Hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia) gây ra khó khăn gì?

Hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia) là thuật ngữ ít người biết đến. Thuật ngữ này đề cập đến hội chứng tâm lý mà người bệnh có nỗi sợ vô lý và quá mức về màu sắc. Nỗi sợ hãi không thể kiểm soát khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều phiền toái và khó khăn trong cuộc sống.

hội chứng sợ màu sắc
Hội chứng sợ màu sắc đặc trưng bởi nỗi sợ hãi cực độ, mạnh mẽ và phi lý về màu sắc

Hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia) là gì?

Hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia hay Chromatophobia) là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi ít gặp. Hội chứng này đặc trưng bởi nỗi sợ quá mức, tột độ đến mức vô lý về màu sắc. Khi nhìn thấy màu sắc, người bệnh sẽ trở nên lo lắng, sợ hãi đi kèm với các triệu chứng thể chất. Màu sắc gần như vô hại với con người, do đó các chuyên gia tin rằng chứng Chromophobia là phản xạ có điều kiện xuất phát từ trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.

Trên thực tế, mỗi người có thể yêu thích hoặc cảm thấy không thích một số màu sắc nào đó. Những cảm xúc này là hoàn toàn bình thường. Trong khi đó, những người mắc hội chứng Chromophobia tỏ ra vô cùng sợ hãi, hoảng loạn khi nhìn thấy màu sắc (có thể một vài màu, tất cả các màu hoặc có thể chỉ “nhạy cảm” với những màu sáng).

Dựa vào màu sắc gây ra nỗi sợ, các chuyên gia đã đặt tên cụ thể như sau:

  • Rhodophobia: Hội chứng sợ màu hồng
  • Xanthophobia: Hội chứng sợ màu vàng
  • Castanophobia: Hội chứng sợ màu nâu
  • Chrysophobia: Hội chứng sợ màu vàng/ màu cam
  • Prasinophobia: Hội chứng sợ màu xanh lá cây
  • Cyanophobia: Hội chứng sợ màu xanh dương
  • Leukophobia: Hội chứng sợ màu trắng
  • Melanophobia: Hội chứng sợ màu đen
  • Erythrophobia: Hội chứng sợ màu đỏ

Giống như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, thuật ngữ Chromophobia có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với “chromo” có nghĩa là màu sắc và “phobos” có nghĩa là nỗi sợ hãi, sự ám ảnh. Những người mắc hội chứng sợ màu sắc sẽ gặp phải nhiều phiền toái trong cuộc sống bởi màu sắc luôn hiện diện trong cuộc sống.

Người mắc chứng Chromophobia sẽ khó có thể trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn vì liên tục né tránh những nơi có màu sắc mà bản thân sợ hãi. Thậm chí, người bệnh có thể từ bỏ công việc, các mối quan hệ và lựa chọn nhốt mình trong phòng để cảm thấy an toàn. Vì những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống nên dù chưa được công nhận chính thức, hội chứng sợ màu sắc vẫn sẽ được chẩn đoán và điều trị.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ màu sắc

Hội chứng sợ màu sắc chưa được công nhận chính thức trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Chính vì vậy, hội chứng này chưa thực sự được nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên, thông qua khảo sát và một số nghiên cứu đã được thực hiện, các nhà khoa học nhận thấy hội chứng sợ màu sắc có thể liên quan đến những yếu tố sau:

1. Tổn thương trong quá khứ

Tương tự như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, chứng Chromophobia cũng có thể phát triển từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Đa số những người mắc hội chứng này đều phải trải qua những sự kiện sang chấn mạnh như tai nạn nghiêm trọng, hỏa hoạn, suýt chết đuối, bị bắt cóc, cưỡng bức,…

Một số màu sắc có thể gợi nhắc đến những sự kiện khủng khiếp này và dần dần hình thành nỗi sợ vô lý với màu sắc. Phần lớn người bệnh đều cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy màu đỏ, màu đen, màu vàng và cam. Những màu sắc này không chỉ gợi nhắc đến sự kiện mà còn ẩn chứa những ý nghĩa tiêu cực như sự thách thức, đe dọa và chết chóc.

Trong khi đó, những màu sắc dịu mát như màu xanh lá, xanh dương, màu tím nhạt, màu hồng,… ít khi gây ra nỗi sợ hơn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào trải nghiệm tiêu cực của từng người bệnh.

hội chứng sợ màu sắc
Hội chứng sợ màu sắc thường phát triển sau những trải nghiệm tiêu cực như bị cưỡng bức, bắt cóc, tai nạn,…

2. Ảnh hưởng của bệnh tự kỷ

Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh khởi phát sớm và thường gặp ở bé trai. Trẻ mắc hội chứng này thường có khiếm khuyết về nhận thức, khả năng ngôn ngữ kém, hành vi bất thường và thiếu tương tác xã hội. Bên cạnh đó, tự kỷ cũng khiến cho trẻ nhạy cảm hơn với âm thanh và màu sắc.

Trẻ mắc hội chứng tự kỷ có thể cảm thấy sợ hãi hoặc khó chịu khi nhìn thấy một màu sắc nào đó. Nỗi sợ này khiến trẻ có xu hướng né tránh những vật, thức ăn và trang phục có màu sắc này.

3. Các yếu tố khác

Ngoài hai yếu tố trên, hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia) còn có liên quan đến một số yếu tố khác như:

  • Di truyền
  • Ảnh hưởng từ gia đình
  • Rối loạn nồng độ chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ
  • Có các vấn đề tâm lý, tâm thần như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm, rối loạn hoảng sợ và rối loạn tâm thần liên quan đến nghiện chất

Nhận biết hội chứng sợ màu sắc – Chromophobia

Các rối loạn ám ảnh sợ hãi sẽ có triệu chứng tương tự nhau. Do đó, người mắc hội chứng sợ màu sắc cũng sẽ có nỗi sợ vô lý, mãnh liệt về màu sắc. Nỗi sợ này khiến cho người bệnh luôn lo lắng, bất an, căng thẳng và có các hành vi né tránh những tình huống có màu sắc gây ra nỗi sợ.

chromophobia là gì
Người mắc hội chứng Chromophobia thường né tránh sử dụng vật dụng và trang phục có màu sắc gây ra nỗi sợ

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ màu sắc:

  • Có nỗi sợ vô lý, thái quá về màu sắc (có thể là một hoặc nhiều màu, tuy nhiên đa phần người bệnh thường sợ hãi các màu sắc tươi sáng)
  • Nỗi sợ về màu sắc kéo dài ít nhất 6 tháng và gây ra nhiều phiền toái, cản trở trong cuộc sống
  • Các cuộc trò chuyện đề cập đến màu sắc cũng đủ để bệnh nhân cảm thấy lo lắng, bất an và hoảng loạn
  • Khi nhìn thấy màu sắc “nhạy cảm”, nỗi sợ sẽ gia tăng tột độ đi kèm với các cảm xúc mạnh mẽ và phản ứng thể chất
  • Luôn né tránh đề cập đến và không sử dụng đồ dùng, trang phục, quần áo có màu sắc gây ra nỗi sợ. Người bệnh cũng từ chối đến quán cà phê, siêu thị, nơi công cộng,… vì sợ rằng sẽ phải đối mặt với nỗi sợ do màu sắc gây ra.

Người mắc hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia) sẽ thường trực sự lo lắng và bất an. Khi nhìn thấy màu sắc hoặc biết chắc chắn bản thân sắp nhìn thấy màu sắc gây ra nỗi sợ, người bệnh sẽ phải đối mặt với cơn hoảng loạn với những triệu chứng sau đây:

  • Chóng mặt
  • Choáng váng
  • Đau đầu
  • Sợ hãi cực độ
  • Ớn lạnh
  • Run rẩy
  • Đổ mồ hôi
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở
  • Tăng nhịp tim
  • Khó chịu ở vùng thượng vị
  • Có cảm giác tách rời thực tại
  • Xuất hiện nỗi sợ bị mất kiểm soát, sợ chết và sợ mất trí nhớ

Khi phải đối mặt với căn phòng hoặc không gian rộng được sơn màu sắc gây ra nỗi sợ, một số người có thể ngất xỉu do sợ hãi quá mức. Trong các cơn hoảng loạn, bệnh nhân không thể kiểm soát cảm xúc cũng như các phản ứng thể chất.

Ảnh hưởng, biến chứng của hội chứng sợ màu sắc

Cho đến nay, những hiểu biết của cộng đồng về các vấn đề tâm lý còn rất hạn chế. Đa phần mọi người đều không nhận thức sâu sắc được những ảnh hưởng mà bệnh nhân phải đối mặt. Cũng vì lý do này mà rất nhiều người bị hội chứng sợ màu sắc không có cơ hội được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Như đã đề cập, tất cả các màu sắc đều xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống. Vì vậy, việc né tránh màu sắc sẽ khiến cho người bệnh bị giới hạn công việc, khó có thể học tập một cách thuận lợi và không thể duy trì các mối quan hệ lâu dài.

Những người sợ hãi tất cả màu sắc thường chọn cách tự cô lập bản thân để không phải nhìn thấy màu sắc gây ra nỗi sợ. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cho chất lượng cuộc sống cũng như tinh thần của bệnh nhân suy sụp hoàn toàn.

Nghiêm trọng hơn, hội chứng sợ màu sắc có thể khiến cho người bệnh dễ bị trầm cảm và rối loạn lo âu xã hội. Không ít người lựa chọn sử dụng bia rượu, chất gây nghiện, thuốc lá để giải tỏa cảm xúc. Tuy nhiên, chất gây nghiện và cồn chỉ giúp xoa dịu tâm trạng trong thời gian ngắn. Về lâu dài, các thói quen này sẽ khiến cho những rối loạn bên trong não bộ trở nên nghiêm trọng hơn và kết quả là gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe thể chất lẫn tâm thần.

Chẩn đoán hội chứng sợ màu sắc

Hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia) chưa được công nhận trong DSM-5. Tuy nhiên, hội chứng này vẫn sẽ được chẩn đoán và điều trị do những ảnh hưởng sâu sắc đối với sức khỏe và cuộc sống. Các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi đều có cùng cơ chế, biểu hiện và cách điều trị. Do đó, chứng Chromophobia sẽ được chẩn đoán dựa vào các tiêu chuẩn của rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi.

Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về những triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, mức độ sợ hãi, thời gian triệu chứng xuất hiện,… Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hỏi về ảnh hưởng của chứng sợ màu sắc đối với chất lượng cuộc sống. Bởi nếu không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày, bệnh nhân không nhất thiết phải điều trị.

Hội chứng sợ màu sắc là hội chứng tâm lý không phổ biến. Đa số người bệnh chỉ “vô tình” phát hiện mắc hội chứng này khi đến thăm khám bệnh trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Vì vậy, Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia cần phải có trách nhiệm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về sức khỏe tâm thần để bệnh nhân có cơ hội thăm khám và điều trị sớm.

Các phương pháp điều trị hội chứng sợ màu sắc

Hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia) thường được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ và chăm sóc hợp lý để quản lý bệnh hiệu quả.

Các phương pháp được cân nhắc trong quá trình điều trị hội chứng sợ màu sắc:

1. Các liệu pháp tâm lý

Hội chứng sợ màu sắc có liên quan đến tổn thương tâm lý trong quá khứ. Liệu pháp tâm lý được thực hiện nhằm giúp chữa lành tổn thương, thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và không phù hợp. Mục tiêu cuối cùng là giúp bệnh nhân xóa bỏ nỗi sợ vô lý với màu sắc và cải thiện cuộc sống lâu dài.

Chromophobia
Bệnh nhân mắc hội chứng Chromophobia thường được điều trị bằng liệu pháp tâm lý

Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho bệnh nhân bị hội chứng sợ màu sắc:

  • Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc giúp não bộ thích nghi với nỗi sợ, dần dần giảm phản ứng thái quá khi nhìn thấy màu sắc. Trong liệu pháp này, bệnh nhân phải tiếp xúc với những màu sắc gây ra sự sợ hãi. Sau đó, chuyên gia sẽ hướng dẫn cách để kiểm soát và chế ngự những cảm xúc tiêu cực. Theo thời gian, não bộ sẽ thích nghi và không còn phản ứng hoảng loạn, sợ hãi khi nhìn thấy màu sắc.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT được đánh giá cao về hiệu quả trong điều trị hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia). Liệu pháp này được thực hiện bằng hình thức trò chuyện nhằm xác định nguồn gốc nỗi sợ và những suy nghĩ tiêu cực của người bệnh về màu sắc. Chuyên gia sẽ tập trung thay đổi những suy nghĩ và niềm tin sai lệch của người bệnh. Bằng cách thay đổi nhận thức, bệnh nhân có thể điều chỉnh hành vi và cảm xúc khi nhìn thấy các màu sắc gây ra nỗi sợ.
  • Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp thôi miên thường được thực hiện để hỗ trợ liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Thực tế, việc thay đổi suy nghĩ của người bệnh là không dễ dàng. Do đó, liệu pháp thôi miên được thực hiện để giúp người bệnh cởi mở và dễ dàng tiếp nhận những suy nghĩ đúng đắn về màu sắc. Qua đó có thể giảm bớt nỗi sợ vô lý và phản ứng nhạy cảm quá mức khi nhìn thấy màu sắc.

Liệu pháp tâm lý là giải pháp chính trong điều trị hội chứng sợ màu sắc và các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác. Tùy theo tình trạng cụ thể, chuyên gia có thể thực hiện một hoặc kết hợp nhiều liệu pháp.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

2. Sử dụng thuốc

Hội chứng sợ màu sắc được xem là phản xạ có điều kiện của cơ thể liên quan đến trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Do đó, thuốc gần như không mang lại hiệu quả trong trường hợp này. Tuy nhiên, thuốc vẫn sẽ được cân nhắc sử dụng khi bệnh nhân lo lắng, căng thẳng cực độ hoặc có dấu hiệu trầm cảm.

Người mắc hội chứng Chromophobia thường được chỉ định thuốc an thần benzodiazepines, thuốc chống trầm cảm và thuốc chẹn beta. Trong trường hợp có liên quan đến tự kỷ và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), thuốc chống loạn thần sẽ được xem xét sử dụng.

3. Các biện pháp thư giãn

Tương tự như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, hội chứng Chromophobia khiến bệnh nhân bị căng thẳng, lo âu và bất an dai dẳng. Do đó, kế hoạch điều trị sẽ bao gồm cả các biện pháp thư giãn.

Các biện pháp thư giãn cho người mắc hội chứng Chromophobia:

  • Ngồi thiền
  • Hít thở sâu
  • Yoga
  • Xoa bóp bấm huyệt
  • Uống trà thảo mộc
  • Liệu pháp mùi hương

Chế độ chăm sóc dành cho người bị hội chứng sợ màu sắc

Điều trị hội chứng sợ màu sắc sẽ mất không ít thời gian. Trong quá trình trị liệu, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nỗi sợ của chính mình nên không thể tránh khỏi căng thẳng, hoảng loạn, lo lắng và bất an. Để chế ngự những cảm xúc tiêu cực, bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc phù hợp.

Chromophobia
Chế độ ăn cân bằng, phù hợp là một phần trong kế hoạch điều trị hội chứng Chromophobia

Chế độ chăm sóc dành cho bệnh nhân bị hội chứng Chromophobia:

  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, ăn uống hợp lý còn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và ổn định tâm trạng hữu hiệu.
  • Đảm bảo ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện.
  • Stress có thể khiến cho mức độ lo âu, căng thẳng gia tăng. Vì vậy, cần cố gắng hạn chế stress trong quá trình điều trị.
  • Trao đổi với mọi người xung quanh về tình trạng sức khỏe của bản thân để bạn bè, người thân có thể hiểu lý do đằng sau các hành vi né tránh. Điều này sẽ giúp người bệnh hạn chế mâu thuẫn và duy trì được các mối quan hệ lâu dài.
  • Các hành vi né tránh sẽ khiến cho bệnh nhân dễ bị bức bối về mặt tinh thần. Chính vì vậy, nên rèn luyện thói quen tập thể dục mỗi ngày. Thói quen này vừa giúp giải tỏa tâm trạng vừa tăng khả năng chịu đựng căng thẳng của cơ thể.
  • Khi nỗi sợ đã thuyên giảm, bệnh nhân nên chủ động tìm hiểu về bản chất của màu sắc để có thể tự vượt qua nỗi sợ của chính mình. Hơn bất cứ điều gì, chính nhận thức của người bệnh là “chìa khóa” để chiến thắng hội chứng sợ màu sắc.

Hội chứng sợ màu sắc (Chromophobia) có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề như trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, thất nghiệp, tự cô lập,…  Để ngăn chặn những hậu quả này, cách duy nhất là thăm khám và điều trị kịp thời. Khi kiểm soát được hội chứng sợ màu sắc, bệnh nhân có thể tận hưởng cuộc sống và phát triển bản thân một cách thuận lợi.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *