụng thuốc tâm thần để điều trị NES nhưng trong một số trường hợp thì bác sĩ vẫn có thể chỉ định dùng thuốc để nhắm vào các triệu chứng liên quan.
Thuốc chống trầm cảm, điển hình là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) có thể được dùng để cải thiện tâm trạng và điều chỉnh cảm xúc. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh sử dụng viên uống bổ sung melatonin để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị NES.
Biện pháp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa hội chứng ăn đêm
Bên cạnh việc thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ thì người bệnh cũng cần có ý thức trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại nhà. Đây đều là các biện pháp đơn giản nhưng có thể giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi hơn. Ngoài ra còn giúp ngăn ngừa hội chứng này tiến triển nghiêm trọng.
Các biện pháp hỗ trợ tại nhà nên thực hiện bao gồm:
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh:
Các chuyên gia khuyên rằng, những người bị NES chỉ nên mua đủ thức ăn cho ba bữa và đảm bảo rằng không còn thức ăn trong nhà vào ban đêm. Điều này giúp hạn chế hành vi ăn đêm để tránh gặp phải các hệ quả liên quan đến hội chứng này.
Những người mắc hội chứng ăn đêm có thể phát triển bệnh béo phì cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy nên hạn chế calo và đường trong chế độ ăn để hỗ trợ điều chỉnh cân nặng. Tuy nhiên tuyệt đối không được ăn kiêng quá mức vào ban ngày. Bởi điều này sẽ thúc đẩy phản ứng ăn uống vô độ vào ban đêm.
– Thực hiện các thói quen tốt:
NES thường có liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ. Do đó, người bệnh cần chú ý thực hiện các giải pháp hỗ trợ giấc ngủ ngon để tránh thức giấc vào ban đêm. Chẳng hạn như massage, liệu pháp mùi hương, vệ sinh giấc ngủ,…
Những người mắc chứng NES thường phải đối mặt với tình trạng béo phì. Do đó nên hạn chế tiếp xúc với các nguồn thông tin tiêu cực có liên quan đến thẩm mỹ cũng như tiêu chuẩn về cái đẹp. Bởi nó thường khiến người bệnh quan tâm quá mức về ngoại hình và gây ra căng thẳng.
Ngoài ra, người bệnh nên dành những khoảng thời gian rảnh rỗi để tham gia từ thiện và các hoạt động xã hội khác. Những hoạt động bổ ích này có thể giúp tinh thần được vui vẻ, thoải mái và làm giảm sự quan tâm đến ngoại hình.
– Hoạt động thể chất:
Để cải thiện tốt vóc dáng và cân nặng thì chỉ ăn uống lành mạnh là chưa đủ. Người bệnh NES nên dành khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất. Tập thể dục ngoài giúp duy trì vóc dáng khỏe đẹp thì còn mang lại vô vàn lợi ích sức khỏe khác.
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp điều hòa đồng hồ sinh học một cách hiệu quả. Ngoài ra còn có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tiêu hóa. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, việc tập thể dục đều đặn mỗi ngày có thể hỗ trợ điều chỉnh cảm giác thèm ăn bất thường.
– Sự hỗ trợ từ người thân:
Trong nhiều trường hợp, những người mắc hội chứng ăn đêm gặp phải khó khăn trong việc xây dựng chế độ ăn uống. Lúc này gia đình nên hỗ trợ người bệnh nhiều hơn để có được thực đơn ăn uống cân bằng và lành mạnh.
Người nhà nên khuyến khích bệnh nhân dậy sớm để có thể bắt đầu bữa ăn đầu tiên trong ngày trước 10 giờ sáng. Đối với người bệnh đây không phải là điều dễ dàng nhưng nhờ sự giúp đỡ của người nhà thì mọi thứ sẽ sớm đi vào khuôn khổ. Theo thời gian, người bệnh có thể điều chỉnh được đồng hồ sinh học. Đồng thời giảm thiểu các hành vi ăn uống tiêu cực.
Hội chứng ăn đêm (NES) là một dạng rối loạn ăn uống tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, hoàn toàn khác với thói quen thích ăn khuya thông thường. Nếu nhận thấy bản thân có các dấu hiệu ăn uống cực đoan nghi ngờ là NES thì nên chủ động thăm khám bác sĩ. Can thiệp điều trị sớm sẽ giúp hạn chế được các vấn đề rủi ro nghiêm trọng phát sinh.
Tham khảo thêm:
- Chứng cuồng ăn Bulimia: Một rối loạn ăn uống nghiêm trọng
- Ăn Đồ Ngọt Có Giúp Giảm Stress Không?
- Khắc Phục Chứng Thèm Ăn Khi Bị Căng Thẳng Stress
Cho em hỏi hiện tại có bảng câu hỏi ăn đêm NEQ việt hóa chưa. Nếu có, em có thể xin được không ạ? Do em đang làm nghiên cứu khóa luận tốt nghiệp về Hội chứng ăn đêm.