Tâm trạng mẹ bầu ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?
Có thể mẹ không biết, bên cạnh những yếu tố thể chất thì tâm trạng của mẹ bầu cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Cũng chính vì thế mà trong suốt thời gian mang thai ngoài việc chăm lo cho sức khỏe thể chất thì yếu tố tinh thần cũng cần được chú ý và quan tâm.
Sự thay đổi tâm trạng của mẹ bầu qua từng giai đoạn
Thông thường, sau khi trải qua cảm xúc hạnh phúc, sung sướng khi biết mình mang thai thì mẹ bầu phải đối mặt với hàng loạt cung bậc cảm xúc khác nhau, từ căng thẳng, lo lắng cho đến những sự hồi hộp, bất an.
Đặc biệt là các trường hợp mẹ lần đầu mang thai, mang thai ngoài ý muốn hoặc có thai khi còn quá trẻ sẽ rất dễ xuất hiện các cảm xúc tiêu cực trong thời gian này. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này mẹ bầu cũng sẽ trở nên nhạy cảm, bất kì những sự kiện nào xảy ra bên ngoài cũng có thể tác động trực tiếp đến tâm trạng của họ.
Khi mang thai, nồng độ hormone bên trong cơ thể người phụ nữ sẽ bị thay đổi một cách đột ngột. Cũng chính vì sự biến đổi đó mà tâm trạng của mẹ bầu cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Một số diễn biến tâm lý thường gặp ở phụ nữ mang thai như:
- Giai đoạn 3 tháng đầu thai kì: Cảm xúc buồn vui lẫn lộn
Thông thường vào những tháng đầu tiên của thai kì, mẹ bầu sẽ phải đối diện với những cơn ốm nghén dữ dội, rất nhiều trường hợp cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược, thiếu sự tập trung, trí nhớ suy giảm, dễ nóng giận vô cớ. Vào 3 tháng đầu tiên dường như cảm xúc của phụ nữ mang thai sẽ được phóng đại quá mức.
Cụ thể như khi vui họ sẽ vui quá sức nhưng khi buồn bã, mệt mỏi cũng sẽ thể hiện một cách vô cùng tiêu cực. Lúc này cảm xúc của mẹ bầu cũng trở nên bất ổn, họ rất dễ xúc động, hay khóc lóc không rõ nguyên nhân hoặc vì những chuyện vô cùng nhỏ nhặt nào đó. Đặc biệt là đối với những bà mẹ lần đầu mang thai chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Vào những tuần đầu tiên của thai kì, khi nhận thấy cơ thể có những sự thay đổi nhất định thì hầu hết người phụ nữ nào cũng nảy sinh sự ngờ vực, hồi hộp,…Sau khi biết chính xác bản thân có thai họ sẽ cảm thấy vui mừng, người thân cũng sẽ dành nhiều lời chúc mừng và quan khiến cho họ cảm thấy hạnh phúc, vui sướng. Tuy nhiên sau đó họ cũng sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi về quá trình mang thai và chăm sóc con nhỏ sau này.
- Giai đoạn 3 tháng giữa thai kì: Tâm trạng của mẹ bầu sẽ ổn định và cân bằng
Đây được xem là giai đoạn ổn định tâm lý nhất của phụ nữ khi mang thai. Lúc này người mẹ cũng sẽ cảm nhận được rõ ràng về sự tồn tại của đứa bé, mẹ bầu sẽ biết được từng cử động, có sự tương tác nhất định đối với thai nhi. Mối bận tâm của mẹ bầu bây giờ chủ yếu sẽ tập trung vào thai nhi, quan sát và theo dõi từng cử động hàng ngày của trẻ.
- Giai đoạn 3 tháng cuối thai kì: Thời điểm vô cùng nhạy cảm
Ở tam cá nguyệt thứ 3 chính là thời điểm nhạy cảm nhất của quá trình mang thai. Cũng bởi lúc này mẹ bầu sẽ cảm thấy vui sướng khi sắp được gặp gỡ đứa con của mình nhưng lại vô cùng lo lắng cho kì sinh sắp cận kề. Đặc biệt có nhiều bà mẹ luôn có sự nhạy cảm nhất định đối với việc sinh nở nên dễ phát sinh tâm lý sợ hãi, buồn chán, cô đơn, lo lắng. Nếu lúc này mẹ bầu không nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc, động viên của gia đình, đặc biệt là người chồng sẽ rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm khi mang thai.
Tâm trạng của mẹ ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Các chuyên gia cho biết rằng, trong suốt thời gian mang thai, bất kì các yếu tố tác động đến cơ thể của người mẹ đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Bên cạnh sức khỏe thể chất thì tinh thần của phụ nữ mang thai cũng chính là nguyên nhân phổ biến gây ra những sự cản trở đối với quá trình phát triển của thai nhi.
Vì thế, trong giai đoạn nhạy cảm này các mẹ cần phải chú ý xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt thật lành mạnh và khoa học để bảo vệ tốt cho sức khỏe của bản thân và bé. Nếu tâm trạng của mẹ bầu luôn ở trạng thái vui vẻ, lạc quan, tích cực thì sẽ giúp cho thai nhi phát triển thuận lợi về mọi mặt.
Đồng thời, nhờ vào sự vui tươi, hạnh phúc của mẹ bầu mà trẻ nhỏ sẽ giảm thiểu tối đa được những biến chứng nguy hiểm như sinh non, sức đề kháng yếu, tiền sản giật, động thai,…Ngược lại, nếu tâm trạng của mẹ bầu không được ổn định, mẹ thường xuyên buồn bã, ủ rũ, lo lắng, tuyệt vọng, suy nghĩ tiêu cực sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ nhỏ.
Một số ảnh hưởng lớn đối với thai nhi khi mẹ bầu có tâm trạng tiêu cực như:
- Tâm trạng mẹ bầu ảnh hưởng đến tính cách của trẻ nhỏ
Nhiều mẹ không biết rằng, tính cách của trẻ nhỏ, thai nhi sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi tâm trạng của mẹ bầu lúc mang thai. Cho dù tính cách của con người sẽ được hình thành dựa vào rất nhiều yếu tố tác động trong quá trình sống như các giáo dục của gia đình, trường học, xã hội, môi trường sống,….Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, tâm trạng của mẹ bầu lúc mang thai cũng là yếu tố góp phần hình thành nên tính cách của trẻ. Nếu mẹ thường xuyên cáu gắt, tức giận, buồn bã trong suốt 9 tháng mang thai thì con sinh ra cũng sẽ có tính cách tương tự.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, trí thông minh của trẻ
Trong rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu tâm trạng của phụ nữ khi mang thai bị suy sụp, tiêu cực thì sẽ gây nên sự cản trở lớn đối với quá trình trao đổi chất giữa thai nhi và người mẹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc con sẽ không thể nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng của mẹ, từ đó làm ảnh hưởng đến sự phát triển, đặc biệt là não bộ.
Các chuyên gia cũng đã tiến hành nghiên cứu về khả năng ghi nhớ và học tập của trẻ, họ nhận thấy rằng ở những người mẹ bị rối loạn lo âu trong thời kì mang thai sẽ có sự ảnh hưởng rất lớn đối với khả năng chú ý, tập trung của trẻ. Họ đã tiến hành đo vùng hồi hải mã (vùng có nhiệm vụ giúp ghi nhớ và giúp ích cho quá trình học tập) của các em thì nhận thấy kích thước của vùng này nhỏ hơn so với các trường hợp trẻ được sinh ra bởi mẹ có tâm trạng bình thường. Đồng nghĩa với việc trẻ sẽ có khả năng ghi nhớ và học tập kém hơn so với các bạn cùng trang lứa.
- Mẹ bầu có tâm trạng tiêu cực sẽ khiến trẻ có nguy cơ tự kỷ cao
Các rối loạn tâm lý trong quá trình mang thai cũng chính là một trong các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ tự kỷ ở trẻ nhỏ. Các chuyên gia cho biết rằng, nếu thai phụ bị rối loạn tâm lý ở tuần thứ 32 thì trẻ sinh ra sẽ có khả năng bị rối loạn hành vi cao gấp 2 lần so với bình thường, tình trạng này có thể kéo dài liên tục cho đến khi trẻ được 4, 5 tuổi.
Tỉ lệ bị rối loạn hành vi ở trẻ cũng sẽ tăng gấp 2 lần nhưng sẽ kéo dài cho đến khi trẻ được 7 – 8 tuổi nếu mẹ bị rối loạn tâm lý ở tuần thứ 38 – 40. Ở những trường hợp thai phụ bị trầm cảm sẽ khiến cho các hormone tâm lý của mẹ ảnh hưởng đến hệ thống tuyến nội tiết của thai nhi. Từ đó làm giảm chức năng của hệ thống này làm cho nồng độ hormone bị suy giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt khiến cho trẻ nhỏ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.
- Trẻ có nhiều nguy cơ bị tăng động
Khi tâm trạng mẹ bầu bị căng thẳng, lo lắng, sợ hãi quá mức sẽ khiến cho cơ thể liên tục sản sinh ra nhiều các hormone như cortisol và dolpamine – đây cũng chính là hai loại hormone có sự ảnh hưởng lớn đến chức năng của hệ thần kinh. Đặc biệt hơn là cả hai loại hormone này đều có khả năng truyền đến thai nhi thông qua nhau thai. Từ đó hệ thần kinh của trẻ sẽ bị tác động và trở nên không ổn định, nguy cơ mắc phải chứng tăng động cũng sẽ tăng cao.
- Tâm trạng mẹ bầu sẽ ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ
Một con số đáng báo động đó là có đến 15% các trẻ em gặp phải nhiều rắc rối về ngôn ngữ, khả năng biểu đạt, chậm nói do sự ảnh hưởng của những bất ổn trong tâm lý của mẹ bầu. Các chuyên gia cho biết rằng, tình trạng trầm cảm, lo lắng, căng thẳng quá mức của phụ nữ trong giai đoạn mang thai sẽ làm giảm đi hoạt động nghỉ ngơi, ăn uống. Điều này sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về các chất cần thiết cho sức khỏe của mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi, từ đó trẻ sinh ra có thể chậm nói, khả năng ngôn ngữ kém hơn so với bình thường.
- Nguy cơ động thai, sảy thai do tâm lý tiêu cực
Tâm trạng tiêu cực của mẹ bầu không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của thai nhi và trẻ nhỏ mà còn làm gia tăng nguy cơ bị động thai, sảy thai, tiền sản giật, sinh non, trẻ sinh ra ốm yếu, nhẹ cân, sức đề kháng kém,…Đối với những bà mẹ có tâm lý bất ổn trong quá trình mang thai sẽ có nhiều nguy cơ gặp phải biến chứng thai kì, nhiều khả năng phát triển thành tình trạng trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…
Cách cân bằng cảm xúc, tâm trạng cho mẹ bầu khi mang thai
Như đã chia sẻ ở trên, tâm trạng mẹ bầu có sự ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển lâu dài của thai nhi. Vì thế, bên cạnh việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thể chất thì phụ nữ mang thai cũng cần phải chú ý nhiều hơn đến cảm xúc, tâm trạng của bản thân.
Một số lời khuyên hữu ích để giúp chị em có thể kiểm soát và cân bằng cảm xúc, tâm trạng trong quá trình mang thai như:
1. Xây dựng lối sống lành mạnh và khoa học
Nếu mẹ bầu có thể xây dựng được một lối sống lành mạnh và khoa học thì không chỉ tinh thần được nâng cao mà sức khỏe thể chất cũng được đảm bảo. Khi cơ thể được khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng thì tinh thần cũng trở nên vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều, các phiền muộn, âu lo cũng sẽ dần tan biến.
Để cải thiện tâm trạng hiệu quả, mẹ bầu nên áp dụng theo một số biện pháp sau đây:
- Mẹ bầu cần phải sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm những việc nặng hoặc vận động trí não quá nhiều. Đồng thời cần phải đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng. Sau một ngày làm việc mệt mỏi thì một giấc ngủ sâu sẽ giúp cho tinh thần được xoa dịu tốt hơn, những căng thẳng, lo lắng cũng được kiểm soát.
- Sau khi trải qua 3 tháng đầu thai kì, thì mẹ bầu cũng nên kết hợp thêm một số bài tập vận động nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội,…Việc thường xuyên tập luyện thể dục thể thao vừa giúp nâng cao sức khỏe thể chất vừa hỗ trợ tốt cho tinh thần. Các chuyên gia cho biết rằng, mỗi ngày chỉ cần dành ra khoảng 20 đến 30 phút tập luyện các bài tập đơn giản cũng giúp cơ thể mẹ bầu giảm tình trạng đau nhức, mệt mỏi, uể oải. Đồng thời tinh thần cũng được gia tăng, cơ thể sản sinh tốt các hormone hạnh phúc hỗ trợ đẩy lùi căng thẳng, áp lực.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lạnh mạnh, tốt nhất mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có thể thiết lập thực đơn ăn uống phù hợp. Chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai tuy không quá khắt khe nhưng cũng cần phải đảm bảo đủ các chất cần thiết, hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, chất kích thích,….Ăn uống đúng cách sẽ giúp mẹ bầu và thai nhi có được sức khỏe tốt, đồng thời hạn chế được các vấn đề sức khỏe thai kì.
Xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh là điều rất cần thiết đối với quá trình mang thai. Các mẹ bầu cần phải chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi để có thể giữ được tâm trạng ổn định, giúp cho thai kì luôn mạnh khỏe và phát triển thuận lợi.
2. Tham gia vào các lớp học tiền sản
Đôi lúc tâm lý bất an, lo lắng, căng thẳng quá mức của mẹ bầu xuất phát từ việc chưa chuẩn bị đầy đủ các kiến thức chăm sóc bản thân trong quá trình mang thai và sau khi sinh con. Vì thế, để giảm bớt các áp lực thì mẹ bầu cũng nên tìm hiểu và đăng kí tham gia vào các lớp học tiền sản để được trang bị kiến thức cần thiết.
Các khóa học này không chỉ giúp cho mẹ bầu hiểu rõ được những sự thay đổi của bản thân, cung cấp những thông tin bổ ích mà còn giúp mẹ bầu quên đi những căng thẳng, buồn phiền để hỗ trợ tốt cho quá trình chăm sóc thai kì. Tham gia các khóa học này mẹ bầu cũng sẽ được gặp gỡ nhiều bà mẹ khác, cùng nhau chia sẻ và tâm sự về những vấn đề của bản thân cũng giúp cho tâm trạng trở nên vui vẻ và ổn định hơn rất nhiều.
3. Áp dụng các cách giải tỏa tâm trạng
Trong suốt quá trình mang thai chắc hẳn các mẹ bầu không thể nào tránh khỏi những lúc cảm thấy cô đơn, trống vắng và buồn tủi. Đồng thời do sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố cùng với những biến đổi về ngoại hình khiến cho phụ nữ trở nên tự ti, buồn bã, đôi lúc cáu gắt, nóng giận.
Vì thế, mẹ bầu cần phải trang bị sẵn có mình những mẹo thư giãn, giải tỏa tâm trạng để có thể giữ được tinh thần tốt nhất trong suốt quá trình mang thai. Một số mẹo nhỏ có thể áp dụng như:
- Ban ngày nếu cảm thấy khó chịu, căng thẳng thì bạn có thể thử đọc sách, nghe nhạc, xem phim, chăm sóc cây cảnh, dọn dẹp phòng ngủ, nhà cửa, ra ngoài hít thở không khí, đón ánh nắng tự nhiên,….
- Hãy thử ngồi thiền, tập vài động tác yoga bạn sẽ thấy cơ thể được thả lỏng và tinh thần trở nên thoải mái, phấn chấn hơn rất nhiều. Thường xuyên áp dụng hai bộ môn này sẽ giúp cho tâm trí được ổn định, máu huyết lưu thông, chất lượng giấc ngủ cũng nâng cao.
- Nếu buổi tối cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và không ngủ được thì mẹ bầu cũng có thể áp dụng một số biện pháp thư giãn hiệu quả như ngâm chân với nước ấm, sử dụng tinh dầu thơm, lựa chọn không gian ngủ thoải mái, tránh tiếng ồn,…
- Nếu trong thời gian mang thai bạn vẫn duy trì công việc thì cần sắp xếp thời gian thật hợp lý. Khi cảm thấy mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi vài phút để cơ thể được thư giãn, tránh làm việc quá sức hoặc làm việc liên tục trong nhiều giờ liền.
- Tự massage cơ thể cũng là một cách giúp các mẹ bầu thư giãn đầu óc và giảm bớt các trạng thái tiêu cực.
4. Chia sẻ, tâm sự với người thân
Mang thai là giai đoạn vô cùng cực khổ và gian nan đối với mỗi người phụ nữ. Vì thế, nếu cảm thấy áp lực, mệt mỏi, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực thì người mẹ cũng nên tìm cách để chia sẻ, tâm sự với những người thân trong gia đình hoặc bạn bè của mình.
Việc có thể nói ra được những nỗi buồn phiền, lo lắng trong lòng sẽ giúp bản thân cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Đồng thời, những người thân bên cạnh, đặc biệt là những người mẹ đã từng trải qua giai đoạn này đôi lúc có thể cho bạn thêm những lời khuyên hữu ích.
Hãy học cách nói ra những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, đừng cố gắng cất giữ và che giấu nó. Ngay cả khi bạn không nhận được bất kì lời khuyên nào thì việc lắng nghe, thấu hiểu và an ủi của những người xung quanh cũng giúp cho tâm trạng được cải thiện hơn.
Ngoài ra, những thành viên trong gia đình, đặc biệt là người chồng cũng cần phải dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc của vợ bầu. Lúc này, tâm lý của các mẹ sẽ rất nhạy cảm nên rất cần sự yêu thương, quan tâm và chia sẻ của những người thân bên cạnh. Vì thế hãy cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong giai đoạn này để phụ nữ khi mang thai giảm bớt được các áp lực, buồn phiền.
5. Tìm gặp chuyên gia tâm lý khi cần thiết
Dưới sự thay đổi về cả ngoại hình lẫn hàm lượng hormone bên trong cơ thể nên phụ nữ mang thai sẽ trở nên rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương và khó khăn trong việc tự kiểm soát cảm xúc của chính mình. Đặc biệt tâm trạng của các mẹ bầu khi mang thai lại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thai nhi. Do đó, nếu cảm thấy cần thiết bị các mẹ nên cân nhắc đến việc tìm gặp chuyên gia tâm lý để tháo gỡ những vướng mắc trong lòng.
Thông qua các buổi trò chuyện trực tiếp, các chuyên gia sẽ giúp mẹ bầu gạt bỏ được những cảm xúc tiêu cực, giúp bản thân nhìn nhận được các vấn đề đang xảy ra và tác động đến tâm lý. Nhờ đó, mà các mẹ bầu biết cách điều chỉnh cảm xúc theo hướng tích cực và đúng đắn hơn.
Quá trình tư vấn tâm lý cho phụ nữ mang thai đóng vai trò cực kì quan trọng đối với việc bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Khi tâm trạng của mẹ bầu được ổn định và cân bằng tốt thì giúp cho thai kì phát triển thuận lợi, con chào đời một cách khỏe mạnh.
Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu rõ được những ảnh hưởng mà thai nhi phải gánh chịu nếu như tâm trạng của mẹ bầu trở nên bất ổn. Hi vọng những thông tin này sẽ giúp cho các mẹ biết cách điều chỉnh và kiểm soát tốt tâm trạng của mình để có được một thai kì thật khỏe mạnh.
Tham khảo thêm:
- Bạo Hành Tinh Thần Là Gì? Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Thoát Khỏi
- Mẹo Giúp Vượt Qua Áp Lực Từ Gia Đình
- 10 Cách Giúp Bạn Cải Thiện Tâm Trạng Đơn Giản Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!