Rối loạn tâm thần do rượu: Biểu hiện và Điều trị

Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần do rượu đang có xu hướng gia tăng trong hai thập kỷ trở lại đây. Rượu vốn dĩ là chất ức chế thần kinh trung ương nên việc sử dụng liều cao và kéo dài có thể gây ra các rối loạn tâm thần như sảng rượu, loạn thần do rượu, trầm cảm và một số bệnh não thực tổn.

rối loạn tâm thần do rượu
Nghiện rượu là nguyên nhân phổ biến dẫn đến các rối loạn tâm thần

Rối loạn tâm thần do rượu là gì?

Rối loạn tâm thần do rượu là thuật ngữ đề cập đến các bệnh lý tâm thần có liên quan đến việc sử dụng rượu lâu dài (nghiện rượu). Rượu là chất ức chế thần kinh trung ương nên khi dùng lâu dài có thể dẫn đến những bất thường về sức khỏe tâm thần. Trong đó thường gặp nhất là nghiện rượu, lo âu, trầm cảm và loạn thần do rượu.

Sử dụng rượu là thói quen không lành mạnh thường thấy ở người trưởng thành. Theo số liệu thống kê, khoảng 50% người Mỹ sử dụng rượu bia thường xuyên và 30% trong đó phải đối mặt với nhiều vấn đề như bỏ học, thất nghiệp và tai nạn giao thông do ảnh hưởng của rượu bia. Trong 30% trường hợp này có 14% trường hợp lệ thuộc rượu suốt đời.

Rượu gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe – đặc biệt là tim mạch và não bộ. Ngoài ra, lạm dụng rượu còn gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với chất lượng cuộc sống. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp các vấn đề sức khỏe liên quan đến rượu là mối quan tâm lớn của nhân loại bên cạnh các bệnh lý tim mạch và ung thư.

Các rối loạn tâm thần do rượu chỉ được chẩn đoán ở bệnh nhân nghiện rượu. Tình trạng mất kiểm soát về hành vi, lời nói do say rượu tạm thời không được xem là rối loạn tâm thần. Bởi sau khi hết cơn say, các triệu chứng này sẽ tự thuyên giảm mà không cần điều trị.

Biểu hiện của các rối loạn tâm thần do rượu

Rượu là đồ uống chứa cồn với nồng độ đa dạng từ 10 – 60%. Khi dung nạp vào cơ thể, cồn trong rượu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan và làm gián đoạn quá trình hấp thu, chuyển hóa. Đối với não bộ, rượu có tác dụng ức chế thần kinh tương tự như thuốc an thần nhóm benzodiazepine. Nếu sử dụng rượu liều cao trong một thời gian dài, bệnh nhân sẽ trở nên lú lẫn, vụng về, rối loạn chức năng vận động,…

Dưới đây là các rối loạn tâm thần do rượu thường gặp:

1. Nghiện rượu

Các rối loạn tâm thần do rượu chỉ được chẩn đoán ở bệnh nhân bị nghiện rượu. Theo WHO, nghiện rượu là tình trạng luôn có nhu cầu thèm muốn đồ uống chứa cồn dẫn đến việc dung nạp thường xuyên với liều lượng tăng dần theo thời gian. Tình trạng này gây ra nhiều ảnh hưởng về sức khỏe và làm giảm khả năng lao động.

rối loạn tâm thần do rượu
Bệnh nhân nghiện rượu luôn có cảm giác thèm muốn uống rượu, đồng thời giảm hứng thú và sự quan tâm với mọi thứ xung quanh

Nghiện rượu được biểu hiện qua những dấu hiệu sau đây:

  • Có thèm muốn mạnh mẽ về việc sử dụng rượu và bệnh nhân luôn có cảm giác bắt buộc phải uống rượu.
  • Không thể kiểm soát lượng rượu dung nạp và thời gian sử dụng rượu.
  • Giảm dần hứng thú và sự quan tâm đến những sở thích trước đây.
  • Lượng rượu dung nạp tăng dần theo thời gian để giảm sự khó chịu do thiếu rượu.
  • Ưu tiên việc sử dụng rượu thay cho những hoạt động khác trong cuộc sống, bao gồm cả công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội.
  • Xuất hiện hội chứng cai khi không uống đủ rượu với những biểu hiện như bứt rứt khó chịu, bồn chồn, khí sắc trầm buồn, đứng ngồi không yên, run rẩy, lo âu sợ hãi, rối loạn thần kinh thực vật, ác mộng, giấc ngủ nông,…

Hầu hết những bệnh nhân nghiện rượu sẽ sử dụng tối thiểu 300ml rượu 40 độ/ ngày và uống rượu hằng ngày trong thời gian 10 năm trở lên. Ở nước ta, tỷ lệ nghiện rượu chiếm 3% dân số, trong đó tỷ lệ nghiện rượu ở thành thị là 4%.

2. Loạn thần do rượu

Loạn thần là một trong những rối loạn tâm thần do rượu khá phổ biến. Loạn thần đặc trưng bởi tình trạng hoang tưởng hoặc (và) ảo giác có liên quan đến việc sử dụng rượu kéo dài.

– Ảo giác do rượu:

Ảo giác do rượu có thể là ảo thanh hoặc ảo thị (những hình ảnh, âm thanh không có thực xuất hiện khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo). Trong đó, ảo thanh thường là những lời nói chửi rủa, miệt thị, đe dọa và tấn công. Những âm thanh không có thực liên tục vọng vào đầu khiến bệnh nhân khó tránh khỏi tình trạng lo lắng và bất an. Theo thống kê, khoảng ¾ người bệnh gặp phải tình trạng ảo thanh kéo dài dưới 6 tháng và ¼ trường hợp phải đối mặt với tình trạng này trên 12 tháng.

rối loạn tâm thần do rượu
Ảo giác là một trong những dạng loạn thần do rượu thường gặp

Ảo thanh có thể đi kèm với ảo thị hoặc xuất hiện đơn độc. Tình trạng này chi phối khả năng phê phán, tư duy, nhận thức và hành vi của người bệnh. Trong trạng thái ảo giác, bệnh nhân mất khả năng phán đoán nên dễ bị nhầm lẫn với tâm thần phân liệt. Nếu được điều trị, ảo thanh sẽ được kiểm soát nhưng tình trạng sẽ tái diễn nếu bệnh nhân tái nghiện rượu.

– Hoang tưởng do rượu:

Hoang tưởng do rượu là một trong những dạng loạn thần thường gặp. Sử dụng rượu trong thời gian dài có thể khiến bệnh nhân xuất hiện những ý nghĩ vô lý, không có cơ sở và căn cứ. Trong đó, các dạng hoang tưởng thường gặp là hoang tưởng bị hại và hoang tưởng ghen tuông. Các hoang tưởng này hoàn toàn không có cơ sở và bệnh nhân không thay đổi suy nghĩ ngay cả khi được những người xung quanh giải thích.

Hoang tưởng bị hại và hoang tưởng ghen tuông khiến cho bệnh nhân luôn dè chừng và thận trọng với những người xung quanh. Đối với hoang tưởng ghen tuông, bệnh nhân có thể hành hạ, theo dõi và đánh dập vì cho rằng bạn đời không chung thủy. Nếu không được điều trị sớm, chất lượng cuộc sống của người bệnh và những người xung quanh sẽ bị suy giảm đáng kể.

Tương tự như ảo thanh, khoảng ¾ bệnh nhân bị hoang tưởng dưới 6 tháng và ¼ trường hợp bị hoang tưởng trên 12 tháng. Đối với nam giới, hoang tưởng có thể dẫn đến các rối loạn chức năng tình dục như liệt dương, xuất tinh sớm,… nên người bệnh càng gia tăng sự nghi ngờ và bất mãn với bạn đời.

– Sảng rượu:

Sảng rượu là trạng thái loạn thần cấp tính thường gặp ở bệnh nhân nghiện rượu mãn tính. Trạng thái này bùng phát khi cơ thể suy nhược hoặc do ảnh hưởng của chấn thương, bị nhiễm trùng,…

Các triệu chứng sảng rượu có thể khởi phát từ từ hoặc đột ngột với biểu hiện vô cùng đa dạng. Trong đó, đặc điểm nổi bật của sảng rượu là bệnh tiến triển nặng dần, đặc biệt là vào thời gian chiều tối.

rối loạn tâm thần do rượu
Sảng rượu là dạng rối loạn tâm thần có mức độ nặng với tỷ lệ tử vong cao (22 – 33%)

Các biểu hiện nhận biết sảng rượu:

  • Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật, mệt mỏi, ác mộng, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, lo âu, hoảng hốt,…
  • Lú lẫn, mê sảng, có các ảo giác, ảo tưởng sinh động và bệnh nhân có hiện tượng run rẩy nặng
  • Một số trường hợp bị kích động, hoang tưởng và đảo lộn nhịp thức ngủ
  • Mất khả năng phê phán, cho rằng mọi thứ xung quanh là ảo giác, không còn định hướng được không gian, thời gian và mức độ mù mờ ý thức nặng hơn vào thời điểm chiều tối.
  • Hoang tưởng cảm thụ, kích động, ảo xúc giác, ảo thanh, ảo thị,…

Các triệu chứng của sảng rượu thường kéo dài không quá một tuần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ là 22 – 33%.

3. Trầm cảm do rượu

Trầm cảm do rượu là một dạng trầm cảm thứ phát khá phổ biến. Như đã biết, trầm cảm là rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi khí sắc buồn rầu, cáu kỉnh, bi quan, chán nản và mất hứng thú.

Tuy nhiên, trầm cảm do rượu có triệu chứng không điển hình. Hơn nữa, bệnh nhân nghiện rượu vốn dĩ đã có tâm trạng không ổn định và sức khỏe thể chất kém nên những người xung quanh hầu như không chú ý đến các triệu chứng trầm cảm. Trầm cảm do rượu sẽ thôi thúc bệnh nhân liên tục dung nạp đồ uống chứa cồn và dần dần hình thành ý nghĩ, hành vi tự sát.

rối loạn tâm thần do rượu
Sử dụng rượu trong một thời gian dài có thể phát triển chứng trầm cảm và các rối loạn cảm xúc có liên quan

Các biểu hiện của trầm cảm do rượu:

  • Cáu kỉnh
  • Buồn bực
  • Khí sắc không ổn định
  • Thường xuyên công kích và gây hấn với những người xung quanh
  • Mất đi sự quan tâm và thích thú với mọi thứ
  • Mệt mỏi, cơ thể giảm năng lượng

4. Hội chứng cai rượu

Hội chứng cai rượu là tập hợp các triệu chứng bất thường xảy ra ở người nghiện rượu nhưng đã ngưng uống rượu hoặc giảm lượng rượu dung nạp một cách đột ngột. Về bản chất, rượu là chất ức chế thần kinh trung ương. Do đó, ngưng rượu đột ngột sẽ gây rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ dẫn đến trạng thái hưng phấn và kích động.

Các triệu chứng của hội chứng cai rượu:

  • Cảm giác thèm rượu mãnh liệt khiến bệnh nhân chỉ tập trung việc làm sao để có thể uống rượu.
  • Buồn nôn, nôn mửa, ăn ít, thậm chí là không ăn uống gì.
  • Run tay chân với biên độ nhỏ, sau đó tình trạng run có thể xuất hiện ở mặt và miệng. Bệnh nhân đi đứng loạng choạng và không thể giữ thăng bằng.
  • Mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ nông và thường xuyên gặp ác mộng.
  • Lo lắng quá mức
  • Rối loạn thần kinh thực vật (cao huyết áp, mạch nhanh, thân nhiệt tăng, run cơ, mất nước,…)
  • Kích động tâm thần (đánh đập những người xung quanh, đập phá đồ đạc, chửi bới, la hét, thậm chí thực hiện các hành vi đe dọa để có tiền uống rượu)
  • Trong hội chứng cai rượu, bệnh nhân cũng có thể gặp phải hoang tưởng và ảo giác (xuất hiện từ ngày thứ 3 – 5 kể từ khi ngưng uống rượu)
  • Một số bệnh nhân có thể xuất hiện cơn co giật kiểu động kinh với tính chất co cứng, co giật, người doãi mềm và hôn mê trong thời gian ngắn).

5. Các bệnh não thực tổn do rượu

Ngoài các rối loạn tâm thần trên, nghiện rượu còn có thể gây ra các bệnh não thực tổn như:

  • Bệnh loạn thần Korsakov: Bệnh loạn thần Korsakov xuất hiện vào giai đoạn cuối ở bệnh nhân nghiện rượu với biểu hiện là hội chứng viêm đa dây thần kinh. Biểu hiện của bệnh lý này là người bệnh mất trí nhớ hoàn toàn, thường bịa ra những sự kiện thay thế cho những sự kiện bản thân đã quên mất. Nguyên nhân gây bệnh loạn thần Korsakov là do sử dụng rượu lâu dài làm giảm hấp thu vitamin B.
  • Bệnh não thực tổn Gayet-Wernicke: Bệnh não thực tổn Gayet-Wernicke hiếm gặp hơn so với bệnh loạn thần Korsakov. Đặc trưng của bệnh lý này là các cơ co giật kiểu động kinh, rối loạn từ ngữ, vận động, lú lẫn và giảm trí nhớ kiểu Korsakov. Bệnh nhân có tổn thương khu trú ở dây thần kinh vận nhãn, ngoại tháp và vùng tiểu não.
  • Bệnh giả liệt do rượu: Bệnh giả liệt do rượu là một trong những bệnh não thực tổn mãn tính hiếm gặp và có mức độ rất nặng. Căn nguyên bệnh được xác định là thiếu hụt vitamin B trầm trọng. Người mắc chứng bệnh này thường bị rối loạn phản xạ, khó nói, yếu đầu chi, giảm trí nhớ, giảm sự chú ý, hoang tưởng khuếch đại.

Rối loạn tâm thần do rượu có nguy hiểm không?

Các rối loạn tâm thần do rượu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đặc điểm chung của các bệnh lý này là khiến bệnh nhân mất khả năng phê phán, tư duy, hành vi và cảm xúc bị ức chế.

Người bị rối loạn tâm thần do rượu thường không thể duy trì hiệu suất lao động, học tập như trước và cũng không quan tâm đến các mối quan hệ. Do đó, bệnh nhân thường sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, cuộc sống nghèo khó do thu nhập không ổn định.

rối loạn tâm thần do rượu
Bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần do rượu thường trở nên bạo lực do hoang tưởng và ảo giác sai khiến

Cảm giác thèm muốn uống rượu mãnh liệt cùng với các hoang tưởng, ảo giác có thể thôi thúc người bệnh thực hiện các hành vi bạo lực, đe dọa và uy hiếp. Tình trạng này kéo dài còn gây biến đổi nhân cách. Rất nhiều người trước khi nghiện rượu có tính cách hiền lành, chăm chỉ nhưng sau một thời gian nghiện rượu trở nên bạo lực, ích kỷ, ghen tuông vô cớ và lười biếng. Sống chung với bệnh nhân nghiện rượu khiến cho không ít người rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn lo âu. Đặc biệt, điều này còn ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách, tâm lý và nhận thức của trẻ nhỏ.

Bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do rượu cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao – đặc biệt là ở người có hội chứng cai rượu nặng và phát triển các biểu hiện sảng rượu. Những trường hợp này không được điều trị sẽ phải đối mặt với tỷ lệ tử vong dao động từ 22 – 33%.

Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe tâm thần, nghiện rượu còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất như suy nhược cơ thể, các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, xơ gan, suy thận, mất ngủ kinh niên,… Những bệnh lý này làm gia tăng áp lực tài chính và khiến chất lượng cuộc sống giảm thấp. Bên cạnh đó, việc mắc các nhiều vấn đề sức khỏe cũng làm giảm tuổi thọ đáng kể.

Chẩn đoán rối loạn tâm thần do rượu

Rối loạn tâm thần do rượu chỉ được chẩn đoán ở những bệnh nhân nghiện rượu. Do đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán nghiện rượu trước. Chẩn đoán nghiện rượu chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và đánh giá các yếu tố thuận lợi.

Các rối loạn tâm thần do rượu cũng được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng (xét nghiệm chức năng gan, công thức máu, protein toàn phần, nồng độ vitamin B12, EEG, CT sọ não, chọc dò tủy sống, X quang phổi,…) để phân biệt với các rối loạn tâm thần khác như tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng,…

Chẩn đoán có vai trò rất quan trọng trong điều trị rối loạn tâm thần do rượu. Ngoài việc xác định bệnh, chẩn đoán còn giúp đánh giá mức độ của các rối loạn tâm thần và phát hiện vấn đề sức khỏe thể chất của từng bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị rối loạn tâm thần do rượu

Điều trị rối loạn tâm thần do rượu phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Trong đó, tất cả các bệnh nhân bắt buộc phải điều trị nghiện rượu. Bởi nghiện rượu chính là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần như ảo giác, hoang tưởng, sảng rượu, hội chứng cai,…

Phác đồ điều trị sẽ được xây dựng phù hợp cho từng bệnh nhân để đảm bảo mang lại kết quả tốt nhất. Trường hợp rối loạn tâm thần do rượu có các triệu chứng thể chất nặng, bệnh nhân cần được điều trị nội trú để tiện cho việc theo dõi. Những trường hợp này cần được điều trị nâng đỡ bên cạnh sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý.

1. Hóa dược trị liệu

Hóa dược trị liệu là phương pháp chính trong điều trị các rối loạn tâm thần do rượu. Mục tiêu của phương pháp này là giúp bệnh nhân ngưng uống rượu và giảm các triệu chứng khó chịu do cai rượu. Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để khắc phục các triệu chứng rối loạn tâm thần do rượu gây ra.

Tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Việc sử dụng thuốc nên được thực hiện cẩn trọng để mang lại kết quả tốt nhất và hạn chế các rủi ro, tác dụng phụ.

rối loạn tâm thần do rượu
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị rối loạn tâm thần do rượu

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn tâm thần do rượu bao gồm:

  • Thuốc Disulfiram được sử dụng để ngăn chặn sự phân hủy rượu trong cơ thể. Tác dụng chính của thuốc là giúp bệnh nhân tránh sử dụng rượu và đồ uống chứa cồn trong thời gian điều trị.
  • Thuốc Naltrexone thường được dùng để ngăn ngừa tái nghiện sau khi cai nghiện thành công.
  • Bệnh nhân nghiện rượu thường thiếu hụt vitamin B cùng với các vi chất dinh dưỡng. Do đó, người bệnh sẽ phải dùng vitamin B12, B9, thiamine và các loại vitamin cần thiết khác.
  • Đối với trường hợp mắc các bệnh não thực tổn do rượu, bác sĩ sẽ chỉ định dùng Piracetam – dẫn xuất vòng của GABA có tác dụng cải thiện trí nhớ và tư duy.
  • Chlordiazepoxide được sử dụng để giảm lo âu trong các cơn cai rượu cấp tính.
  • Thuốc chống co giật hoặc Magnesium sulfat 1mg tiêm bắp được chỉ định đối với bệnh nhân có các cơn co giật do ngưng rượu.
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitriptylin) có thể được chỉ định cho bệnh nhân bị trầm cảm do rượu.
  • Thuốc an thần, gây ngủ (Seduxen) được sử dụng để giảm trạng thái kích động, hoảng loạn và cải thiện giấc ngủ cho bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu.
  • Thuốc chống loạn thần được dùng để giảm các hoang tưởng và ảo giác do rượu.

Sử dụng thuốc mang lại hiệu quả cao trong điều trị các rối loạn tâm thần do rượu. Tuy nhiên, dùng thuốc cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng ngoại ý. Chính vì vậy, bệnh nhân và người nhà cần được trang bị kiến thức để phát hiện kịp thời các tác dụng không mong muốn.

2. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là biện pháp hỗ trợ bên cạnh hóa dược trị liệu – đặc biệt mang lại hiệu quả trong trường hợp trầm cảm và rối loạn lo âu do rượu. Mục đích của phương pháp này là giúp bệnh nhân ý thức được tác hại của rượu bia, từ đó có động lực hơn trong việc điều trị nghiện rượu và các rối loạn tâm thần có liên quan.

Bệnh nhân nghiện rượu thường có khí sắc không ổn định, u uất, mất hứng thú và dễ kích động. Thông qua trị liệu tâm lý, chuyên gia cũng sẽ giúp người bệnh học cách kiểm soát cảm xúc và giải tỏa stress lành mạnh thay vì giải tỏa bằng cách hút thuốc lá, dùng chất kích thích và uống rượu bia.

rối loạn tâm thần do rượu
Liệu pháp tâm lý giúp củng cố nhận thức và hướng người bệnh đến lối sống lành mạnh để tránh tình trạng tái nghiện rượu

Người bị nghiện rượu thường thiếu kỹ năng sống và giảm khả năng học tập, lao động. Do đó, bác sĩ cũng sẽ can thiệp một số liệu pháp hỗ trợ như lao động trị liệu, nghệ thuật trị liệu và các bài tập luyện tập thư giãn. Các liệu pháp này giúp bệnh nhân nâng cao khả năng giao tiếp, biết cách mở rộng và duy trì các mối quan hệ.

Liệu pháp tâm lý không giúp ích quá nhiều trong việc điều trị nghiện rượu. Tuy nhiên, phương pháp này giữ vai trò quan trọng giúp phòng ngừa tái phát và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh sau điều trị. Ngoài ra, gia đình cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để giúp bệnh nhân ổn định tâm lý và nhanh chóng quay trở lại cuộc sống như bình thường.

Phòng ngừa rối loạn tâm thần do rượu

Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần do rượu đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Vì vậy, cần phòng ngừa nghiện rượu để giảm nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần.

rối loạn tâm thần do rượu
Duy trì lối sống lành mạnh là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa nghiện rượu và các rối loạn tâm thần do rượu

Các biện pháp phòng ngừa nghiện rượu và rối loạn tâm thần do rượu:

  • Trang bị kiến thức về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, mỗi người cũng cần có trách nhiệm phổ biến rộng rãi thông tin này đến những người xung quanh.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích. Trường hợp phải uống rượu, nên sử dụng an toàn với liều lượng và tần suất phù hợp.
  • Học cách kiểm soát căng thẳng một cách lành mạnh sẽ giúp hạn chế việc sử dụng rượu bia, chất kích thích để giải tỏa cảm xúc.
  • Khi nhận thấy những người xung quanh sử dụng rượu thường xuyên, cần đưa ra lời khuyên kịp thời. Nếu cần thiết, nên khuyến khích họ đến bệnh viện để được điều trị trong thời gian sớm nhất.

Các rối loạn tâm thần do rượu gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh bằng cách sử dụng rượu bia một cách an toàn.

Tham khảo thêm:

4.7/5 - (44 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *