Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là gì?

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là tình trạng khá đặc biệt chỉ xảy ra trong giai đoạn hoàng thể. Hội chứng này đặc trưng bởi các triệu chứng thể chất, tâm thần có mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt chỉ gặp ở nữ giới trong giai đoạn hoàng thể

Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là gì?

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (Premenstrual Dysphoric Disorder – PMDD) là vấn đề tâm lý chỉ gặp ở nữ giới. Chứng bệnh này dễ bị nhầm lẫn hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) – hội chứng xảy ra trước khi hành kinh với đặc điểm là các triệu chứng khó chịu về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên trên thực tế, triệu chứng của PMS có mức độ nhẹ hơn rất nhiều so với PMDD.

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là một dạng rối loạn tâm lý có liên quan đến hormone estrogen và progesterone. Sự thay đổi của hormone trong chu kỳ kinh nguyệt chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra hội chứng này. PMDD cũng đặc trưng bởi các triệu chứng về thể chất và tâm thần nhưng mức độ nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Hội chứng này thường xảy ra trong giai đoạn hoàng thể (thời gian sau khi rụng trứng, kéo dài từ 10 – 14 ngày và kết thúc trước khi chu kì kinh nguyệt bắt đầu). Các triệu chứng sẽ diễn ra trong 1 – 2 tuần và thuyên giảm sau 2 – 3 ngày khi kỳ kinh bắt đầu. Khác với hội chứng tiền kinh nguyệt, đa phần nữ giới mắc PMDD đều phải can thiệp điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống và một số liệu pháp hỗ trợ.

Thống kê cho thấy, hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt ảnh hưởng đến 5% nữ giới trong độ tuổi sinh sản (tập trung nhiều nhất ở người từ 20 – 30 tuổi) . Các triệu chứng do PMDD gây ra có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian – đặc biệt là ở những trường hợp mắc đồng thời nhiều vấn đề tâm lý và không tiến hành thăm khám, điều trị kịp thời.

Biểu hiện của hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Như đã đề cập, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn so với hội chứng tiền kinh nguyệt. Bên cạnh những ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống, nữ giới mắc chứng bệnh này cũng có thể bị suy nhược do sự bất ổn về thể chất và tinh thần.

rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
PMDD đặc trưng bởi cảm xúc bất ổn, giảm khả năng tập trung và đi kèm với nhiều triệu chứng thể chất

Các triệu chứng thường gặp ở người mắc hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt:

  • Tâm trạng tức giận, nóng nảy và cáu kỉnh kéo dài, gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ và tác động đáng kể đến những người xung quanh
  • Thường trực cảm giác buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, thậm chí một số bệnh nhân có nảy sinh ý nghĩ và hành vi tự sát
  • Tâm trạng không ổn định, dễ thay đổi và đôi khi khóc không rõ lí do
  • Người bệnh luôn căng thẳng, lo lắng và thường mơ hồ về nguyên nhân gây ra tình trạng này
  • Đôi khi, bệnh nhân có thể bùng phát các cơn hoảng loạn và sợ hãi tột độ
  • Giảm hứng thú và thiếu quan tâm đến các mối quan hệ, sở thích và các hoạt động hằng ngày
  • Cơ thể mệt mỏi, luôn có cảm giác thiếu năng lượng và uể oải
  • Giảm khả năng tập trung và gặp suy nghĩ, tư duy bị gián đoạn, ức chế
  • Ăn uống quá mức và đôi khi có hiện tượng thay đổi sở thích ăn uống
  • Khó ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc ngủ quá nhiều
  • Có cảm giác mất kiểm soát và không thể chế ngự tâm trạng, hành vi của bản thân
  • Đa phần bệnh nhân rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt đều có xu hướng xa lánh xã hội và tự cô lập bản thân
  • Đi kèm với các triệu chứng thể chất như đầy hơi, đau nhức khớp, cơ, đau và căng ngực, chuột rút, đầy hơi, chướng bụng,…

Các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt diễn ra trong ít nhất 12 tháng liên tục và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng xã hội cùng với các hoạt động thường ngày của người bệnh.

Nguyên nhân gây rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Nguyên nhân chính xác gây rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt và hội chứng tiền kinh nguyệt đều chưa được xác định. Tuy nhiên, các hội chứng này thường xảy ra trước chu kì kinh nguyệt (giai đoạn hoàng thể) nên được cho là có liên quan đến sự thay đổi và mức độ đáp ứng với hormone.

rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Thay đổi hormone trong giai đoạn hoàng thể được xem là yếu tố trực tiếp kích thích PMDD bùng phát

Một số yếu tố được xác định có thể gia tăng nguy cơ bị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt:

  • Sự thay đổi của nội tiết tố: PMDD và PMS chỉ xảy ra trong giai đoạn hoàng thể nên được xác định có mối liên hệ mật thiết với sự thay đổi của các hormone. Trong giai đoạn này, progesterone tăng lên đến mức tối đa nhằm tăng độ dày cho lớp niêm mạc bên trong tử cung để chuẩn bị cho quá trình thụ thai. Ngoài ra ở giai đoạn này, các tuyến nội tiết khác cũng có sự thay đổi dẫn đến tăng prolactin trong máu, hạ đường huyết, thừa aldosterone, ADH,… Dù chưa có nghiên cứu chính xác nhưng có thể khẳng định, tất cả những thay đổi trong giai đoạn này đều có liên quan đến rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt và hội chứng tiền kinh nguyệt.
  • Di truyền: Các chuyên gia nhận thấy, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có khả năng di truyền từ mẹ sang con. Mặc dù không thể xác định loại gen gây bệnh và cách thức di truyền, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, người mẹ có thể di truyền cho con cái những đặc điểm sinh lý dẫn đến hiện tượng nhạy cảm quá mức và đáp ứng bất thường với estrogen lẫn progesterone.
  • Sụt giảm serotonin: Ở bệnh nhân rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, các bác sĩ nhận thấy có sự sụt giảm đáng kể của serotonin. Đây là chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ có tác dụng thư giãn, tạo cảm giác sảng khoái, thoải mái và vui vẻ. Sự sụt giảm của serotonin có thể gây ra tình trạng chán nản, buồn bã và thiếu quan tâm ở người mắc chứng PMDD.
  • Các yếu tố nguy cơ khác: Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt cũng được xác định có liên quan đến các yếu tố như thiếu canxi và magie, tiền sử rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, bị căng thẳng kéo dài và tuổi từ 20 – 30.

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có nguy hiểm không?

Trước khi hành kinh, nữ giới thường gặp phải một số triệu chứng khó chịu do sự tăng lên đột ngột của hormone progesterone và nhiều hormone khác trong cơ thể. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường có mức độ nhẹ, tự thuyên giảm hoặc giảm đi sau khi dùng thuốc không kê toa.

Ngược lại, các triệu chứng do rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gây ra có mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân vừa gặp phải các triệu chứng thể chất vừa có các biểu hiện rối loạn tâm thần như cảm xúc bất ổn, khóc không lý do, cáu gắt, tức giận kéo dài, buồn bã, chán nản,…

Ảnh hưởng đầu tiên của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là giảm hiệu quả làm việc và học tập. Tương tự như trầm cảm, PMDD khiến bệnh nhân khó suy nghĩ và giảm khả năng tập trung. Trong giai đoạn hoàng thể, bệnh nhân dễ gặp phải sai sót và chậm trễ trong công việc.

rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Nữ giới mắc PMDD thường có xu hướng tự cô lập bản thân với mọi người

Ngoài ra, tâm trạng bất ổn, nhạy cảm, dễ gắt gỏng và tức giận cũng khiến bệnh nhân gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống, dễ phát sinh mâu thuẫn với đồng nghiệp, bạn bè và người thân. Nếu để chứng bệnh này kéo dài, người bệnh có thể đánh mất nhiều mối quan hệ thân thiết và hình thành tâm lý tự cô lập, cách ly bản thân vì không nhận được sự đồng cảm và chia sẻ.

Trong thời gian bùng phát hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, bệnh nhân cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Sự suy kiệt về thể chất và tinh thần bất ổn khiến người bệnh dễ rơi vào trạng thái suy nhược, hình thành ý nghĩ và nảy sinh hành vi tự sát.

So với trầm cảm điển hình hay rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có biểu hiện không quá đặc trưng và dễ bị nhầm lẫn với hội chứng tiền kinh nguyệt nên hầu hết bệnh nhân đều không phát hiện và thăm khám sớm. Do đó, nếu các triệu chứng bất thường xảy ra liên tiếp trong 2 chu kỳ kinh nguyệt, nữ giới nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp điều trị nếu mắc chứng bệnh này.

Chẩn đoán rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thường được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và sau khi loại trừ các nguyên nhân thực thể. Bệnh nhân chỉ được tiến hành chẩn đoán PMDD khi tình trạng này xảy ra từ 2 chu kỳ trở lên với mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.

Bệnh nhân chỉ được chẩn đoán mắc chứng bệnh này khi đáp ứng được ít nhất 5 tiêu chuẩn sau và các triệu chứng này phải xảy ra trong hầu hết các chu kỳ kinh nguyệt.

Người bệnh phải có ít nhất 1 triệu chứng rối loạn tâm thần bao gồm:

  • Căng thẳng, lo lắng, có cảm giác cô đơn và chơi vơi
  • Tâm trạng buồn chán, tuyệt vọng
  • Thường xuyên tức giận, cáu kỉnh, tình trạng này kéo dài làm gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ
  • Có sự thay đổi tâm trạng rõ rệt như khóc lóc vô cớ, buồn bã sâu sắc, nổi giận một cách vô lý,…

Và ít nhất 1 triệu chứng cơ thể sau:

  • Khó tập trung
  • Giảm sự quan tâm và hứng thú với các hoạt động thường ngày
  • Cơ thể mệt mỏi, giảm năng lượng
  • Ngủ nhiều hoặc mất ngủ
  • Có cảm giác mất kiểm soát hoặc choáng ngợp
  • Ăn quá nhiều, thay đổi sở thích ăn uống và đặc biệt thèm một số món ăn quá mức
  • Các triệu chứng thể chất tương tự hội chứng tiền kinh nguyệt như ngực căng, đau nhức cơ thể, đau đầu, mệt mỏi,…

Ngoài ra, bệnh nhân chỉ được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt khi các triệu chứng đã xuất hiện trong khoảng 12 tháng trước đó. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành chẩn đoán trầm cảm nếu bệnh nhân có các biểu hiện trầm cảm rõ rệt. Bởi rất có thể sự thay đổi của hormone khiến các triệu chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng và điển hình hơn.

Các phương pháp điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống mà còn gia tăng nguy cơ tự sát. Chính vì vậy, bệnh nhân cần thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất. Tùy theo mức độ triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc và thay đổi lối sống. Thậm chí, một số bệnh nhân có triệu chứng quá nặng sẽ được cân nhắc phẫu thuật để ngăn ngừa khả năng tự sát.

Các phương pháp điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt phổ biến:

1. Sử dụng thuốc

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn hoàng thể. Do đó, việc sử dụng thuốc chỉ có thể giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế ảnh hưởng của bệnh đối với chất lượng cuộc sống. Hiện nay, bệnh nhân rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt chủ yếu được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, liệu pháp hormone và một số loại thuốc điều trị triệu chứng.

rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Sử dụng thuốc có thể làm giảm các triệu chứng thể chất và tâm thần do rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gây ra

Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt:

  • NSAID (thuốc chống viêm không steroid): NSAID có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng đau do rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gây ra như đau đầu, đau nhức cơ thể và cải thiện tình trạng đau bụng kinh ở một số trường hợp. Loại thuốc này chỉ có tác dụng giảm triệu chứng nên thường được dùng ngắn hạn để tránh tác dụng phụ.
  • SSRIs (chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc): SSRIs là nhóm thuốc chính trong điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, trầm cảm, rối loạn lo âu và một số rối loạn tâm lý khác. Bằng cách ức chế tái hấp thu serotonin, thuốc giúp tăng nồng độ serotonin trong não bộ. Qua đó cải thiện tình trạng căng thẳng, cảm xúc nhạy cảm, dễ bị kích thích và một số triệu chứng cảm xúc khác. Trong đó, Fluoxetin là loại thuốc mang lại hiệu quả cao nhất. Thuốc thường được dùng dài hạn vì nhận thấy mang lại cải thiện rõ rệt hơn so với sử dụng gián đoạn khi triệu chứng bùng phát.
  • Thuốc chống trầm cảm (TCA): Thuốc chống trầm cảm 3 vòng cũng có thể được sử dụng trong điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Trong đó, Clomipramine là loại thuốc thông dụng nhất. Loại thuốc này có thể được dùng dài hạn hoặc dùng trong giai đoạn hoàng thể để làm giảm các triệu chứng cảm xúc.
  • Các loại thuốc chống trầm cảm khác: Ở một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng Buspirone hoặc thuốc ức chế serotonin và norepinephrine (SNRIs). Các loại thuốc này có thể giảm triệu chứng cảm xúc và một số triệu chứng cơ thể trong giai đoạn hoàng thể. Trong thời gian sử dụng, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và nôn mửa.

Ngoài các loại thuốc này, một số bệnh nhân rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt sẽ được điều trị bằng liệu pháp hormone. Liệu pháp này giúp điều chỉnh nội tiết tố trong cơ thể, từ đó giảm nhẹ triệu chứng cảm xúc và thể chất trong giai đoạn hoàng thể.

Tùy theo tình trạng cụ thể, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng một số loại thuốc sau:

  • Thuốc tránh thai đường uống (sử dụng trong suốt chu kỳ kinh nguyệt)
  • Progesterone đường uống (thường được sử dụng từ 10 – 12 ngày trước kỳ kinh)
  • Progesterone dạng đặt âm đạo
  • Progestin tác dụng kéo dài (thường dùng 2 – 3 lần/ tháng ở dạng tiêm bắp)

Trong trường hợp triệu chứng có mức độ rất nghiêm trọng và dai dẳng, bác sĩ có thể chỉ định dùng chất chủ vận nội tiết giải phóng GnRH (Goserelin, Leuprolid) + Progestin/ Estrogen liều thấp.

Trên thực tế, lựa chọn ưu tiên khi can thiệp liệu pháp hormone là sử dụng thuốc tránh thai. Các lựa chọn khác tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý nên chỉ được cân nhắc khi lợi ích cao hơn nguy cơ.

2. Phẫu thuật

Như đã đề cập, những trường hợp rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt nặng và không đáp ứng với sử dụng thuốc sẽ phải phẫu thuật để phòng tránh tình trạng tự sát. Phẫu thuật được thực hiện nhằm cắt bỏ 2 buồng trứng, từ đó giảm nồng độ hormone estrogen và progestrone. Khi chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt, triệu chứng do PMDD gây ra sẽ giảm đi đáng kể.

Bệnh nhân sau khi cắt bỏ buồng trứng sẽ được áp dụng liệu pháp hormone thay thế cho đến khi qua tuổi 50 (giai đoạn đã mãn kinh). Cắt bỏ buồng trứng đồng nghĩa với việc không thể mang thai nên phương pháp này chủ yếu được áp dụng cho phụ nữ đã sinh đủ con.

3. Các liệu pháp hỗ trợ

Ngoài sử dụng thuốc và phẫu thuật, một số liệu pháp cũng đã được chứng minh mang lại hiệu quả đối với rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Mục tiêu của các liệu pháp này làm giảm nhẹ triệu chứng và gia tăng sức khỏe tinh thần, thể chất cho người bệnh.

Các liệu pháp được áp dụng trong điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt bao gồm:

  • Liệu pháp ánh sáng
  • Liệu pháp luyện tập thư giãn
  • Liệu pháp hành vi nhận thức
  • Âm nhạc trị liệu

Lối sống dành cho người mắc chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Bên cạnh các phương pháp chuyên sâu, lối sống cũng là yếu tố quan trọng trong điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Thực tế cho thấy, lối sống khoa học có thể giảm nhẹ triệu chứng của PMDD và hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Đồng thời giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe và hạn chế tình trạng suy nhược quá mức trong giai đoạn hoàng thể.

rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Tập yoga và xây dựng lối sống lành mạnh có thể giảm nhẹ triệu chứng do rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gây ra

Cách xây dựng lối sống cho bệnh nhân rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt:

  • Khi triệu chứng bùng phát, bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại nhà từ 1 – 2 ngày và đảm bảo ngủ đủ giấc. Tránh học tập và làm việc trong thời điểm này vì dễ bị căng thẳng, tâm trạng cáu kỉnh và hay gặp phải sai sót.
  • Tăng cường tập thể dục có thể giảm đáng kể các triệu chứng thể chất như chướng bụng, mất ngủ, khó tập trung, ăn uống quá mức,… Đặc biệt, yoga được xem là bộ môn rất tốt cho nữ giới mắc hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.
  • Nữ giới mắc chứng PMDD nên thay đổi chế độ ăn để giảm các triệu chứng thể chất. Theo nghiên cứu, chế độ ăn của người mắc chứng bệnh này cần phải chứa hàm lượng chất xơ cao, tăng protein, thực phẩm giàu lợi khuẩn và ưu tiên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt. Nếu bị đầy hơi, chướng bụng, nên chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa.
  • Thiếu canxi và magie là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Do đó, bệnh nhân nên tăng cường bổ sung thực phẩm chứa hàm lượng magie và canxi dồi dào như các loại đậu, nấm, hải sản, thịt gà, các loại hạt, rau xanh, trái cây, sữa,…
  • Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên trang bị cho bản thân những kỹ năng giải tỏa stress như liệu pháp mùi hương, thiền định, tắm nước ấm, dùng trà thảo mộc,… Các biện pháp này có thể cải thiện sự lo lắng, căng thẳng và phiền muộn do rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gây ra.

Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng rối loạn tâm lý đặc biệt chỉ ảnh hưởng đến nữ giới trong giai đoạn hoàng thể. Hội chứng này gây ra những tác động đáng kể đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu nhận thấy cơ thể gặp phải biểu hiện bất thường, cần chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *