Bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em: Chẩn đoán và điều trị

Tâm thần phân liệt ở trẻ em là bệnh tâm thần nặng có khuynh hướng tiến triển từ từ và mãn tính. Trẻ mắc phải chứng bệnh này sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập, phát triển nhân cách và sống tách biệt với mọi người. Bệnh có khả năng tái phát cao nên bắt buộc phải điều trị củng cố trong suốt cả cuộc đời.

trẻ em bị tâm thần phân liệt
Trong một số ít trường hợp, tâm thần phân liệt có thể khởi phát sớm từ 10 – 18 tuổi

Tâm thần phân liệt ở trẻ em là bệnh gì?

Tâm thần phân liệt (tiếng Anh: Schizophrenia) là một dạng loạn thần nặng có tiến triển từ từ và mãn tính. Bệnh lý này đặc trưng bởi các biểu hiện loạn thần như ảo giác, hoang tưởng, ngôn ngữ và hành vi thanh xuân khiến cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống và sống cô lập với những người xung quanh. Người bị tâm thần phân liệt thường có những ý nghĩ, hành vi kỳ dị, ít biểu lộ cảm xúc, khả năng học tập, làm việc giảm sút và dần dần trở thành gánh nặng cho cả gia đình lẫn xã hội.

Tỷ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt rơi vào khoảng 0.8 – 1% dân số thế giới và gần như không có sự chênh lệch giữa các vị trí địa lý, xã hội, văn hóa hay điều kiện kinh tế. Nguy cơ mắc bệnh ngang bằng ở nam và nữ, trong đó nam thường khởi phát bệnh trong giai đoạn 20 – 28 tuổi và nữ giới khởi phát muộn hơn từ 26 – 32 tuổi. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp khởi phát bệnh sớm hơn từ 10 – 18 tuổi.

Bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em có triệu chứng khá giống với người trưởng thành nhưng các hoang tưởng và ảo giác thường ít phức tạp hơn. Tuy nhiên, bệnh khởi phát sớm sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng hơn đối với sức khỏe, khả năng học tập và giới hạn cơ hội nghề nghiệp của trẻ trong tương lai. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, trẻ bị tâm thần phân liệt có thể trở thành gánh nặng của gia đình vì không thể học tập và hoàn toàn không có năng lực để làm việc.

Nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em

Tâm thần phân liệt là một trong những bệnh tâm thần khá phổ biến. Dù vậy, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh lý này. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã tìm thấy các bằng chứng rõ rệt cho thấy vai trò của gen di truyền và mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh trong cơ chế bệnh sinh.

Một số yếu tố được xác định có liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em:

  • Gen di truyền: Phần lớn trẻ bị tâm thần phân liệt đều có tiền sử gia đình mắc bệnh lý này hoặc các bệnh lý có liên quan rối loạn loạn thần và rối loạn nhân cách phân liệt. Các chuyên gia nhận thấy, tâm thần phân liệt do nhiều gen gây ra và hiện tại đã xác định được một số gen gây bệnh như gen nằm ở các nhiễm sắc thể như 6, 22, 13 và 10. Tuy nhiên, gen di truyền chỉ là yếu tố nguy cơ và thường chỉ khởi phát khi có các yếu tố môi trường thuận lợi.
  • Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh: Hầu hết người mắc các bệnh tâm thần đều có hiện tượng mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh. Ở trẻ em và người lớn bị tâm thần phân liệt, các chuyên gia nhận thấy sự hoạt động quá mức của dopamine. Nồng độ dopamine tăng lên khoảng 300% ở khe synap và tăng nhạy cảm các thụ thể dopamine ở vỏ não, nhân dưới vỏ. Sự bất thường của dopamine chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra các triệu chứng của tâm thần phân liệt. Các chuyên gia cho rằng, mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến gen di truyền.
  • Các vấn đề xảy ra trong thời gian chu sinh: Các chuyên gia nhận thấy, đa phần những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt đều có những vấn đề bất thường xảy ra trong thời gian chu sinh như tiếp xúc với một số loại thuốc hoặc chất (do mẹ sử dụng), mẹ bị suy dinh dưỡng khi mang thai, tổn thương não sau khi sinh và các biến chứng thai kỳ như suy thai, nhiễm khuẩn chu sinh, thiếu oxy, nhau bong non, bố mẹ có con khi đã lớn tuổi,…
  • Các yếu tố nguy cơ khác: Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em cũng có thể xảy ra do một số yếu tố nguy cơ khác nhau sống trong gia đình không hạnh phúc, cha mẹ độc hại, thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng từ áp lực cuộc sống, sử dụng các loại thuốc thần kinh quá sớm,…
bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em
Di truyền là một trong những yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh của bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em

Biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em

Như đã đề cập, các triệu chứng tâm thần phân liệt ở trẻ em tương tự như người lớn nhưng biểu hiện hoang tưởng thường ít phức tạp hơn. Trước khi xuất hiện các triệu chứng điển hình, trẻ cũng sẽ có một số dấu hiệu báo trước. Nếu chú ý, gia đình có thể phát hiện sớm tình trạng này và cho trẻ thăm khám, điều trị kịp thời.

1. Các dấu hiệu, triệu chứng sớm

Trẻ bị tâm thần phân liệt thường chậm phát triển hơn so với bình thường. Ngoài ra, một số trẻ còn mắc phải bệnh tự kỷ.

Các dấu hiệu sớm thường thấy ở trẻ bị tâm thần phân liệt:

  • Chậm phát triển ngôn ngữ
  • Biết đi chậm
  • Có những hành vi kỳ dị, bất thường
  • Suy nghĩ kì quặc và chậm hơn so với các trẻ đồng trang lứa
  • Thiếu sự liên kết với gia đình và những người xung quanh

2. Các triệu chứng điển hình

Sau một thời gian nhất định, các triệu chứng của tâm thần phân liệt sẽ khởi phát rõ ràng và dễ nhận biết. Tương tự như người lớn, bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em đặc trưng bởi các nhóm triệu chứng như triệu chứng dương tính (hoang tưởng, ảo giác, ngôn ngữ, hành vi thanh xuân, căng trương lực) và các triệu chứng âm tính.

Các triệu chứng dương tính:

Triệu chứng dương tính xảy ra do các chức năng thông thường bị biến đổi hoặc trở nên quá mức so với bình thường. Trong khi đó, triệu chứng âm tính là các biểu hiện do mất hoặc giảm cảm xúc cùng với những chức năng thông thường.

bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em
Trẻ bị tâm thần phân liệt thường có những hành vi kỳ dị và hoang tưởng khác xa với thực tế

Triệu chứng dương tính bao gồm ảo giác, hoang tưởng, ngôn ngữ, hành vi thanh xuân và căng trương lực. Trẻ bị tâm thần phân liệt có thể gặp phải các triệu chứng dương tính như:

  • Xuất hiện các hoang tưởng sai lầm chi phối hành vi của người bệnh và người bệnh có niềm tin vô lý với những hoang tưởng này mặc dù thực tế khác xa hoàn toàn. Người bệnh luôn có những hoang tưởng không đúng với thực tế và hoàn toàn không thay đổi suy nghĩ của bản thân ngay cả khi người khác giải thích và cho thấy những bằng chứng xác thực.
  • Trẻ bị tâm thần phân liệt không bao giờ thừa nhận bản thân sai lầm.
  • Nội dung hoang tưởng khá đa dạng nhưng thường là hoang tưởng bị hại (bị đầu độc, theo dõi, tấn công, hành hạ), hoang tưởng liên hệ (cho rằng những bài báo, thông tin có liên hệ với thế giới thực theo cách thức đặc biệt) và các hoang tưởng kỳ quái.
  • Ngoài hoang tưởng, trẻ còn có thể gặp phải ảo giác (ảo thanh, ảo xúc, ảo vị giác, ảo thị) nhưng thường gặp nhất là ảo thanh (chiếm khoảng 60 – 70%). Trẻ thường xuyên nghe được những âm thanh không có thực với nội dung đa dạng như ảo thanh bình phẩm, ảo thanh ra lệnh/ xui khiến, ảo thanh trò chuyện,…
  • Một số trẻ cũng gặp phải ảo xúc giác với biểu hiện như có cảm giác con rắn đang bò trong dạ dày, đường ruột, côn trùng bò bên dưới da,…
  • Ảo thị giác cũng là triệu chứng thường thấy (khoảng 10%). Nội dung của ảo thị thường là các hình ảnh ghê rợn khiến cho trẻ sợ hãi, lo lắng dẫn đến các hành vi kích động và tự sát.
  • Ngôn ngữ thanh xuân là triệu chứng điển hình của bệnh tâm thần phân liệt với biểu hiện là lời nói khó hiểu, kỳ dị, hỗn loạn, rời rạc,…
  • Hành vi thanh xuân là các triệu chứng rối loạn hành vi nặng với các biểu hiện như đi lại không ngừng, kích động, một số hành vi kỳ dị, hời hợt và đôi khi lố lăng, khó hiểu.
  • Ngoài ra, trẻ bị tâm thần phân liệt còn có các hành vi căng trương lực. Nhóm triệu chứng này cũng được chia thành nhiều loại như sững sờ căng trương lực (giảm sút các phản ứng đối với tác động từ môi trường, một số trường hợp giữ một tư thế rất lâu), kích động căng trương lực (biểu hiện là hành vi lố lăng, kỳ dị nhưng chỉ xuất hiện trong phòng chứ không xuất hiện ở tất cả các hoàn cảnh như hưng cảm), phủ định căng trương lực (chống lại mọi tác động từ bên ngoài), uốn sáp căng trương lực (trẻ giữ một số tư thế kỳ lạ trong nhiều giờ liền).
  • Một số trường hợp căng trương lực quá nặng sẽ nằm im lìm một chỗ và không có bất cứ đáp ứng nào với tác động bên ngoài.

Các triệu chứng âm tính:

Các triệu chứng âm tính đặc trưng bởi tình trạng giảm hoặc mất các chức năng thông thường. Ban đầu, các triệu chứng xảy ra khá mờ nhạt và khó nhận biết nhưng triệu chứng sẽ rõ ràng hơn sau một vài năm. Triệu chứng âm tính đặc trưng bởi ngôn ngữ nghèo nàn, không cảm xúc và mất ý chí.

Trẻ bị tâm thần phân liệt có thể gặp phải các triệu chứng âm tính như:

  • Cùn mòn cảm xúc là triệu chứng điển hình ở bệnh tâm thần phân liệt với biểu hiện là nét mặt đơn điệu, không thể hiện sự tương tác thông qua ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể. Một số trẻ vẫn duy trì được nét mặt sinh động và cười nói vui vẻ nhưng chỉ chiếm một thời gian rất ngắn trong ngày.
  • Về lâu dài, trẻ bị tâm thần phân liệt trở nên vô cảm và hoàn toàn không có cảm xúc buồn bã, vui vẻ, tức giận, cáu kỉnh,…
  • Ngôn ngữ nghèo nàn thể hiện qua các biểu hiện như trả lời cụt ngủn, cộc lốc,…
  • Trẻ bị tâm thần phân liệt thường mất hết ý chí, không có động lực, sáng kiến dẫn đến việc không thể học tập và thậm chí không thể thực hiện các hoạt động hằng ngày như tắm rửa, ăn uống, dọn dẹp nhà cửa,… Trường hợp nặng bệnh nhân sẽ nằm im lìm một chỗ vì không muốn làm bất cứ việc gì.

Tâm thần phân liệt có triệu chứng khá đa dạng và đôi khi trẻ có thể không có đầy đủ các biểu hiện kể trên. Tuy nhiên, đa phần đều có các hoang tưởng, ảo thanh và cùn mòn cảm xúc. Nếu không được điều trị, các triệu chứng có xu hướng nặng dần theo thời gian và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chất lượng cuộc sống.

Bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em có nguy hiểm không?

Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng và có khuynh hướng mãn tính. Về cơ bản, điều trị tích cực mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện triệu chứng và phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Một số trẻ có thể thuyên giảm hoàn toàn và bình thường hóa lời nói, cách cư xử, hành vi, từ đó có thể học tập và làm việc tốt. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chỉ thuyên giảm một phần và trẻ sẽ phải đối mặt với một số di chứng như thiếu chủ động khi giao tiếp, không linh hoạt, nhạy bén trong cuộc sống.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp có tiên lượng xấu và kháng điều trị. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân sẽ trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Các yếu tố tiên lượng xấu bao gồm khởi phát bệnh sớm, triệu chứng âm tính rõ rệt, điện não đồ, CT não cho kết quả bất thường, người bệnh phủ định bệnh và không tiếp nhận điều trị.

bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em
Bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em có khuynh hướng mãn tính nên phải điều trị trong suốt cả cuộc đời

Trong khi đó, những trường hợp khởi phát bệnh muộn, cấp tính, triệu chứng dương tính chiếm ưu thế, có triệu chứng rối loạn cảm xúc và thừa nhận bệnh, chủ động điều trị thường có tiên lượng tốt. Mặc dù vậy, bệnh nhân phải điều trị củng cố trong thời gian dài để ngăn ngừa tái phát. Thống kê cho thấy, khoảng 10% bệnh nhân tái phát bệnh ngay cả khi điều trị tích cực và hầu hết đều tái phát nếu ngưng sử dụng thuốc từ 1 năm trở lên.

Ngoài tình trạng sử dụng thuốc không đều và tự ý ngưng thuốc, nguy cơ tái phát bệnh còn tăng lên khi có những yếu tố như ly hôn, ly thân, bị ngược đãi, hắt hủi, cuộc sống khó khăn, không có chỗ dựa vững chắc, bị phân biệt trong công việc, cuộc sống, mất người thân, bị lạm dụng tình cảm,…

Trẻ và người lớn mắc bệnh tâm thần phân liệt rất nhạy cảm với các vấn đề tâm lý. Do đó, gia đình cần lên kế hoạch chăm sóc đúng cách để hỗ trợ bệnh nhân quản lý bệnh và bình thường hóa cuộc sống. Bên cạnh đó, cần phát hiện sớm các dấu hiệu báo hiệu bệnh tái phát như lo lắng nhiều, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, mệt mỏi, cáu bẳn, hoảng sợ, không ăn uống, từ chối giao tiếp, thờ ơ với mọi người,…

Tâm thần phân liệt là bệnh tâm thần có mức độ nặng. Chính vì vậy, gia đình cần chủ động đưa trẻ đến thăm khám và điều trị sớm. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiểu biết về bệnh để chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt đúng cách. Có như vậy, bệnh nhân mới có thể ổn định sức khỏe, duy trì được chất lượng cuộc sống và hạn chế các biến chứng nặng nề như lạm dụng rượu bia, chất kích thích, phát triển các dạng nhân cách bất thường, trầm cảm, rối loạn lo âu,…

Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em

Tâm thần phân liệt ở trẻ em thường được chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán ICD-10. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như loạn thần do các bệnh cơ thể, rối loạn tâm thần do hội chứng nghiện, rối loạn cảm xúc kèm loạn thần và loạn thần cấp.

Sau khi đưa ra chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng nổi bật để xác định được thể bệnh. Tương tự như người lớn, bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em được chia thành các thể như sau:

  • Thể paranoid
  • Thể không biệt định
  • Thể căng trương lực
  • Thể thanh xuân
  • Thể di chứng

Các phương pháp điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em

Bệnh nhân tâm thần phân liệt phải được thăm khám và điều trị sớm để tránh những hậu quả lâu dài. Ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tấn công bằng thuốc và liệu pháp sốc điện (nếu cần). Sau đó, bệnh nhân cần được điều trị củng cố bằng liệu pháp hóa dược, trị liệu tâm lý trong suốt cả cuộc đời để ngăn ngừa tái phát.

Các phương pháp được áp dụng trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em:

1. Liệu pháp hóa dược

Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở cả người lớn và trẻ em. Các loại thuốc này mang lại hiệu quả rõ rệt với các triệu chứng dương tính như căng trương lực, ảo giác, hoang tưởng,… Trẻ thường được dùng thuốc trong 4 – 6 tuần sau đó chuyển sang điều trị củng cố.

bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em
Trẻ bị tâm thần phân liệt sẽ được chỉ định dùng thuốc loạn thần để cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát

Các loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt:

  • Thuốc an thần cổ điển Haloperidol
  • Thuốc an thần thế hệ mới Olanzapine

Trong trường hợp trẻ không chịu uống thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc dạng tiêm bắp. Như đã đề cập, tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần mãn tính nên cần phải dùng thuốc trong suốt cả cuộc đời để ngăn ngừa tái phát.

2. Sốc điện

Sốc điện là phương pháp điều trị tấn công dành cho những trường hợp nặng và kháng thuốc. Phương pháp này cho hiệu quả tốt, an toàn và ít tác dụng phụ. Hiện nay, liệu pháp sốc điện được chỉ định cho tâm thần phân liệt thể căng trương lực, bệnh nhân bỏ ăn uống, có ý định, hành vi tự sát và không có đáp ứng khi sử dụng thuốc.

Sốc điện thường được thực hiện khoảng 8 – 12 lần, mỗi ngày thực hiện 1 lần hoặc 2 ngày/ lần tùy vào từng trường hợp cụ thể. Đa phần trẻ em bị tâm thần phân liệt có thể thực hiện phương pháp này, trừ những trường hợp mắc bệnh động kinh.

3. Liệu pháp tâm lý

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân sẽ được trị liệu tâm lý để chấp nhận việc bản thân mắc bệnh và tiếp nhận điều trị. Điều này có vai trò rất quan trọng đối với tiến triển của bệnh. Liệu pháp tâm lý còn giúp gia đình hiểu rõ hơn về bệnh tình của con, từ đó thấu hiểu và biết cách chăm sóc hiệu quả hơn.

bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em
Liệu pháp tâm lý cũng là phương pháp quan trọng trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em

Trẻ bị tâm thần phân liệt thường có các hoang tưởng sai thực tế và không bao giờ chấp nhận những lời giải thích của người khác. Việc tranh cãi có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do đó, gia đình buộc phải trị liệu tâm lý để có thái độ và cách ứng xử phù hợp nhằm giúp trẻ cải thiện triệu chứng, đồng thời hỗ trợ phục hồi các hoạt động thường ngày và có động lực để duy trì việc học.

Phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho trẻ bị tâm thần phân liệt

Trẻ bị tâm thần phân liệt thường ít biểu lộ cảm xúc, sống tách biệt, cô lập, thiếu kỹ năng giao tiếp và mất động lực trong cuộc sống. Chính vì vậy ngoài việc điều trị, gia đình phải phối hợp với bác sĩ để phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho trẻ. Biện pháp này có vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi chức năng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em
Gia đình nên động viên, quan tâm và chia sẻ để trẻ có động lực trong quá trình điều trị

Các biện pháp giúp phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho trẻ bị tâm thần phân liệt:

  • Gia đình chấp nhận và biết cách quan tâm, giúp đỡ trẻ trong quá trình điều trị.
  • Giải thích cho trẻ hiểu vì sao phải uống thuốc và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc của trẻ để tránh tình trạng trẻ tự gây nôn hoặc dùng thuốc không đều.
  • Gia đình cần phải được trang bị hiểu biết về tác dụng phụ của thuốc và thông báo kịp thời với nhân viên y tế khi có những tác dụng ngoại ý nghiêm trọng.
  • Yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu để trẻ có động lực điều trị. Tuy nhiên, không nên quan tâm một cách thái quá mà nên khích lệ trẻ tự vệ sinh cá nhân, giặt giũ và thực hiện các hoạt động đơn giản.
  • Khi trẻ chủ động hơn trong cuộc sống, gia đình nên khuyến khích trẻ tiếp tục học tập tại các trung tâm giáo dục đặc biệt để trau dồi kiến thức và cải thiện bản thân.
  • Trẻ bị tâm thần phân liệt thường thiếu động lực nên khó khăn trong việc học tập, tập thể dục, vệ sinh cá nhân,… Do đó, gia đình nên đồng hành cùng với trẻ và giúp đỡ con khi gặp khó khăn.

Phòng ngừa bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt ở cả trẻ em và người lớn. Chính vì vậy, không có biện pháp phòng ngừa tình trạng này hoàn toàn. Dù vậy, gia đình vẫn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cho con trẻ bằng một số biện pháp sau:

  • Tập cho trẻ thói quen tự lập, chủ động trong cuộc sống và tạo môi trường sống lành mạnh.
  • Nếu gia đình có người mắc bệnh, nên chú ý đến các biểu hiện của con để kịp thời thăm khám và điều trị.
  • Khi con phải đối mặt với sang chấn tâm lý, nên can thiệp liệu pháp tâm lý kịp thời để cân bằng và ổn định cảm xúc. Tránh tình trạng căng thẳng tích tụ kích thích các triệu chứng tâm thần phân liệt khởi phát.
  • Đối với trẻ đã điều trị tâm thần phân liệt, gia đình cần tuân thủ các biện pháp được bác sĩ chỉ định để ngăn ngừa bệnh tái phát. Ngoài ra, cần tích cực điều trị và chủ động phòng ngừa những yếu tố làm bệnh tái phát như các bệnh cơ thể, nhiễm khuẩn, suy nhược,…

Bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em ít gặp hơn so với người trưởng thành và phần lớn đều có tiên lượng xấu. Do đó, rất cần sự quan tâm kịp thời của gia đình để trẻ có cơ hội được thăm khám và điều trị sớm. Ngoài ra, gia đình cũng cần nâng cao hiểu biết về bệnh và hỗ trợ trẻ trong quá trình điều trị để kiểm soát bệnh hiệu quả.

Tham khảo thêm:

4.8/5 - (78 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *