Hội chứng sợ uống thuốc (Pharmacophobia) & điều cần biết

Hội chứng sợ uống thuốc khiến người bệnh từ chối mọi can thiệp y tế, hay liệu pháp điều trị bắt buộc phải dùng thuốc, thường là thuốc viên. Hội chứng này không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh, nhưng có thể đẩy họ vào tình trạng nguy hiểm do không tuân theo liệu trình điều trị nhưng căn bệnh nghiêm trọng khác 

Hội chứng sợ uống thuốc là gì?

Hội chứng sợ uống thuốc (Pharmacophobia) là một rối loạn lo âu đặc trưng bởi sự lo lắng và sợ hãi cực độ khi nghĩ đến hoặc phải thực hiện việc uống thuốc, đặc biệt là thuốc viên. Người mắc hội chứng này thường trải qua cảm giác hoảng loạn, căng thẳng quá mức khi đối diện với thuốc, dẫn đến những hành vi tránh né. Cơn sợ hãi có thể xảy ra đột ngột, nhấn chìm lý trí và khiến người bệnh trở nên kích động, thậm chí có những hành vi không thể kiểm soát. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc điều trị y tế và làm giảm chất lượng cuộc sống của họ.

Pharmacophobia không được đề cập đến trong ICD-10 hay DSM-5, nhưng những biểu hiện của chúng vẫn mang đặc điểm chung của rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Hội chứng sợ uống thuốc cùng với hội chứng sợ máu, hội chứng sợ kim tiêm, hội chứng sợ bệnh viện,… đều là những ảm ảnh sợ hãi liên quan đến y tế.

Hội chứng sợ uống thuốc
Hội chứng sợ uống thuốc khiến người bệnh từ chối mọi loại thuốc và bỏ qua những dấu hiệu bất ổn của cơ thể vì sợ phải khám bệnh, uống thuốc

Hội chứng sợ uống thuốc có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, bất chấp giới tính hay tuổi tác. Đàn ông hay phụ nữ đều có thể kích phát tình trạng sau những cú sốc hay ám ảnh liên quan đến thuốc. Hội chứng sợ uống thuốc gây ra sự ám ảnh kinh hoàng và vô cùng đau khổ cho những người bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, nhiều người trong chúng ta rất ngại hoặc chán ghét uống thuốc, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên trong trường hợp bắt buộc phải điều trị bằng thuốc, họ vẫn có thể uống thuốc bình thường, dù không cảm thấy thoải mái. Đây là một tình trạng tâm lý bình thường, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hàng ngày.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ uống thuốc

Cũng như nhiều chứng rối loạn khác, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng này ở người. Tuy nhiên, hội chứng sợ uống thuốc được cho là bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như gen di truyền, môi trường sống, những ám ảnh trong quá khứ liên quan đến thuốc, hoặc do nhiều vấn đề cá nhân khác.

Một số yếu tố có thể kích phát tình trạng sợ uống thuốc bao gồm:

  • Tính di truyền: Nếu gia đình có tiền sử mắc các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, rối loạn cảm xúc thì nguy cơ con cái cũng mắc rối loạn lo âu là rất cao. Tỉ lệ này cao nhất ở những cặp anh chị em song sinh, với hầu hết các trường hợp cả hai người đều kích phát cùng một hội chứng. Tính di truyền có thể là yếu tố hỗ trợ kích phát chứng sợ uống thuốc, chứ không phải là yếu tố chính ảnh hưởng.
  • Chấn thương tâm lý: Chấn thương tâm lý liên quan đến thuốc như từng bị ngộ độc, bị ép uống thuốc không rõ tác dụng, chịu những tác phụ nghiêm trọng do thuốc mang đến, chứng kiến người thân chết do sốc thuốc, hoặc do bệnh nan y không thể chạy chữa đều là thể khiến một người lo âu, sợ hãi, căng thẳng tột độ khi đối diện với thuốc men. Họ cảm thấy bản thân có thể chết nếu uống thuốc nên từ chối mọi phương pháp điều trị có dùng thuốc.

Xem thêm: Chấn thương tâm lý thời thơ ấu nguy hại hơn bạn tưởng

Nguyên nhân của chứng sợ thuốc
Những ám ảnh, chấn thương tâm lý trong quá khứ liên quan đến thuốc là nguyên nhân thường thấy kích phát hội chứng sợ uống thuốc ở nhiều bệnh nhân.
  • Hoạt động bất thường của não: Trong não có một bộ phận gọi là hạch hạnh nhân có nhiệm vụ điều chỉnh cảm xúc và phản ứng của con người trước những yếu tố gây kích thích. Hạch hạnh nhân hoạt động quá mức sẽ phóng đại cảm giác sợ hãi, và có thể gây ra những ám ảnh nhất định cho người bệnh. Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về việc hạch hạnh nhân ảnh hưởng ra sao đến các hội chừng sợ ở con người.
  • Môi trường sống: Trẻ có thể nhìn thấy cha mẹ hoặc người thân có hành vi bài xích, hoảng sợ, đau khổ tột cùng khi đối diện với thuốc trong thời gian dài và bị ảnh hưởng. Trẻ sẽ cảm thấy thuốc là một thứ nguy hiểm, đánh sợ, không an toàn, và những ám ảnh nà sẽ kích phát chứng sợ uống thuốc về sau. Ảnh hưởng từ môi trường sống và những người xung quanh sẽ góp phần định hình một số vấn đề tâm lý của trẻ trong giia đoạn phát triển và trưởng thành.
  • Ảnh hưởng từ tin tức tiêu cực: Những tin tức tiêu cực cũng là một yếu tố kích phát chứng sợ uống thuốc ở nhiều người. Những tin tức liên quan đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng, những tác dụng phụ lâu dài tiềm ẩn sau khi uống thuốc, những vụ ngộ độc thuốc,… đều có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của mọi người. Những yếu tố này kích thích nỗi sợ tiềm ẩn, gây ra những ám ảnh tăng dần theo thời gian nếu không được cải thiện sớm.

Trong một số trường hợp, người phải cai nghiện thuốc do dùng thuốc quá liều (thường là thuốc an thần) cũng có thể mắc phải tình trạng này. Quá trình cai nghiện thuốc vất vả, mệt mỏi khiến người bệnh sinh ra những cảm xúc tiêu cực dành cho thuốc. Từ đó khiến họ không bao giờ muốn uống thuốc nữa.

Một người có thể bị ảnh hưởng bởi một hai nhiều yếu tố, dựa trên những trải nghiệm cá nhân và những ảnh hưởng từ môi trường. Hội chứng sợ uống thuốc gây ra nhiều ảnh hưởng đến quá trình điều trị các chứng bệnh khác, thế nên cần được phát hiện và điều trị sớm nhằm hạn chế ảnh hưởng.

Biểu hiện của hội chứng sợ uống thuốc

Biểu hiện của hội chứng sợ uống thuốc thể hiện một cách rõ ràng, cả trong triệu chứng thể chất và biểu hiện tâm lý. Người bệnh sẽ có cảm giác lo âu, ám ảnh và sợ hãi tột độ khi suy nghĩ hay tiếp xúc với thuốc. Nỗi sợ lan rộng có thể khiến bệnh nhân phản ứng quá khích và có những hành vi cực đoan.

hội chứng Pharmacophobia
Những biểu hiện của hội chứng này bao gồm cảm giác khủng hoảng, lo lắng, đau khổ tột cùng khi đối diện với thuốc, cùng những những triệu chứng thể chất khác.

Cảm giác này ảnh hưởng mọi lúc mọi nơi và trong mọi trường hợp. Nhiều người biết rằng nỗi sợ của mình là vô lý, nhưng không thể ngăn bản thân phản ứng mạnh mẽ với tác nhân ảnh hưởng. Nỗi sợ và những phản ứng thể chất ập đến nhanh chóng với mức độ tăng dần, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Người bệnh sẽ cảm thấy choáng váng, run rẩy tay chân, đổ mồ hôi lạnh nhất là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, miệng khô, tức ngực, khó thở khiến hơi thở ngắn và thở gấp, huyết áp tăng, tim đập nhanh, sắc mặt trắng bệch, không đứng vững, và có thể ngất xỉu khi gặp kích thích quá lớn.

Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn mà không có biện pháp cải thiện, những triệu chứng thể chất sẽ ngày càng nghiêm trọng. Căng thẳng, lo âu, kích động mạnh nếu kéo dài sẽ gây ra nhiều vấn đề như huyết áp cao, tắc nghẽn cơ tim, và đẩy người bệnh vào tình trạng hoảng loạn, mất kiểm soát.

Ảnh hưởng của hội chứng sợ uống thuốc

Pharmacophobia không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, nhưng góp phần làm trầm trọng những căn bệnh khác mà người bệnh đang mắc phải. Những người mắc hội chứng sợ uống thuốc sẽ có phản ứng tiêu cực với thuốc, từ chối điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, từ đó khiến tình hình bệnh ngày càng tồi tệ.

Đặc biệt, hội chứng sợ thuốc có thể khiến người bệnh bỏ ngoài tai lời dặn dò của bác sĩ, và tìm kiếm những phương pháp khác không cần uống thuốc để chữa trị. Chữa trị theo những cách dân gian, không được kiểm chứng, không được khoa học công nhận có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.

Hội chứng này còn khiến phớt lờ những dấu hiệu bất ổn của cơ thể, từ chối đến bệnh viện thăm khám vì sợ phải điều trị bằng thuốc. Đến khi tình hình bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng thì chữa trị cũng đã muộn. Đây chính là ảnh hưởng tiêu cực nhất mà Pharmacophobia gây ra cho người bệnh.

Chẩn đoán chứng sợ uống thuốc

Tiêu chí chẩn đoán hội chứng sợ uống thuốc sẽ dựa trên tiền sử gia đình, những biểu hiện lâm sàng và những kiểm tra, xét nghiệm khác trong trường hợp cần thiết. Những tiêu chí đánh giá tương tự với những tiêu chí chẩn đoán rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi bao gồm:

chẩn đoán chứng sợ thuốc
Người bệnh nên tìm đến bệnh viện hoặc những trung tâm tư vấn uy tín để được chẩn đoán và cải thiện tình trạng hiệu quả hơn.
  • Nỗi sợ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất
  • Nỗi sợ cản trở những hoạt động thường ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống
  • Nỗi sợ kéo dài ít nhất 6 tháng, ngày càng nghiêm trọng và không có dấu hiệu giảm nhẹ
  • Nỗi sợ xảy ra trong mọi tình huống, kéo dài, khiến người bệnh mất kiểm soát cảm xúc
  • Nỗi sợ không xảy ra do ảnh hưởng từ những tác động bên ngoài như rượu bia, chất kích thích, hay những vấn đề sức khỏe khác không liên quan đến yếu tố gây kích thích.

Sau quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ lên kế hoạch cải thiện những triệu chứng bệnh dựa trên mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp. Việc điều trị sớm có thể giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực, giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại cuộc sống bình thường, không còn ám ảnh với thuốc nữa.

Cách điều trị hội chứng sợ uống thuốc

Hiện nay cách tốt nhất để điều trị hội chứng này là áp dụng điều trị tâm lý, kết hợp với những bài tập tại nhà để giảm thiểu nổi sợ. Thông thường, quá trình cải thiện rối loạn lo âu sẽ kết hợp điều trị bằng thuốc để hạn chế những phản ứng quá khích. Nhưng trong trường hợp này, việc điều trị bằng thuốc không khả thi.

Người bệnh nên đến những bệnh viện lớn, hay nhưng trung tâm tư vấn tâm lý uy tín để được hỗ trợ tốt hơn, và đảm bảo quá trình điều trị hiệu quả. Người bệnh cũng cần làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý từ bỏ giữa chừng, hoặc sử dụng những phương pháp không được cho phép nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Quá trình điều trị tâm lý sẽ bao gồm những liệu pháp quen thuộc như liệu pháp nhận thức-hành vi, liệu pháp giải mẫn cảm (liệu pháp tiếp xúc), thôi miên và thực tế ảo. Tất cả những phương pháp này đều có tác dụng nhất định đến người bệnh, nên thường được ứng dụng kết hợp để hiệu quả điều trị tốt nhất.

Với những người từng bị chấn thương tâm lý, cơ chế phòng vệ tự nhiên có thể khiến ta lãng quên đoạn ký ức đau buồn. Tuy nhiên nó vẫn tồn tại trong tiềm thức và sinh ra cảm giác sợ hãi không rõ nguyên do. Thôi miên có thể giúp bác sĩ đi sâu vào tiềm thức của người bệnh nhằm tìm ra nguyên nhân gây ám ảnh.

cải thiện hội chứng sợ uống thuốc
Thôi miên có thể giúp đi sâu vào tiềm thức người bệnh, tìm ra căn nguyên của vấn đề nhằm giải quyết triệt để nỗi sợ.

Giải quyết căn nguyên của vấn đề giúp giảm thiểu các triệu chứng sợ hãi, hỗ trợ quá trình tư vấn tâm lý hiệu quả hơn. Thôi miên thường được áp dụng chung với liệu pháp nhận thức-hành vi nhằm tăng hiệu quả điều trị. Liệu pháp nhận thức-hành vi giúp người bệnh vượt qua ám ảnh thông qua những buổi trò chuyện với chuyên gia.

Trong quá trình đối thoại, các chuyên gia tâm lý sẽ áp dụng kỹ thuật giúp người bệnh nhận thức được ám ảnh, nỗi sợ hãi và cảm giác đe dọa mà thuốc gây ra không tồn tại, sau đó hướng họ đến những hành vi tích cực hơn. Chỉ có như vậy, họ mới tự vượt qua được ám ảnh đeo bám và cải thiện cảm xúc.

Liệu pháp điều trị tâm lý này vẫn luôn là liệu pháp được tin dùng vì mang đến hiệu quả tốt cho quá trình trị liệu, và không gây ảnh hưởng tiêu cực, không kích thích tinh thần người bệnh. Tuy nhiên quá trình này đỏi hỏi sự thành thật của bệnh nhân với bác sĩ nhằm tìm ra chính xác nguyên nhân gây sợ hãi.

Liệu pháp giải mẫn cảm cũng là một phương pháp được sử dụng phổ biến để kích thích người bệnh, giúp họ đối diện và làm quen với ám ảnh. Bác sĩ sẽ để người bệnh tiếp xúc với nỗi sợ hãi theo nhiều cách, nhiếu cấp độ khác nhau, từ trực tiếp đến gián tiếp nhằm luyện tập cách phản ứng với chúng.

Phương pháp này mang tính chất trực tiếp, rất dễ khiến người bệnh phản ứng mạnh nên cần thực hiện trong môi trường an toàn để tránh những tình huống quá khích. Ngoài ra, nhờ sự giúp đỡ của công nghệ thức tế ảo, người bệnh có thể tiếp xúc với hình ảnh ảo được tạo ra như thật, giúp hiệu quả điều trị tốt hơn.

Những cách cải thiện chứng sợ uống thuốc tại nhà

Ngoài những phương pháp trị liệu tâm lý thông thường, người mắc hội chứng sợ uống thuốc cũng nên thay đổi chế độ sống và sinh hoạt để có chế độ sống lành mạnh hơn. Chế độ sống lành mạnh có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nỗi sợ hãi, và hỗ trợ quá trình điều trị tốt hơn.

  • Ăn ngủ đúng giờ, không thức khuya dậy trễ và bỏ bữa để bảo vệ sức khỏe.
  • Giữ chế độ sinh hoạt lành mạnh, ngủ và thức đúng giờ để không ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học.
Pharmacophobia
Xây dựng chế độ sống lành mạnh cũng giúp giảm những triệu chứng lo âu mệt mỏi, giúp cải thiện tinh thần.
  • Không ăn nhiều đồ ngọt, không uống rượu bia hay dùng chất kích thích vì không chỉ không tốt cho sức khỏe, mà còn khiến cảm giác sợ hãi nghiêm trọng hơn.
  • Chế độ ăn uống nên có nhiều rau xanh, ngũ cốc và những thực phẩm giàu omega-3, chất xơ, vitamin và khoáng chất nhằm cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Siêng năng luyện tập thể dục thể thao để giữ cho tinh thần minh mẫn, đầu óc tỉnh táo để chống lại cảm giác sợ hãi do thuốc mang đến khi gặp kích thích. Đặc biệt, thiền và yoga là hai phương pháp hiệu quả được các chuyên gia khuyến cáo nên tập luyện hàng ngày dành cho những người bị rối loạn lo âu, trầm cảm, hay những vấn đề tâm lý khác.
  • Học cách đối diện với thuốc. Ban dầu bạn nên thử với những loại thuốc dạng lỏng, thuốc viên loại nhỏ để giảm thiểu cảm giác sợ hãi, sau đó tiếp xúc với những loại thuốc lớn hơn để dần làm quen.

Nếu có thể, người bệnh nên nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè trong quá trình trị liệu. Sự ủng hộ, chia sẻ và đồng hành của những người thân yêu có thể tiếp thêm sức mạnh, giúp bạn không cô đơn, chán nản trong quá trình cải thiện các triệu chứng sợ uống thuốc.

Hội chứng sợ uống thuốc hoàn toàn có thể được cải thiện, giúp người bị ảnh hưởng lấy lại cuộc sống bình thường sau quá trình trị liệu. Quan trọng là người bệnh cần có tinh thần và ý chí mạnh mẽ đế kiên trì trị liệu, vượt qua nỗi sợ hãi ám ảnh bản thân.

Hội chứng sợ uống thuốc (Pharmacophobia) khiến người bệnh không nhận được sự chăm sóc y tế đúng chuẩn trong những trường hợp cần thiết, khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng và gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế nên điều trị càng sớm càng tốt để tránh những ảnh hưởng tiêu cực vều sau.

Có lẽ bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *