Chăm sóc và phục hồi cho người bị rối loạn tâm thần do rượu
Kế hoạch chăm sóc có vai trò quan trọng đối với người bị rối loạn tâm thần do rượu. Chăm sóc hợp lý giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng cả về thể chất, tinh thần, đồng thời củng cố ý thức về tác hại của rượu bia và hạn chế nguy cơ tái nghiện rượu.
Kế hoạch chăm sóc, phục hồi cho người bị rối loạn tâm thần do rượu
Các rối loạn tâm thần do rượu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bệnh lý này chi phối cảm xúc, tư duy (nhận thức) và hành vi của người bệnh. Tình trạng kéo dài còn khiến bệnh nhân biến đổi nhân cách, trở nên bạo lực, ghen tuông, thiếu sự tỉnh táo, lười biếng và bất chấp mọi thứ để có tiền phục vụ cho việc uống rượu.
Phát hiện và điều trị sớm rối loạn tâm thần do rượu sẽ giúp kiểm soát nhanh chóng các triệu chứng bất thường. Nếu tích cực điều trị, bệnh nhân có thể phục hồi sức khỏe thể chất, tinh thần và quay trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ mất một thời gian dài để có thể phục hồi hoàn toàn – đặc biệt là chức năng tâm thần.
Bên cạnh các phương pháp điều trị, kế hoạch chăm sóc có vai trò quan trọng không kém đối với người bị rối loạn tâm thần do rượu. Với những trường hợp nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị nhà dưới sự theo dõi của người nhà. Ở những trường hợp nặng và tiến triển phức tạp, người bệnh sẽ được điều trị nội trú trong một thời gian. Sau khi tình trạng ổn định có thể điều trị ngoại trú.
Chế độ chăm sóc hợp lý sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng của các rối loạn tâm thần do rượu. Đồng thời hỗ trợ nâng cao sức khỏe thể chất, tâm thần, gia tăng lòng tự trọng và tạo động lực để người bệnh hướng đến cuộc sống lành mạnh. Đây là yếu tố tiên quyết giúp hạn chế tình trạng tái nghiện rượu và hỗ trợ bệnh nhân hòa nhập với cộng đồng.
Dưới đây là kế hoạch chăm sóc, phục hồi cho người bị rối loạn tâm thần do rượu người nhà có thể tham khảo:
1. Hỗ trợ bệnh nhân sử dụng thuốc đều đặn
Hóa dược trị liệu là phương pháp chính khi điều trị nghiện rượu và rối loạn tâm thần có liên quan. Sử dụng thuốc giúp ngăn cảm giác muốn uống rượu, đồng thời có thể cải thiện các rối loạn cảm xúc, tư duy và hành vi. Loại thuốc được chỉ định sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân.
Nhìn chung, sử dụng thuốc mang lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn tâm thần do rượu. Tuy nhiên, người nhà cần phải hỗ trợ bệnh nhân dùng thuốc đều đặn, tránh trường hợp quên liều và tự ý ngưng thuốc. Ngoài ra, cần hiểu rõ tác dụng phụ của thuốc để có hướng xử trí phù hợp.
Bên cạnh đó, khi bệnh nhân đã ổn định, người nhà cũng nên khuyến khích người bệnh tham gia trị liệu tâm lý (nhất là trong trường hợp bệnh nhân bị trầm cảm thứ phát, rối loạn lo âu,…). Vì quá trình trị liệu phải kéo dài nên bệnh nhân thường nản chí và bỏ dở trị liệu. Lúc này, gia đình cần động viên và khuyến khích người bệnh thực hiện đủ liệu trình để đạt kết quả tốt nhất.
2. Đảm bảo người bệnh không uống rượu
Trong thời gian điều trị, cần tránh không cho người bệnh sử dụng rượu. Tốt nhất, nên kiểm soát chặt chẽ hành vi của bệnh nhân, đồng thời cần đảm bảo trong nhà không có rượu, bia và những loại đồ uống chứa cồn khác.
Kiêng rượu trong thời gian điều trị có vai trò tiên quyết trong điều trị nghiện rượu và rối loạn tâm thần do rượu. Vì vậy, các thành viên trong gia đình cần nỗ lực cách ly bệnh nhân khỏi rượu. Nếu cần thiết, có thể cho bệnh nhân điều trị nội trú để đảm bảo hiệu quả.
3. Theo dõi chặt chẽ các triệu chứng
Các rối loạn tâm thần do rượu có biểu hiện rất đa dạng và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong (nhất là trường hợp sảng rượu). Trong quá trình điều trị, gia đình cần chú ý đến những biểu hiện bất thường để kịp thời có hướng xử trí và khắc phục.
Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ các triệu chứng cũng giúp phát hiện sớm tác dụng phụ của thuốc. Điều này đảm bảo quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Sau khi điều trị, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái nghiện rượu. Vì vậy, gia đình cũng cần theo dõi chặt chẽ một thời gian dài để kịp thời phát hiện và xử trí.
4. Nâng cao ý thức của bệnh nhân về tác hại của bia rượu
Trong và sau quá trình điều trị rối loạn tâm thần do rượu, người nhà cần nâng cao ý thức cho bệnh nhân về tác hại của bia rượu. Biện pháp này sẽ giúp người bệnh có động lực điều trị và nỗ lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nâng cao ý thức có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tái nghiện rượu, đồng thời nuôi dưỡng lòng tin và hy vọng về cuộc sống. Khi có niềm tin, bệnh nhân mới có thể nỗ lực học tập, làm việc và vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài ra, khi ý thức được tác hại của bia rượu, người bệnh sẽ học cách giải tỏa cảm xúc lành mạnh hơn thay vì lựa chọn dùng chất kích thích, thuốc lá và đồ uống chứa cồn. Việc nâng cao ý thức cho người bệnh không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Hơn nữa, tâm lý của bệnh nhân ở giai đoạn này sẽ khá nhạy cảm nên người nhà cần giáo dục một cách khéo léo và tinh tế. Thông thường, các chuyên gia sẽ hướng dẫn người nhà vấn đề này để đảm bảo bệnh nhân có thể phục hồi chức năng tâm thần một cách tốt nhất.
5. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Rối loạn tâm thần do rượu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây ra nhiều tác hại đối với cơ thể. Ngoài ra, việc dùng rượu trong một thời gian dài có thể làm giảm hấp thu nhiều vi chất dinh dưỡng, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, suy nhược cơ thể, mất ngủ,…
Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp là một phần của kế hoạch chăm sóc người bị rối loạn tâm thần do rượu. Chế độ ăn khoa học sẽ giúp nâng đỡ tinh thần và cải thiện sức khỏe thể chất.
Sử dụng rượu kéo dài làm giảm hấp thu vitamin B dẫn đến các bệnh não thực tổn. Do đó, chế độ ăn của người bị rối loạn tâm thần do rượu nên tập trung bổ sung thực phẩm giàu vitamin B để giảm thiểu ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương và ngoại vi. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần được bổ sung đầy đủ protein, vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa.
Thể trạng khỏe mạnh giúp người bệnh chống chọi và vượt qua các rối loạn tâm thần nhanh chóng. Đồng thời có thể giảm nhẹ những triệu chứng thể chất có liên quan như mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, nôn mửa, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa,…
6. Khuyến khích người bệnh tập thể dục
Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, gia đình cần khuyến khích người bệnh tập thể dục hằng ngày. Thói quen vận động sẽ giúp bệnh nhân nâng cao sức khỏe thể chất, giảm căng thẳng, lo âu, hoảng loạn và học cách điều chỉnh cảm xúc một cách lành mạnh.
Các chất dẫn truyền thần kinh được sản sinh trong quá trình tập thể dục có tác dụng giảm đau, tạo sự hưng phấn, thoải mái, thư giãn và đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực (lo âu, bi quan, trầm uất, chán chường,…). Ngoài ra, tập thể dục mỗi ngày cũng giúp người bệnh giảm thiểu các thói quen xấu như uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng chất gây nghiện.
Hầu hết các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do rượu đều phải đối mặt với nhiều bệnh mãn tính như viêm gan, suy thận, cao huyết áp, tiểu đường,… Bên cạnh những lợi ích đối với sức khỏe tinh thần, tập thể dục thường xuyên còn giúp kiểm soát triệu chứng và ổn định bệnh. Do đó, người nhà cần khuyến khích bệnh nhân tập các bộ môn phù hợp với thể trạng như đi bộ, tập yoga, bơi lội, đạp xe, chạy bộ, đánh cầu lông.
Xem thêm: Hội chứng cai rượu: Dấu hiệu nhận biết và điều trị
7. Trang bị cho bệnh nhân kỹ năng giải tỏa cảm xúc lành mạnh
Theo thống kê, đa phần những người bị nghiện rượu đều có cuộc sống khó khăn, làm các công việc nặng nhọc, thu nhập thấp và hôn nhân không hạnh phúc. Môi trường tâm lý xã hội không thuận lợi dẫn đến stress kéo dài. Trạng thái căng thẳng quá mức thôi thúc các hành vi giải tỏa không lành mạnh như sử dụng rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá và các hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro (đánh bài bạc, đầu tư bất chấp).
Trong quá trình chăm sóc người bị rối loạn tâm thần do rượu, người nhà cần trang bị cho bệnh nhân kỹ năng giải tỏa cảm xúc lành mạnh. Khi biết cách điều chỉnh tâm trạng, người bệnh sẽ ít có nguy cơ tái nghiện rượu và hướng đến lối sống lành mạnh hơn trước đây. Người bệnh nên được trang bị những biện pháp giải tỏa cảm xúc như ngồi thiền, ngủ đủ giấc, massage, sử dụng tinh dầu thư giãn, tắm nước ấm, viết nhật ký, chăm sóc cây cối, thú cưng, nấu ăn,…
Giải tỏa cảm xúc là kỹ năng vô cùng quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là với những người liên tục phải đối mặt với biến cố, cuộc sống khó khăn và có nhiều vấn đề nan giải. Kỹ năng này không chỉ giúp phòng ngừa tái nghiện rượu mà còn giảm nguy cơ phát triển các vấn đề tâm lý, tâm thần như stress nặng, rối loạn lo âu và trầm cảm.
8. Xây dựng mối quan hệ tin cậy với người bệnh
Trong quá trình chăm sóc người bị rối loạn tâm thần do rượu, người nhà cần chú ý lời nói và thái độ để xây dựng mối quan hệ tin cậy với bệnh nhân. Sự tin tưởng sẽ giúp người bệnh xem trọng lời nói của những người xung quanh, đồng thời được nuôi dưỡng tình yêu thương, thấu hiểu được sự quan tâm và chăm sóc của gia đình dành cho bản thân. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện cảm xúc và xây dựng hy vọng về cuộc sống tương lai tốt đẹp.
Hơn nữa, khi cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của gia đình, bệnh nhân sẽ có động lực để điều trị và nghiêm khắc hơn với bản thân trước những cám dỗ của bia rượu, chất kích thích.
Ngoài ra, người nhà cũng cần trò chuyện với hàng xóm và những người thân khác để bệnh nhân được thấu hiểu. Tránh tình trạng đối xử bất công và kỳ thị khiến người bệnh tổn thương tâm lý. Xây dựng môi trường lành mạnh, ôn hòa sẽ giúp bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do rượu phục hồi nhanh chóng và giảm khả năng tái nghiện rượu.
9. Cho bệnh nhân thăm khám định kỳ
Sau khi điều trị, bệnh nhân vẫn cần được thăm khám định kỳ để phát hiện kịp thời các vấn đề bất thường. Do đó, gia đình cần chú ý cho bệnh nhân thăm khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, khám định kỳ cũng giúp bác sĩ phát hiện sớm tình trạng tái nghiện rượu.
Chăm sóc cho người bị rối loạn tâm thần do rượu đòi hỏi sự kiên trì. Ban đầu, bệnh nhân có thể không chấp nhận điều trị và có phản ứng quá khích với người chăm sóc. Tuy nhiên, gia đình cần kiên trì thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu và giữ thái độ nhã nhặn để người bệnh thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Tham khảo thêm:
- Tác Hại Của Bia Rượu Ảnh Hưởng Tới Thần Kinh Như Thế Nào?
- Rối loạn thần kinh chức năng: Nguyên nhân, dấu hiệu và chữa trị
- Mất cảm xúc với mọi thứ: Nguyên nhân và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!