Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn tâm thần cấp và nhất thời

Vào những năm trở lại đây, tỉ lệ người mắc chứng rối loạn loạn thần cấp và nhất thời đang có xu hướng gia tăng. Vì thế các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán phù hợp nhằm phục vụ tốt cho quá trình điều trị bệnh.

Tiêu Chuẩn Chẩn Đoán Rối Loạn Loạn Thần Cấp Và Nhất Thời
Chẩn đoán rối loạn loạn thần cấp và nhất thời cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm cao

Định nghĩa về rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời là tình trạng biến đổi từ một trạng thái không có các triệu chứng của loạn thần sang một trạng thái khác có nét loạn thần rõ rệt. Quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 2 tuần hoặc có thể ngắn hơn. Một số trường hợp có hoặc không có sự kết hợp của stress.

Thông thường bệnh sẽ khỏi hoàn toàn trong khoảng từ 2 đến 3 tháng. Đa phần bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn trong khoảng vài ngày hoặc vài tuần và chỉ có một số ít các trường hợp bệnh kéo dài dai dẳng và gây nên một số tật chứng nguy hiểm.

Dựa theo Hội Tâm thần học Mỹ thì căn bệnh này được gọi là “Loạn thần phản ứng ngắn” – DSM III-R-1992, bệnh sẽ khởi phát ngay khi xảy ra các sang chấn tâm lý. Cho đến DSM IV-1994 thì nhóm các rối loạn này được sử dụng với tên khác là “Rối loạn tâm thần ngắn”. Tên gọi này nhằm chỉ trạng thái loạn thần cấp tính, xuất hiện theo từng cơn, mỗi cơn kéo dài từ 1 đến 30 ngày.

Còn theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 đã thống nhất gọi tình trạng này là “Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời” và xếp vào mã số F23. Đây là một tập hợp các rối loạn tâm thần cấp tính, chúng được chia thành các thể lâm sàng khác nhau từ F23.0 đến F23.9.

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời chính là một nhóm rối loạn không đồng nhất thường xuất hiện ở các mối liên quan đến những sự kiện, hoàn cảnh gây stress. Bệnh khởi đầu cấp sẽ phát triển trong tối đa 2 tuần, kèm theo các triệu chứng loạn thần rõ rệt như ảo giác, hoang tưởng, tác phong bị rối loạn nghiêm trọng.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý
Những triệu chứng loạn thần sẽ biểu hiện rất đa dạng, luôn biến đổi liên tục. Thông thường các rối loạn loạn thần sẽ dần ổn định, chậm nhất là khoảng 3 tháng và sau các cơn bệnh thì bệnh nhân sẽ không bị biến đổi về nhân cách.

Dựa vào quan điểm phân loại của Pháp thì Loạn thần hoang tưởng cấp hiện đang chiếm đến gần 5% các trường hợp bệnh tâm thần đang điều trị nhập viện. Còn ở nước ta, vẫn chưa thể thống kê chính xác về nhóm rối loạn này.

Tuy nhiên, theo số liệu từ bệnh viện Bạch Mai và Viện sức khỏe tâm thần nhận thấy, kể từ năm 1992 trở lại đây thì số lượng người mắc phải bệnh rối loạn loạn thần cấp và nhất thời đang ngày càng gia tăng. Tỉ lệ mắc bệnh gặp ở nhiều hơn so với những lứa tuổi thanh thiếu niên và đồng đều ở cả hai giới.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời có thể khởi phát từ các nguyên nhân sau đây:

Tiêu Chuẩn Chẩn Đoán Rối Loạn Loạn Thần Cấp Và Nhất Thời
Di truyền là yếu tố nguy cơ có thể làm khởi phát rối loạn loạn thần cấp và nhất thời
  • Yếu tố gia đình: Trong các nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, có đến 20- 33% các bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc phải các chứng bệnh rối loạn tâm thần. Phổ biến nhất như rối loạn cảm xúc (rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm), tâm thần phân liệt, rối loạn loạn thần cấp,…
  • Do sang chấn tâm lý (stress): Các chuyên gia cho biết rằng hiện có khoảng 20 đến 30% các trường hợp mắc bệnh có sự kết hợp của những sang chấn tâm lý như mất mát tài sản, người thân đột ngột qua đời, ly hôn, thất nghiệp, tai nạn,…
  • Sự ảnh hưởng của tính cách: Thông qua quá trình thăm khám và điều trị, các chuyên gia nhận thấy có một số nét nhân cách khác thường ở người bệnh. Ví dụ như dễ bị tổn thương, rất nhạy cảm, dễ xúc động, thích được quan tâm, hay lo lắng, cầu toàn, có xu hướng sống khép kín, ít quan hệ, không cởi mở,…

Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

1. Tiêu chuẩn chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh rối loạn loạn thần cấp và nhất thời cần phải dựa vào một số đặc điểm sau:

1.1 Thời gian phát bệnh cấp

Phát bệnh cấp tức là sự biến đổi từ trạng thái không loạn thần sang trạng thái loạn thần rõ rệt được diễn ra dưới 2 tuần hoặc có thể ngắn hơn. Tuy nhiên, nếu bệnh khởi phát trong vòng 48 tiếng thì sẽ được gọi là khởi phát đột ngột.

Trong khoảng thời gian dưới 2 tuần, bệnh sẽ khởi phát và phát triển với đầy đủ các triệu chứng loạn thần như ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tác phong hành vi. Bệnh sẽ tiến triển trong khoảng vài tuần cho đến vài tháng, một số trường hợp sẽ kéo dài hơn nhưng không quá 3 tháng.

1.2 Có xuất hiện triệu chứng loạn thần và phân liệt điển hình

Những triệu chứng loạn thần luôn luân phiên thay đổi cho nhau tạo nên một bệnh cảnh vô cùng phong phú và đa dạng. Sự biến đổi về cảm xúc thường là các cảm xúc không có tính ổn định. Cảm xúc có thể trở nên kích động với trạng thái cáu kỉnh, tức giận, hằn học hoặc lo lắng quá mức, hưng cảm, trầm cảm.

Tiêu Chuẩn Chẩn Đoán Rối Loạn Loạn Thần Cấp Và Nhất Thời
Các triệu chứng loạn thần luôn luân phiên thay đổi trong các cơn bệnh rõ rệt

Tuy nhiên những sự biến đổi cảm xúc này sẽ không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán một giai đoạn trầm cảm hoặc giai đoạn hưng cảm. Tình trạng thay đổi cảm xúc sẽ có sự kết hợp với các rối loạn hành vi tác phong để tạo nên các thể lâm sàng có đặc điểm riêng biệt.

1.3 Có sự kết hợp của stress cấp

Sự kết hợp của stress cấp có nghĩa là các biểu hiện loạn thần xuất hiện trong vòng 2 tuần đầu tiên sau khi trải qua các sự kiện, hoàn cảnh gây stress. Các tình huống này sẽ tác động lớn vào người bệnh và trong khoảng thời gian ngắn ít hơn 2 tuần sẽ xuất hiện trạng thái loạn thần.

Một số sự kiện gây sang chấn có thể làm khởi phát bệnh như mất việc làm đột ngột, cái chết của người thân, bị khủng bố, tai nạn, phá sản, bị tra tấn, hành hung, cưỡng hiếp,…Tuy nhiên, cần lưu ý là những sự kiện, vấn đề khó khăn kéo dài sẽ không được xem là sang chấn tâm lý gốc, nó chỉ được gọi là nguồn gốc gây stress.

1.4 Không tìm thấy nguyên nhân thực tổn trong bệnh sử

Người bệnh sẽ không có các dấu hiệu của mê sảng, chấn động não, mất trí, lạm dụng rượu bia, các chất kích thích.

1.5 Sự tiến triển của rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Theo DSM III-R thì thời gian từ khi xảy ra sang chấn cấp đến lúc xuất hiện các triệu chứng loạn thần là vài giờ, còn theo ICD -10 thì mất khoảng 2 tuần.

Thời gian các cơn loạn thần sẽ bao gồm giai đoạn phát bệnh và cả các di chứng ngắn. Dựa theo DSM III-R thì thời gian sẽ kéo dài từ vài ngày đến khoảng 1 tháng, còn theo ICD – 10 thì mất khoảng vài ngày cho đến dưới 3 tháng.

Theo DSM III-R thì nhóm rối loạn này sau khi trải qua các cơn rối loạn tâm thần thì nhiều khả năng còn có rối loạn trầm cảm và có thể dẫn đến tự sát.

Sau cơn rối loạn tâm thần thì hầu hết người bệnh sẽ được phục hồi hoàn toàn và không có sự biến đổi nhân cách. Tuy nhiên, một vài trường hợp có thể dẫn đến tình trạng biến đổi thành tâm thần phân liệt, rối loạn khí sắc, rối loạn hoang tưởng dai dẳng,…

Lưu ý: Nếu bệnh kéo dài hơn 3 tháng thì cần cân nhắc đổi sang chẩn đoán khác để có kết quả điều trị thích hợp hơn.

2. Chẩn đoán các thể bệnh

2.1 Rối loạn loạn thần cấp đa dạng không có triệu chứng của tâm thần phân liệt (F23.0)

Thể bệnh này gồm có  “Cơn hoang tưởng không có triệu chứng của tâm thần phân liệt hay không biệt định” và “Loạn thần dạng chu kỳ không có triệu chứng của tâm thần phân liệt hay không biệt định”. Bệnh sẽ khởi phát tối đa 2 tuần hoặc có thể ngắn hơn.

Người bệnh sẽ có các biểu hiện với nhiều hoang tưởng và ảo giác thường xuyên thay đổi về mặt nội dung, mức độ, tần suất, có khi diễn ra trong cùng một ngày. Khi nội dung thay đổi sẽ kéo theo sự biến đổi nhanh chóng của các rối loạn khí sắc.

Bệnh cảnh lâm sàng sẽ không thể đáp ứng tốt với các tiêu chuẩn chẩn đoán của tâm thần phân liệt hay rối loạn cảm xúc. Như vậy có thể thấy đặc trưng của thể bệnh này là sự biến đổi đa dạng và nhanh chóng của các triệu chứng bệnh.

2.2 Rối loạn loạn thần đa dạng cấp với  triệu chứng của tâm thần phân liệt (F23.1)

Thể bệnh này sẽ bao gồm “Cơn hoang tưởng với triệu chứng của tâm thần phân liệt” và “Loạn thần chu kỳ với triệu chứng của tâm thần phân liệt”. Bệnh cũng sẽ khởi phát cấp trong khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn.

Các triệu chứng của thể này sẽ đáp ứng tốt với tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn thần cấp đa dạng (F23.0). Ngoài ra nó cũng đáp ứng tiêu chuẩn của tâm thần phân liệt xuất hiện trong hầu hết các giai đoạn hình thành bệnh cảnh loạn thần biểu hiện rõ rệt.

Nếu các triệu chứng phân liệt kéo dài hơn 30 ngày thì cần phải đổi sang một chẩn đoán tâm thần phân liệt.

2.3 Rối loạn thần cấp giống phân liệt (F23.2)

Thể bệnh này sẽ gồm có “Tâm thần phân liệt cấp (không biệt định)”, “Rối loạn dạng phân liệt ngắn” và “Phản ứng phân liệt”. Các triệu chứng loạn thần phát cấp sẽ xuất hiện trong 2 tuần hoặc có thể ngắn hơn.

Các triệu chứng sẽ đáp ứng tiêu chuẩn của tâm thần phân liệt và xuất hiện trong hầu hết thời gian diễn ra các triệu chứng loạn thần rõ rệt. Thể bệnh này sẽ không có đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán các rối loạn loạn thần đa dạng cấp.

2.4 Rối loạn loạn thần cấp khác chủ yếu là hoang tưởng (F23.3)

Thể bệnh này gồm có “Phản ứng Paranoid” và “Loạn thần Paranoid tâm sinh”. Bệnh sẽ khởi cấp trong vòng 2 tuần hoặc có thể ngắn hơn.

Trong giai đoạn khởi phát cơn rối loạn tâm thần thì chủ yếu các triệu chứng sẽ là ảo giác và hoang tưởng nhưng sẽ không đáp ứng với tiêu chuẩn chẩn đoán của tâm thần phân liệt. Thường gặp nhất là hoang tưởng liên hệ, hoang tưởng bị hại, ảo thính.

Nếu các triệu chứng hoang tưởng kéo dài hơn 3 tháng thì cần đổi sang chẩn đoán rối loạn hoang tưởng dai dẳng. Nếu chỉ có các triệu chứng ảo giác kéo dài trên 3 tháng thì sẽ được đổi sang rối loạn loạn thần không thực tổn khác.

2.5 Các rối loạn loạn thần cấp hay nhất thời khác (F23.8)

Nếu các rối loạn loạn thần cấp không được xếp vào bất kì thể bệnh nào đã nêu phía trên thì sẽ được ghi theo mã số này.

2.6 Rối loạn loạn thần cấp hay nhất thời không biệt định

Thể bệnh này sẽ bao gồm các loại loạn thần phản ứng ngắn không biệt định khác.

Hướng điều trị rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Sau khi tiến hành thăm khám và chẩn đoán cụ thể về tình trạng rối loạn loạn thần cấp và nhất thời thì bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị. Tùy vào từng tình trạng và mức độ bệnh khác nhau mà thời gian và các biện pháp được áp dụng cũng có phần khác biệt.

1. Nguyên tắc điều trị bệnh

Do tình trạng rối loạn loạn thần cấp và nhất thời có xuất hiện nhiều triệu chứng ảo giác, hoang tưởng, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc nghiêm trọng. Các triệu chứng bệnh xuất hiện đột ngột và không có dấu hiệu báo trước nên bệnh nhân cần được nhập viện để theo dõi và điều trị tốt hơn.

Quá trình điều trị bệnh còn phải tùy thuộc nhiều vào bệnh cảnh lâm sàng, chủ yếu sẽ sử dụng các an thần kinh (ATK). Việc điều trị sau giai đoạn loạn thần đầu tiên sẽ phải phụ thuộc vào kết quả chẩn đoán và tiên lượng. Thông thường thì thời gian sẽ duy trì từ khoảng 12 đến 18 tháng nhằm phòng ngừa tình trạng tái phát.

2. Điều trị giai đoạn cấp

Tiêu Chuẩn Chẩn Đoán Rối Loạn Loạn Thần Cấp Và Nhất Thời
Dùng thuốc là phương pháp điều trị phổ biến nhất đối bệnh rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

2.1 Điều trị bằng an thần kinh

Đầu tiên các bác sĩ sẽ tham khảo qua kết quả điều trị thành công hay thất bại ở giai đoạn trước (nếu có).

Tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng những an thần kinh cổ điển. Có thể áp dụng một trong các loại thuốc sau đây với liều lượng trung bình:

  • Haloperidol: Từ 5 đến 15 mg/ ngày.
  • Aminazin: Từ 150 đến 300 mg/ ngày.
  • Levomepromzin: Từ 150 đến 300 mg/ ngày.

Hoặc có thể lựa chọn các an thần kinh thế hệ mới với liều lượng như sau:

  • Rispridone: Từ 4 đến 6 mg/ ngày.
  • Olanzapine: Từ 10 đến 20 mg/ ngày.
  • Solian: Từ 400 đến 600 mg/ ngày.

Đường tiêm: Đối với các trường hợp người bệnh có xuất hiện các triệu chứng chống đối, kích động, hoang tưởng, ảo giác quá mức thì sẽ được cân nhắc sử dụng đường tiêm từ khoảng 3 đến 5 ngày, sau đó sẽ chuyển sang sử dụng thuốc uống.

2.2 Điều trị phối hợp

Nếu người bệnh có triệu chứng trầm cảm thì sẽ được kết hợp sử dụng thêm với một số loại thuốc chống trầm cảm như:

  • Amitriptilin: Từ 25 đến 50mg/ ngày
  • Zoloft: Từ 50 đến 100mg/ ngày
  • Remeron|: Từ 30 đến 60mg/ ngày

Nếu có hưng cảm sẽ được cân nhắc đến việc sử dụng thuốc:

  • Carbamazepine: Khoảng 300mg/ ngày
  • Depakin: Từ 200 đến 500mg/ ngày

Nếu các trường hợp có lo âu sẽ được kết hợp dùng thêm diazepam với liều lượng từ 5 đến 10mg/ ngày.

Lưu ý: Các loại thuốc được chỉ định điều trị cho tình trạng rối loạn loạn thần cấp và nhất thời có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Do đó, nếu có xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì cần phải thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Phòng chống rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Cho đến hiện nay, các nguyên nhân gây ra chứng rối loạn loạn thần cấp và nhất thời vẫn chưa được chứng minh cụ thể và rõ ràng. Do đó các phòng tránh bệnh cũng không thể đảm bảo tuyệt đối.

Tuy nhiên, đối với những người bệnh có nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người mắc bệnh thì cần được theo dõi và thăm khám sức khỏe tâm thần định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Ngoài ra, gia đình cũng nên chú trọng rèn luyện cho trẻ từ lúc nhỏ, giúp trẻ biết được cách thích ứng tốt với môi trường và các tình huống, điều kiện khó khăn, cản trở trong cuộc sống. Rèn luyện nhân cách ngay từ khi còn nhỏ để hạn chế được các sự ảnh hưởng tiêu cực từ các sang chấn tâm lý.

Đối với những trường hợp người bệnh đã điều trị thành công cơn loạn thần đầu tiên thì cần phải duy trì và tiếp tục trong khoảng từ 12 đến 18 tháng. Đồng thời tích cực phục hồi các chức năng xã hội và tâm lý, tránh tình trạng làm việc quá sức, căng thẳng kéo dài để phòng chống tốt tình trạng tái phát bệnh.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Bài viết trên đây đã cho bạn đọc biết thêm một vài thông tin về rối loạn loạn thần cấp và nhất thời và các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh thường được áp dụng. Nhìn chung, nếu có thể kịp thời phát hiện bệnh và tiến hành điều trị đúng phương pháp thì các triệu chứng loạn thần cũng không gây nguy hiểm cho người bệnh.

Tham khảo thêm:

4.4/5 - (51 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *