Các giai đoạn của trầm cảm (cấp độ) và điều cần biết

Dựa vào mức độ nghiêm trọng, tần suất xuất hiện, triệu chứng gặp phải mà trầm cảm có thể được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Sự tiến triển của các giai đoạn mắc trầm cảm không giống với những bệnh lý gây ra các triệu chứng thực thể thường gặp khác.

Các giai đoạn của bệnh trầm cảm
Các giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh trầm cảm

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần rất phổ biến, nó có thể khởi phát ở bất kỳ đối tượng nào và không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Đặc trưng của trầm cảm là cảm giác buồn bã, chán nản, bi quan tuyệt vọng, mất hứng thú, mất năng lượng, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy có đến khoảng 80% dân số trên toàn thế giới từng phải trải qua một giai đoạn trầm cảm ở một thời điểm nào đó của cuộc đời. Tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cũng rất cao, nó chiếm khoảng 20 đến 25%. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây tự sát hàng đầu trên thế giới.

Để phục vụ cho quá trình chữa bệnh, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và lập ra “Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế lần thứ 10 của Tổ chức Y tế Thế giới (ICD-10)” được công bố vào năm 1992. Cách phân loại này sẽ dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm như các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, mức độ biểu hiện và tần suất xuất hiện của chúng.

Các loại bệnh trầm cảm

Hiện nay, trầm cảm được chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn được đề cập trong Sổ tay chẩn đoán thống kê các rối loạn tâm thần DSM-5 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ. Hoặc chẩn đoán theo Bảng phân loại bệnh Quốc tế của WHO là ICD-10.

Trong đó, DSM-5 phân trầm cảm thành các loại sau:

  • Rối loạn trầm cảm nặng (MDD): Còn gọi là trầm cảm lâm sàng, loại trầm cảm nghiêm trọng và phổ biến nhất. Gây ra các triệu chứng như buồn bã, chán nản, vô giá trị kéo dài ít nhất 2 tuần. Có thể kèm theo triệu chứng mất ngủ, chán ăn, mất hứng thú.
  • Rối loạn trầm cảm dai dẳng (PDD): Các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn MDD nhưng, chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình nhưng kéo dài dai dẳng, ít nhất hai năm.
  • Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD): Là một rối loạn trầm cảm xảy ra trước khi hành kinh ở phụ nữ. Các triệu chứng xảy ra trước hành kinh 7 – 10 ngày, thường gặp là buồn bã, dễ xúc động, hay cáu kính, đau đầu, đau ngực, đau cơ, chuột rút, tâm trạng thất thường, khó ngủ, choáng ngợp…
  • Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD): Là loại trầm cảm xảy ra vào một thời điểm trong năm, thường gặp là trầm cảm mùa đông.
  • Trầm cảm sau sinh: Xảy ra ở những tuần đầu hoặc tháng đầu sau sinh của phụ nữ.
  • Rối loạn lưỡng cực: Loại rối loạn sức khỏe tâm thần có sự đan xen giữa giai đoạn trầm cảm và giai đoạn hưng cảm.

Các giai đoạn trầm cảm

Rất nhiều người băn khoăn không biết trầm cảm có mấy cấp độ. Theo Phân loại thống kê Quốc tế về bệnh tật và sức khỏe ICD-10, dựa vào triệu chứng, có thể chia trầm cảm làm 3 cấp độ gồm: Trầm cảm nhẹ, trầm cảm vừa và trầm cảm nặng.

Hoặc có thể chia thành 4 giai đoạn trầm cảm gồm: Trầm cảm nhẹ, trầm cảm vừa, trầm cảm nặng không có loạn thần và trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần. Việc phân chia cấp độ này chủ yếu dựa vào mức độ triệu chứng của trầm cảm.

1. Trầm cảm nhẹ (Trầm cảm cấp độ 1)

Trầm cảm cấp độ 1 là giai đoạn đầu của quá trình tiến triển bệnh trầm cảm, các triệu chứng bệnh lúc này chưa quá rõ ràng và cụ thể vì thế nhiều người khó nhận biết. Dễ bị xem nhẹ và ít được nhiều người quan tâm.

Các giai đoạn của bệnh trầm cảm
Các triệu chứng của trầm cảm nhẹ sẽ khá mơ hồ và mờ nhạt

Một số triệu chứng mà người bệnh trầm cảm nhẹ có thể gặp phải như:

  • Cảm thấy khó chịu, dễ tức giận, cáu gắt.
  • Luôn tự ti, cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng.
  • Mất dần hứng thú với những hoạt động xảy ra xung quanh, ngay cả những điều mà bản thân từng yêu thích trước kia.
  • Mất tập trung, hay quên, lơ đãng, không thể hoàn thành tốt công việc và các nhiệm vụ được giao.
  • Thiếu động lực, không có sức sống và không muốn làm bất cứ việc gì.
  • Không muốn gặp gỡ hay giao tiếp với người khác, kể cả những người thân trong gia đình.
  • Rối loạn giấc ngủ, trường hợp phổ biến nhất là buồn ngủ vào ban ngày và mất ngủ liên tục vào ban đêm.
  • Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, luôn muốn nằm hoặc ngồi một chỗ.
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn, ăn không ngon miệng, chán ăn, thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn uống không kiểm soát.
  • Cân nặng thay đổi bất thường.

Ngoài ra, trầm cảm có thể gây ra các triệu chứng thực thể như đau khớp. đau nhức toàn cơ thể, mệt tim, hồi hộp, khó thở, hơi thở không đều… Ở giai đoạn nhẹ, trầm cảm có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và thay đổi lối sống. Trầm cảm không thể tự khỏi, vì thế tuyệt đối không nên chủ quan, xem nhẹ khi mắc trầm cảm giai đoạn 1.

2. Trầm cảm vừa (Trầm cảm cấp độ 2)

Trầm cảm vừa còn gọi là trầm cảm giai đoạn 2. Theo ICD-10, người mắc trầm cảm mức độ vừa sẽ có 5 đến 6 triệu chứng đặc trưng của trầm cảm. Lúc này, triệu chứng được thể hiện rõ ràng, dễ thấy, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Các giai đoạn của bệnh trầm cảm
Các biểu hiện của trầm cảm cấp độ 2 khá nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm giai đoạn 2:

  • Suy giảm khả năng làm việc, không thể hoàn thành tốt các công việc hàng ngày.
  • Dễ bị tổn thương, lòng tự trọng thấp.
  • Cảm thấy bản thân vô dụng, không có giá trị.
  • Trở nên nhạy cảm, dễ cáu gắt, khóc lóc không rõ nguyên nhân.
  • Hay lo lắng, hoảng sợ quá mức, đôi lúc vô lý.

Đối với những trường hợp này, các chuyên gia sẽ tiến hành thăm khám và xác định rõ mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp trị liệu tâm lý hoặc sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm.

3. Trầm cảm nặng (Trầm cảm cấp độ 3)

Trầm cảm nặng là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh trầm cảm. Các hậu quả mà giai đoạn này gây ra cũng nặng nề hơn rất nhiều, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng tự sát. Trầm cảm nặng được chia thành 2 loại đó là trầm cảm nặng không kèm theo triệu chứng loạn thần và trầm cảm nặng kèm theo loạn thần.

Các giai đoạn của bệnh trầm cảm
Trầm cảm nặng có kèm theo triệu chứng loạn thần

3.1 Trầm cảm nặng không kèm theo loạn thần

Ở giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh biểu hiện ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí người bệnh có thể xuất hiện các hành vi tự làm hại bản thân hoặc những người xung quanh. Một số biểu hiện thường gặp như:

  • Tâm trạng buồn bã, chán nản kéo dài dai dẳng
  • Cơ thể chậm chạp, lười vận động và rất dễ kích động.
  • Mất dần sự tự tin, không còn niềm tin vào cuộc sống.
  • Cảm thấy bản thân tội lỗi và vô dụng, không thể làm được việc gì có ích.
  • Tự làm tổn thương bản thân hoặc những người bên cạnh.
  • Suy nghĩ về cái chết và có ý định muốn tự sát nhiều lần.

3.2 Trầm cảm nặng có kèm theo loạn thần

Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần là tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đặc trưng của trầm cảm và có kèm theo những triệu chứng hoang tưởng, ảo giác. Cụ thể như nghe thấy âm thanh, tiếng nói lạ, tưởng tượng đến việc gặp tai nạn, hỏa hoạn, chiến tranh khủng khiếp,…

Những trường hợp trầm cảm nặng cực kỳ nghiêm trọng, cần nhập viện và điều trị ngay lập tức. Để điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc và phối hợp nhiều phương pháp như sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý, sốc điện, cải thiện tại nhà sẽ giúp bệnh tình được cải thiện tốt hơn.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm

Hiện nay, các nghiên cứu ít quan tâm đến việc xác định trầm cảm có mấy giai đoạn, mà quan tâm đến việc làm thế nào để nhận biết sớm và phương pháp điều trị trầm cảm. Việc nắm được các dấu hiệu của trầm cảm để nhận biết từ giai đoạn sớm là điều hết sức cần thiết.

Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm:

  • Tâm trạng chán nản, buồn bã dai dẳng hoặc trống rỗng, tuyệt vọng
  • Mất hứng thú hoặc không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống
  • Mệt mỏi uể oải, năng lượng thấp hoặc mất năng lượng
  • Dễ cáu kỉnh hoặc dễ xúc động, thất vọng
  • Khó tập trung, ghi nhớ hoặc gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Cảm thấy tự ti, vô dụng, thất bại
  • Gặp phải các vấn đề thể chất như đau đầu, đau bụng…
  • Có ý định làm hại bản thân hoặc ý định tự

Đặc điểm quá trình tiến triển của bệnh trầm cảm

Sự tiến triển của từng bệnh nhân trầm cảm là khác nhau. Nhiều người bệnh chỉ rơi vào một giai đoạn trầm cảm, kéo dai dẳng ở mức độ nhẹ hoặc vừa. Tuy nhiên, có người chỉ mới mắc trầm cảm nhưng nhanh chóng chuyển biến nặng.

Trong nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh được rằng, số lượng giai đoạn trầm cảm trước đây sẽ ảnh hưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho các triệu chứng trầm cảm tái phát về sau. Cụ thể:

  • Có khoảng 50 đến 60% các trường hợp người bệnh trầm cảm đã trải qua 1 giai đoạn trầm cảm chủ yếu sẽ có khả năng mắc thêm một giai đoạn trầm cảm khác.
  • Tỉ lệ gặp phải giai đoạn trầm cảm cấp độ 3 sẽ tăng cao khi người bệnh đã trải qua 2 giai đoạn trước đó, trung bình khoảng 70%.
  • Đặc biệt hơn là nguy cơ rơi vào giai đoạn trầm cảm thứ 4 sẽ tăng lên đến 90% nếu bệnh nhân đã trải qua 3 giai đoạn trầm cảm trước đó.

Ngoài ra, có khoảng 5 đến 10% các trường hợp trầm cảm phải đối mặt với một giai đoạn hưng cảm trong thời gian tiến triển của bệnh (trầm cảm có thể chuyển biến thành rối loạn lưỡng cực 1). Ước tính, khoảng 2/3 các trường hợp bệnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn, số còn lại sẽ chỉ cải thiện được một phần hoặc phải sống chung với bệnh cả đời.

Cách giúp đỡ người bị trầm cảm

Người trầm cảm có xu hướng tự cô lập bản thân. Tuy nhiên, sự thật là họ cần có sự giúp đỡ và đồng hành hơn ai hết. Bạn có thể giúp đỡ người trầm cảm bằng cách:

  • Cho họ biết bạn luôn ở bên: Hãy cho người trầm cảm biết rằng bạn luôn bên cạnh, lắng nghe, chia sẻ với họ. Bạn cần lắng nghe mà không phán xét, khuyến khích họ nói ra của xúc của mình.
  • Cung cấp sự hỗ trợ hàng ngày: Có thể giúp đỡ họ trong việc thực hiện những công việc đơn giản như nấu ăn, dọn dẹp. Khuyến khích họ cùng bạn ra ngoài vận động, tập thể dục một cách tự nguyện, không ép buộc.
  • Kiên nhẫn và đồng cảm: Hãy thật sự chân thành, kiên nhẫn, dành thời gian để họ cảm thấy tốt hơn. Tránh thúc ép, tạo áp lực, bắt họ phải vượt qua trầm cảm nhanh chóng.
  • Trang bị kiến thức về trầm cảm: Tìm hiểu về trầm cảm, cách nói chuyện với người trầm cảm sẽ giúp bạn hiểu và biết cách giúp đỡ họ tốt nhất.
  • Giữ liên lạc thường xuyên: Hãy giữ liên lạc thông qua điện thoại, mạng xã hội và thường xuyên rủ họ đi cà phê gặp mặt hoặc cùng họ tham gia các hoạt động họ từng thích. Đừng để họ cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi, không có ai để chia sẻ.
  • Khuyến khích tìm kiếm sự giúp đỡ: Khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè. Đặc biệt nên gợi ý họ tìm đến chuyên gia, hãy đề nghị đi cùng họ đến các buổi tư vấn.

Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc biết được các giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh trầm cảm. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh trầm cảm, bạn cần nhanh chóng tiến hành thăm khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa uy tín và chất lượng. Việc có thể kiên trì áp dụng đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ giúp cho bệnh tình được khắc phục tốt, hạn chế các hệ lụy nguy hiểm.

Tham khảo thêm:

Nguồn tham khảo:

  • https://valleyhospital-phoenix.com/blog/the-stages-of-depression-signs-when-to-get-help/
  • https://www.medicalnewstoday.com/articles/stages-of-depression#are-there-stages-of-depression
5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *