Chứng cuồng ăn Bulimia: Một rối loạn ăn uống nghiêm trọng

Chứng cuồng ăn Bulimia đặc trưng bởi tình trạng dung nạp một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn, sau đó thực hiện các hành vi “đào thải” như tự gây nôn ói, dùng thuốc nhuận tràng, lợi tiểu,… Chứng bệnh này là một dạng rối loạn ăn uống nghiêm trọng và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề nếu không kịp thời điều trị.

Chứng cuồng ăn Bulimia
Chứng cuồng ăn Bulimia (chứng ăn ói) là tình trạng ăn uống quá mức đi kèm với các hành vi đào thải thức ăn

Chứng cuồng ăn Bulimia là gì?

Chứng cuồng ăn Bulimia (Bulimia Nervosa) hay chứng ăn ói là một trong những dạng rối loạn ăn uống phổ biến. Trên thực tế, chứng bệnh này ít được đề cập hơn chứng chán ăn tâm thần và rối loạn ăn uống vô độ nhưng lại gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng không kém.

Chứng cuồng ăn Bulimia đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của các giai đoạn cuồng ăn và tự đào thải thức ăn. Cuồng ăn được hiểu là cảm giác thèm ăn quá mức, dẫn đến dung nạp một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn ngay cả khi bản thân không hề đói bụng. Trong các cơn cuồng ăn, bệnh nhân không thể kiểm soát được hành vi ăn uống của mình.

Sau khi dung nạp một lượng thức ăn, bệnh nhân rơi vào trạng thái xấu hổ, đau khổ và thôi thúc thực hiện các hành vi “đào thải” như tự gây nôn ói, sử dụng thuốc lợi tiểu, nhuận tràng, ăn kiêng quá mức và tập thể dục với cường độ cao. Các giai đoạn cuồng ăn và đào thải thức ăn lặp đi lặp lại khiến cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giống như các rối loạn ăn uống khác, người mắc chứng ăn ói thường có quan niệm méo mó về cân nặng và hình thể. Bệnh nhân luôn mặc cảm, tự ti về ngoại hình và ám ảnh quá mức về cân nặng. So với chứng chán ăn tâm thần và rối loạn ăn uống vô độ, chứng cuồng ăn Bulimia khó phát hiện hơn. Bởi bệnh nhân thường thực hiện hành vi tự đào thải sau các cơn cuồng ăn nên gần như vẫn giữ được trọng lượng ở mức bình thường.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nhận biết chứng cuồng ăn Bulimia

Người mắc chứng cuồng ăn Bulimia thường ăn uống lén lút và gần như không bao giờ ăn trước mặt người khác. Vì vậy, chứng bệnh này khó phát hiện hơn so với các rối loạn ăn uống khác. Tuy nhiên nếu chú ý, gia đình có thể phát hiện chứng cuồng ăn Bulimia thông qua các dấu hiệu sau đây:

  • Thường xuyên từ chối ăn cùng với mọi người vì lo sợ những người xung quanh sẽ nhận ra hành vi ăn uống bất thường của bản thân.
  • Người mắc chứng cuồng ăn Bulimia thường có cảm giác thèm ăn quá mức và dung nạp một lượng lớn thức ăn cho đến khi không thể chịu được (mặc dù bản thân không hề đói). Trong cơn cuồng ăn, bệnh nhân không thể kiểm soát và dừng hành vi ăn uống của mình.
  • Sau các cơn cuồng ăn, người bệnh rơi vào trạng thái đau khổ, lo lắng và tự phê bình hành vi ăn uống của bản thân. Các cảm xúc này tiêu cực này thôi thúc những hành vi đào thải thức ăn.
  • Sau khi ăn uống, bệnh nhân thường hay vào nhà vệ sinh để thực hiện hành vi tự gây nôn.
  • Ngoài hành vi tự gây nôn, người bệnh còn sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, ăn kiêng, nhịn ăn và tập thể dục cường độ cao để đốt cháy lượng calo dư thừa.
  • Các cơn cuồng ăn và hành vi tự đào thải lặp đi lặp lại trong thời gian dài khiến cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vì có các hành vi đào thải thức ăn nên đa số người mắc chứng ăn ói đều có cân nặng vừa phải.
  • Bệnh nhân bị ám ảnh về cân nặng và luôn sợ hãi việc tăng cân.
  • Thường xuyên tính toán và kiểm tra calo của các loại thực phẩm.
  • Hay đặt câu hỏi về cân nặng, hình thể của bản thân với những người xung quanh. Ngay cả khi người khác thừa nhận họ có thân hình cân đối, bệnh nhân vẫn không thể thoát khỏi sự ám ảnh về cân nặng và ngoại hình.
  • Những người bị rối loạn ăn uống nói chung và chứng cuồng ăn Bulimia nói riêng đều cho rằng bản thân có hình thể xấu xí, quá mập mạp. Suy nghĩ này khiến bệnh nhân ngại gặp gỡ bạn bè và ít khi đến những nơi công cộng. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể tự cách ly và cô lập chính mình.
  • Chứng cuồng ăn Bulimia sẽ gây ra các cơn cuồng ăn – đào thải thức ăn ít nhất 1 lần/ tuần và kéo dài ít nhất tỏng vòng 3 tháng.
Chứng cuồng ăn Bulimia
Người mắc chứng cuồng ăn Bulimia thường ăn uống lén lút vì lo sợ người khác phát hiện hành vi ăn uống cực đoan của bản thân

Ngoài các triệu chứng trên, những người xung quanh cũng có thể phát hiện chứng cuồng ăn Bulimia thông qua các triệu chứng thực thể. Các triệu chứng này là kết quả do các hành vi tự đào thải thức ăn như tự gây nôn mửa, tập thể dục quá mức, nhịn ăn, dùng thuốc giảm cân, lợi tiểu, nhuận tràng,…

Các triệu chứng thể chất thường gặp ở bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn Bulimia:

  • Sưng môi, niêm mạc miệng
  • Răng ố vàng, mòn men răng
  • Trào ngược dạ dày thực quản
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Cơ thể xanh xao dù có cân nặng vừa phải
  • Mắt đỏ, ánh nhìn thiếu sức sống
  • Rối loạn điện giải
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Rụng tóc, móng tay giòn

Trên thực tế, có không ít người duy trì thói quen ăn uống thiếu khoa học. Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều không cảm thấy đau khổ quá mức trước hành vi ăn uống của mình. Đây là điểm khác biệt giữa thói quen ăn uống thông thường với các rối loạn ăn uống nói chung và chứng cuồng ăn Bulimia nói riêng.

Nguyên nhân gây chứng cuồng ăn Bulimia

Chứng cuồng ăn Bulimia thường khởi phát ở giai đoạn thanh thiếu niên và đầu độ tuổi trưởng thành. Tương tự như các rối loạn ăn uống khác, chứng bệnh này ảnh hưởng chủ yếu đến nữ giới với tỷ lệ dao động từ 1 – 2% dân số.

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra chứng cuồng ăn Bulimia vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, chứng bệnh này được xác định có thể liên quan đến yếu tố di truyền và tổn thương tâm lý trong quá khứ.

Các nguyên nhân, yếu tố gây ra chứng ăn ói:

1. Di truyền

Hầu hết các rối loạn tâm lý đều có tính chất di truyền. Các chuyên gia nhận thấy, nguy cơ mắc chứng ăn ói gia tăng nếu gia đình có người bị rối loạn ăn uống vô độ, chứng chán ăn tâm thần và chứng ăn ói (cuồng ăn Bulimia). Ngoài ra, tiền sử gia đình bị rối loạn lo âu và trầm cảm cũng góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý này.

2. Tổn thương tâm lý

Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi cuồng ăn được xem là cách giải tỏa cảm xúc trong một số tình huống như tuyệt vọng, đau khổ, căng thẳng và bức bối quá mức. Khi dung nạp một lượng lớn thức ăn, bệnh nhân có thể quên đi cảm giác đau khổ và căng thẳng. Điều này thôi thúc người bệnh liên tục lặp đi lặp lại hành vi ăn uống không lành mạnh.

Chứng cuồng ăn Bulimia
Những người từng bị chê bai, tẩy chay về ngoại hình có nguy cơ cao mắc chứng cuồng ăn Bulimia

Ngoài ra, những người từng bị chê bai và tẩy chay về ngoại hình cũng có thể hình thành nỗi ám ảnh quá mức về cân nặng. Tổn thương trong quá khứ dẫn đến sự méo mó trong quan điểm về cái đẹp. Do đó, những người mắc chứng cuồng ăn Bulimia thường cho rằng bản thân có ngoại hình xấu xí, kỳ dị và luôn nghĩ rằng mình cần phải giảm cân.

Chính nỗi sợ về việc tăng cân khiến cho người mắc chứng ăn ói luôn thực hiện các hành vi đào thải sau khi dung nạp một lượng lớn thức ăn. Tuy nhiên, các hành vi đào thải này chỉ làm tiêu hao năng lượng dư thừa sau các cơn cuồng ăn. Vì vậy, bệnh nhân vẫn giữ cân nặng bình thường và khó có thể đạt được thân hình lý tưởng như mong muốn. Điều này gây ra sự đau khổ dai dẳng, bi quan và xấu hổ cho chính người bệnh.

3. Ảnh hưởng của văn hóa, xã hội

Trong 2% dân số bị chứng cuồng ăn Bulimia, chiếm 70% là nữ giới và chỉ có khoảng 30% là nam giới. Kết quả này cho thấy các rối loạn ăn uống nói chung và chứng cuồng ăn Bulimia nói riêng có liên quan đến văn hóa, xã hội.

Hầu hết các quốc gia đều coi trọng ngoại hình của người phụ nữ. Nếu như đàn ông có thể thoải mái với vóc dáng của mình thì với phụ nữ, họ sẽ phải chịu sự gièm pha nếu có thân hình quá khổ và béo phì. Chính quan niệm này khiến cho nữ giới luôn phải gò bó mình trong chế độ ăn kiêng khắc nghiệt.

Tuy nhiên, về lâu dài điều này sẽ tạo ra tâm lý bức bối và khó chịu. Từ đó thôi thúc cảm giác thèm ăn không thể kiểm soát (cuồng ăn). Sau các cơn cuồng ăn, bệnh nhân cảm thấy xấu hổ trước hành vi ăn vô độ và dẫn đến các hành vi “bù đắp” như nhịn ăn, tập thể dục quá độ, tự gây nôn, sử dụng thuốc lợi tiểu và nhuận tràng.

4. Tính chất nghề nghiệp

Trong hai thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ người bị rối loạn ăn uống nói chung và chứng ăn ói nói riêng tăng lên đáng kể. Ngoài những yếu tố về văn hóa – xã hội, yêu cầu khắt khe về ngoại hình của một số ngành nghề cũng góp phần dẫn đến chứng bệnh này.

Những người làm diễn viên, người mẫu, MC, diễn viên múa, vũ công,… thường phải giữ thân hình mảnh mai và thon gọn. Chế độ ăn và luyện tập khắt khe khiến cho tinh thần bị căng thẳng quá độ. Điều này sẽ dẫn đến hành vi cuồng ăn để giải tỏa cảm xúc và đồng thời là cơ chế phòng vệ của cơ thể trước áp lực từ cuộc sống. Tuy nhiên, ý thức về việc phải giữ gìn vóc dáng thôi thúc bệnh nhân thực hiện các hành vi tự đào thải thức ăn.

5. Các yếu tố khác

Ngoài những nguyên nhân trên, nguy cơ phát triển chứng cuồng ăn Bulimia có thể gia tăng khi có những yếu tố sau:

bulimia nervosa là gì
Người có các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm có nguy cơ cao mắc chứng ăn ói
  • Giải phẫu não bất thường: Phần lớn người bị rối loạn ăn uống đều có phản ứng nhạy cảm hơn với thức ăn. Vì vậy, khi đối mặt với stress và tổn thương tâm lý, não bộ sẽ kích hoạt cảm giác thèm ăn mạnh mẽ không thể kiểm soát. Trong khi đó, cũng cùng một hoàn cảnh nhưng có người lựa chọn những cách giải tỏa khác như sử dụng bia rượu, chất kích thích,…
  • Bị thừa cân, béo phì: Những người béo phì, thừa cân đa phần đều có thói quen ăn uống không lành mạnh. Do cân nặng vượt mức nên họ phải kiêng cữ nhiều loại thực phẩm và tập thể dục cường độ cao. Tuy nhiên, việc gò bó bản thân với chế độ ăn khắc nghiệt khiến nhiều người ăn uống không kiểm soát và sau đó tự thực hiện hành vi đào thải để làm tiêu hao năng lượng dư thừa.
  • Có các vấn đề tâm lý, tâm thần: Rối loạn ăn uống thường xảy ra ở những người có các vấn đề tâm lý, tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ, rối loạn nhân cách,… Trong khi đó, người có sức khỏe tâm thần bình thường sẽ biết cách điều chỉnh thói quen ăn uống và có thể kiểm soát cảm xúc một cách lành mạnh.

Chứng cuồng ăn Bulimia là kết quả do nhiều yếu tố tác động, trong đó luôn có vai trò của di truyền/ bẩm sinh và yếu tố môi trường. Điều này lý giải vì sao cùng một môi trường nhưng chỉ có một số người phát triển các rối loạn ăn uống.

Chứng cuồng ăn Bulimia (ăn ói) có nguy hiểm không?

Tất cả các rối loạn ăn uống đều gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Chứng cuồng ăn Bulimia (ăn ói) không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề sau:

bulimia là gì
Người bị chứng ăn ói thường duy trì được cân nặng vừa phải nhưng cơ thể hay mệt mỏi, suy nhược do thiếu chất dinh dưỡng
  • Hành vi cuồng ăn và tự đào thải lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến các vấn đề như sâu răng, mòn men răng, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hóa, điện giải,…
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh và lạm dụng thuốc nhuận tràng, lợi tiêu quá mức sẽ khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng, suy nhược và mệt mỏi.
  • Gia tăng các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy thận, các vấn đề về tim mạch, rối loạn lipid máu, tiểu đường,…
  • Chứng cuồng ăn Bulimia cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản như giảm ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn cương dương,…
  • Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe thể chất, tình trạng đau khổ, xấu hổ và ám ảnh ở bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn Bulimia có thể gia tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách và rối loạn lưỡng cực.
  • Các rối loạn ăn uống nói chung và chứng cuồng ăn Bulimia nói riêng đều làm gia tăng tỷ lệ nghiện rượu bia, thuốc lá và thậm chí là ma túy, thuốc phiện.

Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể thực hiện các hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát để giải thoát bản thân khỏi sự đau khổ, ám ảnh về ngoại hình. Bên cạnh những ảnh hưởng đối với sức khỏe, chứng cuồng ăn Bulimia khiến bệnh nhân khó có thể học tập, làm việc lành mạnh.

Ngoài ra, do tâm lý tự ti, người bệnh thường nhốt mình trong nhà, ngại gặp gỡ và giao tiếp với người khác. Nếu không được điều trị, bệnh nhân gần như đánh mất tất cả các mối quan hệ (ngoại trừ gia đình) và có xu hướng tự cô lập chính mình với xã hội.

Chẩn đoán chứng cuồng ăn Bulimia

Chứng cuồng ăn Bulimia đã được công nhận là rối loạn ăn uống chính thức trong Sổ tay chẩn đoán và Thống kê về rối loạn tâm thần (DSM-5). Tương tự như các rối loạn ăn uống khác, bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện lâm sàng để chẩn đoán bệnh lý này.

Các bước chẩn đoán hội chứng cuồng ăn Bulimia:

  • Trao đổi về các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, đồng thời khai thác tiền sử cá nhân và gia đình
  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát
  • Thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm máu, nước tiểu, đo điện tâm đồ, trắc nghiệm tâm lý,…

Sau khi đã thực hiện các bước trên, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán trong DSM-5 để đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Hội chứng cuồng ăn Bulimia được chẩn đoán khi đáp ứng được những tiêu chí sau:

  • Cuồng ăn (hành vi ăn uống quá độ và không thể kiểm soát)
  • Thực hiện các hành vi đào thải sau các cơn cuồng ăn như tập thể dục quá mức, tự gây nôn, nhịn ăn, lạm dụng thuốc lợi tiểu, nhuận tràng,…
  • Bị ám ảnh quá mức về hình thể và cân nặng, đồng thời luôn cho rằng bản thân cần phải giảm cân
  • KHÔNG có biểu hiện chán ăn tâm thần (bởi trong chứng chán ăn tâm thần, bệnh nhân vẫn có thể thực hiện hành vi tự đào thải)
  • Cơn cuồng ăn và tự đào thải thức ăn lặp đi lặp lại ít nhất 1 lần/ tuần trong ít nhất 3 tháng

Tiêu chuẩn của DSM-5 không chỉ giúp xác định chứng cuồng ăn Bulimia mà còn đánh giá được mức độ nghiêm trọng của bệnh. Chứng ăn ói mức độ nhẹ được xác định khi cơn cuồng ăn và hành vi đào thải thức ăn xảy ra 1 – 3 lần/ tuần, mức độ trung bình được xác định nếu triệu chứng diễn ra 4 – 7 lần/ tuần, mức độ nặng được xác định khi tình trạng xảy ra với tần suất 8 – 13 lần/ tuần. Nếu xảy ra nhiều hơn 14 lần/ tuần, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán chứng ăn ói với mức độ rất nghiêm trọng.

Các phương pháp điều trị chứng cuồng ăn Bulimia

Chứng cuồng ăn Bulimia là một trong những rối loạn ăn uống nghiêm trọng. Chứng bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn gây ra nhiều vấn đề thể chất và có thể đe dọa đến tính mạng.

Mặc dù căn nguyên bệnh chưa rõ ràng nhưng chứng cuồng ăn Bulimia có thể được kiểm soát thông qua sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý. Can thiệp điều trị sớm giúp bệnh nhân điều chỉnh thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, giảm sự ám ảnh quá mức về ngoại hình và cải thiện cuộc sống lâu dài.

Các phương pháp điều trị được áp dụng cho bệnh nhân bị chứng cuồng ăn Bulimia:

1. Sử dụng thuốc

Chứng ăn ói thường gây ra cảm giác đau khổ, tội lỗi, ám ảnh và căng thẳng. Vì vậy, sau khi chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được xem xét sử dụng thuốc. Thuốc không phải là phương pháp chính nhưng sẽ giúp nâng đỡ tinh thần trong quá trình trị liệu, đồng thời có thể giảm tần suất ăn vô độ và các hành vi tự đào thải.

chứng ăn ói
Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm để cải thiện tâm trạng

Loại thuốc được dùng cho bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn Bulimia là thuốc chống trầm cảm, trong đó thông dụng nhất là các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs). Thuốc giúp nâng cao nồng độ serotonin, từ đó cải thiện tâm trạng buồn bã, đau khổ có liên quan đến chứng ăn ói.

Thuốc chống trầm cảm thường cho tác dụng chậm sau khoảng 6 – 8 tuần sử dụng. Vì vậy, nhóm thuốc này thường được dùng dài hạn trong vài tháng. Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần chú ý một số tác dụng phụ để kịp thời thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết.

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị chứng cuồng ăn Bulimia. Phương pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp nhằm giúp bệnh nhân thay đổi quan niệm méo mó về cái đẹp, điều chỉnh thói quen ăn uống và biết cách giải tỏa các cảm xúc tiêu cực như đau khổ, xấu hổ, dằn vặt,…

chứng ăn ói
Liệu pháp tâm lý là phương pháp chính trong điều trị rối loạn ăn uống nói chung và chứng ăn ói nói riêng

Các phương pháp tâm lý trị liệu được xem xét cho bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn Bulimia bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT là phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này có hiệu quả trong điều trị các rối loạn ăn uống như chứng chán ăn tâm thần, rối loạn ăn uống vô độ, hội chứng Pica và chứng ăn ói. CBT giúp bệnh nhân điều chỉnh những nhận thức lệch lạc về ngoại hình, cân nặng,… Thông qua điều chỉnh nhận thức, bệnh nhân sẽ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và khoa học hơn.
  • Liệu pháp tương tác cá nhân (IPT): IPT thường được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm và gặp khó khăn trong các mối quan hệ. Phương pháp này giúp người bệnh giải quyết những vấn đề cá nhân và điều tiết các mối quan hệ xã hội. Thông qua IPT, bệnh nhân có thể xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, từ đó giảm bớt sự lo lắng, trầm cảm và góp phần giúp thay đổi thói quen ăn uống theo chiều hướng tích cực hơn.
  • Điều trị dựa vào gia đình (FBT): FBT là một phần trong kế hoạch điều trị chứng cuồng ăn Bulimia. Phương pháp này cần sự hỗ trợ của bố mẹ và những thành viên khác trong gia đình. Trong quá trình trị liệu, chuyên gia sẽ hướng dẫn gia đình cách điều chỉnh và kiểm soát thói quen ăn uống của bệnh nhân. Từ đó góp phần thay đổi thói quen ăn uống cực đoan và ngăn chặn được các vấn đề sức khỏe liên quan đến hành vi cuồng ăn, tự đào thải thức ăn,…

Trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn ăn uống nói chung và chứng cuồng ăn Bulimia nói riêng. Tuy nhiên, phương pháp này mất tương đối nhiều thời gian nên gia đình cần động viên, hỗ trợ để bệnh nhân kiên trì trị liệu.

3. Điều trị biến chứng

Chứng cuồng ăn Bulimia gây ra nhiều biến chứng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Do đó, bệnh nhân có thể phải điều trị biến chứng tại bệnh viện trước khi trở về nhà. Các biến chứng thường gặp bao gồm rối loạn điện giải, suy thận, rách thực quản và xuất huyết dạ dày do nôn ói quá nhiều.

4. Tư vấn dinh dưỡng

Tư vấn dinh dưỡng sẽ được thực hiện song song với trị liệu tâm lý. Bệnh nhân sẽ được chuyên gia chia sẻ về cách giảm cân khoa học và xây dựng thực đơn ăn uống cân đối, phù hợp với thể trạng. Những thông tin hữu ích liên quan đến dinh dưỡng sẽ giúp bệnh nhân có nhận thức đúng đắn và có thể điều chỉnh hành vi ăn uống cực đoan của bản thân.

Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn Bulimia nhấn mạnh vào việc người bệnh có thể duy trì cân nặng lý tưởng ngay cả khi không cần nhịn ăn. Việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh sẽ giảm đáng kể tần suất các cơn cuồng ăn. Ngoài ra, tư vấn dinh dưỡng còn giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe và bù đắp dinh dưỡng thiếu hụt do chứng cuồng ăn Bulimia gây ra.

5. Các biện pháp tự chăm sóc

Các triệu chứng của chứng cuồng ăn Bulimia sẽ thuyên giảm đáng kể sau khi điều trị. Tuy nhiên, chứng bệnh này có thể tái phát khi căng thẳng quá mức hoặc khi có yếu tố kích hoạt. Vì lý do này, bệnh nhân cần phải có các biện pháp tự chăm sóc để kiểm soát thói quen ăn uống và biết giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh nhất.

chứng ăn ói
Bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn Bulimia cần học cách thư giãn, giảm căng thẳng để quản lý bệnh thành công

Các biện pháp tự chăm sóc dành cho bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn Bulimia:

  • Trang bị kiến thức về dinh dưỡng để củng cố nhận thức đúng đắn về chế độ ăn uống, cân nặng và hình thể. Thông qua những kiến thức này, bệnh nhân có thể giữ được vóc dáng cân đối. Từ đó làm giảm sự căng thẳng, nhạy cảm trước những lời nhận xét của người khác.
  • Thực hiện các biện pháp thư giãn mỗi ngày để giải tỏa căng thẳng, phiền muộn. Các biện pháp thư giãn hữu hiệu bệnh nhân có thể áp dụng bao gồm ngồi thiền, tập yoga, xoa bóp bấm huyệt, liệu pháp mùi hương, nghe nhạc, vẽ tranh,…
  • Nếu bị tăng cân, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia dinh dưỡng và chuyên viên thể hình để được tư vấn cách giảm cân khoa học.
  • Học cách chia sẻ với mọi người xung quanh về những lo lắng, căng thẳng phải đối mặt trong cuộc sống.
  • Tham gia các hội nhóm của những người bị rối loạn ăn uống để được hỗ trợ khi cần thiết.
  • Tìm niềm vui trong cuộc sống bằng cách giúp đỡ người khác, sống có mục tiêu, tham gia các hoạt động cộng đồng,… Những hoạt động này sẽ giúp người bệnh nhận ra những điều quan trọng, ý nghĩa trong cuộc sống và giảm bớt sự ám ảnh về ngoại hình.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Chứng cuồng ăn Bulimia là một rối loạn ăn uống có mức độ nghiêm trọng. Nếu nghi ngờ người thân hoặc bạn bè mắc chứng bệnh này, cần khuyến khích bệnh nhân thăm khám và điều trị sớm. Trong trường hợp cần thiết, nên cưỡng chế bệnh nhân đến bệnh viện để ngăn chặn kịp thời những tình huống đáng tiếc.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *