Chứng sợ độ cao (Acrophobia): Nguyên nhân, Cách vượt qua
Ước tính có khoảng 2 – 5% dân số đang phải đối mặt với chứng sợ độ cao (Acrophobia). Người mắc hội chứng này thường trực sự sợ hãi vô lý và cực đoan về độ cao. Nỗi sợ mạnh mẽ đến mức khiến người bệnh né tránh nhiều tình huống trong cuộc sống và không thể kiểm soát cảm xúc, hành vi của bản thân.
Chứng sợ độ cao (Acrophobia) là gì?
Khi ở một nơi quá cao, tất cả mọi người đều sẽ có cảm giác lo lắng và bất an thoáng qua. Tuy nhiên, cảm giác này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn và không chi phối cảm xúc, hành vi một cách mạnh mẽ như hội chứng sợ độ cao. Chứng sợ độ cao là một trong những rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi thường gặp nhất. Ước tính có khoảng 2 – 5% dân số mắc phải hội chứng này và tỷ lệ cao hơn ở nữ giới (gấp 2 lần nam giới).
Hội chứng sợ độ cao (Acrophobia) là tình trạng ám ảnh và sợ hãi đến mức vô lý, cực đoan về độ cao. Khi đứng ở nơi cao, người bệnh sẽ trở nên sợ hãi, hoảng loạn cực độ đi kèm với các phản ứng thể chất như đổ mồ hôi, tim đập nhanh, đau đầu, choáng váng,… Chính cảm giác sợ hãi quá mức khiến người bệnh né tránh đến những nơi cao như tòa nhà cao tầng, ngọn núi và thậm chí không thể đi máy bay.
Chứng sợ độ cao gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống như làm giới hạn cơ hội nghề nghiệp, gây khó khăn trong quá trình học tập, làm việc,… Bên cạnh đó, người bệnh cũng khó có thể duy trì các mối quan hệ vì liên tục từ chối lời mời gặp gỡ, du lịch.
Mức độ ảnh hưởng của hội chứng này có thể nghiêm trọng hơn nếu xảy ra đồng thời với các rối loạn ám ảnh sợ hãi như chứng sợ đi máy bay, chứng sợ khoảng rộng, chứng sợ không gian hẹp. Để nâng cao chất lượng cuộc sống, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ độ cao
Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi nói chung và hội chứng sợ độ cao nói riêng. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp mắc bệnh đều hình thành từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố đã được xác định có liên quan đến hội chứng Acrophobia:
1. Trải nghiệm tiêu cực
Đa phần những trường hợp bị các chứng ám ảnh sợ đều có các trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Hội chứng sợ độ cao có thể phát triển sau những sự kiện như bị tai nạn từ trên cao, suýt ngã từ trên cao xuống, chứng kiến người khác bị tai nạn nghiêm trọng ở trên cao,… Những sự kiện này để lại tổn thương tâm lý sâu sắc và kết quả là làm phát triển nỗi sợ vô lý, cực đoan về độ cao.
Khi gặp phải tình huống tương tự, hạch hạnh nhân (cơ quan kiểm soát nỗi sợ) sẽ “kích hoạt” cảm giác sợ hãi, hoảng loạn kèm theo các triệu chứng thể chất như tăng nhịp tim, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, đau đầu, choáng váng,… để chúng ta cảm nhận được sự nguy hiểm mà tránh xa tình huống gây ra sợ hãi. Về bản chất, chứng sợ độ cao được xem là một phản xạ có điều kiện được hình thành từ những trải nghiệm trong cuộc sống. Bằng cơ chế này, các chuyên gia tâm lý có thể thay đổi phản ứng sợ hãi và hoảng loạn của người bệnh.
2. Khả năng giữ thăng bằng kém
Thống kê cho thấy, có khoảng 2 – 5% dân số mắc chứng Acrophobia và tỷ lệ cao hơn ở nữ giới. Điều này đặt ra nghi vấn liệu đặc điểm sinh học nào khiến nữ giới nhạy cảm và sợ hãi hơn với độ cao. Hiện tại, các chuyên gia ủng hộ giả thuyết hội chứng sợ độ cao được hình thành do khả năng giữ thăng bằng kém.
Nữ giới có hệ thống tiền đình nhạy cảm hơn so với nam giới nên dễ bị say xe, choáng váng và mất thăng bằng khi ở nơi cao. Vì không giữ được thăng bằng nên không ít người hình thành nỗi sợ bị té ngã, tai nạn khi lên cao. Do đó, những người có nỗi sợ vô lý về độ cao thường né tránh các tình huống gây ra nỗi sợ để cảm thấy an tâm hơn.
3. Di truyền
Giống như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, chứng Acrophobia có khả năng di truyền giữa những thành viên trong gia đình. Nếu gia đình mắc chứng bệnh này, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên đáng kể. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh cũng gia tăng nếu tiền sử gia đình bị rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ, mắc hội chứng sợ đi máy bay, chứng sợ thang máy,…
4. Kết quả của quá trình tiến hóa
Nỗi sợ và cảm giác bất an khi đứng ở nơi cao là kết quả của quá trình tiến hóa. Cảm giác này “cảnh báo” cho chúng ta thấy mối nguy hiểm khi đứng ở những nơi cao, từ đó giúp con người bảo vệ tốt bản thân và hạn chế tối đa tai nạn trong cuộc sống. Đây cũng là lý do hầu hết mọi người đều có cảm giác lo lắng thoáng qua khi đứng ở những nơi rất cao.
Tuy nhiên, một số người có thể hình thành nỗi sợ quá mức và cực đoan về độ cao. Thực tế, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra cơ chế bệnh sinh của hội chứng này nhưng quá trình tiến hóa được xem là một trong những yếu tố có liên quan.
5. Các yếu tố khác
Ngoài những nguyên nhân trên, chứng sợ độ cao còn có thể liên quan đến một số yếu tố như:
- Trẻ có thể học theo phản ứng, hành vi của người mắc hội chứng sợ độ cao, sau đó hình thành phản ứng tương tự. Vì lý do này, nhiều trẻ là con nuôi vẫn bị ảnh hưởng bởi chứng Acrophobia nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh.
- Người có tính cách bi quan, nhạy cảm, hay lo lắng và bất an sẽ có nguy cơ mắc chứng Acrophobia cao hơn so với bình thường.
- Hội chứng sợ độ cao có thể hệ quả của các hội chứng ám ảnh sợ khác như chứng sợ đi máy bay, chứng sợ những thứ khổng lồ, to lớn,…
Hầu hết các trường hợp bị hội chứng sợ độ cao (Acrophobia) đều không thể xác định được nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên với những nghiên cứu đã được thực hiện, các chuyên gia tin rằng hội chứng này có liên quan đến di truyền và tác động từ môi trường.
Hội chứng sợ độ cao biểu hiện như thế nào?
Tất cả các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi đều có cùng biểu hiện là nỗi sợ vô lý, cực đoan về đối tượng/ tình huống đi kèm với các hành vi né tránh và phản ứng thể chất khi đối mặt với tình huống gây ra nỗi sợ. Những tình huống có thể gây ra cảm giác sợ hãi cho bệnh nhân mắc chứng Acrophobia bao gồm:
- Chơi các trò chơi trên cao
- Leo núi
- Đứng ở ban công của các tòa nhà cao tầng
- Sử dụng thang máy trong suốt có thể nhìn thấy bên ngoài
- Sử dụng hầm gửi xe có nhiều tầng
- Đi qua những cây cầu lớn và cao
Khi đối diện với tình huống này, người bệnh sẽ cảm thấy sợ hãi tột độ, căng thẳng, hoảng loạn và bùng phát các triệu chứng thể chất. Thậm chí, một số người có thể trở nên hoảng loạn ngay cả khi nhìn thấy hình ảnh, video clip hoặc chỉ đơn giản là nghĩ về độ cao.
Các triệu chứng có thể gặp phải khi đối diện với tình huống gây ra nỗi sợ:
- Sợ hãi kinh hoàng
- Hoảng loạn
- Mất kiểm soát
- Tim đập nhanh
- Đau thắt ngực
- Choáng váng, lâng lâng
- Đau đầu
- Tay chân lạnh, run rẩy
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn
- Ngồi thụp xuống vì lo sợ sẽ té ngã khi đứng ở nơi cao
- Trường hợp nặng có thể ngất xỉu ngay khi nhìn thấy độ cao
Khi đối diện với nỗi sợ, người bệnh không thể kiểm soát cảm xúc và các phản ứng thể chất. Do đó, người mắc hội chứng sợ độ cao thường có các hành vi né tránh các tình huống gây ra nỗi sợ như:
- Né tránh đi cầu thang và thang máy trong suốt. Người bệnh thường chọn đi thang máy kín để tránh sợ hãi và hoảng loạn quá mức.
- Lựa chọn đường đi khác để tránh phải đi qua cầu
- Từ chối tham gia các trò chơi trên cao như nhảy dù, khinh khí cầu,…
- Lựa chọn các phương tiện giao thông khác thay vì máy bay
- Không sử dụng cáp treo, không leo núi,… vì sợ sẽ phải đối mặt với độ cao
Trong cuộc sống thường ngày, người mắc hội chứng sợ độ cao luôn thường trực cảm giác lo lắng và bất an vì sợ rằng sẽ phải đối mặt với những tình huống ở trên cao. Bệnh nhân tin rằng nếu bản thân ở trong những tình huống này chắc hẳn sẽ xảy ra tai nạn như té, ngã hoặc mắc kẹt. Nhiều người thậm chí né tránh đề cập và không xem các hình ảnh, video clip có liên quan độ cao vì bị nỗi sợ chi phối.
Chứng sợ độ cao có nguy hiểm không?
Có thể nói, chứng sợ độ cao là dạng rối loạn ám ảnh sợ hãi phổ biến nhất. Tỷ lệ dân số mắc hội chứng này dao động khoảng 2 – 5%. Chứng sợ độ cao không giống với cảm giác lo sợ thoáng qua khi đứng ở những nơi cao nên cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hội chứng sợ độ cao sẽ khiến người bệnh liên tục bị căng thẳng, lo lắng, bất an. Những cảm xúc tiêu cực này kéo dài có thể dẫn đến một loạt vấn đề sức khỏe như đau đầu, rối loạn tiền đình, đau nửa đầu, cao huyết áp và rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, chứng sợ độ cao không được điều trị cũng có thể dẫn đến các hội chứng ám ảnh sợ khác như chứng sợ đi máy bay, chứng sợ các thứ to lớn, khổng lồ,…
Ngoài những ảnh hưởng trên, người mắc chứng Acrophobia còn phải đối mặt với nhiều phiền toái từ các hành vi né tránh. Bệnh nhân thường từ chối sinh sống và làm việc ở các tòa nhà cao tầng. Từ đó vô tình giới hạn cơ hội nghề nghiệp và cản trở việc tận hưởng, trải nghiệm cuộc sống. Ngoài ra, người bệnh cũng rất e ngại khi mua sắm, vui chơi tại các trung tâm thương mại vì phải gửi xe trong hầm xe có nhiều tầng hoặc phải di chuyển đến các tầng cao.
Các hành vi né tránh sẽ khiến người bệnh khó duy trì được các mối quan hệ. Người mắc chứng sợ độ cao chỉ cảm thấy an toàn và thoải mái khi ở nhà. Do đó, không ít người nhốt mình trong nhà và chỉ ra ngoài khi cần thiết. Ngoài ra, người bệnh có thể tìm đến rượu bia, thuốc lá và chất kích thích để giải tỏa cảm xúc bất lực trong việc kiểm soát nỗi sợ của bản thân.
Đa phần người mắc hội chứng sợ độ cao đều ý thức được sự vô lý và cực đoan trong nỗi sợ của bản thân. Tuy nhiên, hội chứng sợ độ cao sẽ gây ra sự ám ảnh dai dẳng, sợ hãi và hoảng loạn không thể kiểm soát. Do đó, bệnh nhân không thể khống chế cảm xúc và hành vi của bản thân. Cảm giác bất lực sẽ khiến bệnh nhân đau khổ, căng thẳng và gia tăng tỷ lệ nghiện rượu bia.
Chẩn đoán hội chứng sợ độ cao
Hội chứng sợ độ cao (Acrophobia) cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn chặn những ảnh hưởng, biến chứng lâu dài. Tương tự như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, hội chứng này sẽ được chẩn đoán chủ yếu bằng biểu hiện lâm sàng. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể khai thác tiền sử cá nhân và gia đình để khoanh vùng các khả năng có thể xảy ra.
Hội chứng sợ độ cao có thể xảy ra đồng thời với các vấn đề tâm lý, tâm thần khác như rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm và các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác. Trong trường hợp này, quá trình chẩn đoán sẽ mất nhiều thời gian hơn do các triệu chứng nhập nhằng, chồng chéo. Khi chẩn đoán hội chứng Acrophobia, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5) để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Các phương pháp điều trị chứng sợ độ cao
Chứng sợ độ cao (Acrophobia) có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, thuốc và đôi khi phải kết hợp cả hai. Nếu tích cực điều trị, bệnh nhân có thể chiến thắng nỗi sợ của bản thân, từ đó có thể trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn.
Dưới đây là các phương pháp thường được áp dụng trong quá trình điều trị hội chứng sợ độ cao:
1. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý được đánh giá cao về hiệu quả trong điều trị các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi nói chung và chứng sợ độ cao nói riêng. Phương pháp này tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ (nhận thức) không phù hợp và giúp bệnh nhân thích nghi dần với các tình huống gây ra nỗi sợ hãi. Bên cạnh đó, trị liệu tâm lý còn trang bị cho người bệnh các biện pháp thư giãn và kỹ năng đối phó với cảm xúc tiêu cực.
Các phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ độ cao:
- Liệu pháp giải mẫn cảm
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
- Liệu pháp thôi miên
Trong các phương pháp tâm lý trị liệu, liệu pháp giải mẫn cảm (liệu pháp tiếp xúc) được đánh giá là giải pháp tối ưu đối với chứng sợ độ cao. Để mang lại kết quả khả quan nhất, chuyên gia thường thực hiện song song cả liệu pháp tiếp xúc với liệu pháp nhận thức hành vi (CBT).
Liệu pháp thôi miên ít được áp dụng vì đa phần bệnh nhân đều không chấp nhận trị liệu. Tuy nhiên, liệu pháp này giúp ích rất nhiều trong việc thay đổi những suy nghĩ và quan niệm sai lệch về độ cao. Liệu pháp thôi miên thường được thực hiện đồng thời với CBT để tối ưu hiệu quả.
2. Sử dụng thuốc
Đa số bệnh nhân bị chứng sợ độ cao đều được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và hiếm khi phải sử dụng thuốc. Thuốc chỉ được cân nhắc sử dụng khi bệnh nhân có biểu hiện lo lắng, căng thẳng, hoảng loạn và phiền muộn. Ngoài ra, thuốc có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng thể chất có liên quan đến hội chứng sợ độ cao.
Các loại thuốc được cân nhắc sử dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ độ cao:
- Thuốc an thần
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc chống trầm cảm
Trong trường hợp chứng sợ độ cao xảy ra đồng thời với các vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm, rối loạn hoảng sợ,… thuốc sẽ được dùng lâu dài và đồng thời là phương pháp chính bên cạnh trị liệu tâm lý.
3. Các biện pháp hỗ trợ
Đa phần các trường hợp bị chứng sợ độ cao đều có đáp ứng tốt với trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, để tối ưu hiệu quả, bệnh nhân nên thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ khác sau đây:
- Bệnh nhân mắc chứng sợ độ cao nên trang bị các biện pháp thư giãn để giảm căng thẳng, lo lắng thường trực. Các biện pháp thư giãn được khuyến khích thực hiện bao gồm hít thở sâu, ngồi thiền, tập yoga, tắm nước ấm, massage,…
- Người mắc chứng Acrophobia thường có suy nghĩ tiêu cực về độ cao. Do đó, nên tìm cách viết ra suy nghĩ của bản thân để có thể dần dần thay đổi suy nghĩ và chiến thắng nỗi sợ.
- Một lối sống khoa học sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giải tỏa căng thẳng và kiểm soát nỗi sợ. Chính vì thế, bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ đúng giờ, đủ giấc và tập thể dục thường xuyên. Lối sống lành mạnh còn giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của chứng Acrophobia đối với sức khỏe thể chất.
- Tránh xa rượu bia, chất gây nghiện và thuốc lá. Ngoài ra, người bệnh cũng nên hạn chế lượng caffeine dung nạp trong ngày.
- Có thể vượt qua nỗi sợ bằng cách tập leo cầu thang. Mỗi ngày, bệnh nhân có thể di chuyển vài bậc để cơ thể thích nghi dần. Nếu cần thiết, nên nhờ sự hỗ trợ của gia đình để có cảm giác an toàn hơn khi đối mặt với các tình huống gây ra sự sợ hãi.
- Chứng sợ độ cao là một trong những nỗi ám ảnh thường gặp nhất. Vì vậy, bệnh nhân có thể tham gia các hội nhóm để được hỗ trợ. Ngoài việc có thêm kinh nghiệm để quản lý bệnh, người bệnh còn có cơ hội được chia sẻ, bộc lộ cảm xúc và mở rộng các mối quan hệ.
Chứng sợ độ cao (Acrophobia) là một trong những rối loạn ám ảnh sợ hãi phổ biến nhất. Nỗi sợ quá mức và cực đoan về độ cao gây ra không ít cản trở trong cuộc sống. Do đó, người bệnh nên tìm sự giúp đỡ của bác sĩ và chuyên gia tâm lý để được trị liệu sớm nhất.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng sợ tiếng ồn (Misophonia): khắc phục như thế nào?
- Chứng sợ lái xe (Amaxophobia) do đâu? Làm sao vượt qua?
- Nỗi sợ hãi là gì? Nguyên nhân và cách vượt qua nỗi sợ hãi
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!