Hội chứng sợ bẩn (Mysophobia) là gì? Cách vượt qua

Hội chứng sợ bẩn hay Mysophobia là một dạng rối loạn lo âu đặc trưng bởi nỗi sợ hãi quá mức và phi lý đối với các vết bẩn, vi khuẩn và sự ô nhiễm. Người mắc hội chứng này thường cảm thấy mọi thứ xung quanh đều chứa đựng vi khuẩn, dẫn đến việc họ tránh né mọi hoạt động có thể tiếp xúc với môi trường bị coi là “bẩn”.

Hội chứng sợ bẩn là gì?

Có một thực tế là vi trùng và vi khuẩn tồn tại ở khắp mọi nơi, thế nên cho dù chúng ta sạch sẽ đến đâu cũng không thể loại bỏ hoàn toàn chúng. Trong cuộc sống không tránh khỏi những lúc phải tiếp xúc với bụi bẩn, vi trùng, vi khuẩn, và với một số người, nỗi sợ tiếp xúc với vết bẩn và vi trùng gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hàng ngày.

hội chứng sợ bẩn
Hội chứng sợ bẩn khiến người bệnh liên tục rửa tay, tránh né chạm vào đồ vật nơi công cộng và tìm mọi cách để giữa cho bản thâ sạch sẽ thái quá.

Hội chứng sợ bẩn Mysophobia còn được gọi bằng thuật ngữ Germophobia hay Bacteriophobia, nhằm chỉ tình trạng sợ hãi quá mức của con người dành cho vết bẩn, sự ô uế, ô nhiễm, vi khuẩn và vi trùng. Thuật ngữ Mysophobia xuất phát từ tiếng Hy Lạp là μύσος (musos, “ô uế”) và φόβος (phobos, “sợ hãi”).

Những người mắc hội chứng sợ bẩn luôn cảm thấy lo lắng và hoảng sợ khi chạm vào những đồ vật xa lạ, hoặc khi rơi vào một số tình huống phải đối mặt với vết bẩn và vi khuẩn. Họ sẽ làm mọi cách để khử trùng bản thân bao gồm rửa tay, tắm rửa, thay quần áo, khử trùng đồ vật và không gian sống.

Những ảnh hưởng của hội chứng sợ bẩn ảnh hưởng đến mọi người theo những mức độ khác nhau. Chính vì thế nhiều người không cho rằng nỗi sợ của mình là nghiêm trọng, nên không tìm đến sự giúp đỡ y tế. Đó là lý do không có những dữ liệu cụ thể về tỷ lệ người mắc hội chứng này.

Những người mắc hội chứng sợ bẩn cũng có thể mắc một số hội chứng sợ khác đi kèm như:

  • Ataxophobia (sợ bừa bộn): Những nơi bừa bộn, không được dọn dẹp thường xuyên, không ngăn nắp sẽ tạo cảm giác dơ bẩn và đầy vi khuẩn.
  • Microphobia (sợ vật nhỏ bé): Vi khuẩn rất nhỏ, vì thế những người sợ vi khuẩn cũng có thể sợ những vật nhỏ bé vì chúng khiến họ liên tưởng đến vi trùng.
  • Nosophobia (sợ bệnh tật): Nguyên nhân gây bệnh thường là do vi khuẩn, vi trùng và khi bệnh chúng ta buộc phải đến bệnh viện chữa trị. Tất cả đều khiến người mắc hội chứng sợ vi khuẩn, sợ bẩn căng thẳng.
  • Thanatophobia (sợ chết)
  • Zoophobia (sợ động vật): Trên người động vật, dù là thú nuôi hay động vật hoang dã, đều có rất nhiều vi khuẩn. Vì thế, đa đa phần những người mắc hội chứng sợ bẩn sẽ không bao giờ chạm vào động vật.

Hội chứng sợ bẩn có thể liên quan đến rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, và rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD. Nỗi ám ảnh về bụi bẩn và vi khuẩn khiến người bệnh hoảng loạn, đau khổ, ám ảnh, có những hành vi và suy nghĩ bất thường khó kiểm soát. Biểu hiện thường thấy nhất là họ lau tay, rửa tay, đeo bao tay thường xuyên và hạn chế chạm vào đồ vật nơi công cộng.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ bẩn

Hội chứng sợ bẩn ảnh hưởng đến mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, độ tuổi, và thường biểu hiện rất rõ trong thời thơ ấu. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng này vì không có nhiều dữ liệu. Tuy nhiên thông qua các trường hợp được ghi nhận, những nhà nghiên cứu vẫn tìm ra một số yếu tố có liên quan.

hội chứng sợ vi khuẩn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng sợ vi khuẩn ở người như ảnh hưởng từ gia đình, môi trường hay ám ảnh từ sự kiện trong quá khứ.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hội chứng sợ bẩn ở người như tính chất di truyền, môi trường sống, hay những trải nghiệm không tốt trong quá khứ. Ngoài ra những người bị trầm cảm hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng có thể tăng tỷ lệ mắc hội chứng sợ vi khuẩn hay sợ bẩn.

  • Di truyền: Di truyền có thể là yếu tố làm tăng tỷ lệ mắc hội chứng này ở người. Nếu trong gia đình có tiền sử mắc chứng sợ bẩn, hoặc các chứng rối loạn lo âu khác, tỷ lệ con cái cũng rơi vào tình trạng tương tự sẽ cao hơn bình thường. Di truyền là yếu tố thúc đẩy tình trạng dễ dàng xảy ra hơn.
  • Môi trường sống: Những người có tuổi thơ cơ cực, phải sống trong một môi trường chật chội, ẩm thấp, ô nhiễm, chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn có thể phát triển hội chứng này khi trưởng thành. Ngoài ra, nếu sống trong một gia đình, hoặc một nền văn hóa coi trọng sự vệ sinh, có những quy tắc nghiêm ngặt về sự sạch sẽ có thể khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, căng thẳng khi chạm đến vi khuẩn, thúc đẩy tình trạng sợ bẩn sợ vi khuẩn.
  • Ám ảnh trong quá khứ: Những sang chấn tâm lý liên quan đến bụi bẩn, vi khuẩn như bị nhốt trong những nơi bẩn thỉu, ăn phải thực phẩm ôi thui, nhìn thấy những hình ảnh kinh tởm về vi khuẩn, hay nhìn thấy người thân bệnh tật, chết ở nhưng nơi hôi hám, đầy vi khuẩn tạo nên những cú sốc tinh thần khủng khiếp. Những ám ảnh này có thể trở thành chấn thương tâm lý và thúc đêu hội chứng sợ bẩn.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD: OCD gây ra một số suy nghĩ và hành vi cưỡng chế, trong đó có ám ảnh về ô nhiễm, vi khuẩn, bụi bẩn và hành vi cưỡng chế rửa tay, giặt giũ, dọn dẹp để làm sạch bản thân và môi trường xung quanh. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể gây ra hội chứng sợ bẩn, nhưng không phải ai mắc hội chứng này đều bị OCD.

Nỗi ám ảnh về bụi bẩn và những thư dơ bẩn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Ám ảnh khiến người bệnh không thể sinh hoạt một cách bình thường, và gặp nhiều phiền toái khi đến những nơi công cộng, hay cần đi công tác, đi du lịch đến những nơi xa lạ.

