Rối loạn ăn uống (Eating Disorder) là gì? 3 cách khắc phục
Rối loạn ăn uống có thể bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong cách ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, khi những thói quen này không thể kiểm soát được, đó là lúc cần nhìn nhận lại vấn đề. Việc hiểu rõ hơn về tình trạng này sẽ giúp cá nhân có cách điều trị và phòng ngừa đúng đắn hơn.
Rối loạn ăn uống (Eating Disorder) là gì?
Rối loạn ăn uống (Eating Disorder) là một dạng bệnh tâm lý phức tạp, xuất hiện khi con người có những thói quen và hành vi ăn uống không lành mạnh. Những hành vi thường gặp của rối loạn này bao gồm chán ăn, ăn vô độ hoặc ăn kiêng quá mức. Chúng có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được kiểm soát kịp thời.
Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, rối loạn này thường đi kèm với nỗi ám ảnh về thức ăn, cân nặng và hình dáng cơ thể. Đối tượng dễ mắc phải nhất là phụ nữ trong độ tuổi từ 12 – 35, nhưng nam giới và trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng. Các hành vi như hạn chế ăn uống, lạm dụng thuốc nhuận tràng, tập thể dục quá mức khiến người bệnh ngày càng “đắm chìm” vào tình trạng này.
Các loại rối loạn ăn uống phổ biến
Người mắc rối loạn ăn uống thường có hành vi ăn uống không lành mạnh, gây hại cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Dưới đây là các loại rối loạn ăn uống thường gặp nhất: chán ăn tâm thần, rối loạn ăn uống vô độ và chứng ăn nôn (cuồng ăn).
1. Chán ăn tâm thần (Anorexia Nervosa)
Đây là chứng bệnh thường gặp ở người có nỗi sợ hãi quá mức về việc tăng cân. Người bệnh thường ép bản thân nhịn ăn dù cơ thể đã rất gầy gò. Đồng thời có cái nhìn lệch lạc về cân nặng và ngoại hình của mình, dẫn đến việc ăn kiêng quá mức. Tình trạng này vừa gây suy dinh dưỡng vừa ảnh hưởng tiêu cực đến tim mạch, xương và các cơ quan khác trong cơ thể.
2. Rối loạn ăn uống vô độ (Binge Eating Disorder)
Đây là tình trạng mà người bệnh không thể kiểm soát được lượng thức ăn mình tiêu thụ, ăn uống quá mức trong một thời gian ngắn dù cơ thể không thực sự đói. Sau khi ăn, bệnh nhân thường cảm thấy xấu hổ và hối hận vì đã ăn quá nhiều. Tuy nhiên, người mắc phải không có hành vi bù trừ như nôn mửa, tập thể dục quá mức. Chứng rối loạn này có thể dẫn đến béo phì, tiểu đường và bệnh tim.
3. Chứng ăn nôn (Bulimia Nervosa)
Người mắc chứng này thường xen kẽ giữa việc ăn uống vô độ và các hành vi bù trừ để loại bỏ lượng calo vừa tiêu thụ. Những hành vi như tự gây nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng đều gây hại nghiêm trọng cho cơ thể, làm mất cân bằng điện giải, tổn thương hệ tiêu hóa. Tâm lý lo lắng và ám ảnh về cân nặng là yếu tố chính khiến người bệnh duy trì thói quen nguy hiểm này.
Nguyên nhân gây rối loạn ăn uống
Mặc dù các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân, nhưng rối loạn ăn uống là một vấn đề phức tạp có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể:
- Di truyền: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có thành viên trong gia đình mắc rối loạn ăn uống, mắc các bệnh tâm thần khác sẽ có nguy cơ cao hơn mắc phải chứng bệnh này.
- Yếu tố xã hội: Áp lực từ xã hội về tiêu chuẩn sắc đẹp, việc gắn liền vóc dáng mảnh khảnh với sự thành công cùng hạnh phúc khiến nhiều người cảm thấy phải thay đổi ngoại hình bằng cách giảm cân quá mức.
- Sức khỏe tâm thần: Những người bị vấn đề về tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có nguy cơ mắc rối loạn ăn uống cao hơn do cảm xúc tiêu cực, áp lực tâm lý.
- Áp lực từ cuộc sống: Công việc, học tập và mối quan hệ xã hội đôi khi tạo ra nhiều áp lực, khiến con người ăn uống như một cách để đối phó với căng thẳng.
- Nghề nghiệp: Những người hoạt động trong các lĩnh vực như thể thao, nghệ thuật, giải trí thường bị áp lực về việc duy trì hình thể, cân nặng lý tưởng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn khi phải tuân theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt để giữ dáng.
Triệu chứng của rối loạn ăn uống
Các triệu chứng của chứng Eating Disorder không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động đến tâm lý và đời sống hàng ngày của người bệnh. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu góp phần đưa ra phương pháp điều trị và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.
Một số triệu chứng chung của rối loạn ăn uống bao gồm:
- Cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi, thường xuyên cảm thấy lạnh
- Giảm ham muốn tình dục và mắc vấn đề về tiêu hóa như nôn mửa, trào ngược axit
- Khô miệng, sưng tuyến mang tai, rối loạn các cơ hàm
- Cảm thấy xấu hổ, tuyệt vọng về hành vi ăn uống của mình
- Thường xuyên ăn kiêng và giảm cân bất thường
Triệu chứng của chứng chán ăn tâm thần:
- Xây dựng chế độ ăn uống nghiêm ngặt, cắt giảm lượng calo đến mức nguy hiểm
- Cơ thể gầy gò, tiều tụy, thiếu cân trầm trọng
- Hoảng sợ và lo lắng về việc tăng cân dù trọng lượng cơ thể rất thấp
- Luôn theo đuổi một thân hình gầy ốm, không hài lòng khi duy trì cân nặng bình thường
- Mất khả năng nhận thức đúng về cân nặng, tự chối bỏ việc mình đang thiếu cân nghiêm trọng
- Chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ
- Tóc và móng tay giòn, da khô và xơ xác
- Thường xuyên cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu do mất nước và dinh dưỡng kém
- Trầm cảm, rối loạn lo âu, cáu kỉnh và mất khả năng tập trung
- Loãng xương
Triệu chứng của rối loạn ăn uống vô độ:
- Ăn một lượng thức ăn rất lớn trong thời gian ngắn mà không kiểm soát được
- Thường xuyên ăn một mình, ăn bí mật vì xấu hổ về lượng thức ăn đang có
- Ăn cho đến khi cảm thấy no quá mức, khó chịu
- Cảm thấy phiền muộn, xấu hổ, có cảm giác tội lỗi sau khi ăn quá nhiều
- Có khẩu phần ăn rất nhiều, ngay cả khi không đói
- Thường cảm thấy đói dù mới ăn xong
- Tăng cân nhanh chóng và không kiểm soát được cân nặng
- Thường dễ mắc bệnh cao huyết áp, cholesterol cao và các vấn đề túi mật
Triệu chứng của chứng ăn nôn:
- Đi vệ sinh ngay sau khi ăn để nôn ra lượng thức ăn vừa dùng
- Viêm họng mãn tính và đau họng do nôn thường xuyên
- Sưng tuyến nước bọt ở vùng hàm và cổ
- Mòn men răng và sâu răng do axit dạ dày
- Lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu để loại bỏ lượng calo thừa
- Tiêu chảy, đau bụng tái diễn không rõ nguyên nhân
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Mất nước nghiêm trọng dẫn đến chóng mặt hoặc ngất
- Mất cân bằng điện giải, gây nguy cơ đột quỵ, đau tim
- Có cảm giác tội lỗi và xấu hổ sau khi ăn, dẫn đến hành vi nôn và tập thể dục quá mức.
Hậu quả của rối loạn ăn uống
Nếu rối loạn ăn uống không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể như dưới đây:
- Rối loạn tâm thần: Tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần như trầm cảm và rối loạn lo âu, dẫn đến cảm giác tuyệt vọng và có hành vi tự tử.
- Vấn đề sức khỏe thể chất: Mắc phải bệnh tim mạch, rối loạn huyết áp, loét dạ dày và trào ngược thực quản.
- Giảm phát triển ở trẻ em: Ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển thể chất và trí tuệ, gây ra chậm phát triển và giảm sức đề kháng.
- Mất cân dưỡng chất: Dẫn đến các vấn đề như hạ đường huyết, thiếu hụt vitamin và khoáng chất, gây ra mệt mỏi và thiếu máu.
- Tổn hại hệ thần kinh: Có thể gây ra vấn đề về não bộ và dây thần kinh và ảnh hưởng đến khả năng tập trung.
- Cô lập xã hội: Tự cô lập và tránh né do cảm giác xấu hổ về bản thân, làm giảm chất lượng của mối quan hệ cá nhân và công việc.
- Nguy cơ tử vong: Trong trường hợp nghiêm trọng, rối loạn ăn uống có thể dẫn đến tử vong do suy kiệt cơ thể hoặc có hành vi tự tử.
Chẩn đoán rối loạn ăn uống
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần và bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện quy trình chẩn đoán kỹ lưỡng thông qua “Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM)” để xác định các triệu chứng chính xác.
- Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ thực hiện khám sức khỏe tổng quát để loại trừ các nguyên nhân khác gây ảnh hưởng đến thói quen ăn uống. Đồng thời yêu cầu các xét nghiệm cơ bản để đánh giá tình trạng thể chất.
- Đánh giá tâm lý: Bác sĩ tâm thần, chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ hỏi về suy nghĩ, cảm giác và thói quen ăn uống. Người bệnh chỉ cần hoàn thành bảng câu hỏi tự đánh giá để cung cấp thông tin chi tiết hơn về tình trạng tâm lý của mình.
- Xét nghiệm chuyên khoa: Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu thực hiện để kiểm tra các biến chứng liên quan đến rối loạn ăn uống như rối loạn điện giải, thiếu hụt dinh dưỡng,….
- Đánh giá nhu cầu dinh dưỡng: Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm và đánh giá để xác định nhu cầu dinh dưỡng nhằm đảm bảo cơ thể nhận đủ dưỡng chất cần thiết và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp.
Cách khắc phục rối loạn ăn uống
Để cải thiện tình trạng và duy trì sức khỏe tốt, người bệnh cần áp dụng những phương pháp điều trị chuyên sâu hiệu quả và phù hợp với tình trạng của mình.
1. Sử dụng thuốc Tây
Dù thuốc không thể chữa trị hoàn toàn rối loạn ăn uống, nhưng chúng có thể hỗ trợ giảm lo âu về thực phẩm và chế độ ăn uống. Qua đó, người bệnh duy trì ổn định tinh thần và thay đổi thói quen ăn uống không lành mạnh.
- Thuốc chống trầm cảm (SSRI): Fluoxetine (Prozac) và sertraline (Zoloft), giúp giảm triệu chứng trầm cảm và lo âu.
- Thuốc chống lo âu: Thuốc benzodiazepines dùng trong thời gian ngắn để giảm lo âu cấp tính.
- Vitamin và khoáng chất bổ sung: Để cung cấp các dưỡng chất thiết yếu khi chế độ ăn uống không đủ.
2. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu giúp người bệnh thay đổi thói quen ăn uống xấu và xây dựng thói quen lành mạnh hơn thông qua liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và liệu pháp dựa vào gia đình (FBT).
Trong tâm lý trị liệu, bác sĩ sẽ giải thích về các tác động tiêu cực của thói quen ăn uống không lành mạnh và hỗ trợ bệnh nhân xây dựng thói quen dinh dưỡng tốt hơn. Các chuyên gia sẽ làm việc trực tiếp để người bệnh nhận thức rõ hơn về tình trạng của mình và phát triển các kỹ năng kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc. Điều này giúp bệnh nhân hiểu và thay đổi các hành vi ăn uống không lành mạnh.
Tâm lý trị liệu còn giúp bệnh nhân xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tránh tình trạng tái phát. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) đã được chứng minh là có hiệu quả giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ sai lệch liên quan đến ăn uống. Qua quá trình điều trị, bệnh nhân có thể phục hồi một cách tự nhiên, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.
3. Điều trị tại bệnh viện
Nếu tình trạng bệnh gây ra suy dinh dưỡng nặng, béo phì dẫn đến bệnh tim mạch, huyết áp cao thì bệnh nhân cần phải nhập viện để được theo dõi và điều trị chuyên sâu. Bệnh viện sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế toàn diện và hỗ trợ phục hồi sức khỏe.
Khi tình trạng bệnh được cải thiện, người bệnh sẽ thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh để hồi phục. Việc điều trị không chỉ khôi phục thể trạng mà còn làm thay đổi nhận thức và hành vi liên quan đến ăn uống. Một số bệnh viện có chương trình điều trị trong ngày để bệnh nhân tiếp tục điều trị mà không cần nhập viện hoàn toàn, tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Cách phòng ngừa rối loạn ăn uống
Dưới đây là những cách phòng ngừa và cải thiện tình trạng rối loạn ăn uống mà người bệnh có thể tham khảo để hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị và phục hồi:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý với thực đơn cân đối
- Thực hiện theo đúng kế hoạch điều trị từ chuyên gia
- Tham gia vào các hoạt động thể chất mỗi ngày với cường độ phù hợp
- Đừng tự cô lập mình khỏi gia đình và bạn bè
- Hạn chế soi gương và đánh giá vóc dáng của bản thân quá thường xuyên
- Ngủ đủ giấc từ 7 – 8 giờ mỗi ngày trong phòng ngủ yên tĩnh
- Ghi nhật ký hàng ngày để theo dõi cảm xúc và thói quen ăn uống
- Đọc sách giúp giải tỏa stress theo lời khuyên của bác sĩ
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về vitamin và khoáng chất bổ sung cho cơ thể
- Chia sẻ cảm xúc và vấn đề khó khăn với người thân cũng như bạn bè
Việc nhận biết sớm và tìm ra cách điều trị rối loạn ăn uống có thể giúp bạn tránh được những hậu quả nghiêm trọng. Hãy nhớ rằng, sức khỏe tinh thần và thể chất đều quan trọng như nhau nên đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng ám ảnh cân nặng – Nguy cơ rối loạn ăn uống
- Chế độ ăn uống cho người bệnh trầm cảm đủ dinh dưỡng
Nguồn tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/eating-disorders/symptoms-causes/syc-20353603
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4152-eating-disorders
- vinmec.com,….
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!