Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) là gì? Cách vượt qua
Gamophobia là hội chứng sợ kết hôn, sợ cam kết với sự đặc trưng của nỗi sợ hãi quá mức, kéo dài dai dẳng và không có cách kiểm soát khi đối diện vấn đề hôn nhân, gắn kết lâu dài với một ai đó. Tình trạng này có thể khởi phát từ các trải nghiệm tiêu cực đã từng chứng kiến trong quá khứ khiến cho họ cảm thấy vô cùng lo lắng, căng thẳng và sợ hãi khi nghĩ đến việc kết hôn.
Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) là gì?
Hội chứng sợ kết hôn hay Gamophobia là một dạng ám ảnh sợ đặc hiệu khá phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Những đối tượng mắc phải tình trạng này sẽ có một nỗi sợ quá mức về việc gắn kết giữa hai cá thể, họ luôn lo sợ và có những nỗi ám ảnh nhất định về vấn đề kết hôn. Những ý nghĩ về sự cam kết, gắn kết cuộc sống của bản thân với một ai khác khiến cho họ cảm thấy hoảng sợ, căng thẳng và vô cùng bất an. Do những nỗi lo sợ đó khiến cho họ có cảm giác rằng bản thân thà sống một mình còn hơn phải kết hôn với một ai đó.
Đặc biệt là với xã hội hiện đại ngày nay, những tư tưởng độc lập, tự chủ và tự do đã khiến cho nhiều người càng trở nên sợ hãi việc kết hôn. Trong những năm trở lại đây, tỉ lệ người kết hôn đang giảm đi đáng kể, thậm chí tỉ lệ ly hôn giữa các cặp vợ chồng lại tăng lên nhanh chóng. Nhiều người chấp nhận lựa chọn cuộc sống độc thân và họ hài lòng về điều đó.
Theo nhận được của các chuyên gia thì tỉ lệ sợ kết hôn ở nữ giới sẽ cao hơn so với nam giới. Dựa vào kết quả một cuộc khảo sát được tiến hành vào năm 2019 với 69.108 người cùng tham gia. Kết quả nhận thấy có đến hơn 66% nữ giới bày tỏ nỗi sợ hãi, lo lắng về vấn đề kết hôn, còn đối với nam giới thì chỉ có khoảng 34%.
Tuy hiện nay vẫn chưa có con số cụ thể để nhận biết về tình trạng sợ kết hôn. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia thì hội chứng này đang có dấu hiệu tăng nhanh nếu những sự bất công về quyền lợi giữa vợ chồng không được khắc phục và tháo gỡ triệt để. Trong thực tế, nhiều người lo sợ về cuộc sống hôn nhân bởi họ đã từng chứng kiến hoặc nghe kể lại về những bế tắc, đau khổ và sự ràng buộc trong cuộc sống vợ chồng. Lâu dài những tư tưởng lại ăn sâu vào tiềm thức và họ trở nên lo sợ, bất an về cuộc sống gia đình cho dù mối quan hệ tình cảm của họ đang rất hạnh phúc và êm đẹp.
Nguyên nhân gây ra chứng sợ kết hôn
Hôn nhân có thể là kết quả của một cuộc tình tuyệt đẹp, hai người dành cho nhau những sự yêu thương và cùng chung sống dưới một mái nhà sau khi đã được sự cho phép và công nhận của xã hội, luật pháp. Khi hình thành mối quan hệ hôn nhân, đòi hỏi cả hai phải cùng nhau xây dựng và vun đắp tốt cho gia đình nhỏ của mình, có trách nhiệm vì nhau hơn.
Cũng chính vì thế mà chuyện kết hôn luôn được xem là một quyết định hệ trọng của mỗi người. Tuy nhiên, nó có thể là ước mơ, mong đợi của người này nhưng lại đồng thời là cơn ác mộng, nỗi sợ hãi của người khác. Chắc hẳn trong cuộc sống bạn đã từng nghe ai nói rằng “Tôi không thích hợp cho cuộc sống hôn nhân”, “Tôi chưa sẵn sàng cho việc lập gia đình”, “Tôi cảm thấy sợ hãi khi phải bị ràng buộc bởi hôn nhân”. Đây chắc hẳn là những dấu hiệu chứng tỏ họ đang tìm cách chạy trốn khỏi việc kết hôn và cảm thấy lo sợ về vấn đề này.
Vậy tại sao nhiều người lại sợ kết hôn?
1. Sợ kết hôn vì gia đình không trọn vẹn
Những người sinh ra và lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, từng chứng kiến sự đổ vỡ trong mối quan hệ hôn nhân của cha mẹ sẽ có nhiều nỗi sợ hơn về việc kết hôn. Theo khảo sát nhận thấy, đa phần những người mắc phải hội chứng Gamophobia đều có kí ức không tốt về cuộc sống hôn nhân, ví dụ như cha mẹ ly hôn, gia đình không có sự hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã, bạo hành,…Theo thời gian những nỗi sợ này cũng sẽ lớn dần lên và họ sẽ không còn tha thiết đối với việc lập gia đình, thậm chí cảm thấy chán ghét cuộc sống hôn nhân.
2. Do từng thất bại trong hôn nhân
Những đối tượng từng bị thất bại trong cuộc sống hôn nhân cũng có khả năng cao mắc phải hội chứng Gamophobia. Đặc biệt là nguyên nhân của việc tan vỡ là do bạn đời tệ bạc, phản bội, vũ phu hoặc có sự thay đổi quá lớn sau khi kết hôn. Những người đã từng trải nghiệm cuộc sống gia đình không hạnh phúc, thậm chí là bất hạnh sẽ dễ hình thành nỗi ám ảnh, sợ hãi về việc tiếp tục gắn bó lâu dài đối với một người khác.
3. Do những nỗi bất an trong tiềm thức
Kết hôn có thể là kết quả tốt đẹp của một câu chuyện tình yêu nhưng nó cũng chính là sự ràng buộc giữa đôi bên về nhiều mặt. Thực chất việc cùng nhau xây dựng mối quan hệ hôn nhân không chỉ đơn giản là cả hai cùng nhau dọn về sống chung trong một mái nhà. Sau khi kết hôn đồng nghĩa với việc bạn phải chia sẻ trách nhiệm về cả mặt tinh thần và kinh thể cùng với bạn đời của mình.
Tuy nhiên, những đối tượng mắc phải hội chứng sợ kết hôn lại cảm thấy không đủ tự tin, họ chưa sẵn sàng hoặc thậm chí là cảm thấy sợ hãi, bất an khi đối mặt với việc chịu trách nhiệm cho quá nhiều thứ trong cuộc sống gia đình. Những người mắc phải chứng Gamophobia sẽ có rất nhiều nỗi sợ hãi, họ sợ bị ràng buộc, sợ tổn thương, sợ tranh cãi, sợ cuộc sống mẹ chồng nàng dâu, ngại thay đổi,…Vì thế mỗi khi nhắc đến việc lập gia đình họ cảm thấy vô cùng khó chịu, ngột ngạt và muốn chạy trốn khỏi nó.
4. Sợ kết hôn do các bệnh về tâm lý
Các nhà tâm lý học cho biết rằng, những đối tượng mắc phải các vấn đề về rối loạn tâm lý cũng sẽ không thể chấp nhận và sẵn sàng cho việc kết hôn. Bởi những người này luôn có sự tự ti nhất định về khả năng của mình, họ cho rằng bản thân không đủ năng lực để duy trì một mối quan hệ lâu dài hoặc những bất ổn trong tiềm thức khiến họ nghĩ rằng bản thân không xứng đáng được yêu thương và được bên cạnh bất kì ai. Chuyên gia tâm lý cũng nói rằng, những đối tượng mắc bệnh trầm cảm sẽ có nhiều nguy cơ dẫn đến tình trạng sợ kết hôn hơn so với bình thường.
5. Yếu tố di truyền
Chứng sợ kết hôn cũng có thể liên quan đến một số yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người thân mắc phải chứng rối loạn lo âu hoặc các ám ảnh sợ đặc hiệu thì khả năng sợ kết hôn của các thành viên khác cũng sẽ tăng cao. Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố nguy cơ và góp phần hình thành nên những nỗi sợ hãi. Nếu bạn không từng trải qua các sang chấn tâm lý có liên quan đến việc kết hôn hoặc các vấn đề tình cảm thì những nỗi sợ có thể chuyển biến sang nhiều khía cạnh khác.
6. Do hội chứng tự hủy hoại bản thân
Những ảnh hưởng của hội chứng tự hủy hoại bản thân cũng có thể là lý do khiến cho một người mắc phải tình trạng sợ kết hôn. Những người bệnh sẽ có nhiều xu hướng muốn tự hủy hoại chính mình, do đó sẽ không muốn kết hôn vì cho rằng bản thân không xứng đáng được hạnh phúc. Họ sẽ có những suy nghĩ vô cùng tiêu cực về việc lập gia đình và có những định kiến méo mó về bản thân. Lâu dần các suy nghĩ này bắt đầu ăn sâu vào trong tiềm thức và hình thành những nỗi sợ kéo dài về việc kết hôn.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ kết hôn
Như đã chia sẻ ở trên, sau khi chứng kiến hoặc trực tiếp trải nghiệm những nỗi đau về hôn nhân khiến cho nhiều người có cảm giác chán ghét và sợ hãi kết hôn. Không ít người trở nên mất niềm tin về tình yêu hoặc họ chỉ muốn sống một cuộc sống tự do với người mà mình yêu thương, không muốn gắn bó lâu dài và ràng buộc với bất kì ai. Tuy nhiên, những nỗi lo lắng này có thể chỉ tồn tại sau một thời gian, khi đã bình tĩnh trở lại họ vẫn có thể nghĩ đến việc kết hôn và có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
Tuy nhiên, đối với những người mắc phải hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) sẽ luôn tồn tại nỗi sợ hãi vấn đề hôn nhân. Thậm chí những ý nghĩ về việc gắn kết với một ai đó khiến cho họ cảm thấy hoảng sợ, mất kiểm soát và vô cùng bất an, kèm theo đó là hàng loạt các triệu chứng về mặt cơ thể. Để biết được một người đang mắc phải hội chứng này thì bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu nhận biết sau:
- Luôn có tâm lý sợ hãi, lo lắng, bất an về chuyện kết hôn hoặc sự ràng buộc lâu dài trong mối quan hệ với một ai đó.
- Có xu hướng muốn tránh né, cố ý lờ đi mỗi khi có người nhắc đến việc lập gia đình hoặc các sự kiện liên quan đến hôn nhân.
- Có những suy nghĩ cực đoan về vấn đề kết hôn hoặc các mối quan hệ tình cảm, yêu đương.
- Một số đối tượng cho rằng bản thân không có khả năng để xây dựng một mối quan hệ hôn nhân, họ cho rằng mình không xứng đáng được gắn bó hoặc được ai đó yêu thương.
- Khi được nhắc đến các mối quan hệ tình cảm hoặc đề cập về vấn đề kết hôn nhiều người sẽ trở nên mất kiểm soát, tức giận, cáu gắt hoặc thậm chí có những hành vi tiêu cực.
- Những đối tượng mắc chứng Gamophobia sẽ có xu hướng không muốn yêu đương, họ từ chối việc gắn kết với lâu dài với đối phương mặc dù tình cảm của cả hai đang rất tốt đẹp.
- Do nỗi sợ hãi về hôn nhân nên có nhiều người chọn cách tránh xa các mối quan hệ tình cảm ngay từ đầu.
- Ngoài ra, những người bị hội chứng sợ kết hôn còn có thể xuất hiện các triệu chứng cơ thể như buồn nôn, run rẩy, ra nhiều mồ hôi, rối loạn nhịp tim, tức ngực, khó thở,…nếu bắt buộc phải tham gia các sự kiện, buổi gặp gỡ, trò chuyện về chủ đề hôn nhân, gia đình.
Hiện nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, họ yêu thích sự tự do, tự chủ về tài chính. Họ cho rằng hôn nhân chính là sự ràng buộc nên họ quyết định từ chối việc gắn kết lâu dài với “nửa kia” của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là những cảm xúc nhất thời và có thể dần thay đổi khi họ bình tĩnh hơn.
Những người được xác định mắc phải hội chứng Gamophobia sẽ luôn tồn tại những nỗi sợ hãi, lo lắng và có hầu hết các triệu chứng nêu trên. Các nỗi lo sợ này sẽ kéo dài và thường trực tối thiểu 6 tháng và làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt, tình cảm, công việc, học tập, các mối quan hệ,…
Hội chứng sợ kết hôn có nguy hiểm không?
Cho đến hiện nay, vẫn chưa có bất kì kết luận hay nghiên cứu của các nhà tâm lý học nói về việc sợ kết hôn có gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của cá nhân và cộng đồng. Vì thế, nếu việc không kết hôn và sống độc lập một mình không làm bạn cảm thấy khó chịu hay gặp bất cứ khó khăn nào thì cũng đừng quá lo lắng.
Tuy nhiên, đối với trường hợp ngược lại, nếu bạn luôn mong ước và khao khát có được mái ấm gia đình nhưng tiềm thức của bạn luôn cảm thấy lo sợ và bất an trước vấn đề hôn nhân thì bạn cần phải quan tâm và tìm kiếm sự trợ giúp. Cũng bởi nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ khiến cho bạn hình thành các suy nghĩ tiêu cực, đôi khi có những sự méo mó về vấn đề hôn nhân và nhận thức sai lệch về chính bản thân mình.
Bên cạnh đó, những sự sợ hãi về việc kết hôn có thể khiến bạn gặp phải nhiều phiền toái trong cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ. Bạn sẽ không thể tham gia vào những sự kiện hay những cuộc trò chuyện về vấn đề hôn nhân, gia đình. Điều này khiến cho bạn gặp phải cản trở lớn trong việc xây dựng và kết nối mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè, người thân trong gia đình. Những người bên cạnh đôi khi không thể hiểu được tình trạng của bạn nên họ sẽ có những định kiến và nhận xét không hay về bạn.
Chính vì vậy mà có thể thấy được những người mắc hội chứng Gamophobia sẽ có khá ít bạn bè, họ không có nhiều khả năng để giao tiếp. Trong thực tế có không ít các trường hợp phải đối mặt với cuộc sống cô độc vì mãi tránh né và lẩn trốn các mối quan hệ tình cảm. Đặc biệt hơn, khi nỗi sợ hãi kéo dài dai dẳng và biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng thì nhiều khả năng bạn có thể đối mặt với những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý và thể chất như đau đầy, stress, mất ngủ, cơ thể suy nhược, tăng huyết áp,…
Một số trường hợp khi không thể giải tỏa và tìm ra được nguyên nhân khiến bản thân trở nên sợ hãi việc kết hôn sẽ có nhiều xu hướng tìm đến các chất kích thích, chất gây nghiện, rượu bia,…Thậm chí có một số trường hợp còn khởi phát các vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa,…nếu không được can thiệp kịp thời.
Cách chẩn đoán hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia)
Những người mắc phải hội chứng sợ kết hôn sẽ thường xuyên tìm cách né tránh những mối quan hệ tình cảm, lâu dần họ sẽ có xu hướng muốn cô lập bản thân. Đây là một vấn đề sức khỏe tâm lý nên cần được can thiệp và hỗ trợ kịp thời. Ngay khi nhận thấy bản thân có những triệu chứng được nêu trong bài viết này thì bạn cũng cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám cụ thể.
Nếu nghi ngờ một người đang mắc phải chứng Gamophobia thì bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và khai thác các triệu chứng lâm sàng. Hội chứng sợ kết hôn chỉ được chẩn đoán khi người bệnh tồn tại các triệu chứng tối thiểu trong 6 tháng, đồng thời các biểu hiện đó gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cá nhân. Những nỗi sợ hãi đó phải biểu hiện ở mức độ dữ dội, người bệnh không có khả năng khống chế và kiểm soát đó dù nhận biết cảm xúc đang trở nên bất ổn.
Làm sao để vượt qua hội chứng sợ kết hôn?
Cho dù tình trạng sợ kết hôn xuất phát từ bất kì nguyên nhân gì thì các ảnh hưởng của nó đều tương tự nhau. Để giúp cho người bệnh có thể dần thay đổi suy nghĩ và có được đời sống tình cảm tốt hơn thì cần phải tiến hành điều trị thật sớm. Mục đích chính của các phương pháp được áp dụng đó chính là giúp cho bệnh nhân kiểm soát tốt các cảm xúc tiêu cực của bản thân và dần thay đổi nhận thức về việc kết hôn.
Thông thường, để cải thiện hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) thì các chuyên gia tâm lý sẽ ưu tiên áp dụng trị liệu tâm lý. Nếu người bệnh có kèm theo các biểu hiện của bệnh tâm thần thì cần được kết hợp thêm với một số loại thuốc phù hợp. Cụ thể như sau:
1. Trị liệu tâm lý
Đây được xem là biện pháp chính được ưu tiên áp dụng đối với các trường hợp mắc phải hội chứng Gamophobia. Tùy vào mức độ và từng trường hợp khác nhau mà các bác sĩ, chuyên gia sẽ cân nhắc áp dụng các liệu pháp phù hợp. Một số liệu pháp có thể được áp dụng như:
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Đây là liệu pháp thường được áp dụng đối với các trường hợp mắc phải những vấn đề tâm lý, trong đó có hội chứng sợ kết hôn. Khi được áp dụng liệu pháp tâm lý này, các chuyên gia tâm lý sẽ giúp thân chủ kiểm soát tốt nỗi sợ hãi của mình về vấn đề hôn nhân. Mục đích chính của việc sử dụng CBT đó chính là điều chỉnh lại nhận thức, hành vi của thân chủ để giúp họ dần thay đổi cảm xúc và suy nghĩ theo chiều hướng đúng đắn hơn.
- Tư vấn tâm lý: Tuy hình thức trị liệu này không mang tính chuyên sâu bằng các hình thức khác nhưng cũng có thể giúp cải thiện chứng sợ kết hôn một cách hiệu quả và an toàn. Việc trò chuyện và tư vấn tâm lý sẽ giúp cho bạn giải tỏa được những khúc mắc và lo lắng trong lòng. Từ đó các chuyên gia cũng giúp cho bạn nhìn nhận được những sai lệch về tư duy, suy nghĩ từ đó dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
- Liệu pháp phơi nhiễm: Trong quá trình điều trị các chứng ám ảnh sợ đặc hiệu thì liệu pháp phơi nhiễm có vai trò khá quan trọng. Đối với những người mắc phải hội chứng sợ kết hôn thì việc áp dụng liệu pháp này sẽ giúp họ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nỗi sợ của mình, từ đó giúp cải thiện tình trạng sợ hãi và giảm bớt những nỗi lo lắng vô lý.
- Liệu pháp tâm động học: Trong một số trường hợp mắc phải hội chứng sợ kết hôn thì các chuyên gia cũng sẽ xem xét áp dụng liệu pháp tâm động học. Đối với các trị liệu này thì bạn hoàn toàn có thể tự do bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc của mình mà không lo sợ việc người khác đánh giá, phản bác. Thông thường liệu pháp này sẽ được áp dụng theo cặp đôi để cả hai có thể thấu hiểu và đồng cảm với nhau nhiều hơn.
2. Điều trị bằng thuốc
Đối với các trường hợp mắc phải hội chứng sợ kết hôn sẽ không cần thiết sử dụng đến thuốc điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh có xuất hiện kèm theo các biểu hiện của những vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng quá mức, hoảng loạn thì có thể được cân nhắc chỉ định một số loại thuốc nhằm giúp người bệnh kiểm soát cảm xúc, nâng đỡ tinh thần cùng với quá trình trị liệu tâm lý.
Một số loại thuốc có thể được sử dụng như thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu, thuốc chẹn beta,….Việc dùng thuốc cần được sự chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về uống hoặc gia tăng liều lượng của thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Nếu trong quá trình uống thuốc có xuất hiện bất kì vấn đề bất ổn nào thì cũng cần thông báo ngay với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
3. Một số biện pháp tự cải thiện
Xét về cơ bản thì những người mắc hội chứng sợ kết hôn đều nhận thức được những nỗi sợ của bản thân nhưng không thể kiểm soát. Nếu có thể thoát khỏi những nỗi lo sợ này thì họ vẫn có thể lựa chọn cuộc sống độc thân và sống trọn vẹn với nó. Một số khác sau khi vượt qua được nỗi sợ của mình vẫn có thể bắt đầu những mối quan hệ tình cảm và tiến đến cuộc sống hôn nhân.
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp y tế thì bản thân người mắc hội chứng sợ kết hôn cũng cần thực hiện một số cách sau đây:
- Trò chuyện nhiều hơn với những người có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc: Trong thực tế không phải ai sau khi kết hôn cũng có đời sống hôn nhân đau khổ, bất hạnh. Có rất nhiều các cặp vợ chồng gắn kết lâu dài và hạnh phúc, hòa thuận bên nhau. Việc có thể cùng trò chuyện với những đối tượng này sẽ giúp cho bạn có được suy nghĩ tích cực hơn về vấn đề kết hôn, dần xây dựng lại niềm tin với tình yêu.
- Hạn chế xem, tiếp xúc với những điều tiêu cực về hôn nhân, tình yêu: Cùng với việc trò chuyện với những người có cuộc sống gia đình hạnh phúc thì bạn cũng cần phải tránh những thông tin tiêu cực về hôn nhân. Nếu có vô tình lướt thấy những đoạn video, bài viết hoặc nghe ai đó nói về những thất bại của hôn nhân thì bạn nên bỏ qua hoặc tốt nhất là từ chối tiếp nhận để không bị chìm đắm vào những nỗi lo sợ.
- Học cách yêu thương bản thân nhiều hơn: Khác với những người có tư tưởng phóng khoáng, thích sự tự do và muốn sống độc thân, người bị chứng sợ kết hôn sẽ có xu hướng tự ti vào bản thân, họ cho rằng mình không xứng đáng được nhiều người yêu thương. Vì thế, để cải thiện tốt tình trạng này thì bản thân họ phải học cách yêu thương chính mình nhiều hơn, chăm sóc tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để có được cuộc sống như mong muốn.
Thông tin của bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu hơn về hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia). Việc đối phó với những nỗi sợ về hôn nhân là điều hết sức cần thiết để bạn có được những mối quan hệ tốt đẹp, lâu dài. Hi vọng qua những thông tin trên đây sẽ giúp bạn đọc có thêm những kiến thức bổ ích để kiểm soát và vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình.
Tham khảo thêm:
- Xung Đột Trong Gia Đình: Những Nguyên Nhân Và Cách Giải Quyết
- Rối Loạn Phân Ly Là Gì? Biểu Hiện Và Hướng Điều Trị
- Tổn Thương Khi Bị Gia Đình Khinh Thường Và Cách Vượt Qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!