Rối loạn định dạng giới tính: Dấu hiệu và hướng điều trị
Rối loạn định dạng giới tính là tình trạng một người không chấp nhận giới tính sinh học của mình, có những hành vi cực đoan lên bộ phận sinh dục và muốn chuyển giới. Rối loạn định dạng giới tính vẫn đang là một vấn đề phức tạp gây nhiều tranh cãi. Các nhà khoa học cần nghiên cứu nhiều hơn để đưa ra cái nhìn đa chiều và đúng đắn về tình trạng tâm lý này.
Rối loạn định dạng giới tính là gì?
Rối loạn định dạng giới tính (Gender Identity Disorder) là một vấn đề tâm lý mà người mắc phải không chấp nhận cấu tạo cơ thể mình, hay có thể hiểu là họ không chấp nhận giới tính sinh học của bản thân. Họ mong muốn thay đổi ngoại hình từ nam sang nữ và ngược lại, cũng như có những hành vi, cử chỉ của người thuộc giới tính mà họ xác định, hay còn gọi là bản dạng giới.
Những người mắc phải chứng này thường xuyên thể hiện rằng họ muốn trở thành người khác giới. Họ cảm thấy không thoải mái khi phải tuân theo những chuẩn mực hành vi gắn liền với giới tính sinh học của mình theo cảm nhận của mọi người.
Ví dụ một người đàn ông nếu đã xác định bản dạng giới của mình là nữ, anh ta sẽ không thích bị gán cho những hình ảnh đặc trưng của phái nam như mạnh mẽ, ga lăng hay cắt tóc ngắn. Tương tự, một người phụ nữ nếu xác định bản dạng giới của mình là nam thì sẽ không thích bản thân buộc phải dịu dàng, nữ tính hoặc để tóc dài. Chứng rối loạn thường biểu hiện rất rõ qua lời nói, tính cách, hành vi cũng như cách ăn mặc của người mắc phải.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất ở người bị rối loạn là họ có xu hướng hủy hoại bộ phận sinh dục của mình. Họ cũng muốn thay đổi ngoại hình bằng cách sử dụng mỹ phẩm, tiêm hormone hay phẫu thuật chuyển giới. Ngoài ra, những biểu hiện như căng thẳng, lo âu, trầm cảm, biếng ăn,… cũng thường xuất hiện ở người bị rối loạn định dạng giới tính.
Những cách phân loại rối loạn định dạng giới tính
Hiện nay, nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) đang sử dụng “Phân loại quốc tế về bệnh tật” (tiếng Anh: International Classification of Diseases, viết tắt: ICD) phiên bản ICD-10 do WHO cung cấp làm cơ sở để tra cứu về các loại bệnh lý. ICD chứa các mã số cho từng loại bệnh kèm theo những dấu hiệu và triệu chứng của chúng. Rối loạn định dạng giới tính được xếp vào “F64. Các rối loạn phân định giới tính” bao gồm các mục
- F64.0. Loạn dục chuyển giới (Transsexualism)
- F64.1. Loạn dục cải trang, vai trò kép (Dual-role transvestism)
- F64.2. Rối loạn xác định giới tính ở trẻ em (Gender identity disorder of childhood)
- F64.8. Rối loạn xác định giới tính khác (Other gender identity disorders)
- F64.9. Rối loạn phân định giới tính không xác định (Gender identity disorder, unspecified)
Vào 01/01/2022, bảng ICD-11 của WHO chính thức có hiệu lực với nhiều thay đổi về phân loại. Rối loạn định dạng giới tính cũng được phân chia lại trong mục “17. Những bệnh về sức khỏe tình dục” và mục nhỏ hơn “Giới tính không phù hợp” với các mã số lần lượt là HA60, HA61 và HA6Z.
- HA60. Sự không phù hợp về giới tính vào tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành (thay thế F64.0)
- HA61. Sự không phù hợp về giới tính vào thời thơ ấu (thay thế F64.2)
- HA6Z. Không phù hợp về giới tính mà không xác định được thời điểm (thay thế F64.9)
Ngoài ra, rối loạn định dạng giới tính cũng được ghi nhận trong “Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần” (gọi tắt là DSM) của Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ. Trong phiên bản DSM-5 năm 2013, nó được đổi tên thành “Bức bối giới” hay “Phiền muộn giới” (Gender Dysphoria) nhằm tránh gây ra ác cảm hoặc mang ý miệt thị.
Nguyên nhân gây ra rối loạn định dạng giới tính
Nhiều nghiên cứu về chứng rối loạn định dạng giới tính đã được tiến hành, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân của tình trạng này. Một số học thuyết được biết đến rộng rãi về nguyên nhân của chứng này bao gồm:
- Yếu tố di truyền (nhiễm sắc thể) bất thường: Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc phải rối loạn định dạng giới tính giữa các cặp song sinh cùng trứng cao hơn so với các cặp song sinh khác trứng.
- Rối loạn giới tính do testosterone (một loại hormone/nội tiết tố của cơ thể) in dấu ấn lên não thai nhi và có vai trò hướng giới tính sau này
- Mất cân bằng hormone trong quá trình phát triển của thai kỳ hay thời niên thiếu
- Cha mẹ và con cái thiếu sự kết nối
- Một số yếu tố khác như hoàn cảnh sống, ảnh hưởng tâm lý khi còn bé, thiếu gắn kết với xã hội,…
Phân biệt rối loạn định dạng giới tính với những vấn đề giới tính khác
Những vấn đề về tâm lý là những vấn đề rất phức tạp và có thể gây hiểu nhầm cho nhiều người nếu không có những kiến thức chuyên sâu. Những người chưa hiểu rõ về rối loạn định dạng giới tính có thể nhầm lẫn vấn đề tâm lý này với một số bệnh lý khác có nét tương đồng về tên gọi hay biểu hiện tâm lý. Dưới đây là những hiểu lầm thường gặp của chứng rối loạn với một số vấn đề về giới tính khác.
- Chuyển giới: Người có nhu cầu chuyển giới và người rối loạn định dạng giới tính có nét tương đồng là đều không chấp nhận giới tính sinh học của bản thân, muốn thông qua thuốc men, giải phẫu để biến mình thành giới tính mình mong muốn. Trong khi người chuyển giới đơn giản chỉ khát khao có được cơ thể đúng với giới tính, người mắc chứng rối loạn định dạng giới tính có xu hướng hủy hoại bộ phận sinh dục một cách cực đoan, kèm theo đó là cảm thấy thiếu tự tin, cô đơn, lo âu, căng thẳng, trầm cảm, biếng ăn,… Chính vì thế, đây là một dạng rối loạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của người mắc phải.
- Xu hướng tình dục: Rối loạn định dạng giới tính không liên quan đến xu hướng tình dục của một cá nhân. Rối loạn định dạng giới tính liên quan đến sự nhận thức của một người về giới tính của họ. Trong khi xu hướng tình dục là sự hấp dẫn về tình cảm hoặc tình dục (hoặc cả hai) của một người dành cho một người khác. Những người gặp phải chứng rối loạn này có thể là người dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái hay song tính luyến ái. Ví dụ một người đàn ông xác định bản dạng giới của mình là nữ, người đó vẫn có thể yêu một người đàn ông hay một người phụ nữ, tùy vào xu hướng tình dục của bản thân.
- Rối loạn biệt hóa giới tính sinh dục: Đây là trường hợp trẻ sinh ra mang cả hai cơ quan sinh sản của nam và nữ (hai cơ quan này có thể cùng phát triển, cùng có khiếm khuyết hoặc chỉ phát triển một trong hai) hoặc bộ phận sinh dục không hoàn chỉnh. Chính vì thế, bác sĩ cần làm những xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định giới tính của trẻ. Đây là một dạng rối loạn về thể chất biểu hiện trên cơ thể sinh học, khác hoàn toàn so với rối loạn định dạng giới tính.
Những dấu hiệu của rối loạn định dạng giới tính
Rối loạn định dạng giới tính hầu như đều biểu hiện một cách rõ ràng ngay từ thời thơ ấu. Chúng ta biết rằng khi trẻ em được sinh ra, đứa trẻ ấy được chỉ định giới tính dựa trên giới tính sinh học của mình. Giới tính được chỉ định thường quyết định cách họ lớn lên và cách những người xung quanh đối xử với người đó. Khi bắt đầu trưởng thành, đứa trẻ có thể bắt đầu cảm thấy sự bất nhất giữa bản dạng giới và giới tính được chỉ định của mình. Điều này khiến chúng đau khổ, không thể chấp nhận và tìm cách biến mình thành giới tính mong muốn.
Chứng tối loạn này có những biểu hiện vô cùng rõ ràng thông qua việc từ chối giới tính của bản thân, mong muốn trở thành người khác giới, muốn hủy hoại cơ quan sinh dục, lo âu, trầm cảm, tự cô lập bản thân,…
Rối loạn định dạng giới biểu hiện ở trẻ em khi trẻ thể hiện những hành vi không phù hợp với giới tính sinh học của mình. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ những hành vi của trẻ là do chưa phân biệt rõ những khác biệt về hai giới, hay trẻ thật sự mắc phải chứng rối loạn này. Các dấu hiệu này có thể xuất hiện sớm nhất là khi trẻ lên 3 hoặc 4 tuổi và thường trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ dần trưởng thành. Nếu trẻ có trên 6 dấu hiệu dưới đây và kéo dài hơn 6 tháng, có thể trẻ đã mắc rối loạn định dạng giới tính.
- Khát khao thay đổi giới tính trái ngược với giới tính sinh học của bản thân
- Muốn mặc quần áo của giới tính khác
- Thích thú với những trò chơi, hoạt động gắn với giới tính mà trẻ xác định
- Ưu tiên cho các vai diễn đa giới tính trong khi chơi đùa hoặc đóng kịch
- Từ chối những trò chơi, những món đồ chơi, các hoạt động nam tính hoặc nữ tính không phù hợp với giới tính mà trẻ tự xác định
- Chán ghét, thậm chí muốn hủy hoại bộ phận sinh dục
- Khao khát mạnh mẽ với những biểu hiện đặc trưng của bản dạng giới
Ở thanh thiếu niên và người lớn, để được chẩn đoán mắc chứng rối loạn định dạng giới tính, người ấy phải trải qua tình trạng đau khổ kéo dài, trầm cảm, lo âu về nhận thức giới tính của bản thân. Họ cũng gặp khó khăn trong các vấn đề xã hội, công việc và các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Những cảm giác này phải kéo dài ít nhất sáu tháng và kèm theo ít nhất hai trong số những biểu hiện sau:
- Nhận thức rõ ràng về việc giới tính của họ không phù hợp với cơ thể
- Khao khát loại bỏ bộ phận sinh dục và những đặc trưng khác của giới tính sinh học trên cơ thể
- Khao khát có được các đặc điểm giới tính của giới tính mà họ xác định
- Khao khát trở thành người khác giới
- Khao khát được mọi người nhìn nhận là một người đàn ông/phụ nữ như họ xác định
- Có niềm tin mãnh liệt rằng cảm xúc và phản ứng của họ là tiêu biểu cho bản dạng giới của mình.
Giải pháp cho người bị rối loạn định dạng giới tính
Những người mắc chứng rối loạn định dạng giới tính về lâu dài có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe trầm trọng như: lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, lạm dụng thuốc hay cố gắng tự sát. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng 7 trong số 10 người mắc chứng rối loạn đều mắc phải ít nhất 1 chứng bệnh tâm thần khác trong đời.
Việc giải quyết những vấn đề của chứng rối loạn định dạng giới tính thường mang tính cá nhân, phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Các bác sĩ ngày nay thường dùng những biện pháp như tư vấn tâm lý, hay can thiệp y tế bao gồm trị liệu hormone, kìm hãm sự dậy thì hay phẫu thuật chuyển đổi giới tính để giúp người đó cải thiện tình hình.
Ở một số người trưởng thành, họ có khao khát được nhìn nhận và được đối xử như một giới khác, nhưng không có nhu cầu can thiệp y tế hay phẫu thuật để thay đổi các đặc điểm giới tính sinh học của bản thân. Họ chỉ muốn được ủng hộ để có được sự thoải mái với bản dạng giới. Trong khi một số người khác có thể sẽ mong muốn được trị liệu hormone và phẫu thuật chuyển giới.
Tư vấn tâm lý
Việc tư vấn có thể giúp cha mẹ, các thành viên khác trong gia đình và người bạn đời hiểu rõ hơn về những gì người thân yêu của họ đang trải qua. Việc này có thể giúp người ấy nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn từ gia đình, bạn bè và xã hội, mang đến môi trường sống lành mạnh hơn.
Người rối loạn định dạng giới tính và cả gia đình thường là nạn nhân của việc bị kỳ thị và phân biệt đối xử, vì bị xem là “kẻ biến thái”, “người không bình thường” hay “người điên”. Đặc biệt những đứa trẻ ấy khi bước vào giai đoạn dậy thì có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, bị bạn bè trêu chọc, xa lánh, cô lập chỉ vì muốn thể hiện đúng bản dạng giới của mình.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc chứng rối loạn định dạng giới tính có nguy cơ tử vong do tự tử rất cao. Một nghiên cứu cho thấy 48,3% người tham gia đã từng có ý định tự tử và 23,8% đã cố gắng tự tử ít nhất một lần. Vì vậy nếu muốn giúp một người cải thiện tình trạng và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, chúng ta nên giúp họ chấp nhận và vượt qua những vấn đề của bản thân.
Ngày nay các phương pháp tư vấn tâm lý không cố gắng thay đổi nhận định của một người về giới tính của họ mà thay vào đó, trị liệu tâm lý tập trung vào việc giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn trong nhận dạng và thể hiện giới tính của họ, thường bằng cách cho phép họ thể hiện bản dạng giới của mình thông qua lời nói, quần áo, tên gọi, đại từ xưng hô,…
Một số người chỉ mong muốn được tư vấn để giúp họ cảm thấy thoải mái hơn với cảm xúc của mình, khẳng định về bản dạng giới và giúp họ đối phó hoặc giảm bớt những cảm giác đau khổ đeo bám. Một số biện pháp tâm lý giúp cải thiện tình trạng cho người rối loạn định dạng giới tính bao gồm:
- Khám phá bản dạng giới và biểu hiện giới tính
- Học cách kiểm soát sự căng thẳng
- Học cách chấp nhận bản thân
- Tự đưa ra quyết định về những phương pháp can thiệp giới tính
- Cải thiện các mối quan hệ gia đình và xã hội
Những người không thực hiện những liệu pháp tâm lý có thể bị tra tấn tâm lý ngày qua ngày, gây đau khổ, stress và tăng nguy cơ trầm cảm. Liệu pháp tâm lý có thể giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi thể hiện ý thức bên trong về giới tính và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Can thiệp y tế
Một số người mắc chứng rối loạn định dạng giới tính tìm tới những phương pháp như trị liệu hormone, kìm hãm sự dậy thì hay phẫu thuật chuyển đổi giới tính để chỉnh sửa cơ thể bên ngoài phù hợp với bản dạng giới bên trong của họ. Nhiều người nghĩ rằng cách cải thiện tốt nhất là phẫu thuật chuyển giới để giúp họ sống với giới tính thật mà mình mong muốn. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng việc chuyển đổi giới tính là “sự bất lực về mặt sinh học”.
Việc can thiệp y tế cần được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của từng cá nhân. Một số người muốn phẫu thuật chuyển đổi hoàn toàn sang giới tính mà họ xác định, trong khi những người khác chỉ muốn giảm bớt những đặc điểm giới tính không mong muốn như đường nét khuôn mặt, râu, ngực, cơ bắp, lông chân,… không phù hợp với bản dạng giới.
Hãy nhớ rằng can thiệp y tế là một lựa chọn. Không phải tất cả mọi người đều quyết định trị liệu hay làm phẫu thuật vì chi phí rất tốn kém và thường không được chi trả bảo hiểm. Có những người không muốn xác định lại giới tính hoàn toàn, thế nên liệu pháp hormone có thể giúp ích cho họ trong việc giảm thiểu những đặc điểm không mong muốn. Một số người khác có thể chọn thay đổi cách thể hiện giới tính bên ngoài, cũng như cách ăn mặc để phù hợp với ý thức bên trong về bản dạng giới của họ.
Những vấn đề về rối loạn định dạng giới tính vẫn còn gây nhiều tranh cãi do sự phức tạp trong nguyên nhân, biểu hiện và những ảnh hưởng của nó đến cá nhân người mắc và xã hội. Thế nên, vấn đề này cần được nghiên cứu nhiều hơn trước khi có khẳng định chính thức.
Trong bài viết này Tạp Chí Tâm Lý Học chỉ đưa ra cái nhìn bao quát và một số ý kiến tham khảo về vấn đề rối loạn định dạng giới tính. Mọi thứ đều có thể thay đổi tùy theo những nghiên cứu mới được thực hiện. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn có cái gì rõ nét và đa chiều hơn về vấn đề này.
Tham khảo thêm:
- Rối Loạn Tâm Thần Là Gì? Nguyên Nhân, Biểu Hiệu Và Chữa Trị
- Giáo dục giới tính cho con như thế nào và khi nào nên bắt đầu?
- Dạy Con Ở Tuổi Dậy Thì Và Những Điều Cha Mẹ Cần Tránh
- Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì: Dấu hiệu và cách chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!