Hội chứng sợ biển (Thalassophobia) – Những lý giải từ khoa học

Hội chứng sợ biển là một dạng của rối loạn tâm thần được xếp vào nhóm các ám ảnh sợ. Người mắc phải tình trạng này sẽ tồn tại một nỗi sợ hãi, lo lắng quá mức có liên quan đến biển cả, đại dương. Những tưởng tưởng vô lý luôn xuất hiện trong đầu họ rằng họ có thể bị nhấn chìm bởi đại dương hoặc bị một sinh vật nào đó tấn công trên biển. Những nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục được lý giải ngay sau đây.

Hội chứng sợ biển Thalassophobia
Hội chứng sợ biển là nỗi sợ thái quá kéo dài dai dẳng có liên quan đến biển, đại dương rộng lớn

Hội chứng sợ biển (Thalassophobia) là gì?

Hội chứng sợ biển hay còn được biết đến với tên khoa học là Thalassophobia (trong tiếng Hy Lạp, Thala có nghĩa là biển cả). Đây là một dạng của hội chứng sợ với các biểu hiện lo lắng, sợ hãi, bất an, hoang mang, mất bình tĩnh và dường như rơi vào trạng thái bất lực, tuyệt vọng cực độ khi đối diện với mặt biển mênh mông và rộng lớn.

Những người mắc phải hội chứng này luôn tiềm ẩn một nỗi sợ hãi quá mức đối với những nơi liên quan đến biển, các vùng nước lớn hoặc thậm chí có một số trường hợp nặng còn cảm thấy sợ hãi những loài động vật sinh sống dưới nước, bao gồm cả những loại hải sản, các loài động vật hết sức bình thường như cá, cua, tôm,…

Người mắc hội chứng sợ biển sẽ có những suy nghĩ, hoang tưởng về những điều tồi tệ và đáng sợ có thể diễn ra dưới mặt nước, họ cho rằng ở sâu dưới lòng đại dương luôn tiềm ẩn những điều nguy hiểm. Tuy nhiên, Thalassophobia không phải là chứng sợ nước thông thường. Những người mắc hội chứng này chỉ cảm thấy sợ hãi đối với những vùng nước rộng và sâu như hồ lớn, sông rộng, công viên nước, ao nước lớn hoặc biển và đại dương.

Nỗi sợ của người mắc chứng Thalassophobia sẽ thường xoay quanh những nguy hiểm dưới đáy biển sâu. Chẳng hạn như họ sợ sẽ bị chết đuối, bị sóng biển nhấn chìm, sợ bị cá mập nuốt chửng, sợ bị sinh vật lạ tấn công và rất nhiều nỗi sợ khác có liên quan đến biển.

Dựa vào số liệu thống kê cho thấy thì hiện nay ở Mỹ có khoảng 15 triệu người đang mắc hội chứng sợ biển. Trong đó, người trưởng thành chiếm hơn 7% và trẻ vị thành niên chiếm khoảng 5.5%. Bên cạnh đó, số người được phát hiện và áp dụng điều trị đúng cách khá thấp, chỉ chiếm khoảng gần 40%.

Tại sao nhiều người mắc hội chứng sợ biển (Thalassophobia)

Đại dương mênh mông rộng lớn, chúng ta vẫn chưa thể khám phá ra tất cả những gì hiện có dưới đáy đại dương. Cũng chính vì thế, việc gọi biển cả và đại dương là một nơi bí hiểm cũng không quá sai lầm. Đồng thời, con người vẫn hay tồn tại nỗi sợ khi họ không hiểu hoặc biết rõ về một điều gì đó. Chính vì thế, nỗi sợ biển, sợ đại dương cũng là một lẽ tự nhiên.

Không những thế, chúng ta vẫn thường hay nghe nói về những vụ tai nạn thảm khốc trên biển cả. Có không ít các vị đắm tàu, bị cá mập tấn công và ăn thịt hoặc bị bạch tuộc khổng lồ nuốt chửng khiến nhiều người tuy rất yêu thích biển nhưng lại vô cùng sợ hãi. Những suy nghĩ, sự tưởng tượng đó cứ liên tục xuất hiện trong tâm trí của những người mắc hội chứng sợ biển, từ đó khiến họ cảm thấy lo sợ, hoang mang tột độ mỗi khi đến gần với biển hoặc bất kì vùng nước sâu nào.

Hội chứng sợ biển
Những ám ảnh, trải nghiệm tồi tệ về biển có thể khiến một người mắc phải chứng Thalassophobia

Một số người do sự ảnh hưởng của truyền thông, phim ảnh, báo đài nên bắt đầu hình thành tâm lý sợ biển cả dù họ chưa từng trải qua những điều đó. Họ có thể cảm thấy lo lắng cực độ mỗi khi di chuyển trên mặt biển mênh mông. Họ sợ rằng bản thân sẽ trở thành nạn nhân của những vụ đắm tàu, rơi vào cảnh bi thương giống như chiếc tàu định mệnh Titanic nổi tiếng. Nỗi sợ này đôi khi phi lý và khó kiểm soát đến mức họ có thể từ chối việc bước lên thuyền ngay cả khi nguy hiểm đang cận kề.

Bên cạnh đó, những trải nghiệm tồi tệ từng xảy ra trong quá khứ cũng góp phần tạo nên hội chứng Thalassophobia. Nếu thời thơ ấu bạn đã từng có những kí ức không tốt đẹp với biển cả, đại dương, từng bị tai nạn, chấn thương hoặc đã từng suýt chết hoặc nhìn người thân ra đi vì nước biển thì sự ám ảnh này có thể theo bạn đến cả khi trưởng thành. Chính từ đó mà họ luôn có tâm thế phòng thủ, luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi đối mặt hoặc thậm chí là nghĩ đến biển.

Một vài trường hợp khác, các triệu chứng Thalassophobia có thể liên quan đến yếu tố di truyền, những bệnh lý về tuyến giáp hoặc sự mất cân bằng nội tiết. Tuy nhiên, các yếu tố này thường hiếm gặp, không xảy ra nhiều ở những người mắc hội chứng sợ biển.

Cách nhận biết hội chứng Thalassophobia

Triệu chứng đặc trưng nhất của những người mắc phải hội chứng sợ biển đó chính là cảm giác lo sợ, bất an, hoang mang tột độ có liên quan đến biển cả hoặc các vùng nước sâu rộng lớn. Nỗi sợ này xuất hiện liên tục và không phù hợp với mức độ nguy hiểm mà nước có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ thể của họ tại thời điểm đó.

Người mắc chứng Thalassophobia có thể cảm thấy sợ hãi, lo lắng quá mức khi ở gần đại dương, đang di chuyển trên biển, đến thăm các bãi biển hoặc du lịch bằng thuyền, tàu. Trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì các triệu chứng của Thalassophobia có thể xuất hiện ngay cả khi suy nghĩ hoặc nhìn thấy những hình ảnh, thước phim về đại dương hoặc những vùng nước sâu rộng.

triệu chứng sợ biển
Các triệu chứng của Thalassophobia có thể xuất hiện ngay cả khi suy nghĩ hoặc nhìn thấy những hình ảnh, thước phim về đại dương hoặc những vùng nước sâu rộng.

Một số triệu chứng thường thấy ở người mắc hội chứng sợ biển như:

  • Một phần hoặc toàn bộ cơ thể trở nên run rẩy, mất kiểm soát hành vi khi nhìn thấy biển, đại dương mênh mông.
  • Cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an đến tột độ.
  • Có cảm giác như bị tách rời khỏi thực tế, không còn khả năng để điều khiển cơ thể hoặc thể hiện bản thân, lời nói không rõ ràng.
  • Suy nghĩ tiêu cực.
  • Có thể khóc lóc, la hét, bỏ chạy, buồn nôn, chóng mặt, đau dạ dày, thậm chí có thể ngất xỉu.
  • Có xu hướng né tránh các tình huống, hình ảnh, bộ phim, video liên quan đến biển cả hoặc các sinh vật biển đáng sợ.

Việc lo lắng, hoảng sợ khi chúng ta rơi khỏi một con thuyền đang ở giữa biển khởi là một điều hết sức dễ hiểu. Tuy nhiên, đối với những người mắc hội chứng sợ biển, ngay cả khi họ nhìn thấy hoặc đứng trước các tình huống không nguy hiểm của đại dương thì họ vẫn xuất hiện cảm xúc tương tự.

Họ có thể đủ nhận thức về mức độ an toàn của mình trước biển cả mênh mông nhưng không có khả năng kiểm soát nỗi sợ của chính mình. Nỗi sợ này vượt qua mức giới hạn thông thường và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống hàng ngày của họ.

Hội chứng sợ biển có ảnh hưởng thế nào?

Theo chia sẻ của các chuyên gia tâm lý thì nỗi sợ có liên quan đến Thalassophobia thường sẽ không gây ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe của con người. Tuy nhiên, nếu nó không được ngăn chặn và kiểm soát tốt sẽ gây ra rất nhiều phiền toái đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, khiến họ bị hạn chế rất nhiều trong các hoạt động đời thường, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến biển, đại dương hoặc các vùng nước sâu rộng.

Như đã chia sẻ ở trên, do nỗi sợ quá lớn của hội chứng sợ biển mà người bệnh thường sẽ có xu hướng né tránh, hạn chế việc tiếp xúc đối với các yếu tố gây sợ hãi. Họ sẽ không đến những nơi ao hồ sâu và rộng, không chạm chân đến các bãi biển, các công viên nước hoặc di chuyển bằng tàu thuyền trên biển cả, đại dương. Cũng chính vì thế mà họ sẽ bị hạn chế về các hoạt động, đôi lúc không thể theo đuổi được những công việc mà mình yêu thích chẳng hạn như vận động viên bơi lội, cứu hộ, hướng dẫn viên du lịch.

Hội chứng sợ biển ảnh hưởng như thế nào
Hội chứng sợ biển không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sẽ làm hạn chế các hoạt động đời sống của con người

Những người mắc phải hội chứng sợ biển tất nhiên sẽ không bao giờ du lịch hoặc vui chơi tại các vùng nước sâu rộng hoặc đi đến những thành phố biển mộng mơ. Đôi khi điều này lại gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ, khiến họ bị thu hẹp về các hoạt động xã hội, khó khăn trong việc giao lưu, kết bạn. Họ cũng có thể trở nên nhút nhát, tự thu mình lại, cố gắng để che giấu nỗi sợ của bản thân và dần trở nên cô đơn.

Ngoài ra, khi nỗi sợ tăng lên quá mức, vượt qua sự kiểm soát của con người thì họ có thể hình thành các hành vi nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh. Một số người do bất lực trước những nỗi sợ phi lý của bản thân nên thường tìm đến bia rượu, các chất kích thích để giải tỏa nhưng lại gây ra nhiều tác hại xấu đối với sức khỏe.

Chẩn đoán chứng Thalassophobia

Các triệu chứng của Thalassophobia có thể dễ dàng nhận biết, bản thân người bệnh cũng sẽ hiểu rõ về những nỗi sợ bất thường của mình. Việc thăm khám hội chứng sợ biển thường sẽ được thực hiện bởi bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học. Họ sẽ dựa trên các tiêu chí của Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ 5 hay còn gọi là DSM-5 để chẩn đoán.

Một người sẽ được xác định mắc hội chứng sợ biển khi họ đáp ứng các yếu tố sau:

  • Trải qua một sự lo lắng, sợ hãi về một tình huống hay đối tượng nào đó, ở đây cụ thể chính là biển, đại dương.
  • Luôn có cảm giác bất an, hoang mang khi phải đối diện với các tình huống, sự kiện có liên quan đến biển, các vùng nước sâu.
  • Họ liên tục tìm cách để né tránh các tình huống nguy hiểm về biển để hạn chế nỗi sợ của bản thân.
  • Sự sợ hãi, bất an của họ không cân xứng với mức độ nguy hiểm của trường hợp hiện tại.
  • Không tồn tại các vấn đề sức khỏe nào khác để có thể lý giải và phân tích về nỗi sợ.

Có thể bạn quan tâm: Hội chứng sợ nước (Aquaphobia): Dấu hiệu và Cách kiểm soát

Giải pháp khắc phục hội chứng sợ biển (Thalassophobia)

Như đã chia sẻ ở trên, hội chứng sợ biển không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng sẽ là sự cản trở lớn đối với các sinh hoạt đời sống của con người. Chính vì thế, nếu nỗi sợ của bạn gây nên nhiều tác hại tiêu cực thì bạn cũng nên cân nhắc tiến hành thăm khám và điều trị nhanh chóng.

Việc điều trị và khắc phục hội chứng Thalassophobia thường sẽ được chuyên gia tâm thần thực hiện bởi nhiều biện pháp khác nhau. Tùy vào nguyên nhân, biểu hiện và mức độ nguy hiểm của từng trường hợp mà các chuyên gia, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. 

Dưới đây là một vài cách ứng phó tốt đối với hội chứng sợ biển:

1. Liệu pháp nhận thức và hành vi (CBT)

Liệu pháp nhận thức và hành vi là một phương thức sử dụng ngôn ngữ để trò chuyện, trao đổi trực tiếp giữa nhà trị liệu và người bệnh. Mục đích chính của việc áp dụng liệu pháp này đó chính là giúp cho một người thay đổi và điều chỉnh suy nghĩ, nhận thức, hành vi và niềm tin của mình theo hướng đúng đắn hơn, hạn chế các lo lắng, sự sợ hãi vô ích.

Cụ thể đối với những người mắc phải hội chứng sợ biển, nhà trị liệu sẽ giúp họ xác định được những suy nghĩ, cảm xúc, sự sợ hãi có liên quan đến biển và đại dương. Đồng thời hỗ trợ họ hiểu rằng các suy nghĩ đó chưa thực sự phù hợp, giúp họ khắc phục chúng tốt hơn, nhờ thế mà các hành vi, triệu chứng thể chất cũng sẽ dần được kiểm soát.

Theo thời gian, người mắc hội chứng Thalassophobia cũng sẽ dần xác định được các hành vi, cảm xúc chưa phù hợp của mình và dần thay đổi phản ứng của họ đối với những tác nhân gây ám ảnh, cụ thể là biển. Phương pháp này thường xuyên được áp dụng cho các trường hợp mắc hội chứng sợ hãi và được đánh giá rất cao về mức độ hiệu quả, an toàn. 

2. Liệu pháp tiếp xúc

Để có thể kiểm soát và làm thuyên giảm nỗi sợ thì người bệnh cần phải tiếp xúc gần với những yếu tố khiến họ cảm thấy sợ hãi. Đối với những người mắc phải hội chứng sợ biển thì nên được tiếp cận nhiều với những yếu tố có liên quan đến biển, đại dương. Có thể tiếp xúc qua nhiều hình thức khác nhau và nên thực hiện với mức độ từ thấp đến cao.

Mục tiêu chính của biện pháp này là để chứng minh về mức độ an toàn của biển cả so với trí tưởng tượng của người bệnh. Nhờ vào liệu pháp tiếp xúc mà bệnh nhân có thể xác định được đúng mức độ nguy hiểm của sự vật, cải thiện và nâng cao niềm tin vào khả năng ứng phó của bản thân đối với những yếu tố gây sợ hãi.

Hội chứng sợ biển
Để kiểm soát và khắc phục nỗi sợ, người Thalassophobia sẽ được trị liệu tâm lý với nhiều liệu pháp khác nhau.

Đối với liệu pháp tiếp xúc, nhà tâm lý trị liệu sẽ tiến hành cho người bệnh đối mặt với nỗi sợ của mình nhưng trong một môi trường có sự kiểm soát và đảm bảo về mức độ an toàn. Một số cách thường được áp dụng như:

  • Tiếp xúc với trí tưởng tượng: Tức là một người sẽ suy nghĩ, liên tưởng về yếu tố khiến họ cảm thấy sợ hãi và lo lắng.
  • Tiếp xúc thực tế ảo: Đây là cách sử dụng các công nghệ mô phỏng về trải nghiệm của một ai đó đối với các yếu tố, sự kiện, tình huống cụ thể.
  • Tiếp xúc in vivo: Cho người bệnh trực tiếp tiếp xúc với tác nhân gây sợ, ám ảnh.

Việc tiếp xúc với yếu tố, tác nhân gây sợ cần phải được thực hiện theo quy trình, mức độ từ thấp đến cao để đảm bảo sự đáp ứng tốt từ người bệnh.

3. Sử dụng thuốc

Không có bất kì loại thuốc nào được công nhận với khả năng điều trị hội chứng sợ biển. Hầu hết các loại thuốc được áp dụng cho trường hợp này đều với mục đích kiểm soát và khống chế các triệu chứng lo lắng, sợ hãi quá mức. Thuốc thường chỉ được hướng dẫn sử dụng cho một số trường hợp đặc biệt, nỗi sợ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của bệnh nhân.

Một số loại thuốc thường được sử dụng cho người mắc chứng Thalassophobia đó chính là các loại thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc chống lo âu. Việc dùng thuốc cần phải có sự theo dõi cụ thể của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sự an toàn. Người bệnh cũng cần phải sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh gây ra những hệ lụy nguy hiểm.

4. Chiến lược đối phó với hội chứng sợ biển

Việc khắc phục và cải thiện hội chứng sợ biển cần phải duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Nỗi sợ không thể nào được khống chế tốt trong một sớm một chiều, do đó bạn hoàn toàn có khả năng phải đối diện với những nỗi sợ hãi về biển trong thời gian chữa trị. Vì thế, bạn cũng cần trang bị cho mình một số kỹ năng để ứng phó tốt với cảm giác tồi tệ này.

tập thở giảm căng thẳng
Các bài tập thở có tác dụng rất tốt trong việc giữ bình tĩnh, tăng độ tập trung để giảm lo lắng, bất an khi gặp biển.

Các biện pháp tự khắc phục hội chứng sợ biển tại nhà bao gồm:

  • Áp dụng các bài tập thở: Thở chậm, sâu và đều sẽ giúp bạn gia tăng tình trạng thông khí, ổn định tốt trạng thái cơ thể và hạn chế được sự lo lắng, bất an. Bạn có thể tập thể bằng hơi dài hoặc thử thở theo nhịp 4-7-8.
  • Thiền: Thiền định là một trong các phương pháp thường xuyên được áp dụng để cân bằng tâm trạng, giảm stress, cải thiện suy nghĩ tích cực. Bạn cũng nên rèn luyện thói quen ngồi thiền mỗi ngày, dành ra khoảng 15 phút để thiền sẽ giúp tâm tịnh, thư giãn đầu óc, giảm bớt căng thẳng.
  • Đánh lạc hướng sự tập trung: Khi nỗi sợ xuất hiện bởi một yếu tố nào đó và bạn không thể kiểm soát chúng thì cách tốt nhất là tìm cách tự đánh lạc hướng bản thân. Bạn có thể chú tâm vào một điều gì khác, rời khỏi môi trường khiến bạn sợ hãi hoặc nghe nhạc, xem phim, trò chuyện cùng người thân để phân tán sự chú ý của nỗi sợ.
  • Một chế độ sinh hoạt lành mạnh và tích cực cũng là yếu tố quan trọng để bạn kiểm soát các nỗi sợ phi lý của mình. Hãy ăn uống điều độ, tập luyện thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, tích cực tham gia vào các hoạt động, vui chơi, giải trí lành mạnh.

Hội chứng sợ biển (Thalassophobia) là một dạng rối loạn lo âu sợ hãi cụ thể gây nhiều cản trở đối với cuộc sống của người bệnh. Liệu pháp nhận thức hành vi là lựa chọn điều trị tối ưu nhất cho chứng bệnh này. Ngoài ra, những nỗ lực điều trị tại nhà như thiền, điều khiển sự tập trung có tác dụng cải thiện triệu chứng rất tốt và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

THAM KHẢO THÊM:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *