Trẻ nghiện điện thoại: Tác hại và 10 cách cai hiệu quả nhanh

Ngày càng gia tăng tình trạng trẻ nghiện điện thoại, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại, sử dụng điện thoại sành sỏi, chuyên nghiệp không khác gì người lớn. Nghiện điện thoại là vấn đề nghiêm trọng, mang đến nhiều tác hại khôn lường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần của trẻ.

Trẻ nghiện điện thoại
Cha mẹ nên nhận biết và can thiệp sớm đối với thực trạng trẻ nghiện điện thoại ngày nay.

Thực trạng trẻ em nghiện điện thoại (smartphone)

Nghiện điện thoại ở trẻ em là tình trạng trẻ chăm chú đến mức say mê, phụ thuộc vào thiết bị điện thoại. Trẻ luôn đòi hỏi được sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi và thường xuyên có hành vi quấy phá, khóc lóc, ăn vạ khi không được sử dụng thiết bị điện tử này.

Hiện nay, thực trạng nghiện điện thoại di động ở trẻ em ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là tại Việt Nam. Điều này làm ảnh hưởng nhiều đến vấn đề về sức khỏe, tinh thần và sự phát triển của trẻ trong tương lai.

Theo thông tin được thu thập từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có hơn 1/3 số người dùng Internet tại Việt Nam là trẻ em chưa đủ 18 tuổi và thanh thiếu niên có độ tuổi khoảng từ 15 – 24.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê được khảo sát bởi Trung tâm Nghiên cứu văn hóa giáo dục và đời sống xã hội cho thấy tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi được cha mẹ cho tiếp cận với thiết bị số là 19%, chiếm 59% là các bé có độ tuổi từ 3 – 5, đối với trẻ 6-9 tuổi chiếm 20% và các em từ 10 -12 tuổi là 2%.

Thực trạng trẻ em nghiện smartphone
Ở Việt Nam, vấn đề trẻ em nghiện smartphone đã trở nên phổ biến hơn.

Trẻ em nghiện smartphone không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn là vấn đề chung của thế giới. Theo nghiên cứu, độ tuổi trẻ từ 1 – 3 tuổi ở Mỹ sử dụng thiết bị điện tử cao gấp 3 lần mức trung bình, tăng từ 53 phút lên trên 150 phút/ngày.

Tại Canada, có từ 79 – 95% trẻ trong độ tuổi từ 2 – 3 tuổi sử dụng điện thoại quá một giờ mỗi ngày. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ dành nhiều thời gian sử dụng thiết bị điện tử có ít chất trắng trong não hơn so với trẻ khác.

 Nguyên nhân khiến trẻ nghiện điện thoại

Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng nghiện điện thoại ở trẻ em, theo Chuyên gia một trong những nguyên nhân đó là do cha mẹ không dành nhiều thời gian quan sát hoặc giải trí cùng con của mình. Có thể là họ tất bật với công việc hàng ngày mà vô tình lãng quên đi con cái.

1. Sử dụng điện thoại làm tăng giải phóng dopamine

Giống như nghiện chất, việc sử dụng điện thoại có thể giúp kích thích giải phóng dopamine (hormone hạnh phúc) một cách tạm thời. Khi não trẻ liên tục được kích thích giải phóng chất này, dần dần, trẻ sẽ rơi vào tình trạng nghiện điện thoại.

Giải phóng dopamine khiến tâm trạng và cảm xúc của trẻ thay đổi. Nhu cầu sử dụng điện thoại của trẻ sẽ ngày càng gia tăng để thỏa mãn cảm xúc. Đồng thời, việc không được sử dụng điện thoại có thể khiến trẻ rơi vào cảm giác bức bối, căng thẳng, khó chịu.

2. Cha mẹ lạm dụng, sử dụng điện thoại sai cách

Việc trẻ nghiện điện thoại có liên quan mật thiết đến cách sử dụng điện thoại của cha mẹ. Rất nhiều cha mẹ bận rộn trong công việc, muốn con ngoan ngoãn, không làm phiền nên đưa cho con chiếc điện thoại để con ngồi yên tĩnh một chỗ.

Nguyên nhân trẻ nghiện điện thoại thông minh
Nhiều phụ huynh sử dụng điện thoại như “bảo mẫu” vô tình gây ra tình trạng nghiện điện thoại ở trẻ

Không ít cha mẹ sử dụng điện thoại để dỗ dành hoặc làm phần thưởng cho trẻ. Trẻ khóc lóc, chạy nhảy không yên, cha mẹ sẽ nói “nín đi ba/mẹ cho xem điện thoại”. Hoặc khi muốn con làm điều gì đó, chúng ta sẽ dùng việc dùng điện thoại để làm phần thưởng, điều kiện trao đổi với trẻ.

Trẻ không tự chủ động tìm đến điện thoại, tuy nhiên, người lớn lại khiến con phải làm bạn với điện thoại. Việc thường xuyên tiếp xúc với điện thoại là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nghiện điện thoại ở trẻ.

3. Trẻ thiếu các hoạt động giải trí lành mạnh

Không gian sống tách biệt, ít giao tiếp trẻ bị “nhốt” trong nhà vì nỗi sợ cám dỗ, thiếu an toàn khiến trẻ không có bạn bè chơi cùng. Thêm vào đó, cha mẹ bận rộn quá mức, trẻ thiếu các hoạt động giải trí chỉ có thể làm bạn với chiếc điện thoại.

Khi không có đủ các hoạt động thú vị, bổ ích, trẻ dễ bị cuốn hút vào chương trình giải trí, trò chơi, mạng xã hội. Việc sử dụng điện thoại thường xuyên, quá mức khiến trẻ bắt đầu có xu hướng phụ thuộc, nghiện smartphone, gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần.

4. Ảnh hưởng từ hành vi của cha mẹ, người thân

Thói quen sử dụng điện thoại của cha mẹ và người xung quanh có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến hành vi của trẻ. Việc người lớn luôn chăm chú vào điện thoại, sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi, không dành thời gian chơi với trẻ khiến trẻ tò mò và bắt chước theo.

Trẻ nghiện điện thoại thông minh
Cha mẹ có thể không ý thức được rằng, hành vi của mình có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ

“Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ”, hành vi của cha mẹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi của con cái. Tình trạng sử dụng điện thoại thường xuyên, không kiểm soát thời gian của cha mẹ sẽ khiến con cảm thấy việc dùng điện thoại liên tục là bình thường, không có gì nghiêm trọng, nguy hiểm.

5. Trẻ thiếu sự yêu thương của cha mẹ

Một nghiên cứu của Đại học Northwestern, Mỹ nhận định, không đứa trẻ nào sinh ra đã thích điện thoại, tuy nhiên, vì không được quan tâm và yêu thương, chúng tìm vào thế giới ả để tìm kiếm sự thoải mái và trốn tránh thực tại.

Ngoài việc bận rộn quá mức với công việc, không muốn dành thời gian và năng lượng cho con cái, nhiều cha mẹ còn quan tâm, giáo dục trẻ không đúng cách. Việc thường xuyên bị mắng mỏ, trừng phạt khiến trẻ tìm kiếm cảm giác thoải mái từ trò chơi, mạng xã hội.

6. Sự cuốn hút của điện thoại (trò chơi, mạng xã hội)

Sự đa dạng và hấp dẫn của các ứng dụng trên điện thoại di động cũng là nguyên nhân khiến trẻ không rời mắt khỏi chiếc smartphone sau nhiều giờ đồng hồ. Các nhà sản xuất game nghiên cứu và nắm bắt được tâm lý của trẻ vì vậy các trò chơi được phát hành ra có sức hút vô cùng mãnh liệt đối với trẻ nhỏ.

Trẻ nhỏ dưới 10 tuổi thường bị cuốn hút bởi chương trình giải trí, các video và các trò chơi điện tử hấp dẫn. Các chương trình này có nội dung phong phú, mới mẻ, là yếu tố kích thích khiến trẻ có xu hướng trở nên nghiện điện thoại.

Đối với trẻ trên 10 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 13 – 17 tuổi, trẻ biết sử dụng điện thoại để tham gia các mạng xã hội như facebook, tiktok, instagram. Trẻ có thể nghiện mạng xã hội, nghiện smartphone do ham muốn được thỏa mãn nhu cầu cá nhân và tâm lý sợ bỏ lỡ, thường lướt điện thoại để “hóng drama” hay cập nhật xu hướng mới (trend).

Dấu hiệu trẻ nghiện điện thoại

Không khó để nhận biết một đứa trẻ nghiện điện thoại thông minh. Trẻ nghiện điện thoại thường có xu hướng sử dụng điện thoại thường xuyên, quá mức, không chú tâm đến các yếu tố xung quanh.

Dấu hiệu trẻ nghiện điện thoại
Trẻ nghiện điện thoại thường phản ứng quá mức khi không được sử dụng thiết bị này

Các biểu hiện chứng tỏ trẻ nghiện smartphone có thể kể đến như:

  • Dùng điện thoại thường xuyên, quá mức và không thể kiểm soát được thời gian sử dụng.
  • Trẻ không thể ngừng việc dùng và giảm thời gian sử dụng smartphone dù được khuyên bảo
  • Trẻ không hứng thú với các hoạt động giải trí cùng gia đình, bạn bè
  • Có cảm xúc bức bối, căng thẳng, cáu gắt khi không được sử dụng smartphone.
  • Kết quả học tập của trẻ bị giảm sút, không hoàn thành nhiệm vụ được giao
  • Nói dối để được sử dụng điện thoại, ít hoặc không có nhu cầu giao tiếp với người khác
  • Xem điện thoại ngay cả khi đang thực hiện các hành động khác như khi ăn uống, trò chuyện cùng người khác
  • Gầy đi hoặc béo lên vì mải chơi game, dẫn đến chế độ ăn uống không điều độ.
  • Thường bị đau, đỏ mắt, chóng mặt,… do tiếp xúc lâu dài với ánh sáng xanh từ điện thoại

Tác hại của việc trẻ em nghiện điện thoại thông minh

Trẻ không cai được smartphone sẽ gặp nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý. Tình trạng các em nhỏ nghiện điện thoại là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn giấc ngủ,… Một số ảnh hưởng tiêu cực cần được lưu ý đối với trẻ:

1. Trẻ bị chậm nói

Khi dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại, trẻ không thể thường xuyên thực hành kỹ năng giao tiếp với mọi người. Điều này, làm giảm cơ hội cho việc phát triển từ vựng, kỹ năng nói và lắng nghe dẫn đến vấn đề chậm nói ở các bé.

2. Rối phát triển loạn ngôn ngữ

Nghiện smartphone ảnh hưởng đến sự phát triển và sử dụng ngôn ngữ của trẻ. Nó cũng có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như lứa tuổi cụ thể, thời lượng sử dụng, và cách sử dụng.

Các chương trình trong điện thoại rất đa dạng, nhiều ngôn ngữ rất dễ gây ra rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Đồng thời, khi xem nội dung trên điện thoại, trẻ chỉ nhận thông tin mà không tương tác, khiến trẻ kém phát triển về kỹ năng giao tiếp và diễn đạt. Trẻ gặp khó khăn trong việc thực hiện các cuộc trò chuyện phức tạp.

3. Rối loạn giấc ngủ

Việc dùng smartphone vào buổi tối có thể làm mất cân bằng melatonin, chất lượng giấc ngủ bị giảm đi. Bên cạnh đó, nghiện điện thoại có thể kéo dài thời gian trước khi ngủ làm giảm thời lượng ngủ thực tế của trẻ, gây ra mệt mỏi và khó chịu trong ngày hôm sau.

4. Tăng nguy cơ trầm cảm

Dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại, giảm thời lượng tương tác trực tiếp với xã hội khiến trẻ có cảm giác cô đơn và dễ rơi vào trầm cảm. Ngoài ra, sự thiếu ngủ từ việc trẻ nghiện smartphone cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác.

5. Ảnh hưởng đến mắt

Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại, đặc biệt là khi sử dụng với tần suất liên tục, có thể gây ra mệt mỏi và căng thẳng cho mắt. Dùng smartphone trong thời gian dài nguy cơ cao gây ra các vấn đề về thị lực như căng cơ mắt, cận, loạn, viễn thị hay đục thủy tinh thể, viêm kết mạc hoặc viêm mí mắt.

6. Não bộ chậm phát triển

Nghiện smartphone có thể dẫn đến bị phụ thuộc vào công nghệ, khiến cho não bộ của trẻ không phát triển một cách tự nhiên. Giảm hoạt động giao tiếp trực tiếp cũng làm não bộ kém phát triển ảnh hưởng đến khả năng tư duy của bé.

Hậu quả trẻ nghiện điện thoại
Trẻ sử dụng điện thoại quá mức gây ra mệt mỏi làm ảnh hưởng đến kết quả học tập.

7. Vấn đề về sức khỏe xương khớp

Sử dụng điện thoại khiến cột sống cổ của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do trẻ thường phải cúi đầu, khom người hoặc cong người về một bên. Việc duy trì tư thế ngồi không đúng trong thời gian dài rất dễ gây cong vẹo cột sống, ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp và dáng người của trẻ.

Ở trẻ em, hệ thống xương khớp của trẻ đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện, tuy nhiên, việc ngồi sai tư thế, trẻ ít hoạt động thể thao, chế độ dinh dưỡng không phù hợp sẽ rất dễ bị cong vẹo cột sống. Tình trạng này dễ gây rối loạn tư thế, biến dạng xương chậu, dị dạng thân hình, ảnh hưởng đến khả năng của tim, phổi.

8. Tăng nguy cơ mắc hội chứng rối loạn Tic

Rối loạn Tic (Tic Disoder) là một rối loạn vận động hoặc rối loạn âm phát âm không chủ đích. Trẻ gặp phải tình trạng này thường có các động tác như chun chun mũi, nhấp nháy mắt, lắc đầu, nhăn mặt, nhún vai, giật cơ ở cổ. Hoặc có thể phát ra những âm thanh lặp lại, thường xuyên như khịt mũi, ho, hắng, tặc lưỡi…

Thậm chí, trẻ có thể có những rối loạn về hành động như giậm chân, tự vỗ vào người, xoay vòng, nhảy nhót, nhại lại lời người khác, nói những câu từ tục tĩu. Việc trẻ sử dụng điện thoại hoặc xem tivi nhiều khiến thần kinh luôn trong trạng thái tập trung cao độ là một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn TIC.

9. Nguy cơ tạo ra một thế hệ thờ ơ vô cảm

Gia đình bỏ bê không quan tâm, giáo dục, trẻ chăm chú vào điện thoại, thờ ơ với người thân gia đình và bạn bè. Rất nhiều trẻ tỏ ra vô cảm trước những sự kiện xảy ra trong gia đình và xã hội. Trẻ không được học các kỹ năng giao tiếp cơ bản cần thiết như chào hỏi, quan tâm, chăm sóc người khác.

Tình trạng nghiện điện thoại ở trẻ em có nguy cơ tạo ra một thế hệ vô cảm
Tình trạng nghiện điện thoại ở trẻ em có nguy cơ tạo ra một thế hệ vô cảm

Trẻ không quan tâm, không biết chăm sóc khi người thân đau ốm. Khi có thời gian rảnh rỗi, ông bà, cha mẹ, con cái chỉ chăm chú vào điện thoại, đắm chìm vào thế giới riêng. Chúng ta phụ thuộc quá mức vào điện thoại, trở nên vô cảm, xa cách với người thân, vô cảm với thế giới xung quanh.

10. Ảnh hưởng xấu đến sự hình thành tính cách của trẻ

Trẻ có thể học được những hành vi xấu từ các nội dung tiêu cực trên youtube và các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok… Điển hình là kênh Youtuber Thơ Nguyễn đã bị cơ quan chức năng xử phạt, khóa kênh vì cổ súy mê tín, dị đoan.

Rất nhiều trẻ học theo các video trên mạng xã hội, nhất là trẻ từ 8 – 16 tuổi. Những video này có nội dung tiêu cực, phản cảm, phản giáo dục, dễ khiến trẻ có suy nghĩ lệch lạc, lệch chuẩn. Thậm chí, nhiều trẻ còn thần tượng các “thánh chửi”, “giang hồ mạng” có hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến nguy cơ trẻ phát triển lệch chuẩn về đạo đức.

11. Đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của trẻ

Việc bắt chước video trên mạng do sử dụng điện thoại không đúng cách có thể khiến trẻ gặp vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc thậm chí tử vong. Đã có trường hợp bé gái 5 tuổi tại TP.HCM tử vong do làm theo hướng dẫn trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được”. Hay một trường hợp 4 em nhỏ học clip trên mạng nướng cóc ăn và phải nhập viện vì ngộ độc nặng.

10 cách cai nghiện điện thoại cho trẻ hiệu quả

Sự can thiệp sớm từ phía cha mẹ khi trẻ mới bắt đầu có dấu hiệu nghiện điện thoại giúp xây dựng một môi trường lành mạnh và hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho con. Phụ huynh cần giúp trẻ học cách sử dụng công nghệ một cách hợp lý, nên cân bằng với nhiều hoạt động lành mạnh khác trong cuộc sống hàng ngày.

Dưới đây là một số vai trò quan trọng của cha mẹ cần can thiệp sớm khi trẻ nghiện smartphone:

1. Người lớn trong nhà cần làm gương cho trẻ

Người lớn trong nhà làm gương là một phương pháp can thiệp hiệu quả khi trẻ em bị nghiện sử dụng điện thoại. Cha mẹ có thể tham gia vào các hoạt động gia đình không liên quan đến smartphone như chơi ghép hình, trò chuyện cùng con,..

Cách cai nghiện điện thoại cho trẻ
Hạn chế sử dụng, trò chuyện nhiều hơn với trẻ, làm gương cho trẻ để giúp con hạn chế dùng điện thoại

Phụ huynh có thể đặt ra các quy tắc sử dụng điện thoại trong gia đình sau đó làm gương, tuân thủ các quy tắc này. Ngoài ra, thay vì chơi game cùng con cha mẹ có thể chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về việc quản lý thời gian hay là cách hiệu quả để cân bằng việc giải trí và học tập.

2. Đưa ra quy tắc rõ ràng về thời gian được phép sử dụng điện thoại

Cha mẹ và người thân trong gia đình nên có quy định cụ thể và theo dõi thời gian dùng điện thoại của con. Một số quy tắc có thể áp dụng chẳng hạn như buổi trưa trẻ có thể được sử dụng smartphone 30 phút cho mục đích giải trí hoặc không được phép dùng smartphone trong lúc ăn cơm.

Các quy định phải được đảm bảo rằng thực hiện một cách nghiêm túc để tạo ra một môi trường lành mạnh và cân bằng cho sự phát triển của trẻ.

3. Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động tập thể

Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa mà trẻ quan tâm và cảm thấy đặc biệt hứng thú. Ví dụ các em nên tham gia vào câu lạc bộ thể thao như đá bóng, cầu lông hoặc lớp học nghệ thuật như đàn, hát, nhảy, múa,…

Cách khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động tập thể này, cha mẹ không chỉ giúp các con phát triển các kỹ năng, mở rộng mối quan hệ mà còn làm cải thiện tình trạng nghiện dùng thiết bị điện thoại.

Cách cai nghiện smartphone cho trẻ
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa để hỗ trợ cai nghiện smartphone.

4. Trò chuyện và cho trẻ thấy tác hại của việc nghiện điện thoại

Việc trẻ nghiện điện thoại đôi khi chỉ đơn giản là vì trẻ tò mò với những điều hấp dẫn, mới lạ. Trẻ thấy cha mẹ, người xung quanh sử dụng điện thoại thường xuyên nên nghĩ rằng việc sử dụng điện thoại sẽ không gây ra vấn đề nguy hại gì.

Vì thế, một trong những cách cai nghiện điện thoại cho trẻ hiệu quả chính là cho trẻ thấy tác hại của việc sử dụng điện thoại quá mức. Hãy trò chuyện nhẹ nhàng cùng con, nói cho con nghe tác hại tình trạng nghiện điện thoại với mắt, thần kinh, xương khớp… Nên sử dụng hình ảnh minh họa cụ thể để trẻ dễ hình dung, ghi nhớ.

5. Thu hút trẻ bằng các trò chơi hấp dẫn, thú vị

Các trò chơi thú vị có sự tham gia của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy thích thú. Khi người lớn dành nhiều thời gian cho con, con sẽ giảm dần được thời gian sử dụng điện thoại, từ đó cải thiện tình trạng “nghiện điện thoại”.

Có rất nhiều trò chơi cho trẻ hấp dẫn, bổ ích. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý nên chọn những trò chơi phụ hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ. Có thể tham khảo các trò chơi như:

  • Trò chơi dân gian (ô ăn quan, rồng rắn lên may, nhảy dây…)
  • Trò chơi trí tuệ (cờ vua, lego, lập trình robot, giải câu đố…)
  • Trò chơi thủ công (cắt giấy, gấp giấy, vẽ tranh, tô tượng)

6. Hướng dẫn trẻ sử dụng điện thoại đúng cách

Thay vì cấm đoán khiến trẻ có tâm lý phản nghịch, làm gay gắt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ dùng điện thoại một cách lén lút, chúng ta có thể hướng dẫn trẻ dùng điện thoại sao cho đúng. Hướng dẫn và cho con truy cập vào các trang web có nội dung hay, tích cực.

Trò chuyện, chia sẻ, dành thời gian cho con nhiều hơn. Sau khi con sử dụng điện thoại, hãy nhờ con kể lại nội dung trẻ vừa xem và trao đổi với trẻ về nội dung ấy một cách cởi mở.

7. Đặt mục tiêu nhỏ và khen thưởng để khích lệ

Khi trẻ nghiện điện thoại, không thể bắt trẻ ngưng sử dụng điện thoại ngay lập tức mà cần có kế hoạch lâu dài, cụ thể. Hãy cùng trẻ thiết lập quy định về thời gian sử dụng điện thoại, đặt mục tiêu ngày và mục tiêu tuần.

Cách giúp trẻ cai nghiện điện thoại thông minh
Đặt mục tiêu và khen thưởng giúp trẻ có động lực kiên trì, cố gắng

Nếu có có thể không sử dụng trong 1 giờ, 2 giờ hoặc 3 giờ/ngày… con sẽ được đi chơi công viên, đi dã ngoại, đi xem phim cùng gia đình… Việc đặt mục tiêu vừa sức kèm theo phần thưởng sẽ giúp trẻ có động lực nỗ lực, cố gắng.

8. Cài đặt ứng dụng kiểm soát trên điện thoại

Đối với trẻ nhỏ, việc quản lý, giám sát bằng các ứng dụng hỗ trợ sẽ giúp phụ huynh định hướng việc sử dụng điện thoại của trẻ. Các ứng dụng này chặn một số website được cha mẹ gắn nhãn “cấm” khiến trẻ không thể truy cập được.

Đồng thời, thông qua ứng dụng kiểm soát, cha mẹ có thể thiết lập thời gian con xem phim, chơi game, khi hết thời gian, ứng dụng sẽ được khóa tạm thời. Ngoài ra, các công cụ này cũng giúp ngăn chặn việc trẻ sử dụng tài khoản của cha mẹ để thực hiện việc mua sắm online.

Một số ứng dụng thường được sử dụng có thể kể đến như:

  • Kaspersky Safe Kids (bảo vệ và lọc web)
  • Windows Live Family Safety (cập nhật lịch sử truy cập)
  • Norton Family (giám sát và lọc web)
  • OurPact (quản lý ứng dụng bằng cách hẹn giờ sử dụng)
  • Net Nanny (đặt giới hạn thời gian sử dụng)

9. Xây dựng lối sống lành mạnh cho trẻ

Khi trẻ nghiện điện thoại, một phần nguyên nhân của vấn đề có thể xuất phát từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ. Vì thế, không nên đánh mắng, cấm tiệt hoặc dùng biện pháp mạnh với trẻ. Thay vào đó, cần cùng trẻ xây dựng lối sống lành mạnh và quy định khen thưởng, trách phạt rõ ràng.

Bạn nên cùng trẻ thống nhất thời gian đi ngủ và thức dậy mỗi ngày. Khuyến khích, đồng hành cùng con trong việc vận động, tham gia các hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe, tham gia các hoạt động ngoài trời để giảm thiểu việc sử dụng điện thoại.

10. Can thiệp trị liệu tâm lý khi cần thiết

Nếu cần thiết, cha mẹ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ tâm lý để quá trình trị liệu trở nên hiệu quả hơn. Họ cung cấp các phương pháp can thiệp và kỹ thuật trị liệu phù hợp với tình hình cụ thể của trẻ.

Chuyên gia tâm lý sẽ đánh giá toàn diện, đồng thời chẩn đoán để xác định mức độ nghiện điện thoại ở trẻ. Đồng thời, nhà trị liệu có thể dùng kỹ thuật trò chuyện trực tiếp để tìm ra các nguyên nhân dẫn đến nghiện smartphone ở trẻ em sau đó có kế hoạch can thiệp phù hợp.

Trị liệu tâm lý có thể giúp trẻ hiểu và kiểm soát cảm xúc của chúng một cách hiệu quả hơn, từ đó giảm bớt nhu cầu dùng điện thoại để tránh khỏi các cảm xúc tiêu cực mà thiết bị này gây ra.

cai nghiện điện thoại cho trẻ
Chuyên gia tâm lý có kế hoạch can thiệp phù hợp với mức độ nghiện smartphone của trẻ.

Các bậc phụ huynh vẫn còn rất lo lắng và cảm thấy khó khăn trước tình trạng trẻ nghiện điện thoại. Bằng cách can thiệp sớm và đưa ra các giải pháp hiệu quả, cha mẹ có thể cân bằng việc sử dụng smartphone ở trẻ để giúp con của mình có được môi trường sống lành mạnh.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *