Rối loạn nhân cách phân liệt (ScPD) là gì? Có chữa được không?

5/5 - (1 bình chọn)

Rối loạn nhân cách phân liệt (ScPD) được xếp vào nhóm A – nhóm rối loạn nhân cách đặc trưng bởi suy nghĩ, hành vi lập dị và kỳ quái. Người có dạng nhân cách này thường không quan tâm đến những người xung quanh, sống tách biệt, khép kín và ít biểu lộ cảm xúc.

rối loạn nhân cách phân liệt
Rối loạn nhân cách phân liệt (ScPD) là được xếp vào các rối loạn nhân cách nhóm A

Rối loạn nhân cách phân liệt (ScPD) là gì?

Rối loạn nhân cách phân liệt (Tiếng Anh: Schizoid Personality Disorder/ ScPD) là trạng thái bất thường của nhân cách, được xếp vào nhóm A bên cạnh rối loạn nhân cách hoang tưởng và rối loạn nhân cách dạng phân liệt. Thuật ngữ ScPD đề cập đến một dạng nhân cách đặc trưng bởi tình trạng tách rời, thiếu quan tâm đến những người xung quanh và có cách bộc lộ cảm xúc hạn chế, nghèo nàn.

Người bị rối loạn nhân cách phân liệt thường thích ở một mình, tách biệt với xã hội và sống rất khép kín. Bản thân người bệnh không có nhu cầu được quan tâm và không muốn xây dựng mối quan hệ thân thiết với bất kỳ ai. Dạng nhân cách này dễ bị nhầm lẫn với rối loạn nhân cách dạng phân liệt (Schizotypal Personality Disorder). Trên thực tế, hai dạng nhân cách này có một vài điểm tương đồng nhưng ScPD được đánh giá là ít nghiêm trọng hơn.

Ước tính, khoảng 1 – 3% dân số có các biểu hiện rối loạn nhân cách phân liệt với tỷ lệ cao hơn ở nam giới (gấp 2 lần nữ giới). Điều trị dịch tễ cho thấy, phần lớn người hình thành dạng nhân cách này có người thân trong gia đình mắc bệnh tâm thần phân liệt. Ngoài ra, hơn 50% bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm điển hình và đôi khi đi kèm với các rối loạn nhân cách khác như rối loạn nhân cách né tránh, rối loạn nhân cách dạng phân liệt và rối loạn nhân cách ranh giới.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách phân liệt

Rối loạn nhân cách phân liệt được xác định là có liên quan đến yếu tố di truyền và ảnh hưởng từ gia đình. Phần lớn các đặc điểm của dạng nhân cách này đã hình thành từ lúc nhỏ và bắt đầu rõ rệt hơn trong giai đoạn trưởng thành.

rối loạn nhân cách phân liệt
Gen di truyền là một trong những yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh của rối loạn nhân cách phân liệt

Một số yếu tố có thể gây ra rối loạn nhân cách phân liệt:

  • Di truyền: Di truyền được xem là yếu tố chính trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn nhân cách phân liệt. Các chuyên gia nhận thấy, đa phần bệnh nhân bị ScPD đều có người thân bị rối loạn nhân cách hoặc tâm thần phân liệt. Điều này có thể cho thấy, gen di truyền quy định giải phẫu của não bộ và chi phối cách thức mà cơ quan này vận hành. Một số vấn đề bất thường trong não bộ có thể khiến người bệnh yêu thích ở một mình, không quan tâm đến những người xung quanh và có cách biểu lộ cảm xúc rất hạn chế.
  • Các trải nghiệm từ thời thơ ấu: Một số trẻ có thể hình thành rối loạn nhân cách phân liệt khi trưởng thành do bị bỏ rơi, gia đình thiếu quan tâm từ thời thơ ấu. Do không cảm nhận được tình yêu thương và mối liên kết với người khác, trẻ có thể lớn lên với tâm lý không quan tâm đến những người xung quanh, không có nhu cầu chia sẻ hay bày tỏ cảm xúc với người khác.
  • Tác động từ gia đình: Nguy cơ bị rối loạn nhân cách phân liệt tăng lên đáng kể nếu trẻ được nuôi dạy bởi người cũng bị dạng rối loạn nhân cách này (dù không cùng huyết thống). Bởi trẻ nhỏ – đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì rất dễ bị tác động bởi suy nghĩ và hành vi của những người xung quanh. Việc chung sống lâu dài một người bị ScPD cũng có thể khiến trẻ lớn lên hình thành dạng rối loạn nhân cách này.

Nhiều chuyên gia ủng hộ giả thuyết rối loạn nhân cách phân liệt là đặc tính bẩm sinh và sẽ phát triển với triệu chứng rõ rệt khi trưởng thành. Trong thời kỳ thơ ấu, trẻ thường có tính khí nhạy cảm, lạnh lẽo, hướng nội,… Một số chuyên gia khác cho rằng, đặc điểm của dạng nhân cách này là trạng thái phòng thủ quá mức do trẻ trải qua xung đột tâm lý và biến cố trong thời kỳ thơ ấu.

Cách nhận biết rối loạn nhân cách phân liệt

Như đã đề cập, người bị rối loạn nhân cách phân liệt thường tách rời, không quan tâm đến những người xung quanh bao gồm cả bạn bè và người thân, giới hạn trong bộc lộ cảm xúc, tính cách lãnh đạm, ít nói và khép kín.

rối loạn nhân cách phân liệt
Người bệnh thường yêu thích ở một mình và hứng thú với các hoạt động không có sự tương tác với người khác

Các triệu chứng thường gặp ở người bị rối loạn nhân cách phân liệt:

  • Người bệnh bộc lộ rõ thái độ thiếu quan tâm với những người xung quanh và không có nhu cầu xây dựng các mối quan hệ với những người xung quanh, bao gồm cả người thân. Đa phần người bệnh đều không có bạn bè thân thiết hoặc chỉ duy trì mối quan hệ với một số người thân như bố mẹ, anh chị em ruột,…
  • Bệnh nhân tách biệt hoàn toàn với mọi người và không có nhu cầu kết nối nên gần như không hẹn hò hay kết hôn. Một số người có thể gượng ép kết hôn do gia đình mong muốn.
  • Người bị rối loạn nhân cách phân liệt ít có ham muốn hoặc không quan tâm đến tình dục.
  • Bệnh nhân sống khép kín và thích làm mọi thứ một mình từ sinh hoạt, vui chơi đến học tập. Các trò chơi mà người bệnh yêu thích thường là trò chơi trên máy tính, đọc sách, đọc truyện, các trò chơi tư duy,… mà không cần phải tương tác với người khác.
  • Người bệnh thường không yêu thích những trải nghiệm về thể xác như chơi thể thao, đi du lịch,…
  • Thường không bận tâm về việc người khác nghĩ gì về mình. Thậm chí khi bị phê bình, chỉ trích hay gây hấn, bệnh nhân đều im lặng, tỏ thái độ thờ ơ và rời đi.
  • Cách bộc lộ cảm xúc rất hạn chế, hầu như là không bao giờ thể hiện những cảm xúc thái quá như hạnh phúc, mừng rỡ, buồn bã, tức giận – ngay cả khi đang bị kích động.
  • Người bị rối loạn nhân cách phân liệt thường không có khả năng đáp ứng với những tín hiệu xã hội, luôn tách biệt, lạc lõng với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, người bệnh chỉ quan tâm đến bản thân mà hầu như không buồn bã vì bị cho là kỳ quái, lập dị.
  • Đôi khi, người bệnh có cảm giác khó chịu và tìm cách rời đi khi phải tiếp xúc với nhiều người. Ngoài việc hạn chế khả năng bộc lộ cảm xúc, người có dạng nhân cách này cũng hiếm khi giao tiếp bằng mắt.
  • Do không tiếp nhận được tín hiệu xã hội và không quan tâm đến những người xung quanh nên bản thân người bệnh không thích trò chuyện, chỉ nói chuyện khi cần thiết, các câu trả lời thường rất ngắn, giọng điệu đều đều và không có tính khôi hài.
  • Người bệnh thường yêu thích các đồ vật không có sự sống như đồ cổ, sách, truyện,… Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể dành tình cảm cho các loài động vật (thường là loài mèo).
  • Người có dạng nhân cách này thường lựa chọn các công việc nghiên cứu, ít phải tương tác với người khác và đặc biệt có thế mạnh về triết học, thiên văn học và toán học. Mặc dù có thể đạt được nhiều thành tựu nhưng bản thân người bệnh không có mong muốn thăng tiến, ít ganh đua và không quan tâm những lời bàn tán về mình.

So với các rối loạn nhân cách khác, các triệu chứng của rối loạn nhân cách phân liệt có xu hướng ổn định dần theo thời gian. Tuy nhiên, điều trị vẫn cần được thực hiện để kịp thời kiểm soát chứng trầm cảm (hơn 50% bệnh nhân ScPD có biểu hiện trầm cảm) và các rối loạn tâm thần đi kèm.

Rối loạn nhân cách phân liệt có nguy hiểm không?

Rối loạn nhân cách phân liệt đặc trưng bởi tình trạng thờ ơ, thiếu quan tâm đến những người xung quanh và không có nhu cầu tạo dựng mối quan hệ với người khác. Bệnh nhân luôn có vẻ mặt lãnh đạm, ít nói, tính cách khép kín và cách bộc lộ cảm xúc bị giới hạn.

Nhìn chung, ảnh hưởng lớn nhất của người bệnh là bị giới hạn cơ hội nghề nghiệp do không thể tương tác với những người xung quanh. Bệnh nhân thường lựa chọn các công việc nghiên cứu hoặc những công việc ít phải giao tiếp với người khác. Người có dạng nhân cách này chỉ quan tâm đến bản thân và hầu như không để tâm đến người khác nên quá trình học tập, làm việc thường đạt được hiệu quả cao. Một số bệnh nhân có thể đạt được những thành tựu to lớn và được ca ngợi.

rối loạn nhân cách phân liệt
Hơn 50% bệnh nhân rối loạn nhân cách phân liệt có biểu hiện trầm cảm điển hình

Tuy nhiên, người bị rối loạn nhân cách phân liệt thường phải đối mặt vói chứng trầm cảm (chiếm hơn 50% bệnh nhân). Các chuyên gia cho rằng, tình trạng ít bộc lộ cảm xúc, không chia sẻ và trò chuyện khiến bệnh nhân phải tự mình đối mặt với đấu tranh với những giằng xé trong nội tâm. Ngoài ra, một số bệnh nhân luôn có cảm giác bản thân mắc phải tội lỗi vì gây ra sự phiền muộn cho gia đình (do tính cách quá khép kín, không hẹn hò, kết hôn, không thể kế nghiệp gia đình,…).

Tương tự như người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế, bệnh nhân rối loạn nhân cách phân liệt ít có khả năng sử dụng rượu bia và chất kích thích hơn so với các rối loạn nhân cách khác. Tuy nhiên với tính cách hướng nội, khép kín và tách biệt với mọi người, bệnh nhân có thể bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoang tưởng, tâm thần phân liệt và đôi khi có thể phát triển đồng thời với một số rối loạn nhân cách khác.

Chẩn đoán rối loạn nhân cách phân liệt

Rối loạn nhân cách phân liệt cũng được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng. Bệnh nhân chỉ được chẩn đoán mắc phải rối loạn nhân cách này khi có biểu hiện rõ ràng về sự tách biệt trong các mối quan hệ xã hội và cách biểu lộ cảm xúc nghèo nàn, bị giới hạn rõ rệt. Các triệu chứng phải khởi phát từ đầu thời kỳ trưởng thành, xảy ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và phải đáp ứng được ít nhất 4 trong số những tiêu chí sau:

  • Không quan tâm và không có nhu cầu có mối quan hệ thân thiết với bất kỳ ai, kể cả những thành viên trong gia đình
  • Ít có ham muốn hoặc không có ham muốn tình dục
  • Thích làm việc, sinh hoạt đơn độc
  • Hầu như không có hứng thú với bất cứ hoạt động nào hoặc đôi khi có hứng thú với một số ít hoạt động (thường là các hoạt động tự tìm hiểu, không tương tác với người khác)
  • Luôn thờ ơ khi bị chỉ trích, phê bình hay khi được khen ngợi
  • Thái độ lạnh lùng, luôn tách biệt và khép kín với mọi người
  • Hầu như không có bạn thân hoặc có thể có nhưng rất ít và thường là những người có tính cách tương tự

Các triệu chứng của rối loạn nhân cách phân liệt không được xuất hiện trong giai đoạn của rối loạn khí sắc có loạn thần, giai đoạn tiến triển của tâm thần phân liệt và không phải là tác động tâm lý từ các bệnh lý cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được chẩn đoán với rối loạn nhân cách dạng phân liệt (đặc trưng bởi hành vi lập dị, cách suy nghĩ méo mó, khác người) và rối loạn nhân cách né tránh.

Rối loạn nhân cách phân liệt chữa được không? Các phương pháp hiệu quả

Rối loạn nhân cách phân liệt có tiến triển khá đa dạng nhưng nhìn chung tiên lượng tốt hơn so với rối loạn nhân cách chống đốirối loạn nhân cách ranh giới. Nếu được điều trị sớm và đúng cách, bệnh nhân có thể cải thiện đời sống tinh thần, học cách xây dựng mối quan hệ và tìm được hứng thú trong cuộc sống.

Các phương pháp được áp dụng trong điều trị rối loạn nhân cách phân liệt:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn nhân cách phân liệt. Phương pháp này được thực hiện với mục tiêu giúp bệnh nhân tìm ra hứng thú trong cuộc sống, hình thành nhu cầu thân thiết với những người xung quanh, học cách biểu lộ cảm xúc đa dạng và thoải mái hơn.

Nhìn chung, trị liệu tâm lý là phương pháp được đánh giá cao nhưng không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Bởi bệnh nhân ScPD hầu như không quan tâm đến những người xung quanh nên thường không có động lực để thay đổi bản thân.

rối loạn nhân cách phân liệt
Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị các rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách phân liệt nói riêng

Bệnh nhân rối loạn nhân cách phân liệt bị giới hạn biểu lộ cảm xúc nên thường có biểu hiện lo âu, trầm cảm và đôi khi là hoang tưởng. Trị liệu tâm lý có thể giúp bệnh nhân cân bằng và giải tỏa những cảm xúc dồn nén. Từ đó học cách cởi mở và thoải mái hơn hơn khi biểu lộ cảm xúc với những người xung quanh.

Ngoài trị liệu tâm lý cá nhân, bệnh nhân cũng có thể được trị liệu theo nhóm để cải thiện các kỹ năng xã hội. Đôi khi, gia đình cũng có thể tham gia trị liệu chung để hiểu rõ tính cách, suy nghĩ của người bệnh, qua đó giảm thiểu các hành vi gây ra sự đau khổ cho bệnh nhân (thường xuyên nói về chuyện kết hôn, trách móc người bệnh không kế nghiệp gia đình, không sinh con,…).

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

2. Sử dụng thuốc

Không có loại thuốc cụ thể nào được sử dụng riêng cho bệnh nhân rối loạn nhân cách phân liệt. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc loạn thần liều thấp và một số loại thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương. Các loại thuốc này có thể giảm tình trạng lo âu, căng thẳng và một số biểu hiện trầm cảm.

rối loạn nhân cách phân liệt
Một số bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm

Vì bản thân người bị rối loạn nhân cách phân liệt rất hiếm khi quan tâm đến những người xung quanh, không có các hoạt động yêu thích và nhu cầu tình dục thấp nên người bệnh hoàn toàn không có động lực để cải thiện hành vi, cảm xúc. Sự hỗ trợ và động viên của những người xung quanh có thể không mang lại bất cứ tác động nào với người bệnh. Đây cũng chính là thách thức lớn nhất trong điều trị dạng rối loạn nhân cách này.

Rối loạn nhân cách phân liệt là một trong những dạng rối loạn nhân cách khá phổ biến. Phần lớn người có dạng nhân cách này đều không nhận thấy tính cách của bản thân có phần kì dị và khác biệt với mọi người. Vì vậy, những người xung quanh cần có sự quan tâm nhất định để giúp bệnh nhân được thăm khám và điều trị sớm.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *