Rối loạn tâm thần do nghiện game: Thực trạng và Cách can thiệp
Rối loạn tâm thần do nghiện game đang trở thành vấn nạn của xã hội với nhiều tác động xấu. Nếu phát hiện kịp thời cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị sớm, tránh tình trạng bệnh diễn biến ngày càng nặng.
Rối loạn tâm thần do nghiện game là gì?
Theo mô tả chi tiết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rối loạn tâm thần do nghiện game là một dạng hành vi chơi liên tục game trực tuyến hoặc ngoại tuyến. Rối loạn này thể hiện rõ thông qua việc giảm khả năng kiểm soát hành vi chơi game như cường độ, thời lượng, thời gian nghỉ,…
Bên cạnh đó người chơi còn ưu tiên việc chơi game hơn các hoạt động khác trong cuộc sống bất chấp hậu quả làm suy yếu mối quan hệ và khía cạnh quan trọng khác. Tổ chức WHO cũng đưa chứng nghiện trò chơi trực tuyến vào danh mục các rối loạn tâm thần, hành vi hoặc rối loạn phát triển tâm thần, rối loạn kiểm soát xung động.
Thực trạng hiện nay của rối loạn tâm thần do nghiện game
Rối loạn tâm thần do nghiện game là một trong 10 rối loạn thường gặp và đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam với số lượng bệnh nhân điều trị chủ yếu là người trẻ.
Tỷ lệ mắc nghiện game toàn cầu hiện ở mức 8,5% đối với nam, 3,5% đối với nữ. Trong tất cả các khu vực, châu Á cho thấy tỷ lệ lưu hành cao nhất với trẻ em là 6,3% và nhóm tuổi vị thành niên có tỷ lệ lưu hành cao nhất 6,6%. Theo thống kê của WHO, có tới 70 – 80% trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10 – 15%.
Viện Sức khỏe Tâm thần bệnh viện Bạch Mai báo cáo thống kê cho thấy đang có sự gia tăng thanh thiếu niên đến khám, điều trị nghiện game và các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo. Mỗi tháng tại Viện có nhiều thanh thiếu niên độ tuổi 10 – 24 tuổi đến khám vì nghiện game, trong đó có 3-4 trẻ phải nhập viện điều trị. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng, chơi game lâu năm, có các rối loạn cảm xúc kèm theo.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn tâm thần do nghiện game
Các hành vi rối loạn tâm thần do nghiện game có thể xuất hiện lặp đi lặp lại liên tục. Do đó, để nhận biết rối loạn tâm thần do nghiện game cũng như các hành vi liên quan thì cần phải theo dõi những dấu hiệu sau đây trong khoảng thời gian ít nhất là 12 tháng:
- Không thể kiểm soát được mức độ chơi game, chơi game bất chấp sự ngăn cản của người khác.
- Cố gắng tìm mọi cách để có tiền chơi game, nạp tài khoản game bằng cách ăn cắp vặt, trấn lột, lừa đảo,…
- Tính cách trở nên cáu gắt, dễ kích động. Trẻ em sẽ thể hiện sự chống đối người lớn bằng cách cãi lời. Còn ở người trưởng thành thì có hành vi bạo lực.
- Chán ăn, ăn uống kém, cơ thể gầy gò, hốc hác, luôn trong tình trạng thiếu sức sống.
- Giấu gia đình và người thân để thường xuyên chơi game online.
- Quên mất các sự kiện quan trọng, giảm hiệu suất làm việc, học tập.
- Không có bạn bè, không tham gia các hoạt động xã hội.
- Khi chơi game, người bệnh có cảm giác phấn khích và hưng phấn. Tuy nhiên sau đó người bệnh có thể trở nên u uất, buồn bã và thất vọng.
- Có cảm giác tội lỗi, vô dụng.
- Khó tập trung và đưa ra quyết định.
- Có ý nghĩ và hành vi tự sát: cảm giác tội lỗi tăng dần theo thời gian và dồn nén thôi thúc người bệnh nghĩ tới hành vi tự hại.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần do nghiện game
Rối loạn tâm thần do nghiện game là một trong 10 rối loạn thường gặp và đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam số lượng bệnh nhân điều trị tâm thần do nghiện game đang gia tăng theo từng năm và chủ yếu là người trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần do nghiện game cụ thể như:
- Người bệnh đang trong độ tuổi thiếu niên chưa nhận được sự quan tâm, giáo dục đúng cách. Các em tự tìm niềm vui ở các trò chơi online và dần đắm chìm vào mà quên mất thực tại.
- Bản thân đối tượng không nhận thức được mức nguy hại của chơi game. Game có các tính năng tạo ra sự thoải mái, tranh đua cùng phần thưởng ảo khiến người chơi say mê, phục tùng.
- Việc thiếu các địa điểm vui chơi cũng là một trong những nguyên nhân khiến các em chọn cách giải trí khác như chơi game online.
Tác hại của rối loạn tâm thần do nghiện game
Mặc dù chỉ là trò chơi giải trí đơn thuần, thế nhưng nghiện game lại gây ra tác hại vô cùng nguy hiểm. Ở mức độ nhẹ thì bỏ ăn uống, học hành sa sút. Nếu nghiêm trọng hơn có thể khiến người chơi bị hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc dẫn đến mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu.
Những rối loạn tâm thần do nghiện game diễn ra vì người bệnh thường bỏ ăn, thiếu ngủ gây ảnh hưởng đến nhịp sinh học, khiến cơ thể thiếu sức sống, tăng nguy cơ đột quỵ. Mất ngủ, mệt mỏi lâu ngày cùng lối sống không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch và hô hấp. Một cuộc chơi kéo dài còn gây ra các tổn thương não bộ.
Ngoài ra người bệnh sẽ dần mất kết nối với mối quan hệ xung quanh vì không có nhu cầu giao tiếp, sống xa rời thực tế và tự cô lập bản thân trong không gian ảo.
Nhiều trường hợp người rối loạn tâm thần do nghiện game cho rằng bản thân là nhân vật trong đó và thực hiện các hành vi bạo lực, sàm sỡ người khác. Tư duy lệch lạc này góp phần làm tăng tỷ lệ tội phạm cướp của, giết người hay hiếp dâm.
Biện pháp giải quyết rối loạn tâm thần do nghiện game
Rối loạn tâm thần do nghiện game online là một bệnh rất khó điều trị, đặc biệt khó phục hồi lại thói quen, tâm lý và nhân cách của người bệnh. Để điều trị rối loạn tâm thần do nghiện game một cách hiệu quả, nên kết hợp các biện pháp tại nhà và tâm lý trị liệu cùng chuyên gia.
1. Giải pháp tại nhà
Đối với gia đình phát hiện con chơi game lâu dài và có các biểu hiện lầm lì, cáu gắt, không thích giao tiếp thì nên đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị. Để hạn chế tình trạng nghiện game, gia đình cũng cần quản lý giờ giấc sinh hoạt của con em mình. Nên cách ly trẻ khỏi môi trường chơi game và hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử.
Bên cạnh đó, người nghiện game cần được theo dõi và thực hiện các biện pháp sau:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt, tránh bỏ bữa hay thức khuya.
- Tập thể dục, vận động hằng ngày.
- Tham gia các hoạt động giải trí mang tính cộng đồng.
- Dành thời gian trò chuyện, tâm sự với người thân, bạn bè.
- Tránh xa game bạo lực.
- Không nên tạo cảm giác vô dụng cho người bệnh.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
- Không dùng bạo lực với bệnh nhân.
2. Tâm lý trị liệu
Tuy nhiên, không phải trường hợp người mắc rối loạn tâm thần do nghiện game nào cũng dùng biện pháp can thiệp tại nhà mà phải được thăm khám kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên khoa cũng như dùng phương pháp tâm lý trị liệu bởi các chuyên gia.
Các bác sĩ và chuyên gia tâm lý sẽ thông qua liệu pháp hành vi – nhận thức để điều chỉnh những suy nghĩ, hành động của bệnh nhân theo đúng hướng thông thường. Đồng thời rèn luyện các kỹ năng xã hội để giúp bệnh nhân sau điều trị sớm hòa nhập lại với cộng đồng. Ngoài ra bác sĩ, chuyên gia cũng có thể dùng liệu pháp nhóm (group therapy) để những người có vấn đề tương tự thành lập nhóm thảo luận mang lại sự hỗ trợ xã hội.
Rối loạn tâm thần do nghiện game hiện nay diễn ra ngày càng phổ biến. Cần phải ý thức rõ hơn sự ảnh hưởng của trò chơi điện tử đối với sức khỏe tâm thần. Từ đó tránh xa vấn nạn, giữ vững lí trí và đem lại giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối Loạn Tâm Thần Do Rượu: Biểu Hiện Và Điều Trị
- Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) là gì? Cách điều trị
- Rối loạn suy nghĩ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!