[Hỏi đáp] Bệnh tâm thần phân liệt có di truyền không?
Tâm thần phân liệt có di truyền không là băn khoăn của nhiều bệnh nhân. Bởi bệnh lý này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống nên không ít người lo lắng tâm thần phân liệt có thể di truyền sang thế hệ sau.
Bệnh tâm thần phân liệt có di truyền không?
Tâm thần phân liệt là một rối loạn loạn thần có mức độ nặng, tiến triển mãn tính gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Người mắc chứng bệnh này thường có các hoang tưởng sai lầm, ảo thanh, ảo giác, mất cảm xúc và thiếu liên kết với những người xung quanh. Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp phải tình trạng rối loạn tư duy, ngôn ngữ, hành vi thiếu tổ chức,…
Tâm thần phân liệt là bệnh mãn tính phải điều trị suốt cuộc đời. Nếu không can thiệp điều trị, người bệnh có nguy cơ tử vong do hành vi tự sát và giảm tuổi thọ do ảnh hưởng của các bệnh lý thể chất. Có thể nói, tâm thần phân liệt là một trong những rối loạn tâm thần gây ra ảnh hưởng nặng nề nhất. May mắn thay, tỷ lệ mắc bệnh không quá nhiều, chỉ dao động khoảng 1% dân số thế giới.
Chính vì những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống nên không ít bệnh nhân băn khoăn về vấn đề “Bệnh tâm thần phân liệt có di truyền không?”.Được biết, cho đến nay căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của bệnh lý này vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu được thực hiện cho thấy bằng chứng rõ ràng về vai trò của gen di truyền đối với bệnh tâm thần phân liệt. Vì vậy, có thể khẳng định tâm thần phân liệt là bệnh có khả năng di truyền.
Phần lớn bệnh nhân đều có tiền sử gia đình bị tâm thần phân liệt hoặc các dạng loạn thần khác như loạn thần cấp tính, rối loạn nhân cách phân liệt,… Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên 6% nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh và lên đến 45% nếu cả hai người đều bị tâm thần phân liệt. Ở các cặp anh chị em song sinh cùng trứng, tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 40 – 50% nếu người còn lại đã được chẩn đoán mắc bệnh.
Những bằng chứng này cho thấy vai trò rõ ràng của gen di truyền trong cơ chế bệnh sinh của tâm thần phân liệt. Ngoài ra, di truyền cũng là yếu tố gây ra nhiều rối loạn tâm thần khác như rối loạn tăng động giảm chú ý, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và tự kỷ.
Các chuyên gia trong Hiệp hội nghiên cứu gène các bệnh tâm thần nhận thấy, gen CACNA 1 C và CACNB 2 ở những bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần trên đều có dạng xoắn riêng khác hẳn với người khỏe mạnh. Hai gen này liên quan đến quá trình cân bằng canxi ở tế bào thần kinh và ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng xác định được 4 vị trí gen làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt, tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực bao gồm nhiễm sắc thể 10q24, 3p21 và SNPs ở gen CACNA 1C và gen CACNB 2.
Về cơ bản, cơ chế bệnh sinh của tâm thần phân liệt còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có thể khẳng định vai trò của yếu tố di truyền. Vì có liên quan đến gen nên hầu hết các rối loạn tâm thần đều có khuynh hướng mãn tính, dễ tái phát nên phải điều trị lâu dài và đôi khi là cả cuộc đời.
Làm sao để ngăn ngừa tâm thần phân liệt di truyền cho con cái?
Tâm thần phân liệt gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, những người mắc bệnh lý này rất lo lắng về việc bệnh sẽ di truyền sang cho thế hệ sau. Thực tế, tỷ lệ di truyền cho con cái chỉ rơi vào khoảng 6% nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh. Tuy nhiên trong trường hợp cả bố và mẹ đều mắc bệnh, tỷ lệ lên đến 45%.
Hiện tại, chưa có phương pháp ngăn chặn tâm thần phân liệt di truyền sang cho thế hệ sau. Dù vậy, thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể giảm khả năng di truyền của bệnh.
1. Tích cực điều trị trước khi có con
Trước khi có con, bệnh nhân tâm thần phân liệt nên điều trị tích cực để quản lý bệnh và duy trì bệnh ở giai đoạn ổn định. Ngoài ra, điều trị tốt sẽ giúp mẹ bầu ăn uống và sinh hoạt điều độ, từ đó tránh tình trạng suy dinh dưỡng và sức khỏe kém – những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở thai nhi.
Bên cạnh đó, các biến chứng trước, trong và sau khi sinh cũng làm gia tăng các vấn đề tâm thần do tổn thương về phát triển thần kinh. Vì vậy, việc điều trị tốt trước khi có con là rất cần thiết trong việc giảm thiểu khả năng tâm thần phân liệt di truyền sang con cái.
Trước khi mang thai, nên trao đổi với bác sĩ tâm thần để được tư vấn thời điểm phù hợp và các phương pháp điều trị an toàn, không gây hại cho thai nhi. Đối với những trường hợp có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên để tránh những tình huống ngoài ý muốn.
2. Chăm sóc đặc biệt khi mang thai
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần có những biện pháp chăm sóc đặc biệt để giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra bị tâm thần phân liệt. Ngoài ra, chăm sóc đúng cách khi mang thai còn giúp mẹ bầu nâng cao sức khỏe và hạn chế tối đa các biến chứng phát sinh trước, trong và sau khi sinh.
Các biện pháp chăm sóc đặc biệt nên thực hiện khi mang thai:
- Trao đổi với bác sĩ phụ sản tình trạng sức khỏe để được tư vấn chế độ dinh dưỡng. Đối với trường hợp bố hoặc mẹ bị tâm thần phân liệt, chế độ ăn thường thiên về các loại thực phẩm chứa những chất dinh dưỡng tốt cho tế bào thần kinh như vitamin B9, B12, kẽm, magie, sắt,…
- Mẹ bầu nên tập thể dục nhẹ nhàng trong suốt thai kỳ để ổn định tâm trạng và tác động lành mạnh đến thai nhi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hormon endorphin được tiết ra khi tập thể dục giúp thai nhi vui vẻ và phần nào ảnh hưởng đến tính cách khi con chào đời.
- Tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất kích thích,…
- Ưu tiên dùng thực phẩm hữu cơ để đảm bảo sức khỏe của bản thân và thai nhi.
- Tiêm ngừa đầy đủ và khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.
- Giữ tâm lý vui vẻ, lạc quan là yếu tố quan trọng giúp mẹ nâng cao sức khỏe và giảm thiểu khả năng tâm thần phân liệt di truyền sang cho con. Ngoài ra, tâm lý ổn định cũng giúp phòng ngừa trầm cảm khi mang thai và sau sinh hiệu quả.
- Nên trò chuyện với thai nhi ngay từ những tuần đầu tiên. Bên cạnh đó, có thể kích thích sự phát triển của hệ thần kinh bằng cách đọc sách, kể chuyện và nghe nhạc. Những hoạt động này còn giúp gắn kết con với bố mẹ và nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ ngay từ khi còn là bào thai.
- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian mang thai.
3. Giáo dục con khoa học
Sau khi con chào đời, bố mẹ cần có phương pháp giáo dục đúng đắn để hướng con đến cuộc sống lành mạnh, rèn luyện tích cách mạnh mẽ, quyết đoán và trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần đảm bảo con có sức khỏe tốt bởi thể chất và tinh thần là hai yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ.
Xây dựng cho con môi trường sống, học tập và vui chơi lành mạnh. Bồi dưỡng nhân cách cho con thông qua cách cư xử đúng mực, sự quan tâm, chia sẻ và khuyến khích con giúp đỡ những người xung quanh.
Hạn chế cho con tiếp xúc với thiết bị điện tử, đặc biệt là các game bạo lực. Truyền cảm hứng học tập để con chăm chỉ và say mê học. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên nghiêm khắc và kiên nhẫn giúp con sửa lỗi, điều chỉnh những điểm còn thiếu sót và khuyến khích con phát huy những hành vi tích cực.
4. Cho con thăm khám định kỳ
Ban đầu, các triệu chứng tâm thần phân liệt ở trẻ em có thể không bộc lộ rõ. Do đó, gia đình nên cho trẻ khám định kỳ 6 tháng/ lần nếu bố mẹ và người thân mắc các rối loạn loạn thần.
Thăm khám thường xuyên giúp phát hiện sớm các vấn đề tâm thần và phát triển thần kinh ở trẻ nhỏ. Nếu có những vấn đề bất thường, trẻ sẽ được thăm khám và điều trị kịp thời. Từ đó giảm thiểu tối đa những hậu quả về lâu dài và giúp trẻ ổn định, duy trì được chất lượng cuộc sống.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ thắc mắc “Bệnh tâm thần phân liệt có di truyền không?”. Mặc dù bệnh lý này có khả năng di truyền nhưng tỷ lệ tương đối thấp, vì vậy gia đình không nên quá lo lắng. Trong trường hợp bố/ mẹ hoặc những người thân trong gia đình mắc bệnh, nên trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định có thai.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!