Hội chứng sợ bệnh viện (Nosocomephobia): Hệ lụy và Giải pháp
Hội chứng sợ bệnh viện là một hội chứng liên quan đến rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi thường gặp. Hội chứng này ảnh hưởng đến mọi giới tính, độ tuổi, và các biểu hiện thường xuất hiện sớm trong thời thơ ấu, hoặc ngay sau những chấn thương tâm lý liên quan đến bệnh viện.
Hội chứng sợ bệnh viện là gì?
Hội chứng sợ bệnh viện có tên tiếng Anh là Nosocomephobia. Nosocomephobia có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, và được ghép từ hai cụm từ là νοσοκομεῖον (nosokomeion), “bệnh viện” và φόβος (phobos), “nỗi sợ hãi”. Thuật ngữ này dùng để diễn tả nỗi sợ khủng khiếp và phi lý của người bệnh dành cho bệnh viện, dù là trong suy nghĩ hay đối diện thực tế.
Hội chứng này gây nhiều tác động tiêu cực đến thể chất và tinh thần, khiến người bệnh từ chối các biện pháp chăm sóc y tế dù trong trường hợp cần thiết. Nỗi lo sợ và ám ảnh mà người mắc hội chứng sợ bệnh viện phải trải qua kinh khủng tới mức, họ cảm thấy như mình không thể sống sót ra khỏi bệnh viện.
Đây là cảm giác mà Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã phải trải qua, thế nên nhiều người cho rằng ông cũng là người mắc chứng Nosocomephobia. Thông thường, những người mắc hội chứng này có thể mắc kèm một số hội chứng khác liên quan như: Hemophobia (sợ máu), Iatrophobia (sợ bác sĩ), Mysophobia (hội chứng sợ bẩn, sợ vi trùng), và Trypanophobia (hội chứng sợ kim tiêm).
Hình ảnh bệnh viện luôn gắn liền với bệnh tật, đau đớn, máu me, cái chết, và chi phí điều trị khổng lồ. Thế nên rất dễ hiểu vì sao, hầu như tất cả chúng ta đều có một nỗi sợ nhất định khi đối diện với bệnh viện, đặc biệt là phòng cấp cứu. Bởi vì ta phải đối diện với bệnh tật và cái chết của chính bản thân, hoặc của những người xung quanh.
Người bình thường có thể vượt qua nỗi sợ này một cách dễ dàng, vì họ biết rằng mình cần đến bệnh viện để chữa bệnh. Tuy nhiên với những người mắc hội chứng sợ bệnh viện, nỗi sợ hãi và ám ảnh hoàn toán lấn át nhu cầu và lý trí. Họ từ chối đến bệnh viện dù đang rơi vào những tình huống hiểm nghèo và cần cấp cứu.
Hậu quả là người bệnh có thể tàn phế hoặc tử vong vì không được khám chữa bệnh, hoặc xử lý vết thương kịp thời. Mặc dù nhiều người bệnh biết rằng nỗi sợ hãi của họ là phi lý, rằng bệnh viện không hề đe dọa đến tính mạng và sự an toàn của bản thân, nhưng họ vẫn không thể kiềm chế cảm giác sợ hãi khủng khiếp ập tới.
Đại dịch Covid-19 được cho là dấu mốc chứng kiến sự tăng vọt của những trường hợp mắc Nosocomephobia. Nguyên nhân là do bệnh viện là một ổ dịch thật sự, với tỉ lệ lây nhiễm cao và nhiều người chết mỗi ngày. Tin tức về số người chết liên tục được cập nhật, cùng với sự ám ảnh của xã hội khiến bệnh viện trở thành một nơi “chết chóc” đúng nghĩa.
Chính vì thế, nhiều người cảm thấy hoảng loạn và ám ảnh khi nghĩ đến bệnh viện, đặc biệt là những người có người thân chết trong đại dịch. Nỗi ám ảnh này có thể phát triển thành chứng sợ bệnh viện với nhiều mức độ khác nhau, nhưng đều gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần người bệnh.
Biểu hiện của hội chứng sợ bệnh viện
Những triệu chứng của hội chứng sợ bệnh viện cũng tương tự như những chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác. Những biểu hiện này có thể nhẹ hay nặng, xuất hiện hay không xuất hiện tùy vào mức độ ám ảnh của người bệnh dành cho bệnh viện. Một số biểu hiện đặc trưng phải kể đến như:
- Hoảng loạn, lo lắng cùng cực khi phải có mặt ở bệnh viện, hoặc nghĩ đến đến hình ảnh bệnh viện
- Từ chối đến bệnh viện trong mọi trường hợp, dù họ đang cần chữa bệnh hoặc cấp cứu
- Cảm thấy bản thân không thể sống mà rời khỏi bệnh viện
- Cảm giác bản thân mất kết nối với thực tế, gần như mất trí nổi điên
- Tìm mọi cách bỏ trốn, thoát khỏi bệnh viện càng nhanh càng tốt
- Hoảng loạn, run rẩy tay chân
- Đồ mồ hôi lạnh, đổ mồ hội quá nhiều
- Buồn nôn
- Đau đầu, chóng mặt
- Khó thở
- Tim đập nhanh
- Thở gấp, nhịp thở ngắn
- Tức ngực
- Khô miệng
- Căng cơ
- Thường xuyên gặp ác mộng khi nghĩ về bệnh viện và những thứ liên quan
- La hét, mất kiềm chế cảm xúc
- Có thể ngất xỉu vì quá hoảng loạn
Có thể có những dấu hiệu khác ngoài những đặc trưng trên, nhưng về cơ bản, biểu hiện của hội chứng sợ bệnh viện vẫn là những phản ứng bất thường, dữ dội cả về thể chất lẫn tinh thần của người bệnh dành cho bệnh viện. Muốn biết chính xác bản thân có mắc Nosocomephobia hay không, bạn cần tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác hơn.
Nguyên nhân của hội chứng sợ bệnh viện
Các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra hội chứng Nosocomephobia. Nhưng chúng ta vẫn có thể tìm ra một số yếu tố ảnh hưởng đến sự khởi phát tình trạng này. Những yếu tố này bao gồm cả yếu tố sinh học và môi trường bao gồm:
- Hội chứng sợ bệnh viện có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người thân mắc hội chứng này, hoặc một số chứng rối loạn lo âu có liên quan khác, bạn có thường tỷ lệ cao mắc hội chứng này và biểu hiện rất sớm trong thời thơ ấu. Con cái thường chịu ảnh hưởng từ bố mẹ, anh chị em sinh đôi cũng có tỷ lệ cao cùng mắc hội chứng sợ bệnh viện.
- Nếu những đứa trẻ sống chung trong thời gian dài với người mắc hội chứng này, trẻ cũng có nguy cơ khởi phát chứng sợ bệnh viện này trong thời thơ ấu. Trường hợp này không liên quan đến di truyền, mà do trẻ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố và môi trường xung quanh.
- Những người mắc chứng sợ vi khuẩn, sợ bẩn, sợ máu, sợ kim tiêm, sợ bệnh tật, sợ chết, sợ không gian hẹp,… cũng có khả nắng mắc chứng sợ bệnh viện, bởi vì tất cả những yếu tố trên đều có thể tìm thấy tại địa điểm này. Bệnh viện là nơi có rất nhiều vi khuẩn, có thể nơi lây lan bệnh truyền nhiễm, và gắn liền với hình ảnh máu me cùng cái chết. Tuy nhiên, không phải ai mắc chứng sợ bệnh viện cũng sợ những yếu tố trên và ngược lại.
- Ám ảnh trong quá khứ, những chấn thương tâm lý liên quan đến bệnh viện là những yếu tố khởi phát hội chứng sợ bệnh viện. Việc chứng kiến cái chết của bạn bè hay người thân, hoặc từng trải qua những ca phẫu thuật nguy hiểm, đứng giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết là những ám ảnh không dễ xóa nhòa trong tâm trí mọi người. Não sẽ dần hình ảnh phản xạ sợ hãi khi nhắc đến bệnh viện và làm tăng nguy cơ mắc Nosocomephobia. Những biểu hiện của hội chứng này có thể xuất hiện ngay sau những sự kiện gây kinh hoàng, hoặc một thời gian sau khi sự kiện xảy ra.
- Sự phóng đại tin tức của các phương tiện truyền thông về y tế có thể gây ra nỗi sợ phi lý cho người bệnh về bệnh viện. Những thông tin về việc sai sót trong y khoa, những trường hợp người bệnh gặp biến chứng sau khi mổ, hay những ca chữa trị không thành công khiến nhiều người hoang mang và sợ hãi khi nghĩ đến chuyện điều trị bệnh. Tuy nhiên, cần hiểu rằng luôn có xác suất thất bại nhất định trong các phương pháp chữa trị, và không có gì là chắc chắn 100%
Những người mắc hội chứng sợ bệnh viện có thể bị ảnh hưởng bởi một hay nhiều yếu tố. Những yếu tố này ảnh hưởng đến nhau và có thể kích phát và phóng đại nỗi sợ lên nhiều lần. Để xác định chính xác những yếu tố gây ra Nosocomephobia, người bệnh cần được khám và chẩn đoán bởi bác sĩ.
Chẩn đoán hội chứng sợ bệnh viện
Việc khám và chẩn đoán hội chứng này cần được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn, có kinh nghiệm trong nghề, và tại những cơ sở y tín nhằm đảm bảo độ chính xác. Bác sĩ sẽ dựa trên bệnh sử, những biểu hiện lâm sàng, và một số thử nghiệm khi cần thiết để xác định tình trạng bệnh.
Những tiêu chí chẩn đoán hội chứng sợ bệnh viện tương tự như chẩn đoán những chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác. Nỗi sợ phải diễn ra mọi lúc, mọi nơi khi người bệnh ở trong bệnh viện, hoặc nghĩ đến bệnh viện. Nỗi sợ phi lý phải kéo dài ít nhất là 6 tháng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày và không thuyên giảm theo thời gian.
Ngoài ra, nỗi sợ còn phải dữ dội tới mức khiến người bệnh có những phản ứng bất thường, dù không có bất cứ sự đe dọa nào xung quanh. Cảm giác sợ hãi, khủng hoảng lớn đến mức họ từ chối đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe hay khám bệnh, tìm cách thoát khỏi bệnh viện càng nhanh càng tốt nếu buộc phải đến đó.
Nỗi sợ bệnh viện phải không bị ảnh hưởng bởi các hội chứng rối loạn khác, không chịu ảnh hưởng của rượu bia và chất kích thích. Sau khi đã xác định chính xác tình trạng sợ bệnh viện, bác sĩ hoặc các chuyên viên tâm lý sẽ dựa trên những biểu hiện của người bệnh để đưa ra phương pháp cải thiện phù hợp.
Làm sao để vượt qua hội chứng Nosocomephobia?
Tùy vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ hoặc các chuyên gia sẽ tư vấn cách cải thiện phù hợp. Liệu pháp tâm lý, thôi miên, liệu pháp hóa dược, cùng một số bài tập thư giãn tại nhà hiện vẫn là cách cải thiện tốt nhất và mang đến nhiều hiệu quả tich cực. Thông thường, những nhà trị liệu sẽ kết hợp nhiều biện pháp để có hiệu quả tốt nhất.
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu sẽ là phương pháp chính trong điều trị hội chứng sợ bệnh viện, kết hợp với thôi miên và sử dụng thuốc trong những tình huống cần thiết. Mục tiêu của tâm lý trị liệu là tìm ra căn nguyên của nỗi sợ, giúp người bệnh đối diện và giải quyết tận gốc vấn đề, tránh gây ra những ảnh hưởng về sau.
Hai liệu pháp đang được ứng dụng nhiều nhất hiện nay là liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT) và liệu pháp tiếp xúc. Tùy vào tình hình người bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp phù hợp, nhưng để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, hai phương pháp này vẫn được sử dụng song song.
Liệu pháp tiếp xúc mang tính trực tiếp và kích thích mạnh hơn, vì buộc người bệnh phải đối mặt với nỗi sợ theo hướng tăng dần. Điều này giúp bệnh nhân quen với kích thích và cảm giác sợ hãi, từ đó giảm thiểu trạng thái kích động khi đối diện với bệnh viện thật. Việc tiếp xúc sẽ bắt đầu với hinh ảnh, tranh vẽ, sau đó là hình ảnh trong video và bệnh viện thật.
Nhờ sự phát triển của công nghệ mô phỏng thực tế ảo, liệu pháp tiếp xúc đã mang đến hiệu quả tốt và an toàn hơn cho người bệnh. Công nghệ thực tế ảo có thể mô phỏng hình ảnh sinh động như thật, giúp người bệnh làm quen với nỗi sợ tại môi trường an toàn như phòng khám, hạn chế những tình huống bất ngờ so với đối diện thực tế.
Bên cạnh liệu pháp tiếp xúc, liệu pháp nhận thức-hành vi cũng là liệu pháp hiệu quả. Bác sĩ và người bệnh sẽ ngồi trong phòng kín và giao tiếp mặt đối mặt. Thông qua cuộc trò chuyện, các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ tìm hiểu nguyên nhân sinh ra nỗi sợ, giúp người bệnh giải quyết khúc mắc, nhận thức nỗi sợ của bản thân là phi lý, và thay đổi hành vi theo hướng tích cực hơn.
Người bệnh có thể học cách quản lý cảm xúc, giải tỏa tình trạng căng thẳng, và cách ứng phó khi rơi vào nỗi sợ. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với những người có nỗi sợ không quá nghiêm trọng. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh nên chọn bác sĩ hoặc những trung tâm tự vấn tâm lý uy tín.
Liệu pháp thôi miên cũng giúp ích rất nhiều trong điều trị tâm lý bằng cách khơi lại những sự kiện trong quá khứ, những điều ẩn trong tiềm thức liên quan đến nỗi sợ bệnh viện mà người bệnh đang mắc phải. Liệu pháp này hỗ trợ quá trình điều trị tâm lý và giúp đẩy nhanh tiến độ điều trị.
2. Hóa dược trị liệu
Hóa dược trị liệu có thể giúp giảm thiểu những triệu chứng lo âu, hoảng loạn, cải thiện giấc ngủ, hạn chế tình trạng gặp ác mộng và những phản ứng quá khích của người bệnh khi đối diện với những tác nhân gây kích thích. Hóa dược trị liệu thường được kết hợp với tâm lý trị liệu trong những tình huống cần thiết để gia tăng hiệu quả điều trị.
Những loại thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống rối loạn lo âu, và một số loại thuốc khác tùy trường hợp. Thuốc không có tác dụng chấm dứt nổi sợ hãi, nhưng có thể cải thiện triệu chứng và giúp người bệnh bình tĩnh hơn trong quá trình điều trị bằng liệu pháp tâm lý.
Ví dụ khi điều trị bằng liệu pháp tiếp xúc hay thực tế ảo, người bệnh có thể phải chịu những ảnh hưởng nhất định do đối mặt với nỗi sợ. Do đó việc dùng thuốc trong những tình huống như thế này để tăng hiệu quả điều trị là điều cần thiết. Thuốc có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh và cơ thể, nên bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định dùng thuốc.
Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần chú ý làm đúng theo hướng dẫn cua bác sĩ, uống thuốc đúng liều lượng và thời gian quy định. Việc tự ý đổi thuốc, tự kéo dài thời gian sử dụng, hoặc tăng giảm liều mà không có sự cho phép của bác sĩ điều trị có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
Nếu người bệnh nhận thấy một số tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, bí tiểu, nhức đầu,… không nghiêm trọng, và chúng biến mất sau một thời gian ngắn thì không cần lo lắng. Nhưng nếu tác dụng phụ nghiêm trọng, gây khó thở, phát ban, nổi mề đai,… thì cần liên hệ ngay với tác sĩ để được hướng dẫn xử lý.
Tự cải thiện hội chứng sợ bệnh viện tại nhà
Bên cạnh việc điều trị tâm lý và điều trị bằng thuốc, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống, và có một số phương pháp rèn luyện tại nhà để vượt qua nỗi sợ tốt hơn. Dưới đây là một số cách người bệnh có thể thư để cải thiện tình trạng, tăng hiệu quả điều trị và giúp bản thân nhanh chóng thoát khỏi ám ảnh:
- Tập làm quen với hình ảnh liên quan đên bệnh viện thông qua hoạt hình, tranh ảnh, hay những bộ phim tài liệu trên truyền hình. Trong thời gian đầu, người bệnh nên có bạn bè hay người thân ngồi cạnh để can đảm, tự tin hơn, và giúp bản thân ổn định tinh thần nếu gặp những hình ảnh kích thích.
- Tâm sự với người thân hoặc bạn bè về nỗi sợ và những ám ảnh của bản thân. Người bệnh có thể cảm thấy vi vẻ, thoải mái hơn khi nhận đực sự ủng hộ và đồng hành từ những người thân xung quanh.
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê và những chất kích thích trong quá trình điều trị vì có thể gây mất ngủ, ác mộng và phóng đại cảm giác lo lắng, sợ hãi.
- Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế để bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, đúng giờ, cung cấp đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng.
- Hạn chế thức khuya, nên ngủ sớm dậy sớm để tâm trạng thoải mái hơn.
Bạn hoàn toàn có thể tự cải thiện tình trạng của bản thân, và hỗ trợ quá trình điều trị tâm lý bằng những phương pháp kể trên. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là giữ cho tinh thần thoải mái và dũng cảm đối mặt với những ám ảnh và nỗi sợ đeo bám. Bạn có thể mang theo những vật dụng quen thuộc bên mình trong quá trình điều trị để cảm thấy an tâm hơn.
Hội chứng sợ bệnh viện không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, mà còn khiến bạn không thể đến bệnh viện kiểm tra định kỳ, khám bệnh và cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm. Bạn có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không hề hay biết, vì không làm kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Hậu quả là khi phát hiện thì bệnh tình đã hết cách cứu chữa.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ bẩn, sợ vi khuẩn (Mysophobia) là gì? Cách chữa
- Hội chứng sợ lỗ (Trypophobia): Thấy nhiều lỗ là nổi da gà
- Mặc cảm ngoại hình (Hội chứng sợ xấu) – Cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!