Biểu hiện và chẩn đoán của hội chứng sợ bẩn

Chứng sợ bẩn khiến chúng ta có một nỗi ám ảnh kinh khủng với sự bẩn, và thường có cảm giác khắp nơi đều là vi trùng. Suy nghĩ và tưởng tượng về việc tiếp xúc với những tác nhân này gây ra những thay đổi trong hành vi và phản ứng thể chất. Một số biểu hiện tiêu biểu của chứng sợ bẩn bao gồm:

  • Không bắt tay, không tiếp xúc với chất dịch (nước mũi, nước bọt, chất bài tiết,…) từ cơ thể người khác.
  • Né tránh bụi bẩn, nấm mốc, hoặc những thứ có thể gợi nhớ đến vi khuẩn, vi trùng.
  • Thực phẩm bị ô nhiễm, đồ đã qua sử dụng, rác thải, nước bẩn,…
  • Không tiếp xúc với những vật dụng, bề mặt ở nơi công cộng không đàm bảo sạch sẽ (tay nắm cửa, phòng khách sạn, bàn ghế công cộng, nhà vệ sinh công cộng, tạp hóa, quán lề đường,…)
  • Những người mắc hội chứng sợ bẩn có cảm giác sợ hãi khủng khiếp, ám ảnh, và phản ứng dữ dội khi phải tiếp xúc, hoặc nghĩ đến việc phải tiếp xúc với những vật ở nơi công cộng, những vật không đảm bảo sạch sẽ
biêu hiện của hội chứng sợ vi khuẩn
Người bị hội chứng sợ bẩn không dám chạm vào những vật thể nơi công cộng vi sợ vi khuẩn và bụi bẩn.
  • Thường xuyên lau tay, rửa tay, dùng nước khử trùng tay sau khi chạm vào một vật nào đó
  • Có thói quen đeo bao tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, với vi khuẩn
  • Thích mặc đồ màu trắng, hoặc trang phục sáng màu để không gợi lên cảm giác dơ bẩn
  • Không sử dụng phương tiện công cộng như xe bus hay taxi.
  • Không thích đi đến những nơi đông đúc, hạn chế đi xa, đi du lịch để không tiếp xúc với vật dụng công cộng
  • Tắm nhiều lần trong ngày, và thường xyên tắm rửa sau khi từ bên ngoài về nhà vì sợ vi khuẩn và bụi bẩn
  • Sạch sẽ quá mức, lau dọn nhà cửa thường xuyên, chà sáng bóng những vật dụng trong nhà
  • Người mắc chứng sợ bẩn, sợ vi khuẩn thường không nuôi thú cưng vì lo sợ vi khuẩn từ lông và cơ thể động vật
  • Những biểu hiện thể chất ở người sợ bẩn bao gồm: khó thở, tức ngực, tim đập nhanh, bồn chồn, thở gấp, buồn nôn, tay chân run rẩy, đổ mồ hôi lạnh, choáng váng, mất khống chế cảm xúc, tìm mọi cách thoát khỏi tình trạng hiện tại, liên tục lau tay,… Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể ngất xỉu.

Những ảnh hưởng của hội chứng sợ vi khuẩn có thể ngày càng nghiêm trọng, gây nhiều rắc rối cho chất lượng sống của người bệnh nếu không có biện pháp can thiệp và cải thiện. Gia đình nên đưa người bệnh đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tư vấn tâm lý uy tín để được giúp đỡ.

Hội chứng sợ bẩn thường được đánh gíá theo các tiêu chí của rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, thuộc Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần DSM-V. Nếu các biểu hiện sợ bẩn của bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán, và không bị ảnh hưởng bởi những rối loạn tâm thần khác như OCD, bệnh nhân có thể được kết luận mắc hội chứng sợ vi khuẩn.

Các biểu hiện sợ phải ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, và kéo dài ít nhất 6 tháng. Nỗi sợ hãi là phi lý, dai dẳng, quá mức và xảy ra trong mọi trường hợp từ nhà riêng đến nơi công cộng. Người bệnh biết nỗi sợ là phi lý nhưng không thể ngăn cản bản thân cảm thấy khủng hoảng khi nghĩ đến chúng.

Cách vượt qua hội chứng sợ bẩn

Những phương pháp cải thiện phù hợp có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng của hội chứng sợ bẩn, nâng cao chất lượng sinh hoạt, và mang đến cuộc sống thoải mái hơn cho người bệnh. Để đạt đến hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý uy tín.

Các phương pháp hỗ trợ giúp cải thiện suy nghĩ và hành vi, giảm bớt cảm giác lo âu, hoảng sợ và ghê tởm khi tiếp xúc với những vật dụng hàng ngày. Hiện nay phương pháp tư vấn tâm lý, dùng thuốc và những biện pháp cải thiện tại nhà đang là phương pháp hiệu quả nhất trong việc hỗ trợ người bị hội chứng sợ bẩn vượt qua ám ảnh.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp cần thiết và mang đến hiệu quả trong các trường hợp rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi (ở đây là sợ bẩn). Do đó, các chuyên gia luôn khuyến nghị người bệnh nên tiếp nhận điều trị tâm lý càng sớm càng tốt. Can thiệp càng sớm thì những ảnh hưởng tiêu cực sẽ càng nhỏ và dễ dàng bị loại bỏ.

điều trị chứng sợ bẩn
Gia đình có thể đưa người bệnh đến các trung tâm tư vấn tâm lý để được hường dẫn cách cải thiện và có phương pháp hỗ trợ tốt hơn.

Hiện nay liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp nhận thức-hành vi đang là hai liệu pháp mang đến hiệu quả tích cực nhất. Cùng với sự phát triển của công nghệ thực tế ảo, viêc áp dụng công nghệ thực tế ảo trong điều trị tâm lý cũng đang được coi trọng, vì cung cấp môi trường trị liệu an toàn và hiệu quả .

  • Liệu pháp tiếp xúc: Đúng như tên gọi, liệu pháp tiếp xúc mang tính trực tiếp, buộc người bệnh phải đối mặt với tác nhân gây ám ảnh và sợ hãi là vết bẩn. Việc tiếp xúc sẽ được thực hiện trong một môi trường an toàn, nhằm hạn chế những tình huống vượt qua tầm kiểm soát khi bệnh nhân rơi vào trạng thái kích động. Ban đầu, bệnh nhân được kích ứng nhẹ thông qua hình ảnh hay những đoạn phim về vi khuẩn, những nơi dơ bẩn để tập làm quen. Sau một thời gian, mức độ sẽ được nâng lên, giúp người bệnh dần quen thuộc và không phản ứng mãnh liệt khi tiếp xúc với vi khuẩn và bụi bẩn ngoài đời nữa.
  • Liệu pháp nhận thức-hành vi: Liệu pháp nhận thức-hành vi là liệu pháp phổ biến nhất và mang đến nhiều hiệu quả tích cực. Bằng cách trò chuyện và hướng dẫn người bệnh thả lỏng cảm xúc, đối diện với nỗi sợ hãi, các chuyên gia tâm lý sẽ giúp người mắc hội chứng sợ bẩn nhận ra ám ảnh của bản thân là vô lý. Khi nhận thức thay đổi, người bệnh có thể dần vượt qua nỗi sợ, thay đổi hành vi, nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống bình thường.

Như đã nói ở trên, công nghệ thế giới ảo đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bệnh nhân đối diện với nỗi sợ hãi do các vết bẩn mang lại. Thông qua việc đưa người bệnh vào thề giới giả tưởng giống như thật, những người tham gia điều trị có cơ hội đối diện với nỗi sợ trong một môi trường an toàn hơn. Các chuyên gia tâm lý cũng có thể kịp phản ứng nếu có bất ngờ phát sinh trong quá trình điều trị.

2. Thuốc

Nếu hội chứng sợ bẩn ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh, hoặc ngăn cản quá trình điều trị tâm lý, các bác sĩ có thể cân nhắc việc kê thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta hay thuốc an thần để hạn chế các triệu chứng quá khích. Thuốc không có tác dụng chữa chứng sợ vi khuẩn, mà có tác dụng làm giảm triệu chứng lo âu, mất ngủ, giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn.

Hiện nay những loại thuốc được dùng phổ biến nhất là benzodiazepin và nhóm thuốc chống trầm cảm SSRI. Những loại thuốc này có thể giảm lo âu, mất ngủ, giảm cảm giác hoảng sợ, giúp người bệnh lấy lại bình tĩnh trong những tình huống bất lợi. Cả hai loại đều ẩn chứa những tác dụng phụ nhất định, nên cần hết sức thận trọng khi dùng, và chú ý những bất thường nếu có.

Hãy tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc được cho phép, vì mỗi người sẽ thích ứng với thuốc theo một cách khác nhau. Nếu có bất cứ bất thường nào, hãy thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý và ngừng thuốc nếu cần thiết. Thời gian điều trị của mỗi người cũng tùy vào sự thích ứng của cơ thể, và mức độ lo âu đang mắc phải.

điều trị chứng sợ vi khuẩn
Việc dùng thuốc chỉ được khuyến cáo trong những tình huống thật sự cần thiết, và không được tự ý sử dụng thuốc một cách bừa bãi.

Việc thay đổi thuốc thường xuyên, hoặc chịu những tác dụng phụ trong thời gian chữa trị là bình thường. Thế nên bạn cần chuẩn bị tâm lý cho những điều này. Nếu muốn giảm thiểu những tác dụng phụ, người bệnh cũng có những phương pháp cải thiện tình trạng tại nhà để rèn thói quen lối sống lành mạnh, giúp kiểm soát nỗi sợ hãi tốt hơn.

3. Cách khắc phục hội chứng sợ bẩn tại nhà

Những phương pháp cải thiện tại nhà không chỉ giúp người bệnh nhanh chóng vượt qua ám ảnh với vết bẩn, mà còn giúp nâng cao sức khỏe, hạn chế những tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Người bệnh có thể tham khảo từ bác sĩ để được tư vấn phương pháp phù hợp theo tiến trình điều trị. Một số lưu ý người mắc hội chứng sợ bẩn nên thực hiện bao gồm:

  • Chấp nhận sự lo lắng: Việc chấp nhận nỗi sợ sẽ khiến bạn dễ dàng vượt qua chúng hơn. Việc tự nhủ rằng bản thân không sợ có thể mang đến tác dụng ngược, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và hoảng loạn hơn. Do đó hãy chấp nhận rằng bản thân đang hoảng sợ và đừng chống lại nó. Hãy học cách đối mặt và tự nhủ rằng mọi thứ rồi sẽ trôi qua.
  • Thiền và yoga: Thiền và yoga luôn được xem là những phương pháp tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng khi rơi vào lo âu, mệt mỏi. Thực hiện chánh niệm hàng ngày trong thời gian dài có tác dụng giảm lo lắng, giúp bạn tỉnh táo, thả lỏng tinh thần, loại trừ những nguồn năng lượng tiêu cực, và hỗ trợ rất tốt cho quá trình hồi phục sau trị liệu.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình: Ban bè và gia đình luôn là điểm tựa vững chắc giúp bạn vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Hãy liên hệ với họ nếu bạn cần sự giúp đỡ, cần sự động viên để vượt qua sợ hãi. Có người cổ vũ và tin tưởng có thể giúp bạn hạn chế những triệu chứng sợ hãi, và có niềm tin hơn trong việc điều trị.

Hội chứng sợ bẩn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và cuộc sống của người bệnh. Hội chứng này khiến họ khó đi đến những nơi xa lạ, khó sử dụng đồ vật ở nơi công cộng, và gặp nhiều phiền toái không đáng trong sinh hoạt. Người bệnh cũng có thể khiến những người xung quanh hiểu lầm hành vi của mình, dẫn đến những ảnh hưởng không tốt trong các mối quan hệ.

Có lẽ bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *