Hiểu rõ hơn về rối loạn bùng phát gián đoạn (IED)
Rối loạn bùng phát gián đoạn đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của các cơn bốc đồng, hung hăng và thịnh nộ. Các cơn phát bệnh xuất hiện đột ngột và kéo dài dưới 30 phút. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị tối ưu nhưng trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc đã được chứng minh có thể quản lý bệnh hiệu quả.
Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) là gì?
Rối loạn bùng phát gián đoạn (Tiếng Anh: Intermittent Explosive Disorder/ IED) là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi các cơn hung hăng, bạo lực và thịnh nộ bùng phát đột ngột có tính chất lặp đi lặp lại. Khác với tức giận thông thường, sự phẫn nộ và các hành vi bạo lực của bệnh nhân hoàn toàn không tương xứng với mức độ của tình huống.
Cơn thịnh nộ được thể hiện trong lời nói và hành vi, có thể bùng phát đột ngột trong gia đình, nơi làm việc hoặc ở trên đường. Trong cơn thịnh nộ, bệnh nhân thường có các hành vi bạo lực như đập phá đồ đạc, gây hấn và đánh dập người khác. Các giai đoạn này bùng phát một cách đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước, khác với tình trạng nổi nóng và gây hấn thông thường.
Sự bùng phát các cơn thịnh nộ và hung hăng gây ra sự đau khổ nhất định cho bệnh nhân. Ngoài ra, lời nói và hành vi bạo lực cũng khiến người bệnh phải đối mặt với những phiền toái trong cuộc sống và đôi khi phải hầu tòa vì những hành vi làm tổn thương tinh thần, thể chất của người khác.
Rối loạn bùng phát gián đoạn là một dạng rối loạn tâm thần mãn tính, các giai đoạn bệnh có thể tái phát trong nhiều năm. Theo thống kê, mức độ nghiêm trọng của các đợt thịnh nộ và hung hăng giảm dần theo độ tuổi. Dù vậy, để tránh những phiền toái trong cuộc sống và bảo vệ những người xung quanh, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị sớm.
Nguyên nhân gây rối loạn bùng phát gián đoạn
Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) thường khởi phát từ thời thơ ấu cho đến giai đoạn thanh thiếu niên. Sau đó, bệnh tiến triển dai dẳng trong nhiều năm nếu không được điều trị. Giống với các dạng rối loạn tâm thần khác, nguyên nhân gây ra chứng bệnh này chưa được phát hiện.
Các chuyên gia cho rằng, IED là kết quả của yếu tố di truyền và môi trường sống. Bên cạnh đó, bất thường về nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của rối loạn bùng phát gián đoạn:
- Gen di truyền: Gen di truyền là yếu tố có vai trò trong cơ chế bệnh sinh của IED và các rối loạn tâm thần khác. Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên đáng kể nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh. Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm được gen gây bệnh nhưng các nghiên cứu đều cho thấy vai trò rõ ràng của yếu tố di truyền.
- Môi trường sống: Người sống trong môi trường bạo lực, thường xuyên có xung đột, gây hấn nhiều khả năng sẽ phát triển chứng rối loạn bùng phát gián đoạn, rối loạn hành vi,… Trong khi đó, trẻ được nuôi dạy trong môi trường lành mạnh sẽ ít có khả năng mắc bệnh.
- Nồng độ serotonin thấp: Serotonin là chất hóa học quan trọng chi phối cảm xúc, trí nhớ và các hoạt động của cơ thể. Nồng độ serotonin thấp được xác định có liên quan đến các cơn bốc đồng, hung hăng ở bệnh nhân rối loạn bùng phát gián đoạn.
Ngoài những yếu tố chính trên, các chuyên gia cũng nhận thấy rối loạn bùng phát gián đoạn thường xảy ra ở các nhóm đối tượng sau:
- Nam giới: Nam giới sẽ có tỷ lệ mắc chứng IED cao hơn so với nữ giới. Bởi phái mạnh thường có tính cách hung hăng, bạo lực hơn so với phái nữ. Tuy nhiên, giới tính chỉ là yếu tố có tính chất tương đối.
- Trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): Rối loạn bùng phát gián đoạn thường xảy ra ở thời thơ ấu hoặc giai đoạn thanh thiếu niên, sau đó tiến triển theo thời gian. Các chuyên gia cho rằng, người trẻ thường thiếu kinh nghiệm sống và không có kỹ năng kiểm soát cảm xúc nên nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn so với người trung niên.
- Liên tục đối mặt với sang chấn tâm lý: Đối mặt với sang chấn tâm lý liên tục sẽ gây ra sự kìm nén về mặt cảm xúc. Đến một thời điểm nào đó, bệnh nhân sẽ bùng nổ với các cơn thịnh nộ, hung hăng và bạo lực.
- Có sẵn các rối loạn tâm thần: Các chuyên gia nhận thấy, những người mắc các rối loạn tâm thần có liên quan đến hành vi bốc đồng sẽ có nguy cơ bị IED cao hơn. Chẳng hạn như rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn tăng động giảm chú ý,…
Hiện nay, nguyên nhân gây rối loạn bùng phát gián đoạn chưa được làm rõ. Đây cũng là lý do rất khó có thể điều trị và phòng ngừa bệnh hoàn toàn. Cách tốt nhất để hạn chế ảnh hưởng của bệnh là phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn bùng phát gián đoạn
Rối loạn bùng phát gián đoạn có triệu chứng bùng phát đột ngột, dữ dội và không có dấu hiệu cảnh báo trước. Mỗi cơn thịnh nộ, bốc đồng, hung hăng sẽ kéo dài dưới 30 phút và có xu hướng lặp đi lặp lại thường xuyên (cách nhau khoảng vài tuần đến vài tháng).
Tùy theo từng bệnh nhân, sự thịnh nộ và hung hăng có thể được thể hiện qua lời nói hoặc hành vi. Mức độ nguy hiểm của các cơn phát bệnh cũng sẽ có sự khác biệt ở từng bệnh nhân cụ thể.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn bùng phát gián đoạn:
- Xuất hiện cơn thịnh nộ, bốc đồng một cách đột ngột
- Trong cơn phát bệnh, bệnh nhân có biểu hiện la hét, tranh cãi gay gắt, nóng nảy và không kiểm soát được lời nói
- Thể hiện rõ sự thịnh nộ thông qua lời nói và biểu cảm khuôn mặt
- Tâm trạng không ổn định, dễ cáu gắt, tức giận với mức độ không tương xứng với tình huống
- Bệnh nhân thường có hành vi đấm vào tường, phá hoại đồ đạc,…
- Có các hành vi gây hấn như tát, xô đẩy, đấm người khác. Trường hợp nặng có thể xảy ra ẩu đả, bạo lực gia đình và các hành vi đe dọa hành hung động vật, con người.
- Trong các cơn thịnh nộ, bệnh nhân thường có các ý nghĩ hoang tưởng (đa phần là hoang tưởng bị truy hại). Hoang tưởng chi phối khiến bệnh nhân có hành vi hành hung và bạo lực với những người xung quanh.
- Đi kèm với các triệu chứng thể chất như tăng năng lượng, tức ngực, đánh trống ngực, đau đầu, căng cơ, ngứa ran,…
Một số người có biểu hiện tách rời cảm xúc trong các cơn hung hăng và bốc đồng. Sau khi phẫn nộ đi qua, người bệnh có cảm giác nhẹ nhõm, mệt mỏi, sau đó sẽ xuất hiện cảm giác tội lỗi và hối hận. Những cảm xúc này gây ra sự đau khổ, căng thẳng cho người bệnh.
Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) có nguy hiểm không?
Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân và cuộc sống của những người xung quanh. Vì các cơn bốc đồng và hung hăng khởi phát bất ngờ, không có dấu hiệu báo trước nên bệnh nhân và những người xung quanh không có sự chuẩn bị để ứng phó.
Thực tế, IED là chứng bệnh ít phổ biến nên không được quan tâm nhiều. Do đó, đa số bệnh nhân đều bị cho là người bạo lực, hung hăng, tính cách bốc đồng và thiếu kiểm soát. Những định kiến này cũng vô tình làm gia tăng sự tội lỗi, căng thẳng và đau khổ cho người bệnh.
Nếu không được điều trị, rối loạn bùng phát gián đoạn có thể gây ra các biến chứng nặng nề như:
- Xung đột, mâu thuẫn với những người xung quanh vì các hành vi, lời nói nặng nề trong các cơn bốc đồng.
- Nguy cơ thất nghiệp cao do hành vi bạo lực, gây hấn, lời nói gay gắt và thiếu chuẩn mực.
- Cơn thịnh nộ bùng phát ở ngoài đường có thể khiến bệnh nhân bị tai nạn xe, dính líu đến luật pháp và phải đối mặt với nhiều vấn đề tài chính.
- Sau các cơn bốc đồng, bệnh nhân thường có cảm giác tội lỗi vì không hiểu rõ nguyên nhân vì sao bản thân lại có các hành vi hung hăng và lời nói gay gắt. Điều này cộng với những ảnh hưởng của IED chính là điều kiện để các rối loạn cảm xúc phát triển. Đa số bệnh nhân mắc chứng bệnh này đều có dấu hiệu trầm cảm, stress, rối loạn lo âu,…
- Gia tăng tỷ lệ lạm dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích
- Trong các cơn phẫn nộ, hormone cortisol và epinephrine tăng mạnh gây ra các triệu chứng thể chất. Tình trạng này kéo dài làm gia tăng các vấn đề sức khỏe như đau mãn tính, cao huyết áp, tiểu đường và các vấn đề về tim mạch. Đối với những người có sẵn các bệnh mãn tính, rối loạn bùng phát gián đoạn có thể gia tăng mức độ của các triệu chứng và biến chứng.
- Rối loạn bùng phát gián đoạn kéo dài có thể khiến bệnh nhân thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát.
Nếu không được thăm khám sớm, bệnh nhân IED có xu hướng sống cô lập và gần như không thể kết hôn. Một số bệnh nhân kết hôn nhưng đa phần đều ly hôn do bạn đời không thể chịu được lời nói và hành vi có tính chất hung hăng, bạo lực.
Chẩn đoán rối loạn bùng phát gián đoạn
Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) đã được công nhận là rối loạn tâm thần chính thức trong DSM-5. Các bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 để đưa ra chẩn đoán xác định đối với bệnh lý này.
Các bước chẩn đoán rối loạn bùng phát gián đoạn:
- Kiểm tra sức khỏe thể chất và loại trừ khả năng nghiện rượu, chất kích thích dẫn đến những hành vi bốc đồng, hung hăng,…
- Đánh giá tâm lý và khai thác triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải
- Một số bệnh nhân sẽ phải thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ các khả năng khác có thể xảy ra
- Sử dụng tiêu chuẩn trong DSM-5 để đưa ra chẩn đoán xác định
Các phương pháp điều trị rối loạn bùng phát gián đoạn
Rối loạn bùng phát gián đoạn cần được điều trị trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược là hai phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ để tối ưu hiệu quả.
Các phương pháp được cân nhắc trong quá trình điều trị rối loạn bùng phát gián đoạn:
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp mang lại hiệu quả cao đối với chứng rối loạn bùng phát gián đoạn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách trò chuyện giữa nhà trị liệu và bệnh nhân. Nhà trị liệu sẽ lựa chọn hướng can thiệp để làm thay đổi tư duy (nhận thức), cảm xúc và hành vi lệch lạc.
Đối với rối loạn bùng phát gián đoạn, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Phương pháp này giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ và hành vi tiêu cực, không phù hợp. Đồng thời trang bị kỹ năng thư giãn, giải tỏa căng thẳng và học cách kiểm soát với các xung đột quá khích.
Đa số bệnh nhân tham gia trị liệu bằng CBT đều có sự thuyên giảm rõ rệt, đặc biệt là hành vi hung hăng, cảm xúc tức giận, phẫn nộ và thù địch. Nếu kiên trì trị liệu trong 3 tháng, bệnh nhân có thể kiểm soát tốt các cơn bốc đồng và ổn định được cuộc sống lâu dài.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc được sử dụng để giảm bớt sự hung hăng, bốc đồng, gay gắt ở bệnh nhân rối loạn bùng phát gián đoạn. Bên cạnh đó, thuốc còn có hiệu quả cải thiện tâm trạng đau khổ, bi quan và lo âu.
Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân rối loạn bùng phát gián đoạn bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm (thường dùng nhất là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc – SSRIs)
- Thuốc điều chỉnh khí sắc
- Thuốc an thần, giải lo âu
- Thuốc chống loạn thần
Thực tế, không phải trường hợp nào cũng có đáp ứng với thuốc và các triệu chứng thường tái phát sau khi ngưng thuốc. Vì vậy, liệu pháp hóa dược phải được thực hiện song song với trị liệu tâm lý để mang lại kết quả tốt nhất.
3. Các biện pháp hỗ trợ
Rối loạn bùng phát gián đoạn ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống. Bản thân bệnh nhân phải đối mặt với xung đột, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, sống cô độc, có vấn đề sức khỏe thể chất và rối loạn cảm xúc. Ngoài ra, chứng bệnh này cũng khiến người bệnh có nguy cơ thất nghiệp cao và thu nhập không ổn định.
Để hỗ trợ quá trình điều trị và giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh, bệnh nhân nên thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ sau:
- Tránh xa rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện để giảm mức độ hung hăng, bốc đồng trong các cơn thịnh nộ.
- Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giải tỏa tâm trạng và ổn định cảm xúc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thói quen này giúp giảm các thịnh nộ đáng kể và kéo dài thời gian ổn định bệnh.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên điều chỉnh chế độ ăn để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe thể chất do IED gây ra.
- Ngồi thiền là liệu pháp hỗ trợ mang lại hiệu quả cao trong điều trị các rối loạn tâm thần bao gồm trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn bùng phát gián đoạn,… Trong trạng thái thiền, bệnh nhân có thể giải tỏa cảm xúc, ổn định tinh thần và điều hòa cơ thể. Duy trì thói quen này thường xuyên sẽ giúp gia tăng khả năng chịu đựng stress và học cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
- Ngủ đủ giấc được chứng minh có thể giảm sự hung hăng, bốc đồng và cáu kỉnh trong cơn thịnh nộ có liên quan đến rối loạn bùng phát gián đoạn.
- Căng thẳng tích tụ được xem là nguyên nhân gốc rễ làm bùng phát các cơn bốc đồng và hung hăng. Vì vậy, bệnh nhân nên trang bị những kỹ năng giải tỏa stress như massage, tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương, tập yoga, viết nhật ký, chăm sóc cây cối, chơi đùa với thú cưng hoặc thực hiện bất cứ hoạt động nào mà bản thân yêu thích.
- Có thể thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ như châm cứu và bấm huyệt. Những biện pháp này giúp giảm đau nhức, mất ngủ, giải tỏa căng thẳng và mang đến tinh thần thoải mái.
- Tốt nhất, bệnh nhân nên chia sẻ tình trạng sức khỏe của mình với những người xung quanh, bao gồm cả cấp trên và đồng nghiệp để được thấu hiểu, hỗ trợ. Điều này sẽ giúp bênh nhân giảm đáng kể các mâu thuẫn, xung đột và hạn chế tối đa nguy cơ thất nghiệp.
Rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) gây ra nhiều biến chứng nặng nề khi không được điều trị. Nếu nghi ngờ bản thân mắc chứng bệnh này, bạn nên thăm khám sớm để được can thiệp kịp thời các biện pháp chăm sóc sức khỏe. Tích cực điều trị sẽ giúp bạn vượt qua bệnh tật, từ đó bảo vệ được sức khỏe và cuộc sống của chính bản thân.
Tham khảo thêm:
- Cách Phòng Ngừa Bệnh Tâm Thần Tái Phát
- Tâm trạng vui buồn thay đổi thất thường là dấu hiệu của bệnh gì?
- Rối loạn giả bệnh là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!