Tâm lý nạn nhân (Victim mentality) là gì? Cách thoát khỏi
Tâm lý nạn nhân là một trạng thái tâm lý tiêu cực. Những người rơi vào tình trạng này thường cảm thấy bất lực, mệt mỏi với cuộc sống, cảm thấy bản thân luôn gặp thất bại hoặc những chuyện không may. Tuy nhiên, họ không nhìn nhận vấn đề ở bản thân, mà luôn đổ lỗi cho số phận hoặc nghĩ rằng nguyên nhân khiến họ đau khổ là do những người khác.
Tâm lý nạn nhân (Victim mentality) là gì?
Tâm lý nạn nhân (Victim mentality) là một trạng thái tâm lý, trong đó một người tin rằng mình luôn bị đối xử tệ, hoặc là nạn nhân của các tình huống tiêu cực, ngay cả khi không có bằng chứng rõ ràng để xác nhận điều đó. Họ cảm thấy bất lực trước những sự kiện đang xảy ra, cảm thấy bản thân chịu nhiều bất công và đau khổ, nhưng không một ai thấu hiểu, và không thể làm gì để thay đổi hiện thực. Họ cảm thấy cả thế giới như đang chống lại mình và cuộc sống tuột khỏi tầm tay.
Những người có tâm lý nạn nhân cảm thấy bản thân không có quyền tự quyết, vì cuộc sống của họ đã được định sẵn. Những điều tồi tệ xảy ra trong cuộc sống của họ là do có người ghen ghét, có người hãm hại, là lỗi của người khác và họ chỉ là nạn nhân. Họ không bao giờ nhìn nhận rằng vấn đề nằm ở bản thân.
Chính suy nghĩ này biến họ thành những con người thiếu trách nhiệm, thích phóng đại những thương tổn bản thân phải chịu, phủi bỏ hoàn toàn trách nhiệm của bản thân bằng cách gán chúng cho người khác. Bạn cảm thấy mọi người đang nhắm vào bạn (dù trê thực tế không hề có chuyện này) và suy nghĩ rằng “Mình đã làm gì để đáng phải chịu những điều này?”
Gia đình, người yêu, đồng nghiệp, đối tác, thậm chí ngay cả những người xa lạ dường như đều cố gắng chống lại bạn. Họ không công nhận tài năng của bạn, không thấy được những thành công mà bạn đang có. Bạn quá nhạy cảm với những lời chỉ trích và ý kiến trái chiều. Bạn làm làm mọi cách để chứng minh giá trị nhưng cảm thấy chẳng có ai quan tâm.
Những suy nghĩ tiêu cực này không tự nhiên xuất hiện, mà thường xuất phát từ cách giáo dục sai lầm của gia đình, hoặc do những chấn thương tâm lý tồi tệ trong quá khứ. Những yếu tố này khiến bạn cảm thấy tức giận và bất công, vì dường như mọi thứ tồi tệ trong cuộc sống đều nhắm vào bạn.
Những người có tâm lý nạn nhân muốn nhận được sự thông cảm, ủng hộ, đồng tình với suy nghĩ và hành vi của bản thân. Họ sẽ cảm thấy vui vẻ nếu mọi người xung quanh tỏ thái độ đồng tình và muốn giúp đỡ. Tuy nhiên khi mọi người cố gắng đưa ra những giải pháp cho vấn đề, người có tâm lý nạn nhân sẽ tìm mọi lý do để gạt bỏ, và tiếp tục thể hiện rằng mình là nạn nhân của số phận.
Nguyên nhân của tâm lý nạn nhân
Tâm lý nạn nhân có thể xuất phát từ việc trốn tránh trách nhiệm, do tính cách, hoặc do những tổn thương tâm lý trong quá khứ. Mỗi người sẽ có những lý do khác nhau khi áp đặt lối suy nghĩ này lên cuộc sống của bản thân, nhưng những ảnh hưởng mà tâm lý nạn nhân gây ra là vô cùng tiêu cực. Cùng tìm hiểu một số nguyên nhân khiến chúng ta rơi vào tâm lý nạn nhân.
1. Trốn tránh trách nhiệm
Việc đổ lỗi cho người khác luôn dễ dàng hơn nhận lỗi về phía bản thân. Con người chúng ta luôn có những thiên kiến nhận thức khiến ta luôn tìm cách bào chữa cho suy nghĩ và hành vi của mình, và đẩy hết lỗi lầm cho những tác nhân khác. Giống như hiệu ứng Rashomon, mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau khi thuật lại một sự kiện, vì thế không có sự thật tuyệt đối.
Tâm lý nạn nhân chính là một tình trạng tương tự như thế. Chì cần đổ hết mọi lỗi lầm và bất hạnh trong cuộc sống cho tai nạn, cho số phận, hoặc cho một người nào đó, chúng ta sẽ không cần phải gánh vác phần trách nhiệm cùng với mọi vấn đề phát sinh về sau. Đây là cái cớ tuyệt vời để trốn tránh mọi thứ.
Thói quen trốn tránh trách nhiệm còn có thể hình thành do sự giáo dục sai lầm của gia đình. Ví dụ khi trẻ té ngã do bất cẩn, người lớn thường sẽ đổ lỗi cho bậc thềm, cho sàn nhà, cho cái ghế mà bỏ qua sự thật rằng, bản thân trẻ vấp ngã là do đi nhanh, đi chưa vững, hoặc do không chú ý.
Chính hành vi “đổ tội” này của người lớn khiến trẻ lớn lên với suy nghĩ rằng, mọi thứ bất hạnh, vấp ngã hay đau khổ mà bản thân phải gánh chịu đều do ngoại lực tác động, do ai đó gây ra, chứ bản thân không hề có lỗi. Trẻ sẽ tìm mọi cách đổ tội cho những vật xung quanh như được dạy từ nhỏ, từ đó hình thành tâm lý nạn nhân..
Khi đặt mình vào tâm lý nạn nhân trong thời gian dài, bạn sẽ dần dần trở nên vô trách nhiệm và ích kỷ. Bạn sẽ không bao giờ nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn, hình thành cái nhìn sai lệch về cuộc sống, và trốn tránh lỗi lầm hay những chấn thương tâm lý của bản thân. Đây là nguyên nhân hình thành tâm lý thích đặt mình vào vị trí nạn nhân trong mọi vấn đề.
2. Thỏa mãn nhu cầu cá nhân
Những người có tâm lý nạn nhân luôn đặt mình vào thế yếu, đẩy hết trách nhiệm cho những người xung quanh. Trong mắt họ, bản thân không hề làm gì sai, dù có thì đó cũng là lỗi của người khác. Chưa kể khi ở vị trí nạn nhân, họ sẽ nhận được sự quan tâm, an ủi, nhường nhịn và bảo vệ của mọi người.
Đóng vai nạn nhân trong mọi vấn đề là cách giúp họ thỏa mãn nhu cầu được quan tâm, chia sẻ, được người khác bao bọc và bênh vực. Một số người cảm thấy tuyệt vọng, mệt mỏi với cuộc sống, nhưng họ không bao giờ tìm cách thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Thay vào đó, họ thể hiện rằng bản thân đã cố gắng hết sức, nhưng không thể thành công.
Nói cho dễ hiểu thì, một số người cảm thấy thỏa mãn với việc được mọi người chú ý, khi họ tạo cảm giác bản thân là một người yếu đuối, dễ bị tổn thương, và là nạn nhân của số phận trong mắt những người xung quanh. Đây là cách để một ai đó thao túng tâm lý của những người khác để dụ dỗ họ đứng về phía bản thân.
3. Chấn thương tâm lý trong quá khứ
Tâm lý nạn nhân có thể xuất phát từ những chấn thương tâm lý trong quá khứ, đặc biệt là trong thời thơ ấu. Những người có tuổi thơ cơ cực, không được đáp ứng những nhu cầu bình thường nhất của một đứa trẻ, hoặc chịu nhiều biến cố, thất bại gây chấn thương tâm lý nghiêm trọng sẽ có cảm xúc tiêu cực, tuyệt vọng về cuộc sống.
Đây là một dạng bất lực tập nhiễm phổ biến. Khi mọi người cố hết sức thay đổi nhưng luôn thất bại, họ sẽ hình thành tâm lý “oán trời trách đất”. Những người này cảm thấy mọi bất công và đau khổ họ phải chịu là do số phận, do ảnh hưởng từ người khác, và họ không bao giờ muốn phấn đấu thay đổi, vì chắc chắn bản thân không bao giờ thành công.
Chấn thương tâm lý nặng nề hình thành suy nghĩ không thể thay đổi số phận “đã định sẵn”, và làm gia tăng cảm xúc thất vọng, chán chường, đố kỵ, và mệt mỏi. Những người có tâm lý nạn nhân tin rằng mọi thứ họ làm đều là đúng, còn những người xung quanh luôn hiểu lầm và đối xử bất công với họ.
4. Sự phụ thuộc
Tâm lý nạn nhân cũng có thể bắt nguồn từ sự phụ thuộc của một cá nhân với cha mẹ, anh chị, hay một người thân thiết nào đó. Sự phụ thuộc này khiến bạn nghĩ rằng, những người thân yêu phải có trách nhiệm với cuộc sống của bạn. Việc bạn thất bại, đau khổ, mệt mỏi là do cha mẹ không giúp đỡ, không gánh vác giúp bạn, và bạn đẩy hết mọi tội lỗi lên người thân.
Ngoài ra, nếu bạn đang phải chăm sóc cha mẹ già yếu, bệnh tật, bạn sẽ cảm thấy những mệt mỏi trong công việc, trong cuộc sống là do bạn đang phải mang trên mình những “gánh nặng”. Lý do bạn xao nhãng công việc, lý do bạn không thuận lợi trong tình yêu, lý do bạn cảm thấy mệt mỏi, tất cả đều là do bạn có quá nhiều trách nhiệm, và bạn là nạn nhân của sự bất công trong cuộc sống.
Biểu hiện của tâm lý nạn nhân
Những biểu hiện của tâm lý nạn nhân thể hiện qua việc bạn không bao giờ chấp nhận vấn đề xảy ra là do một phần lỗi của bạn. Bạn trốn tránh mọi trách nhiệm, và liên tục đổ lỗi cho những sự vật, sự việc xung quanh. Ngoài ra, bạn cũng có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống. Dưới đây là một vài dấu hiệu rõ ràng hơn về tâm lý nạn nhân mà bạn có thể tham khảo.
- Bạn luôn có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống, nhận xét mọi thứ bằng thái độ bi quan
- Bạn cho rằng những vấn đề xảy ra trong cuộc sống đều là lỗi của người khác, hoặc do số phận bạn không tốt
- Bạn cảm thấy tại sao mình lại phải chịu đựng những khó khăn và thất bại như hiện tại
- Bạn cảm thấy không công bằng, dường như cả thế giới đang chống lại bản thân
- Bạn có cái tôi cao, nhạy cảm với những ý kiến trái chiều, cho rằng bản thân bị vùi dập
- Bạn cảm thấy bản thân thật cô đơn, không được tôn trọng, và không được ai quan tâm hay giúp đỡ
- Bạn bất lực vì cảm thấy không thể thay đổi cuộc sống hiện tại
- Bạn chìm trong những suy nghĩ tiêu cực của bản thân mà không quan tâm đến những người khác
- Bạn ghen tị với những may mắn và thành công của người khác, cho rằng số phận của họ tốt hơn, và bản thân cũng có thể đạt được những thành công như vậy nếu số phận của bạn tốt đẹp hơn.
- Bạn không bao giờ nhìn thấy lỗi lầm của bản thân mà luôn chỉ trích người khác làm khổ bạn
- Bạn không muốn chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống
- Bạn liên tục kể lể về những bất công và đau khổ mình phải chịu
- Bạn không có ý chí cầu tiến, không bao giờ cố gắng thay đổi và giải quyết vấn đề
- Bạn muốn mọi người đồng tình và ủng hộ góc nhìn của mình, nếu không sẽ cảm thấy bản thân bị hắt hủi, không được xem trọng, không được ủng hộ
- Bạn không nhìn thấy những khả năng ở bản thân, không phát triển bản thân theo hướng đúng đắn
- Bạn thiếu niềm tin vào người khác, luôn nghi ngờ động cơ của họ, nghĩ rằng họ có mưu đồ với bản thân
- Bạn chỉ trích và phán xét người khác chỉ để nâng tầm bản thân, và có nhận thức về tốt và xấu một cách cực đoan
- Bạn than thở mình bất hạnh, nhưng luôn ở bên cạnh người làm khổ bản thân và từ chối sự giúp đở từ người khác
Những biểu hiện của tâm lý nạn nhân sẽ khác nhau ở từng trường hợp, nhựng tựu chung lại vẫn là thái độ tiêu cực với cuộc sống, trốn tránh trách nhiệm, tự ti, thích đổ lỗi cho người khác. Những suy nghĩ tiêu cực này cứ lặp đi lặp lại khiến cuộc sống của người mắc tâm lý nạn nhân ngày càng bi quan, tồi tệ hơn.
Ảnh hưởng của tâm lý nạn nhân đến cuộc sống
Tâm lý nạn nhân (Victim mentality) là một suy nghĩ tiêu cực và có thể phá hủy cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách. Suy nghĩ này khiến ta có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống, phá hủy các mối quan hệ tốt đẹp, biến ta thành một kẻ hèn nhát, tự ti, không dám đối diện với hậu quả do hành động của bản thân gây ra.
Khi cho rằng mình là nạn nhân của số phận, chúng ta rất dễ đổ lỗi cho người khác về vấn đề của bản thân. Điều này gây ra cái nhìn lệch lạc về cuộc sống, tư tưởng đố kỵ, ghen ghét với những người có “số phận may mắn” hơn. Nguồn năng lượng tiêu cực này sinh ra những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, giận dữ, oán giận, cay đắng và bất lực với cuộc sống.
Tâm trạng tiêu cực là nguyên nhân khiến con người căng thẳng, mệt mỏi, stress, và nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác đến sức khỏe tinh thần. Nếu để bản thân bị ảnh hưởng bởi tâm lý nạn nhân quá lâu, bạn có thể bị cạn kiệt năng lượng, nghiện chất kích thích như bia rượu để mong thoát khỏi thực tại nghiệt ngã, và tăng nguy cơ mắc những hội chứng rối loạn tâm thần như trầm cảm.
Như đã nói, tâm lý nạn nhân khiến chúng ta có cái nhìn méo mó về cuộc sống, và ảnh hưởng đến việc duy trì những mối quan hệ xã hội. Nếu bạn có cái nhìn tiêu cực, ghen tị về thành công của người khác, bạn sẽ liên tục đổ lỗi cho gia đình hoặc những người xung quanh vì không tạo điều kiện cho bạn thành công, không cho bạn được cuộc sống như bạn mong muốn.
Suy nghĩ này khiến bạn đánh mất tất cả những mối quan hệ thân thiết như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và cả những mối quan hệ xã hội bình thường. Bạn sẽ không nhận được sự đồng tình và giúp đỡ, trở nên thiếu tự tin, giảm hiệu suất công việc, và những suy nghĩ tiêu cực lại càng tấn công mạnh mẽ.
Những người có mối quan hệ với người có tâm lý nạn nhân cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản khi bản thân luôn là đối tưọng bị đổ lỗi và ghen tị. Rõ ràng không ai thích việc bản thân trở thành cái đích cho người khác chỉ trích, và bị đối phương phán xét chỉ để nâng tầm của họ lên.
Cách đối phó với người luôn đóng vai nạn nhân
Việc đối phó với một người mang tâm lý nạn nhân không hề dễ dàng, vì họ chẳng quan tâm đến những điều bạn muốn nói. Họ mãi chìm trong những suy nghĩ tiêu cực, và muốn người khác đồng tình với bản thân, chứ không tiếp nhận ý kiến trái chiều hay lời khuyên nhủ.
Nếu người mang tâm lý nạn nhân chỉ có mối quan hệ bình thường, mang tính xã giao với bạn, thì tốt nhất nên tránh xa họ để tránh những ảnh hưởng tiêu cực. Bạn nên đặt ra ranh giới rõ ràng trong mối quan hệ, và đừng can thiệp vào chuyện của họ trong trường hợp không cần thiết.
Nếu bạn muốn giúp đỡ người bị ảnh hưởng bởi tình trạng này thì nên ở bên cạnh cổ vũ, tạo dựng lòng tin và giúp họ điều chỉnh cảm xúc, trở nên tự tin hơn. Hãy chỉ ra những suy nghĩ tiêu cực đang ám ảnh họ, giúp họ nhìn nhận những thành tựu, những điểm mạnh họ đang có để xây dựng lòng tin và sự tự tin vào bản thân. Ngoài ra, bạn nên khuyến khích người bị tâm lý nạn nhân đi điều trị tâm lý khi cần.
Cần làm gì để thoát khỏi tâm lý nạn nhân?
Việc cảm thấy buồn bã, đau khổ, bất công, hay thấy bản thân thật xui xẻo là tâm lý bình thường của con người. Nhưng nếu suy nghĩ này khiến bạn cảm thấy mình luôn là nạn nhân của bất công và đau khổ, thì bạn nên tìm cách thoát khỏi tình trạng này để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khẻo và cuộc sống.
Tốt nhất là hãy tâm sự với người thân và bạn bè. Bạn bè, người thân, hay những người bạn cảm thấy tin cậy sẽ luôn ủng hộ và giúp đỡ bạn trong cuộc sống, giúp bạn vượt qua những khó khăn và thử thách. Chính vì thế hãy tâm sự, nói hết những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực với người thân hay bạn bè để họ cùng giúp đỡ bạn vượt qua.
Hãy học cách nhìn nhận sự việc một cách công bằng hơn, chấp nhận những sai sót của bản thân để sửa đổi. Bạn cũng cần chịu trách nhiệm cho những quyết định và hành vi của mình, không đùn đẩy trách nhiệm cho những người khác. Ngoài ra, đừng có cái nhìn quá bi quan, tiêu cực về những thất bại, mà hãy lấy đó làm động lực cố gắng nhiều hơn.
Nếu bạn cảm thấy bản thân không thể vượt qua những vấn đề tâm lý hiện có thì hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ, hoặc các chuyên gia tư vấn tâm lý để được hỗ trợ tốt hơn. Thông qua các phương pháp trị liệu, chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, từ đó thay đổi hành vi.
Tâm lý nạn nhân (Victim mentality) là một hình thức thỏa mãn sự ích kỷ, vô cảm, vô trách nhiệm của bạn với xã hội và những người xung quanh. Bằng cách đóng vai nạn nhân, bạn không cần phải chịu trách nhiệm cho những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống. Tuy nhiên, hậu quả là bạn có thể mất đi những người than thiết, đổ vỡ các mối quan hệ xã hội, và đặc biệt là gia tăng tỷ lệ mắc stress, trầm cảm, hay những bệnh rối loạn tâm thần khác do tích tụ nhiều năng lượng tiêu cực.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Hiệu ứng Dunning-Kruger: Sự ảo tưởng về thực lực của bản thân
- Hiệu ứng người ngoài cuộc: Tâm lý bàng quan trong đám đông
- Hiệu ứng cửa sổ vỡ: Hãy thận trọng với những điều nhỏ nhặt
- Hiệu ứng Rashomon: Mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!