Hội chứng sợ lỗ (Trypophobia): Thấy nhiều lỗ là nổi da gà

5/5 - (1 bình chọn)

Hội chứng sợ lỗ (Trypophobia) đề cập đến cảm giác ghê tởm hoặc sợ hãi tột độ, dai dẳng khi nhìn thấy các vật thể có mô hình nhiều lỗ nhỏ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. 

hội chứng sợ lỗ là gì
Hội chứng sợ lỗ nghe có vẻ lạ nhưng lại là vấn đề rất nhiều người gặp phải

Hội chứng sợ lỗ (Trypophobia) là gì?

Hội chứng sợ lỗ (Trypophobia) đề cập đến cảm giác ghê tởm và sợ hãi thái quá, dai dẳng khi nhìn thấy các cụm lỗ tròn. Những người mắc hội chứng này đều có cảm giác sợ hãi vô lý khi nhìn thấy các bề mặt có chứa nhiều lỗ tròn nhỏ nằm san sát nhau. Trong khi đó, lỗ tròn lớn lại rất hiếm khi gây ra cảm giác tương tự.

Trypophobia được đề cập lần đầu tiên vào năm 2005 trên một diễn đàn trực tuyến tuyên bố rằng, một số người có nỗi sợ hãi hoặc ghê tởm phi lý với những vật thể có lỗ. Kể từ đó, hàng nghìn người đã báo cáo gặp phải các ảnh hưởng tương tự.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, có khoảng 17% trẻ em và người lớn mắc hội chứng sợ lỗ ở một mức độ nào đó. Đến năm 2009 thì thuật ngữ Trypophobia đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Hội chứng sợ lỗ hiện vẫn chưa được công nhận là một chẩn đoán riêng biệt trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê về các rối loạn tâm thần, ấn bản lần thứ năm (DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Trypophobia sẽ được xếp vào phân loại rộng rãi của các chứng ám ảnh sợ cụ thể miễn là các triệu chứng quá mức, dai dẳng và dẫn tới suy giảm chức năng hoặc đau khổ đáng kể.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Trên thực tế, các biểu hiện của hội chứng sợ lỗ sẽ được kích hoạt khi người bệnh nhìn thấy các vật thể có mô hình các cụm lỗ tròn nhỏ. Thường gặp nhất là:

  • Đài sen
  • Tổ ong
  • Dâu tây
  • Họa tiết đốm hoặc chấm bi
  • Bọt xà phòng
  • Bong bóng
  • Ngưng tụ nước trên bề mặt kính
  • Cụm mắt của côn trùng
  • Ruột của quả lựu
  • San hô
  • Một số tổn thương trên da
  • Những con đường rải sỏi hoặc đá cuội
  • Bánh mì hạt
  • Phô mai có lỗ
  • Hoa hướng dương
  • Bọt biển
  • Bọc ni-lông chống sốc
đối tượng kích hoạt hội chứng sợ lỗ
Đài sen là vật thể quen thuộc có thể kích hoạt sự ghê tởm và sợ hãi ở người mắc hội chứng Trypophobia

Xung quanh con người có rất nhiều vật thể có dạng cụm lỗ tròn. Do đó, hội chứng sợ lỗ gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh trong cuộc sống. Chính vì vậy, chứng sợ Trypophobia cần được điều trị sớm để giảm thiểu phiền toái cũng như các ảnh hưởng tiêu cực khác.

Triệu chứng của hội chứng sợ lỗ (Trypophobia)

Nếu một người mắc chứng sợ Trypophobia thì họ thường sẽ nhận thấy cảm giác ghê tởm và khó chịu khi nhìn vào một vật thể hay bề mặt có các cụm lỗ tròn nhỏ hoặc có hình dạng giống như lỗ. Nghiên cứu từ năm 2018 chỉ ra rằng, hầu hết những người mắc chứng sợ lỗ đều cảm thấy ghê tởm là triệu chứng chính thay vì sợ hãi.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể cảm thấy ghê tởm, khó chịu hoặc lo lắng khi nghĩ về thứ gì đó có mô hình là các cụm lỗ tròn. Giả sử như người thân, bạn bè hoặc người yêu bắt đầu cho bạn biết rằng họ thích dâu tây đến mức nào thì bạn thường sẽ hình dung về loại quả này và kích hoạt các cảm xúc tiêu cực.

Trên thực tế, mọi ám ảnh đều biểu hiện bằng cả phản ứng tâm lý kết hợp với phản ứng của hệ thần kinh tự chủ. Những phải ứng này sẽ đẩy nhanh trải nghiệm tiêu cực của một người. Bởi những cảm xúc cực đoan có thể làm phát sinh các triệu chứng thể chất và ngược lại.

dấu hiệu nhận biết Trypophobia
Người mắc chứng sợ Trypophobia có thể tỏ ra lo lắng và sợ hãi khi nhìn thấy vật thể có bề mặt dạng cụm lỗ nhỏ

Những người mắc chứng sợ Trypophobia có thể gặp một số các triệu chứng thể chất và tâm lý sau đây:

  • Cảm xúc đau khổ
  • Cảm giác hồi hộp
  • Sợ hãi và lo lắng
  • Ngứa ngáy da
  • Nổi da gà
  • Buồn nôn
  • Thở gấp
  • Các cuộc tấn công hoảng loạn
  • Nôn mửa
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Run rẩy

Ngoài việc trải qua các triệu chứng như sợ hãi và ghê tởm thì những người mắc hội chứng sợ lỗ còn thường xuyên bị thay đổi hành vi. Việc tránh các đối tượng kích hoạt nỗi sợ hãi là rất phổ biến. Chẳng hạn như một người có thể tránh ăn một số thực phẩm (ví dụ như dâu tây, pho mát Thụy Sĩ,…) hoặc tránh đến một số nơi nhất định (ví dụ như căn phòng có giấy dán tường họa tiết chấm bi, lỗ tròn,…).

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ lỗ (Trypophobia)

Cho đến nay, các nghiên cứu về hội chứng sợ lỗ (Trypophobia) vẫn còn rất hạn chế. Do đó, nguyên nhân gây ra rối loạn này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát triển một số lý thuyết để giải thích về sự phát triển của Trypophobia. Bao gồm:

1. Lý thuyết tiến hóa

Đây được cho là lý thuyết phổ biến nhất giải thích về sự phát triển của hội chứng sợ lỗ. Trypophobia là một phản ứng tiến hóa của con người đối với những thứ có liên quan tới bệnh tật hoặc nguy hiểm.

nguyên nhân gây ra hội chứng sợ lỗ
Khi da nhiễm nấm hoặc nhiẽm trùng có biểu hiện sưng tấy dạng nốt tròn kích hoạt nỗi sợ lỗ của con người.

Da bị bệnh, nhiễm ký sinh trùng hoặc các tình trạng nhiễm trùng khác có thể đặc trưng bởi các lỗ hoặc vết sưng giống như đối tượng kích hoạt nỗi sợ Trypophobia. Những người mắc chứng sợ Trypophobia sẽ cảm thấy ghê tởm hơn là sợ hãi khi họ nhìn thấy một đối tượng kích hoạt.

2. Sự liên kết với động vật nguy hiểm

Một giả thuyết khác cho rằng, các mô hình lỗ thành cụm có vẻ ngoài giống như các mẫu da và lông trên một số loại động vật có độc. Mọi người có thể hình thành nỗi sợ hãi những mô hình này do liên tưởng vô thức.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013 đã xem xét cách những người bị Trypophobia phản ứng với một số kích thích so với những người không mắc rối loạn này. Khi nhìn thấy một tổ ong, những người không mắc chứng sợ Trypophobia có thể nghĩ ngay đến mật ong.

Trong khi đó, những người mắc chứng sợ Trypophobia lại có liên hệ vô thức về việc nhìn thấy tổ ong với các sinh vật nguy hiểm, chẳng hạn như ong, rắn đuôi chuông hoặc côn trùng có hại. Chính điều này là nguyên nhân khiến họ cảm thấy sợ hãi hoặc ghê tởm.

3. Lý thuyết liên hệ với mầm bệnh truyền nhiễm

Một nghiên cứu vào năm 2017 cho biết, những người mắc chứng Trypophobia có xu hướng liên kết các mô hình lỗ với các mầm bệnh lây truyền qua da. Những người tham gia nghiên cứu cho biết họ cảm thấy ngứa da và có cảm giác như kiến bò khi nhìn thấy các mẫu lỗ.

Sợ hãi trước các mối đe dọa tiềm ẩn được cho là một phản ứng tiến hóa thích nghi. Trong nhiều trường hợp, cảm giác này có thể giúp con người an toàn trước nguy hiểm. Đối với chứng sợ Trypophobia, các nhà khoa học tin rằng, nó có thể chỉ là một dạng phóng đại hoặc tổng quát hóa quá mức của phản ứng tiến hóa thích nghi này.

nguyên nhân của hội chứng sợ lỗ
Người mắc chứng sợ Trypophobia có xu hướng liên kết các bề mặt lỗ với tổn thương của bệnh truyền nhiễm qua da

4. Sự nhạy cảm quá mức của thị giác

Hội chứng sợ lỗ ngoài gây ra sự ghê tởm và sợ hãi vô lý khi nhìn thấy các mẫu lỗ tròn nhỏ mà còn đi kèm với các biểu hiện khác. Chẳng hạn như ảo ảnh, mỏi mắt hoặc cảm giác khó chịu ở mắt. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, sự nhạy cảm quá mức của thị giác được cho là một trong những yếu tố có thể liên quan đến nguy cơ phát triển chứng sợ Trypophobia. Trong khi đó, những người có thị lực tốt rất ít khi cảm thấy sợ hãi và ghê tởm khi nhìn thấy các mô hình cụm lỗ tròn.

5. Lý thuyết “meme” trên internet

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết “liệu điều gì sẽ xảy ra nếu Trypophobia không thực sự tồn tại trước khi nó trở nên phổ biến trên internet?”. Có thể con người đã học được suy nghĩ rằng những hình ảnh về cụm lỗ tròn là thứ đáng sợ do sự cường điệu trên internet. Từ đó kích hoạt nỗi sợ hãi quá mức của bản thân về các vật thể có lỗ.

6. Một số yếu tố nguy cơ khác

Ngoài các giả thuyết nếu trên thì sự phát triển hội chứng sợ lỗ có thể liên quan tới một số yếu tố khác. Chẳng hạn như:

  • Yếu tố di truyền: Cũng giống như các vấn đề tâm lý tâm thần khác, nguy cơ mắc chứng sợ Trypophobia có thể gia tăng nếu gia đình từng có người mắc phải rối loạn này. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để đưa ra kết luận chính thức về giả thuyết này.
  • Các vấn đề tâm lý khác: Những người có sẵn các vấn đề tâm lý như rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm,… sẽ có nhiều nguy cơ mắc chứng sợ Trypophobia hơn. Nguyên nhân được giải thích là do các vấn đề tâm lý này khiến cho não bộ của người bệnh trở nên nhạy cảm hơn khi nhìn thấy các cụm lỗ tròn. Từ đó kích hoạt phản ứng sợ hãi, ghê tởm theo một cơ chế nào đó.

Hội chứng sợ lỗ có nguy hiểm không?

Các vật thể có dạng cụm lỗ tròn hoặc những mô hình có bề mặt dạng lỗ xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống. Vì vậy, hội chứng sợ lỗ (Trypophobia) được đánh giá là có khả năng gây ra nhiều phiền toái hơn so với các chứng rối loạn ám ảnh sợ cụ thể khác.

Những người mắc hội chứng Trypophobia luôn có cảm giác lo lắng, sợ hãi, ghê tởm và bất an thường trực. Các loại cảm xúc tiêu cực này có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Nó có thể khiến người bệnh bị khó ngủ, mất ngủ, căng cơ, giảm khả năng tập trung và giảm trí nhớ.

ảnh hưởng của chứng sợ Trypophobia
Các cảm xúc tiêu cực do chứng sợ Trypophobia có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần

Bên cạnh đó, các phiền toái trong cuộc sống còn có thể đến từ hành vi tránh né đối tượng kích hoạt nỗi sợ của người bệnh. Họ thường né tránh một số thực phẩm hoặc không gian nhất định. Thậm chí nhiều người còn từ chối tiếp xúc với bất cứ ai mặc trang phục có họa tiết chấm bi. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc duy trì các mối quan hệ xã hội.

Cảm giác sợ hãi tột độ và ghê tởm quá mức đôi khi còn kích hoạt các cuộc tấn công hoảng loạn. Điều này khiến cho người bệnh luôn cảm thấy tự ti, thậm chí có xu hướng hạn chế giao tiếp và cách ly xã hội.

Cũng giống như các dạng rối loạn ám ảnh sợ hãi khác, hội chứng sợ lỗ nếu không sớm điều trị còn làm gia tăng nguy gặp phải các vấn đề tâm lý tâm thần. Chẳng hạn như stress kéo dài, rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm,….

Chẩn đoán hội chứng sợ lỗ tròn (Trypophobia)

Trypophobia hiện tại chưa được liệt kê trong DSM-5 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ như một chứng rối loạn tâm thần. Do đó không có tiêu chuẩn cụ thể để chẩn đoán được tình trạng này.

Tuy nhiên, hội chứng sợ lỗ có thể được các chuyên gia sức khỏe tâm thần công nhận là một chứng sợ cụ thể nếu các triệu chứng dai dẳng và quá mức. Đồng thời dẫn đến đau khổ về mặt cảm xúc và suy giảm các chức năng.

chẩn đoán chứng sợ lỗ
Cũng giống như các chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi khác, để chẩn đoán Trypophobia bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng của một cá nhân. Cùng với đó là xem xét tiền sử bệnh tật, xã hội và gia đình của họ.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành khám sức khỏe, yêu cầu các xét nghiệm và chụp ảnh não nhằm loại trừ các tình trạng khác có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần hoặc gây ra các triệu chứng tương tự như chứng sợ Trypophobia. Chẳng hạn như ung thư ảnh hưởng đến não, chấn thương gần đây, rối loạn tâm thần,…

Những người mắc chứng sợ Trypophobia còn có nhiều nguy cơ mắc phải các tình trạng sức khỏe tâm thần cùng tồn tại khác. Chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn sử dụng chất,… Để quản lý thích hợp các điều kiện khác liên quan thì việc đánh giá kỹ lưỡng từ chuyên gia sức khỏe tâm thần là rất quan trọng.

Hội chứng sợ lỗ được điều trị như thế nào?

Trypophobia chưa được công nhận là một rối loạn tâm lý chính thức trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê về các rối loạn tâm thần, ấn bản lần thứ 5 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM-5). Tuy nhiên các chuyên gia chỉ ra rằng, hội chứng này có cơ chế tương tự như các chứng ám ảnh sợ cụ thể khác. Do đó việc sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý hoàn toàn có thể kiểm soát được nỗi sợ hãi và các triệu chứng liên quan.

Dưới đây là một số phương pháp thường được dùng trong điều trị hội chứng sợ lỗ:

1. Liệu pháp tâm lý

Tâm lý trị liệu luôn là lựa chọn ưu tiên đối với các chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ. Đây cũng là phương pháp đem lại nhiều cải thiện tích cực cho những người đang phải đối mặt với hội chứng sợ lỗ.

Mục tiêu của điều trị tâm lý là giúp người bệnh kiểm soát các cảm xúc tiêu cực. Đồng thời đối mặt và vượt qua nỗi sợ hãi phi lý của bản thân. Ngoài ra, chuyên gia tâm lý còn giúp người bệnh trang bị thêm các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng, lo lắng để sớm ổn định tâm lý.

Tâm lý trị liệu gồm nhiều liệu pháp và hướng can thiệp khác nhau. Riêng đối với chứng sợ Trypophobia thì liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp nhận thức – hành vi là đáp ứng tốt nhất. Cụ thể như sau:

điều trị hội chứng sợ lỗ
Các liệu pháp tâm lý có thể mang lại cải thiện đáng kể cho những người mắc hội chứng sợ lỗ

– Liệu pháp tiếp xúc:

Liệu pháp tiếp xúc còn được gọi là liệu pháp phơi nhiễm. Mục tiêu của liệu pháp này là để một người tiếp xúc từ từ với đối tượng sợ hãi của họ với hy vọng các triệu chứng sẽ giảm bớt theo thời gian. Một người có thể bắt đầu bằng cách tưởng tượng những gì khiến họ sợ hãi. Sau đó là xem hình ảnh của đối tượng gây sợ hãi. Cuối cùng là ở gần hoặc thậm chí là chạm vào nguồn gốc của nỗi sợ.

Riêng đối với hội chứng sợ lỗ, chuyên gia có thể yêu cầu người bệnh nhắm mắt lại và tưởng tượng ra thứ gì đó có lỗ. Chẳng hạn như tổ ong hoặc đài sen. Tiếp đến, họ sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động này cho tới khi các triệu chứng dần thuyên giảm. Sau đó có thể tưởng tượng ra vật thể mà không còn phản ứng sợ hãi rồi mới chuyển sang các bước xem hình ảnh và cuối cùng là tiếp xúc trực tiếp với đối tượng kích hoạt nỗi sợ.

– Liệu pháp nhận thức – hành vi:

Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) cũng là lựa chọn điều trị tâm lý rất hiệu quả đối với chứng sợ Trypophobia. Thông qua CBT, người bệnh sẽ được làm việc với một chuyên gia tâm lý để thay đổi những suy nghĩ cũng như hành vi tiềm ẩn có thể góp phần gây ra hội chứng sợ lỗ.

Chuyên gia có thể thảo luận với người bệnh về những suy nghĩ không thực tế và thay thế chúng bằng những suy nghĩ thực tế hơn. Sau đó sẽ thực hiện việc điều chỉnh hành vi một cách lành mạnh và tích cực hơn.

Ngoài ra, CBT còn giúp người bệnh từ từ điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực như đau khổ, căng thẳng, lo lắng và buồn bã do chứng sợ Trypophobia gây ra. Đồng thời mang lại hiệu quả tích cực trong việc kiểm soát các rối loạn tâm lý đi kèm như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.

2. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc không phải là phương pháp điều trị chính đối với hội chứng sợ lỗ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc để hỗ trợ cải thiện nhanh các triệu chứng liên quan. Đặc biệt, nhiều loại thuốc có tác dụng kiểm soát cảm xúc tiêu cực và giải tỏa lo âu hiệu quả.

thuốc trị hội chứng sợ lỗ
Thuốc được sử dụng hỗ trợ giảm triệu chứng của hội chứng sợ lỗ và thường được chỉ định trường hợp mãn tính.

Dưới đây là thông tin về một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa:

  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): Nhóm thuốc này giúp điều trị chứng ám ảnh sợ hãi bằng cách điều chỉnh serotonin – một hóa chất trong não có khả năng ảnh hưởng tới tâm trạng một cách tích cực.
  • Thuốc chẹn beta: Có khả năng chống lại tác động lo lắng của hội chứng Trypophobia bằng cách ngăn chặn các thụ thể beta. Điều này giúp làm chậm nhịp tim và hỗ trợ giảm huyết áp để làm giảm các triệu chứng lo lắng.
  • Benzodiazepine: Đây là thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương thường được sử dụng để thư giãn cho những người đang phải trải qua căng thẳng, lo lắng và hoảng sợ. Mục đích là nâng cao khả năng đối phó với chứng sợ Trypophobia.

Tất cả các loại thuốc vừa được đề cập đều tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Do đó chỉ được dùng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ. Mặc dù thuốc có thể giúp kiểm soát nhanh một số triệu chứng nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn nỗi sợ hãi và ghê tởm vô lý với các lỗ tròn. Do đó đây chỉ là biện pháp hỗ trợ giúp cho điều trị tâm lý nhận được kết quả tốt nhất.

3. Các chiến lược tự lực

Như đã đề cập, hội chứng sợ lỗ (Trypophobia) khiến cho người bệnh phải đối mặt với nhiều phiền toái trong cuộc sống. Ngoài việc chăm sóc y tế bằng thuốc và trị liệu tâm lý thì người bệnh cần chú ý thực hiện thêm các chiến lược tự lực tại nhà.

vượt qua hội chứng sợ lỗ
Ngồi thiền giúp những người mắc chứng sợ Trypophobia kiểm soát căng thẳng, lo lắng và hỗ trợ giấc ngủ tốt hơn

Dưới đây là một số biện pháp giúp hỗ trợ kiểm soát chứng sợ Trypophobia hiệu quả hơn:

  • Áp dụng các biện pháp thư giãn giống như một phần của kế hoạch điều trị. Người bệnh có thể hít thở sâu, ngồi thiền, nghe nhạc, massage, dùng trà thảo mộc,… Các biện pháp này vừa giúp cải thiện căng thẳng, bất an và lo lắng do chứng sợ Trypophobia gây ra lại có thể chăm sóc tốt hơn cho giấc ngủ.
  • Có thể tham gia vào các hội nhóm dành cho những người mắc chứng sợ Trypophobia để nhận được hỗ trợ. Trong các nhóm này, người bệnh có thể thoải mái chia sẻ vấn đề của mình cũng như học hỏi được kinh nghiệm từ những người khác. Ngoài ra, việc biết được nhiều người khác đang gặp phải tình trạng tương tự bản thân cũng sẽ giúp người bệnh giảm bớt cảm giác bị cô lập.
  • Thiết lập và duy trì lối sống khoa học. Chú ý ăn uống cân bằng, bổ sung đầy đủ dưỡng chất từ các thực phẩm lành mạnh. Bên cạnh đó hãy dành tối thiểu 30 – 45 phút/ ngày cho hoạt động thể chất. Chú ý tránh xa thuốc lá, bia rượu và các chất gây nghiện. Ngoài ra cần hạn chế làm việc quá sức để tránh lo lắng và căng thẳng quá mức.
  • Nên chủ động chia sẻ bệnh tình với người thân trong gia đình, bạn bè hoặc những người đáng tin cậy khác để giải tỏa được áp lực, căng thẳng. Đồng thời dễ dàng nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết. Đừng nên che giấu bệnh bởi nó có thể khiến bạn trở nên cô lập với mọi người.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Việc điều trị hội chứng sợ lỗ (Trypophobia) có thể mất nhiều thời gian nhưng hầu hết các trường hợp đều có đáp ứng tốt. Người bệnh cần kiên trì và tích cực làm theo hướng dẫn của chuyên gia để nhanh chóng cải thiện sức khỏe, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống về lâu dài.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *