Nên làm gì khi vợ hoặc chồng bị bệnh ghen tuông hoang tưởng?

Khi vợ hoặc chồng bị ghen tuông hoang tưởng, bạn cần phải có cách xử lý phù hợp để bảo vệ bản thân và con cái. Những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn biết nên làm gì khi gặp phải tình trạng này.

Ghen tuông hoang tưởng (hoang tưởng ghen tuông hoặc hoang tưởng bệnh lý) là tình trạng rối loạn tâm thần mà người mắc bệnh có sự nghi ngờ thái quá, vô căn cứ và dai dẳng về sự thủy chung của bạn đời. Dạng hoang tưởng này có thể đi kèm với hoang tưởng bị hại, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng phát minh,…

Hoang tưởng là nhóm triệu chứng thường thấy ở những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, được định nghĩa là những phán đoán sai lầm không dựa trên cơ sở trong thực tế. Người mắc chứng hoang tưởng ghen tuông luôn cho rằng bạn đời đã phản bội mình nhưng không hề có bằng chứng xác thực. Sự nghi ngờ của bệnh nhân có khuynh hướng dai dẳng, bảo thủ và gần như không thể thay đổi – ngay cả khi có bằng chứng cho thấy suy nghĩ của họ là sai.

Nên làm gì khi vợ, chồng bị ghen tuông hoang tưởng?

Sống chung với vợ/ chồng bị hoang tưởng ghen tuông thực sự là nỗi ám ảnh. Việc liên tục tra hỏi và kiểm soát gắt gao khiến bạn đời cảm thấy ngột ngạt, bí bách và đôi khi tuyệt vọng không biết phải làm sao để thoát khỏi. Thực tế, nhiều người không hề biết đến chứng bệnh này mà chỉ nghĩ đơn giản vợ hoặc chồng ghen tuông thái quá.

Nếu để lâu dài, người bệnh sẽ có xu hướng bạo lực nhằm ép buộc bạn đời phải thừa nhận hành vi phản bội. Do bị đánh đập và bạo lực tinh thần nên không ít người thừa nhận hành vi một cách gượng ép với mong muốn tìm sự bình yên. Tuy nhiên, việc thừa nhận sẽ khiến cho bạn đời phát điên và đôi khi gây ra hành động làm tổn thương đến con cái cùng với những người xung quanh.

Khi sống chung với vợ, chồng bị ghen tuông hoang tưởng, hầu hết mọi người đều không biết phải xử lý như thế nào. Nếu đang băn khoăn “Nên làm gì khi vợ hoặc chồng bị bệnh hoang tưởng ghen tuông?”, nên tham khảo ngay những thông tin hữu ích trong bài viết để biết cách xử lý và giúp bản thân thoát khỏi cuộc sống hôn nhân ngột ngạt:

1. Chia sẻ với người thân, bạn bè

Khi nhận thấy vợ/ chồng có dấu hiệu của bệnh ghen tuông hoang tưởng, bạn nên chia sẻ với người thân và bạn bè. Việc nói ra những uất ức, mệt mỏi sẽ giúp giải tỏa tâm lý và tìm ra giải pháp tốt nhất.

Khổ vì chồng ghen tuông hoang tưởng
Nên chia sẻ với người thân, bạn bè khi bạn rơi vào hoàn cảnh phải sống chung với vợ, chồng bị ghen tuông hoang tưởng

Những người xung quanh cũng sẽ giúp bạn nhìn nhận sự việc theo chiều hướng khách quan và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Hơn ai hết, bạn chính là người bị ảnh hưởng lớn nhất khi sống chung với người vợ/ chồng bị ghen tuông hoang tưởng.

Việc bị tra tấn về mặt tinh thần sẽ khiến bạn khó giữ bình tĩnh và bất ổn về mặt cảm xúc. Do đó, đừng đưa ra bất cứ quyết định nào trong thời điểm này. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của bạn bè, người thân khi bạn đang hoang mang và vô định.

2. Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý

Người bị ghen tuông hoang tưởng thường xuyên tra hỏi bạn đời về việc đã làm gì, đi đâu và gặp gỡ những ai. Họ cũng thường kiểm tra tin nhắn, túi xách và quần áo với hy vọng tìm được bằng chứng buộc tội bạn đã phản bội họ. Bị kiểm soát quá mức khiến cho tâm lý trở nên ức chế và đôi khi dẫn đến các vấn đề như trầm cảm, rối loạn lo âu,…

Để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, nếu gặp gỡ chuyên gia khác giới, vợ/ chồng sẽ nảy sinh sự nghi ngờ. Vì vậy, bạn nên chọn chuyên gia cùng giới và thông báo rõ với bạn đời việc bạn gặp chuyên gia tâm lý vì những lý do chính đáng như bị stress, căng thẳng, suy nhược.

Khổ vì chồng ghen tuông hoang tưởng
Nên tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý để nâng đỡ tinh thần khi phải sống chung với bạn đời bị ghen tuông hoang tưởng

Chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn ổn định lại tinh thần và giữ vững sự sáng suốt trong tất cả các quyết định. Việc chung sống với người bị ghen tuông hoang tưởng khó tránh khỏi mâu thuẫn do sự ghen tuông và nghi ngờ thái quá. Vì thế, chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn cách ứng xử để giảm thiểu tối đa xung đột, mâu thuẫn. Đồng thời biết cách bảo vệ bản thân trước những hành vi bạo lực của bạn đời.

3. Cưỡng chế vợ, chồng đến bệnh viện

Người bị hoang tưởng nói chung và hoang tưởng ghen tuông nói riêng không bao giờ thừa nhận bản thân mắc bệnh. Họ cũng không nhận thấy sự bất thường trong suy nghĩ và hành vi của mình. Vì vậy, bạn không thể khuyên nhủ họ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thậm chí, việc này còn khiến họ nảy sinh nghi ngờ và củng cố niềm tin rằng bạn đang có mối quan hệ ngoài luồng. Bệnh nhân thường cho rằng, bạn đang cố ý đưa họ vào bệnh viện tâm thần để dễ dàng qua lại với nhân tình. Tốt nhất, nên nhờ người thân, bạn bè cưỡng chế vợ/ chồng vào bệnh viện. Để tránh tình trạng làm sâu sắc sự nghi ngờ, bạn nên tránh có mặt tại thời điểm này.

Thông thường, những người mắc chứng hoang tưởng sẽ không chấp nhận điều trị và thường có phản ứng chống đối nhân viên y tế. Vì vậy, việc điều trị cho bệnh nhân ghen tuông hoang tưởng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Khổ vì chồng ghen tuông hoang tưởng
Nên nhờ bạn bè, người thân cưỡng chế vợ/ chồng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời

Để đảm bảo an toàn cho bạn đời và con cái, bệnh nhân thường sẽ phải nhập viện và điều trị nội trú. Điều trị nội trú sẽ giúp bác sĩ theo sát và đánh giá tiến triển bệnh của từng trường hợp. Ngoài ra, việc cách ly bệnh nhân và bạn đời cũng giúp giảm đi sự nghi ngờ vô căn cứ.

Lựa chọn ban đầu khi điều trị ghen tuông hoang tưởng là sử dụng thuốc. Tùy vào trường hợp cụ thể, thuốc có thể được dùng ngắn hạn hoặc dài hạn. Trong đó, bệnh nhân ghen tuông hoang tưởng do tâm thần phân liệtrối loạn hoang tưởng có thể phải dùng thuốc lâu dài để ngăn ngừa tái phát.

Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân sẽ phải tham gia tâm lý trị liệu để được củng cố lòng tin với bạn đời, nâng cao lòng tự trọng, học cách tin tưởng người khác và đánh giá khách quan mọi việc xảy ra trong cuộc sống. Liệu pháp tâm lý cũng sẽ giúp người bệnh có kỹ năng giao tiếp và biết cách quản lý – kiểm soát cảm xúc.

Nếu được thăm khám và điều trị sớm, bệnh hoang tưởng ghen tuông có thể được kiểm soát. Tuy nhiên, khá nhiều trường hợp bệnh nhân tiếp tục nghi ngờ sự chung thủy của bạn đời sau một thời gian. Vì vậy, việc điều trị phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

4. Tránh các hành vi khiến đối phương nghi ngờ lòng chung thủy

Sau khi bệnh tình ổn định, bệnh nhân sẽ được điều trị ngoại trú. Bên cạnh việc dùng thuốc và tâm lý trị liệu, sự hỗ trợ của gia đình cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.

Ngoài việc chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân dùng thuốc, bạn cần tránh những hành vi khiến đối phương nghi ngờ lòng chung thủy. Tốt nhất, nên chia sẻ thẳng thắn những việc sẽ làm, các cuộc gặp gỡ, dự định,… để xây dựng lòng tin tưởng. Việc làm này có thể khiến bạn không thoải mái nhưng nên học cách hy sinh và đồng cảm để bạn đời có thể vượt qua chứng bệnh này.

5. Học cách cân bằng cảm xúc

Sống chung với vợ/ chồng bị ghen tuông hoang tưởng thực sự là nỗi ám ảnh. Nhiều người không tránh khỏi việc bị rối loạn lo âu và trầm cảm do quá mệt mỏi, bí bách với cuộc hôn nhân địa ngục. Bên cạnh đó, chăm sóc và hỗ trợ bạn đời trong quá trình điều trị cũng khiến bạn khó tránh khỏi mệt mỏi.

Học cách cân bằng cảm xúc là điều cần thiết nên làm khi vợ hoặc chồng bị bệnh ghen tuông hoang tưởng. Để cân bằng cảm xúc, bạn nên duy trì lối sống khoa học, ăn uống và ngủ nghỉ điều độ. Đồng thời cần thực hiện thêm các biện pháp thư giãn, giải tỏa căng thẳng như ngồi thiền, tập yoga, dùng trà thảo mộc, gặp gỡ bạn bè, nuôi thú cưng và chăm sóc cây cối.

Khổ vì chồng ghen tuông hoang tưởng
Học cách cân bằng cảm xúc là điều cần thiết khi sống chung với vợ/ chồng bị ghen tuông hoang tưởng

Hoang tưởng là nhóm triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. Nếu vợ/ chồng mắc bệnh lý này, việc điều trị sẽ phải duy trì cả đời. Do đó, bạn nên chuẩn bị cho mình tinh thần vững vàng để có thể đồng hành cùng bạn đời trong chặng đường gian nan phía trước.

6. Trò chuyện với con cái

Khi mắc chứng hoang tưởng ghen tuông, vợ/ chồng sẽ liên tục tra khảo và đôi khi có những hành vi bạo lực do bị ám ảnh bởi những ý nghĩ bạn đang lừa dối họ. Những hành động của họ bị chi phối bởi các phán đoán sai lầm không thể kiểm soát. Vì vậy, việc trò chuyện thẳng thắn với con cái là rất cần thiết.

Những đứa trẻ sống với bố/ mẹ bị ghen tuông hoang tưởng có thể phát triển nhân cách méo mó và hình thành những hành vi tương tự khi có gia đình. Do đó, bạn nên trò chuyện để trẻ hiểu rằng, bố/ mẹ mắc bệnh nên mới có những hành vi như vậy. Việc của con là hỗ trợ và đồng hành cùng bố/ mẹ trong quá trình chữa trị.

Khổ vì chồng ghen tuông hoang tưởng
Nên trò chuyện để con cái hiểu được bố/ mẹ đang có vấn đề về sức khỏe mới có những hành vi thái quá

Ngoài ra, nên hướng dẫn con nên tránh đi khi bố, mẹ có những hành vi bạo lực. Khi trò chuyện cùng con, tuyệt đối không nên chỉ trích và đổ lỗi cho bạn đời. Thay vào đó, nên nhấn mạnh vào việc bố/ mẹ bị bệnh tật chi phối nên mới nảy sinh những hành vi không đúng mực. Đồng thời khuyến khích con cái học cách đồng cảm và chia sẻ để có thể phát triển những phẩm chất tốt đẹp.

Nếu con đã bị sang chấn tâm lý trước những hành vi thái quá, bạn nên cho con trẻ can thiệp tâm lý trị liệu càng sớm càng tốt. Không giống với người trưởng thành, trẻ nhỏ hoàn toàn không có kỹ năng và kinh nghiệm sống. Chúng khó có thể phân định đúng sai và không biết cách vượt qua tổn thương.

Sang chấn tâm lý khi sống chung với bố/ mẹ bị ghen tuông hoang tưởng để lại tổn thương sâu sắc. Những đứa trẻ khi lớn lên có thể hình thành những suy nghĩ méo mó về tình yêu và hôn nhân. Vì vậy, nên cho trẻ can thiệp tâm lý trị liệu để ổn định lại tinh thần và hướng đến những phẩm chất tốt đẹp.

7. Ly hôn khi cần thiết

Việc sống chung với người bị ghen tuông hoang tưởng gây ra những mệt mỏi, uất ức và tuyệt vọng. Hiện tại, nguyên nhân gây ra chứng bệnh này vẫn chưa được xác định. Vì vậy, quá trình điều trị còn nhiều hạn chế và khó khăn. Rất nhiều trường hợp tái phát bệnh chỉ sau một thời gian ngắn mặc dù đã được điều trị tích cực và nhận được sự hỗ trợ của bạn đời, gia đình.

Nếu cần thiết, bạn nên xem xét ly hôn để tìm sự giải thoát cho bản thân. Tuy nhiên, nên đề nghị ly hôn khi vợ/ chồng đang có tâm lý ổn định. Trước lời đề nghị này, họ thường từ chối và tìm cách làm hòa với những lý do chính đáng (muốn chăm sóc bạn, bù đắp cho con cái,…). Vì vậy, bạn cần giữ sự kiên định để có thể thoát khỏi cuộc hôn nhân “địa ngục”, từ đó có cơ hội phát triển bản thân và chăm sóc con cái một cách lành mạnh.

Khổ vì chồng ghen tuông hoang tưởng
Trong trường hợp xấu nhất, bạn nên chủ động ly hôn để thoát khỏi cuộc hôn nhân ngột ngạt và bí bách

Sau khi ly hôn, vợ/ chồng cũ vẫn sẽ tiếp tục các hành vi xâm phạm và thể hiện sự quan tâm với mong muốn cả hai quay trở lại với nhau. Do đó, bạn nên ở cùng với bố mẹ hoặc người thân để đảm bảo an toàn. Có thể sẽ mất một thời gian dài để có thể chấm dứt hoàn toàn nhưng việc kết thúc sớm sẽ giúp bạn giảm đi sự đau khổ và những cảm xúc tiêu cực.

Khi vợ hoặc chồng bị ghen tuông hoang tưởng, bạn nên nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh để bạn đời được thăm khám và điều trị sớm. Việc mắc bệnh không phải là lỗi của họ, vì vậy nên kiên trì và đồng hành để bạn đời vượt qua bệnh tật. Trong trường hợp xấu nhất, ly hôn sẽ là giải pháp tốt nhất cho bạn và con cái.

Tham khảo thêm:

4.5/5 - (85 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *