Stress trước kỳ thi vào lớp 10 khiến nhiều học sinh kiệt sức
Sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình, nhà trường và thầy cô khiến các em học sinh không tránh khỏi stress trước kỳ thi vào lớp 10. Áp lực đóng vai trò như “đòn bẩy”, thúc đẩy các em học tập chăm chỉ và chủ động hơn nhưng đi kèm theo đó là những hệ lụy khôn lường.
Stress trước kỳ thi vào lớp 10 – Thực trạng đáng báo động
Những ngày cận kề kỳ thi tuyển sinh THPT, các em học sinh sẽ không tránh khỏi tâm lý căng thẳng và lo lắng. Bởi kết quả của kỳ thi này sẽ quyết định cơ hội học tập trong 3 năm cấp 3 và góp một phần không nhỏ vào tương lai của các em.
Hiện tại, ngành giáo dục đã có những đổi mới nhất định nhằm khuyến khích học sinh học tập một cách tự do, không bị áp lực bởi thành tích. Dù vậy, lối mòn trong phương pháp giảng dạy và tư duy đã tạo nên áp lực vô hình cho các em khi đứng trước những kỳ thi quan trọng.
Để chiến thắng trong “cuộc đua” vào lớp 10, các sĩ tử phải dành hết thời gian cho việc học. Sau khi hoàn thành chương trình học trên trường, các em phải tiếp tục tham gia các lớp học thêm, luyện thi đến tối muộn.
Ngày nay, cuộc sống đủ đầy giúp các em học sinh có môi trường học tập thuận lợi. Gia đình và nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để các em tập trung cho việc học. So với trước đây, điều kiện học tập đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với vấn nạn là sự kỳ vọng quá mức từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo thống kê của Trường Đại học Xã Hội và Nhân Văn TPHCM, có khoảng 97.05% học sinh ở TPHCM bị stress ở mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Trong đó, tỷ lệ đặc biệt cao ở học sinh lớp 9 và lớp 12 khi các em sắp phải đối mặt với những kỳ thi quan trọng.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của kỳ thi lớp 10 trong việc phân loại học sinh và lựa chọn môi trường học tập phù hợp với khả năng của các em. Bên cạnh những mặt tích cực, kỳ thi chuyển cấp cũng tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần.
Hiện tại, chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ học sinh bị stress, căng thẳng trước kỳ thi vào lớp 10. Nhưng không khó để nhận thấy hầu hết các em đều có cảm giác lo lắng và căng thẳng nhất định khi cận kề ngày thi.
Vì sao học sinh bị stress trước kỳ thi vào lớp 10?
Không có thời gian nghỉ, phải học liên tục trong nhiều giờ, di chuyển từ lớp học thêm này đến trung tâm luyện thi khác… đã không còn là điều xa lạ với các em học sinh lớp 9. Trước những kỳ thi quan trọng, tâm lý căng thẳng là phản ứng khó tránh khỏi, nhưng hiện tại thực trạng stress học đường đã đi đến mức báo động.
Ngoài nguyên nhân khách quan là tầm quan trọng của kỳ thi vào lớp 10, stress còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác như:
1. Sự kỳ vọng của gia đình
Đa phần phụ huynh đều coi trọng điểm số và đánh giá năng lực của con em bằng kết quả của các kỳ thi. Đứng trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10, cha mẹ thường bày tỏ kỳ vọng con cái sẽ đạt được điểm số cao, có cơ hội học tập tại các ngôi trường danh tiếng.
Ngày nay, hầu hết các bậc phụ huynh đều đầu tư vào giáo dục với hy vọng con cái thành đạt. Môi trường, điều kiện học tập được cải thiện không ngừng để con em có thể học tập một cách tốt nhất. Vì vậy, cha mẹ luôn kỳ vọng con có thể đạt điểm số cao, đứng ở vị trí top đầu trong lớp và đạt thành tích ấn tượng trong những kỳ thi quan trọng.
Phải nói rằng, sự kỳ vọng của gia đình là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi bất cứ ai cũng mong muốn con đậu vào ngôi trường có điểm chuẩn cao nằm ở top đầu trong khu vực. Tuy nhiên, kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ vô tình tạo ra gánh nặng khiến các em không tránh khỏi tình trạng stress, căng thẳng trước kỳ thi vào lớp 10.
2. Nhà trường tạo áp lực lớn
Mặc dù có những cải tiến nhất định nhưng nền giáo dục nước ta vẫn còn chú trọng thành tích. Trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhà trường và thầy cô không ngừng đốc thúc các em học tập, ôn luyện để đạt kết quả tốt. Kết quả của kỳ thi này không chỉ quyết định tương lai của các em mà còn ảnh hưởng đến thi đua của giáo viên và toàn thể nhà trường.
Để đảm bảo kết quả thi đua, nhà trường không ngừng tạo áp lực nhằm thúc đẩy học sinh học tập chăm chỉ, ôn luyện kỹ càng. Áp lực như một “cú hích” giúp các em ý thức hơn về tầm quan trọng của kỳ thi và tập trung tuyệt đối cho việc học.
Tuy nhiên, nhà trường tạo áp lực quá mức sẽ khiến cho học sinh khó tránh khỏi stress, căng thẳng. Thậm chí nhiều em cảm thấy kiệt sức, ngột ngạt trước lượng kiến thức khổng lồ và lịch học dày đặc.
3. Ảnh hưởng tiêu cực từ truyền thông
Cận kề kỳ thi chuyển cấp, truyền thông thường đưa những thông tin về quy chế thi và đổi mới từ Bộ Giáo Dục. Tràn lan những thông tin chưa được kiểm chứng khiến các em khó tránh khỏi tâm lý lo lắng, hoang mang.
Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng ảnh hưởng của truyền thông vô tình gia tăng mức độ stress cho các em học sinh. Nhất là khi học sinh lớp 9 chưa có đủ kỹ năng để cân bằng cảm xúc, chọn lọc thông tin chính xác. Điều này cũng đặt ra thách thức cho nhà trường và gia đình khi đồng hành cùng các em vượt qua kỳ thi THPT.
4. Tỷ lệ chọi cao
Ở các thành phố lớn, số lượng trường công khá hạn chế nên tỷ lệ chọi trung bình sẽ dao động từ 1.5 – 2.0. Trong năm 2020 – 2021, ngôi trường có tỉ lệ chọi cao nhất ở TPHCM là Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền với tỷ lệ lên đến 3.3.
Tỷ lệ chọi cao là nguyên nhân khiến các em học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực trước kỳ thi lớp 10. Số lượng đăng ký nguyện vọng cao cho thấy sự khó khăn, thách thức của kỳ thi tuyển sinh THPT. Các em buộc phải cố gắng hết mình để có thể vượt qua hàng ngàn thí sinh và nắm chắc cơ hội học tập tại ngôi trường mơ ước.
5. Thiếu định hướng
Một nguyên nhân khác gây ra stress quá mức trước kỳ thi lớp 10 là thiếu định hướng. Rất nhiều em học sinh không hiểu rõ năng lực của bản thân và đăng ký nguyện vọng theo cảm tính.
Gia đình, nhà trường có vai trò định hướng và đưa ra lời khuyên hữu ích để các em chọn được ngôi trường phù hợp với năng lực, sở thích. Nếu không có sự đồng hành của thầy cô và cha mẹ, các em sẽ loay hoay trước nhiều lựa chọn và không tránh khỏi đưa ra những quyết định sai lầm.
Thiếu định hướng khiến các em không có động lực trong học tập, thiếu đi sự quyết tâm trước kỳ thi… Việc chọn nguyện vọng một cách cảm tính cũng khiến các em chọn ngôi trường quá sức hoặc theo học ở ngôi trường có điểm chuẩn thấp, không cân xứng với năng lực.
6. Học tập không có kế hoạch
Công bằng mà nói, các em học sinh đang phải đối mặt với khối lượng kiến thức quá lớn. Nền giáo dục chú trọng vào lý thuyết khiến các em phải dung nạp một lượng kiến thức khổng lồ, phải ghi nhớ nhiều công thức toán học, ngữ pháp tiếng anh…
Trước khối lượng kiến thức nhiều, thầy cô cần đồng hành để các em có thể xây dựng kế hoạch ôn tập khoa học. Kiến thức cần phải được hệ thống một cách chi tiết, ôn luyện theo từng giai đoạn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành.
Ngoài ôn luyện, các em cần phải được hướng dẫn kỹ năng làm bài, cách trình bày và phổ biến quy chế thi. Các kỹ năng này sẽ giúp học sinh đạt điểm số cao, tránh mất điểm vì những lỗi nhỏ.
7. Sự ganh đua giữa các học sinh
Một nguyên nhân khác gây ra áp lực thi cử ở học sinh lớp 9 là sự ganh đua về thành tích. Không chỉ bản thân các em mà cha mẹ cũng có xu hướng so sánh điểm số của con em với bạn bè.
Nhiều em học sinh thú nhận rằng, bản thân cảm thấy rất lo lắng vì sợ bạn bè chê cười khi không đậu vào ngôi trường mà mình mơ ước – đặc biệt là những em luôn nằm trong top đầu của lớp. Kết quả không được như mong đợi sẽ khiến các em trở thành đối tượng bị bạn bè bàn tán, gây ra sự thất vọng cho thầy cô và gia đình.
Thành tích càng cao, áp lực các em phải đối mặt càng lớn. Nếu không được giải tỏa, mức độ stress sẽ ngày càng trở nên sâu sắc. Các em dường như kiệt sức trong “cuộc đua” vào lớp 10. Thực tế, đã có không ít học sinh rơi vào trầm cảm vì kết quả thi không như ý, liên tục chịu sự chì chiết của gia đình, bị bạn bè đem ra bàn tán, so sánh…
8. Hoàn cảnh gia đình khó khăn
Ở những thành phố lớn, số lượng trường công khá hạn chế nên tỷ lệ chọi cao. Các em học sinh không đủ năng lực vào trường công sẽ phải học tại các trường dân lập, tư thục. Tuy nhiên, các trường ngoài công lập thường có học phí cao, vị trí xa… nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em theo học.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn là yếu tố góp phần gây ra tình trạng stress trước kỳ thi lớp 10. Vì điều kiện không cho phép, các em buộc phải đậu vào các trường công lập. Áp lực về hoàn cảnh gia đình và tỷ lệ chọi cao khiến cho tinh thần của các em ngày càng căng thẳng, kiệt sức.
Kiệt sức vì căng thẳng trước kỳ thi tuyển sinh THPT
Càng cận kề kỳ thi, các em học sinh càng trở nên căng thẳng, lo lắng. Hình ảnh các sĩ tử học quên ăn quên ngủ, chạy từ trung tâm này đến trung tâm khác đã không còn xa lạ. Trong giai đoạn “nước rút”, các em dốc hết sức ôn luyện, bổ sung kiến thức để có thể vượt qua kỳ thi một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, nếu không cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, các em sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ. Không ít học sinh thú nhận rằng, bản thân dù rất mệt mỏi, uể oải vẫn phải nỗ lực học tập. Nhưng càng học càng cảm thấy chán nản, học trước quên sau, kết quả là không đạt được điểm số như kỳ vọng.
Biết rằng áp lực là một phần tất yếu trong cuộc sống. Nhờ có áp lực, các em học sinh sẽ ý thức về tầm quan trọng của kỳ thi, chủ động và tự giác hơn trong học tập. Tuy nhiên ở lứa tuổi 14 – 15, các em chưa có kỹ năng giải tỏa căng thẳng và cân bằng tâm trạng.
Stress trước kỳ thi lớp 10 có thể trở thành “vật cản”, ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Ở trạng thái căng thẳng, các em thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ. Đây là lý do khiến nhiều em học sinh dù rất chăm chỉ nhưng không đạt được thành tích như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, stress cực độ còn khiến cho tinh thần ngày càng suy sụp. Các em không còn hứng thú với việc học, thay vào đó là cảm giác ám ảnh và lo sợ. Ngày ngày thức dậy, đợi chờ các em là những đề thi chưa giải, xấp tài liệu dày với khối lượng kiến thức khổng lồ.
Nếu không nhận được sự đồng hành và hỗ trợ từ gia đình, các em sẽ phải đối mặt với stress dai dẳng. Sau đó là trạng thái nơm nớp lo sợ và hồi hộp khi chờ đợi kết quả. Thậm chí nhiều em học sinh ngủ gật, ngất xỉu ngay trong kỳ thi. Sự việc này liên tục diễn ra trong những năm vừa qua đã gióng hồi chuông cảnh báo về áp lực, stress quá mức trước kỳ thi vào lớp 10.
Ở trạng thái lo lắng và căng thẳng, các em khó có thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất. Kết quả không như ý kéo theo vô vàn hệ lụy về mặt tinh thần. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng không khó để nhận thấy rất nhiều em học sinh bị trầm cảm, có ý định tự sát, tự hủy hoại bản thân…. vì không đậu vào ngôi trường mơ ước.
Lời khuyên giúp vượt qua căng thẳng trước kỳ thi vào lớp 10
Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em học sinh là vấn đề cấp thiết – nhất là với học sinh khối 9 và khối 12. Có thể nói, kỳ thi tuyển sinh THPT là thử thách đầu tiên mà các em phải đối mặt trong quãng đời học sinh. Đứng trước kỳ thi này, các em không tránh khỏi tâm lý lo lắng, hoang mang.
Tỷ lệ stress học đường ngày càng gia tăng đã đặt ra vấn đề về việc chăm sóc tinh thần cho các em học sinh. Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, gia đình cần đồng hành trong giai đoạn này để các em có tâm lý vững vàng, tránh hoang mang, căng thẳng quá mức.
Nhà trường cũng cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa để các em thư giãn, vui chơi sau những giờ học tập căng thẳng. Các buổi lễ trưởng thành, chia tay trường lớp… cũng là hoạt động ý nghĩa giúp đời sống tinh thần của học sinh khối 9 trở nên phong phú, lành mạnh hơn.
Biết rằng các em học sinh cần có áp lực để cố gắng và chủ động trong học tập. Nhưng không nên vì thế mà tạo áp lực quá lớn khiến các em rơi vào trạng thái stress cực độ, ám ảnh về việc học. Hãy khuyến khích các em học tập khoa học, kết hợp vui chơi, thư giãn để có tâm lý tốt nhất trước kỳ thi.
Tuyển sinh lớp 10 là kỳ thi quan trọng nhưng kết quả của kỳ thi này chưa đủ để quyết định tương lai của các em. Dù không đậu vào ngôi trường mơ ước, các em vẫn sẽ có nhiều cơ hội khác để phát triển, trau dồi bản thân.
Nhà trường, gia đình nên khuyến khích và tạo động lực một cách lành mạnh để các em học tập với tâm thế thoải mái, tự tin nhất. Đồng thời tránh được những vấn đề tâm lý học đường như stress, trầm cảm, các hành vi cực đoan như tự tử, tự hủy hoại bản thân…
Hiện nay, không ít trường học đã đẩy mạnh công tác tham vấn học đường, tổ chức các buổi tư vấn, định hướng giúp học sinh vững vàng hơn trước những kỳ thi quan trọng. Ngoài ra, gia đình cũng có thể tìm đến các trung tâm uy tín để các em được giải tỏa tâm lý, cân bằng tinh thần. Đồng thời hiểu hơn về tâm lý của các con, biết cách đồng hành và hỗ trợ con em vượt qua kỳ thi vào lớp 10 một cách thuận lợi.
Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam là đơn vị số 1 về tâm lý học đường. Trung tâm quy tụ đội ngũ master coach có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi. Hiện tại với 2 trung tâm ở Hà Nội và 2 trung tâm ở TPHCM, NHC có thể giải quyết nhu cầu về tham vấn tâm lý học đường, góp phần đẩy lùi stress nói chung và tâm lý căng thẳng trước kỳ thi tuyển sinh THPT.
Stress trước kỳ thi vào lớp 10 là “vật cản” khiến các em không thể học tập một cách thuận lợi và hiệu quả. Trong giai đoạn cận kề kỳ thi, gia đình và nhà trường cần hỗ trợ về mặt tinh thần nhằm tạo cho học sinh tâm lý thoải mái nhất. Hãy để các em có một năm học cuối cấp đầy ý nghĩa và trọn vẹn thay vì là những chuỗi ngày học tập quên ăn quên ngủ.
Có thể bạn quan tâm:
- Thực trạng tệ nạn xã hội trong học đường và cách ngăn chặn
- Tư vấn tâm lý học đường cho học sinh quan trọng như thế nào?
- Vấn đề trầm cảm học đường: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp
- Cách Giảm Stress Trong Học Tập Vượt Qua Áp Lực Thi Cử
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!