Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng (Night terror) là gì?
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng nghe có vẻ xa lạ nhưng thực chất lại là rối loạn khá phổ biến. Hội chứng này có biểu hiện chính là thức giấc đột ngột trong trạng thái hoảng loạn, sợ hãi vào ban đêm. Đối tượng có nguy cơ cao là trẻ em dưới 5 tuổi (khoảng 40%) và rất ít khi phát triển ở người trưởng thành.
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là gì?
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng (Night Terror hay Sleep Terror) là hiện tượng thường xảy ra vào nửa đầu buổi đêm, sau khi bệnh nhân ngủ sâu một vài tiếng thì đột ngột thức dậy với trạng thái sợ hãi, lo lắng, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, thở gấp… nhưng người bệnh không hề tỉnh và không nhận thức được điều này, ngay cả khi mở mắt.
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng còn được biết đến với những cái tên khác như cơn khiếp sợ trong đêm hay chứng kinh hoàng ban đêm. Hội chứng này chủ yếu gặp ở trẻ em, khoảng 40% trẻ dưới 10 tuổi từng có ít nhất một lần thức giấc đột ngột với các biểu hiện kinh hoàng, sợ hãi cực độ. Mỗi cơn “kinh hoàng” thường kéo dài khoảng 1 – 10 phút và tần suất xảy ra trung bình từ 2 – 3 lần/ tuần.
Chứng kinh hoàng ban đêm thường xuất hiện trong giai đoạn 3 của chu kỳ N-REM (giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh). Đây là giai đoạn ngủ sâu và tất cả các hoạt động đều chậm lại. Hội chứng này có thể đi kèm với mộng du và một số rối loạn giấc ngủ khác.
Nhìn chung, hội chứng giấc ngủ kinh hoàng không thực sự nguy hiểm. Tình trạng thường sẽ tự thuyên giảm khi đến giai đoạn thanh thiếu niên. Hầu hết các trường hợp đều có cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp không dùng thuốc và rất ít khi phải điều trị y tế.
Dấu hiệu của hội chứng giấc ngủ kinh hoàng
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng rất dễ bị nhầm lẫn với ác mộng. Tuy nhiên, khi gặp phải ác mộng, trẻ vẫn có thể nhớ rõ giấc mơ kinh khủng mà mình gặp phải. Trong khi đó, trẻ mắc chứng giấc ngủ kinh hoàng dường như không nhớ gì về sự việc đã xảy ra.
Hơn nữa, trạng thái lo lắng, hoảng sợ trong hội chứng này không liên quan đến giấc mơ. Các triệu chứng có rất nhiều điểm tương đồng với cơn hoảng sợ trong rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt.
Các dấu hiệu nhận biết chứng kinh hoàng ban đêm:
- Thức dậy một cách đột ngột với đôi mắt mở to đầy sợ hãi và lo lắng
- La hét hoặc cố gắng nói gì đó nhưng thường không rõ nghĩa
- Đổ mồ hôi, người nóng bừng
- Tim đập nhanh
- Thở nhanh
- Một số trường hợp có biểu hiện đấm đá, vung tay chân, chạy trốn khỏi một điều gì đó. Thậm chí có hành vi tấn công người đánh thức.
- Trong cơn kinh hoàng, trẻ có vẻ tỉnh táo nhưng lại không thể giao tiếp khi được những người xung quanh hỏi han, quan tâm. Trẻ có thể không phản ứng hoặc tỏ ra bối rối, chậm chạp khi trả lời.
- Đa phần người mắc hội chứng này đều không nhớ được sự việc. Nếu xảy ra ở người lớn, một phần nhỏ ký ức có thể được nhớ lại nhưng thường không hoàn chỉnh.
- Mỗi cơn “kinh hoàng” thường sẽ kéo dài từ 1 – 10 phút nhưng cũng có khi lên đến 20 – 30 phút. Sau khi kết thúc cơn, giấc ngủ sẽ quay trở lại. Trong khi đó, những người gặp phải ác mộng gần như không thể ngủ lại hoặc trằn trọc rất lâu mới có thể quay lại giấc ngủ.
- Trong một số trường hợp, hội chứng giấc ngủ kinh hoàng có thể xảy ra đồng thời với mộng du. Tình trạng này đi kèm với nguy cơ gây thương tích cho những người xung quanh và chính bản thân trẻ.
Khi đo điện não đồ (EEG) cho trẻ bị hội chứng giấc ngủ kinh hoàng, các chuyên gia nhận thấy điện áp rất cao, nhịp tim tăng lên (có thể gấp đôi) đi kèm với tăng trương lực cơ. Vì vậy, trong cơn kinh hoàng, đa phần đều có các biểu hiện thể chất là giãn đồng tử, toát mồ hôi, mặt đỏ bừng… dù không gặp phải ác mộng.
Nguyên nhân gây ra Night Terror
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng chủ yếu gặp ở trẻ từ 3 – 5 tuổi và có xu hướng tự thuyên giảm sau khi đến giai đoạn thanh thiếu niên. Thống kê cũng cho thấy, chỉ có khoảng 2.2% người lớn, trong đó dưới 1% người trên 65 tuổi mắc phải hội chứng này.
Tương tự như các rối loạn giấc ngủ khác, nguyên nhân gây chứng kinh hoàng ban đêm chưa được biết rõ. Các chuyên gia không thể tìm được nguyên nhân đơn nhất giải thích cho các triệu chứng gặp phải. Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng có thể là kết quả của nhiều yếu tố cộng hưởng, bao gồm:
1. Yếu tố di truyền
Di truyền là một trong những giả thuyết lý giải hội chứng giấc ngủ kinh hoàng. Nhiều bằng chứng cho thấy, nguy cơ mắc hội chứng này tăng lên đáng kể nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh, đặc biệt là người thân trực hệ.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị chứng kinh hoàng ban đêm nếu bố mẹ, anh chị em ruột đang từng bị mộng du. Cả hai rối loạn này đều xảy ra trong giai đoạn ngủ sâu. Vì vậy, các chuyên gia tin rằng đã có vấn đề bất thường ở nhiễm sắc thể ảnh hưởng về mặt sinh học và điều này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến rối loạn trong chu kỳ N-REM.
2. Ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng đã được chứng minh có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như sốt cao, mất ngủ, mệt mỏi cực độ, rối loạn nhịp sinh học (thường do di chuyển giữa các múi giờ), hội chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân tay bồn chồn, đau nửa đầu,… Các vấn đề sức khỏe này sẽ ảnh hưởng đến sóng não delta dẫn đến hiện tượng thức giấc đột ngột.
Một vài nghiên cứu gần đây cho thấy, chứng kinh hoàng ban đêm thường xảy ra ở người bị chấn thương ở thân não và đồi thị. Trẻ bị động kinh thùy trán cũng có nguy cơ phát triển chứng mộng du và hội chứng giấc ngủ kinh hoàng cao hơn so với bình thường.
3. Căng thẳng về mặt tâm lý
Căng thẳng cũng là nguyên nhân được thừa nhận có liên quan đến hội chứng giấc ngủ kinh hoàng. Khi ở trạng thái stress, não bộ rất dễ bị rối loạn. So với người lớn, ngưỡng chịu đựng stress của trẻ em kém hơn do chưa có kỹ năng điều chỉnh cảm xúc và giải tỏa căng thẳng.
Stress tích tụ có thể gây đả kích tinh thần và dẫn đến hội chứng giấc ngủ kinh hoàng. Trên thực tế, hội chứng này thường xảy ra khi trẻ vừa thay đổi môi trường sống, bố mẹ ly hôn, trẻ phải chịu cú sốc do mất người thân hoặc suýt bị chết đuối, bắt cóc…
4. Lạm dụng rượu, chất kích thích
Rượu, chất gây nghiện là một trong những tác nhân gây ra chứng kinh hoàng ban đêm. Các chất này đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của não bộ. Vì vậy, rất có thể đây là nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ nói chung và chứng kinh hoàng ban đêm nói riêng.
5. Các rối loạn tâm lý, tâm thần
Ngoài các vấn đề sức khỏe thể chất, hội chứng giấc ngủ kinh hoàng có thể liên quan đến các rối loạn tâm lý, tâm thần như rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), rối loạn lo âu, trầm cảm… Các chuyên gia cũng thấy rằng, những người bị rối loạn nhân cách phân liệt, rối loạn nhân cách ranh giới cũng sẽ có nguy cơ cao phải triển hội chứng này.
Đến nay, nguyên nhân xác gây ra hội chứng giấc ngủ kinh hoàng vẫn chưa được biết rõ. Dù vậy, qua những nghiên cứu đã thực hiện, khoa học phần nào đã có thể biết được những yếu tố góp phần gây ra rối loạn này.
Ảnh hưởng của hội chứng giấc ngủ kinh hoàng
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là rối loạn giấc ngủ thường gặp ở trẻ nhỏ. Nhìn chung, hội chứng này không quá nghiêm trọng. Đa phần đều có thể cải thiện bằng biện pháp không dùng thuốc hoặc tự thuyên giảm khi trưởng thành. Sau giai đoạn 10 – 12 tuổi, các cơn “kinh hoàng” vào ban đêm gần như không lặp lại.
Dẫu vậy, hội chứng giấc ngủ kinh hoàng vẫn gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Mức độ ảnh hưởng có mối liên hệ mật thiết với tần suất của các cơn. Nếu xảy thường xuyên hơn 2 lần/ tuần, trẻ sẽ không tránh khỏi những biến chứng sau:
- Chất lượng giấc ngủ giảm: Hậu quả thường thấy của hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là giảm chất lượng giấc ngủ. Cơn kinh hoàng xuất hiện khoảng 10 – 30 phút mỗi đêm sẽ khiến thời gian ngủ bị rút ngắn, giấc ngủ không sâu. Kết quả là gây mệt mỏi sau khi thức dậy và buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
- Gây thương tích: Một số trường hợp có thể gây thương tích cho những người xung quanh trong cơn “kinh hoàng”. Trẻ có xu hướng vung tay chân, đấm đá, thậm chí là hung hăng khi bị đánh thức. Hành vi trốn chạy, hoảng loạn trong cơn cũng khiến trẻ tự gây thương tích cho bản thân.
- Làm nghiêm trọng các vấn đề sức khỏe khác: Các rối loạn giấc ngủ nói chung và hội chứng giấc ngủ kinh hoàng nói riêng đều có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe thể chất và tinh thần. Khi mắc hội chứng này, các vấn đề sức khỏe sẽ có xu hướng nghiêm trọng hơn, nhất là các rối loạn tâm lý, tâm thần và các chứng bệnh xuất hiện vào ban đêm (hen suyễn, hội chứng chân tay bồn chồn, hội chứng ngưng thở khi ngủ).
Biện pháp chẩn đoán hội chứng giấc ngủ kinh hoàng
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng đã được công nhận là một loại rối loạn giấc ngủ. DSM (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần) đã xây dựng bộ tiêu chí đầy đủ giúp chẩn đoán xác định hội chứng này.
Tuy nhiên, để xác định được nguyên nhân cụ thể, bệnh nhân sẽ phải thực hiện khá nhiều bước kiểm tra bao gồm:
- Khám sức khỏe tổng quát: Bước này sẽ giúp bác sĩ khoanh vùng các vấn đề có thể liên quan đến rối loạn trong giấc ngủ. Để quá trình sàng lọc diễn ra thuận lợi, nên chủ động trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh lý và các vấn đề sức khỏe hiện tại.
- Trao đổi về triệu chứng: Bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân và người thân về các triệu chứng gặp phải. Do bản thân người mắc chứng giấc ngủ kinh hoàng không thể nhớ được sự việc đã xảy ra. Vì vậy, người thân cần hỗ trợ trong khâu thăm khám để kết quả chẩn đoán được khách quan nhất.
- Đo đa ký giấc ngủ: Đo đa ký giấc ngủ sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác toàn diện giấc ngủ. Với kỹ thuật này, chuyên gia dễ dàng nhận ra bất thường về sóng não, nhịp thở, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu, cử động tay chân… trong chu kỳ N-REM.
Sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước trên, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán trong DSM phiên bản thứ 5:
- Các cơn “kinh hoàng” lặp lại nhiều lần và thường xuất hiện trong chu kỳ N-REM. Mặc dù thức dậy đột ngột nhưng bệnh nhân không hoàn toàn thoát khỏi giấc ngủ.
- Cơn “kinh hoàng” thường bắt đầu bằng tiếng hét hoảng loạn, khuôn mặt thể hiện rõ sự sợ hãi, lo lắng và có các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh tự chủ (tăng nhịp tim, nhịp thở, đổ mồ hôi…).
- Không nhớ được sự việc đã xảy ra hoặc chỉ nhớ được một phần rất nhỏ.
- Các cơn “kinh hoàng” phải đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động của cá nhân người bệnh.
- Rối loạn này không phải là kết quả của bệnh lý tổng quát, thuốc hay chất.
- Khi hội chứng giấc ngủ kinh hoàng xảy ra, hoàn toàn không có sự xuất hiện đồng thời của các rối loạn tâm thần.
Chẩn đoán Night terror trên thực tế có thể khó khăn hơn ở những người mắc đồng thời nhiều rối loạn giấc ngủ. Bác sĩ cũng sẽ chẩn đoán phân biệt hội chứng này với ác mộng và các rối loạn giấc ngủ khác.
Cách khắc phục hội chứng giấc ngủ kinh hoàng
Ở trẻ em, hội chứng giấc ngủ kinh hoàng có thể tự thuyên giảm sau khi trưởng thành và không cần phải điều trị. Tuy nhiên đối với người lớn, điều trị gần như là bắt buộc nếu tần suất xảy ra quá thường xuyên.
Dù không phải điều trị y tế, gia đình vẫn cần thực hiện một số biện pháp hỗ trợ để giúp giảm ảnh hưởng của hội chứng này đối với giấc ngủ và sức khỏe của trẻ. Dưới đây là các phương pháp được đề xuất với mục đích khắc phục chứng kinh hoàng ban đêm:
1. Điều trị các bệnh lý liên quan
Biện pháp đầu tiên được cân nhắc đối với hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan. Trong khâu thăm khám, bác sĩ sẽ sàng lọc các bệnh lý có thể gây ra hội chứng này như hội chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng tay chân bồn chồn, hen suyễn, trào ngược dạ dày – thực quản…
Điều trị bệnh lý nguyên nhân có thể giảm đáng kể các triệu chứng hoảng sợ, lo lắng, bồn chồn… giữa đêm. Bên cạnh đó, tần suất gặp phải các cơn cũng được cải thiện rõ rệt.
2. Giảm căng thẳng
Biện pháp kế tiếp chính là giải tỏa căng thẳng. Stress có thể là yếu tố dẫn đến các cơn kinh hoàng vào ban đêm. Bằng cách giải tỏa tinh thần và cân bằng cảm xúc, hội chứng này sẽ có những cải thiện đáng kể.
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng thường xuất hiện khi thay đổi môi trường sống đột ngột, không thích nghi được với trường lớp, gia đình có nhiều biến cố… Trong giai đoạn này, phụ huynh nên trấn an tinh thần và giải đáp mọi thắc mắc để giúp trẻ cảm thấy an tâm, tránh tâm lý căng thẳng.
3. Tạo thói quen tốt cho giấc ngủ
Tạo thói quen tốt cho giấc ngủ là một phần quan trọng trong kế hoạch khắc phục chứng kinh hoàng ban đêm. Các biện pháp này thực sự mang lại hiệu quả đối với cả trẻ em và người lớn.
Các thói quen tốt có thể làm giảm triệu chứng của Night terror:
- Dọn dẹp phòng ngủ, trang trí không gian theo đúng sở thích nhằm tạo cảm giác thoải mái khi ngủ. Thường xuyên giặt giũ mền gối, ga giường để tránh gây xót, ngứa ngáy.
- Nên có đèn ngủ để tránh cảm giác bất an (nhất là đối với trẻ nhỏ). Bố mẹ nên lựa chọn đèn ngủ có màu sắc nhẹ nhàng nhằm tạo được cảm giác an toàn, dễ chịu.
- Không ngủ quá nhiều vào ban ngày, chỉ nên ngủ trưa khoảng 20 – 30 phút. Thói quen này sẽ giúp giấc ngủ vào ban đêm được sâu hơn và ít khi thức giấc giữa đêm.
- Không xem phim ảnh hoặc tiếp xúc với những thông tin tiêu cực trước khi ngủ. Nên giữ tinh thần thoải mái bằng cách đọc truyện, xem phim có nội dung nhẹ nhàng.
- Tránh sử dụng rượu bia, trà đặc, cà phê sau 12 giờ trưa. Caffeine và chất kích thích trong các loại thức uống này sẽ gia tăng rối loạn bên trong não bộ.
- Không ăn khuya hoặc ăn tối quá no vì dễ gây khó ngủ, mất ngủ. Với những người bị trào ngược dạ dày thực quản, thói quen này sẽ khiến triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và tần suất gặp phải nỗi kinh hoàng vào ban đêm cũng có xu hướng gia tăng.
Các biện pháp này giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ ở cả trẻ em và người trưởng thành. Khi giấc ngủ được cải thiện, tình trạng buồn ngủ quá mức, mệt mỏi vào ngày hôm sau sẽ được hạn chế tối đa.
4. Tạo dựng môi trường an toàn
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng gần như là vô hại. Tuy nhiên, phản ứng kích động và hung hăng có thể dẫn đến tự gây thương tích cho chính bản thân và những người xung quanh. Để tránh những tình huống đáng tiếc, cần phải tạo môi trường an toàn tuyệt đối khi ngủ.
Không nên để vật nhọn, các đồ dùng sắc bén bên trong phòng. Đóng kín cửa sổ và cửa chính để tránh trường hợp trẻ “chạy trốn” trong cơn kinh hoàng. Đối với trẻ nhỏ, nên sắp xếp có người ngủ cùng để có thể hỗ trợ khi cần.
5. Trấn an trong cơn kinh hoàng
Night terror xuất hiện, cha mẹ cần phải học cách đối phó để tránh tâm lý kích động ở trẻ. Dưới đây là một số cách giúp trấn an hiệu quả:
- Vấn đề đầu tiên cần lưu ý là không nên cố ý đánh thức trẻ trong cơn kinh hoàng. Việc này có thể dẫn đến hành vi kích động, đấm đá, vung tay chân gây thương tích cho bố mẹ hoặc những người xung quanh.
- Trong cơn kinh hoàng, hãy cố gắng đảm bảo sự an toàn cho trẻ và chờ đợi nó qua đi.
- Sau đó, nên âu yếm, vỗ về để trấn an nhằm giúp trẻ giảm la hét, trở nên bình tĩnh và thoải mái hơn. Sau khoảng 1 – 10 phút, trẻ có thể quay trở lại giấc ngủ và không gặp phải bất cứ mối nguy hại nào.
6. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý đem lại hiệu quả trong một số trường hợp như hội chứng giấc ngủ kinh hoàng do sang chấn tâm lý hoặc liên quan đến trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương… Liệu pháp này giúp giải quyết các vướng mắc về mặt tâm lý, từ đó giảm hội chứng giấc ngủ kinh hoàng và các rối loạn giấc ngủ có liên quan.
Trường hợp không có hiệu quả khi thực hiện các biện pháp trên, liệu pháp thôi miên có thể được cân nhắc. Mục đích của liệu pháp này là làm giảm sự nhạy cảm trong các cơn kinh hoàng. Qua đó giúp tình trạng hoảng loạn, sợ hãi và các triệu chứng rối loạn thần kinh tự trị giảm đi đáng kể.
7. Sử dụng thuốc
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng ở trẻ em thường không có chỉ định dùng thuốc. Tuy nhiên ở người lớn, thuốc sẽ được cân nhắc khi các phương pháp trên không mang lại hiệu quả.
Các loại thuốc được cân nhắc trong điều trị hội chứng giấc ngủ kinh hoàng:
- Thuốc an thần benzodiazepin
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng (Night terror) là một loại rối loạn giấc ngủ khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Nhìn chung, rối loạn này không gây nguy hiểm đến sức khỏe và có thể tự thuyên giảm sau khi trưởng thành. Tuy nhiên nếu cơn kinh hoàng xuất hiện thường xuyên, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng hoảng sợ khi ngủ: Nguyên nhân và cách vượt qua
- Mối liên hệ giữa chứng mất ngủ và trầm cảm bạn nên biết
- Căng Thẳng Stress Gây Mất Ngủ Và Cách Khắc Phục Hiệu Quả
- Rối loạn ác mộng là gì? Nên làm gì để lấy lại giấc ngủ ngon?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!