Hoang tưởng bị hại là gì? Ảnh hưởng và cách điều trị
Hoang tưởng bị hại là nhóm triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị rối loạn tâm thần. Tình trạng này đặc trưng bởi các phán đoán sai lầm với nội dung bản thân bị hãm hại, tra tấn. Ý nghĩ sai lệch thôi thúc bệnh nhân thực hiện hành động phản kháng đe dọa đến người khác như hạ độc, tạt axit, bắt cóc và giết hại.
Hoang tưởng bị hại là gì?
Hoang tưởng bị hại là một rối loạn tâm thần, khiến một người cho rằng những người xung quanh luôn muốn hãm hại và tra tấn bản thân. Suy nghĩ này khiến cho người bệnh luôn đề phòng với mọi thứ và có xu hướng lo âu, sợ sệt và đôi khi có hành động phản kháng. Hoang tưởng bị hại có thể xảy ra cấp tính do sang chấn tâm lý, dùng chất gây nghiện hoặc kéo dài dai dẳng (hoang tưởng trường diễn).
Hội chứng hoang tưởng bị hại là một trong những dạng hoang tưởng thường gặp bên cạnh hoang tưởng tự cao và hoang tưởng ghen tuông. Hoang tưởng không được xem là chẩn đoán mà chỉ là nhóm triệu chứng thường gặp ở các rối loạn tâm thần như rối loạn hoang tưởng, rối loạn nhân cách hoang tưởng và tâm thần phân liệt. Ngoài ra, trường hợp bị hưng cảm, trầm cảm kèm loạn thần cũng có thể xuất hiện nhóm triệu chứng này.
Hoang tưởng được định nghĩa là những phán đoán sai lầm, không đúng với thực tế và thậm chí là phi lý (ngoại trừ các niềm tin tôn giáo). Người bệnh có niềm tin dai dẳng, cứng nhắc với ý nghĩ của bản thân, mặc dù không thể đưa ra cơ sở xác thực để chứng minh. Niềm tin này hoàn toàn không bị lung lay ngay cả khi những người xung quanh đưa ra bằng chứng cho thấy ý nghĩ, quan niệm của người bệnh là sai lệch.
Hoang tưởng nói chung và hoang tưởng bị hại nói riêng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu được điều trị, các triệu chứng sẽ thuyên giảm rõ rệt và người bệnh có thể học tập, làm việc như bình thường.
Dấu hiệu của chứng hoang tưởng bị hại
Hoang tưởng được chia thành từng nhiều loại. Trong đó, hoang tưởng bị hại thuộc nhóm hoang tưởng phù hợp với tâm trạng. Dạng hoang tưởng này thường gặp ở những người có tâm trạng buồn bã, bi quan, u uất do bị lạm dụng tình cảm và bỏ rơi. Vì không cảm nhận được tình yêu thương nên họ cho rằng mọi người đều ghét bỏ và có ý định hãm hại bản thân.
Hoang tưởng bị hại có biểu hiện khá đa dạng nhưng luôn có sự hiện diện của nỗi sợ sẽ bị ám hại. Để người bệnh có cơ hội được thăm khám và điều trị sớm, những người xung quanh có thể dựa vào một số triệu chứng sau:
- Luôn cho rằng những người xung quanh, bao gồm cả người thân đang rắp tâm hãm hại mình.
- Người bệnh thường cho rằng người thân tìm cách hạ độc vào thức ăn, nước uống. Niềm tin sai lệch này khiến bệnh nhân né tránh ăn uống và thậm chí không đánh răng, tắm rửa vì sợ bị nhiễm độc.
- Một số người cho rằng bản thân đang bị tổ chức ngầm theo dõi và ám sát. Bệnh nhân có xu hướng thu mình trong phòng và ít khi ra ngoài vì sợ mất mạng. Thậm chí một số người tìm đến cơ quan công an và chùa chiền để trốn nhằm tránh khỏi tai mắt của những cơ quan tình báo.
- Cho rằng bản thân là nhân vật quan trọng và có sức ảnh hưởng nên luôn bị theo dõi và ám sát.
- Một số bệnh nhân hình thành ý nghĩ hàng xóm đang phê bình, chỉ trích và cố ý làm hại bản thân cũng như người nhà.
- Những ý nghĩ này khiến người bệnh sợ sệt, lo lắng, bất an và đề phòng quá mức.
- Người bệnh có thể thực hiện những hành vi phản kháng như đầu độc, tạt axit, sát hại, bắt cóc người khác để bảo vệ bản thân. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp hoang tưởng bị hại thực hiện các hành vi gây tổn thương nghiêm trọng đến thể chất của người khác.
- Vì luôn sợ bị theo dõi và ám sát nên bệnh nhân thường ăn mặc kín đáo, đeo khẩu trang, kính đen và hành động một cách cẩn trọng. Những người mắc chứng bệnh này không bao giờ cảm thấy thoải mái mà luôn đề phòng quá mức với mọi thứ.
- Hoang tưởng có thể đi kèm với ảo thanh (những âm thanh không có thật). Nhiều bệnh nhân nghe được mệnh lệnh khuyến khích họ nên hành động để bảo vệ bản thân. Điều này dẫn đến những tình huống đáng tiếc như hạ độc, bắt cóc và sát hại người khác.
- Bệnh nhân bị hoang tưởng bị hại thường chống đối người khác và gần như không bao giờ nghe theo sự sắp xếp của mọi người vì lo sợ bị ám sát, không dám ra đường, không tiếp xúc với người ngoài, không dám ngủ vào ban đêm,…
- Khi những người xung quanh đề nghị bệnh nhân khám và điều trị, họ luôn phủ nhận bệnh và cho rằng bản thân hoàn toàn bình thường.
- Người mắc chứng bệnh này không bao giờ thừa nhận ý nghĩ của mình là sai lầm – kể cả khi có những bằng chứng xác thực chống lại điều này.
Hoang tưởng bị hại có biểu hiện khá rõ rệt. Nếu chú ý, những người xung quanh có thể nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, việc đề nghị đến gặp bác sĩ có thể khiến người bệnh hình thành sự nghi ngờ vô căn cứ về người thân. Thậm chí, họ có thể nảy sinh hành vi gây tổn thương người khác vì cho rằng mọi người đang hãm hại bản thân.
Nguyên nhân gây hoang tưởng bị hại
Hoang tưởng bị hại thường gặp ở những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần. Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được cơ chế hình thành các phán đoán sai lầm và thiếu căn cứ. Tuy nhiên, một số nguyên nhân và yếu tố đã được xác định có liên quan đến hoang tưởng nói chung và hoang tưởng bị hại nói riêng bao gồm:
- Sang chấn tâm lý: Tổn thương do sang chấn tâm lý được xác định có liên quan đến hoang tưởng bị hại. Các chuyên gia cho rằng, sau khi bị lạm dụng tình cảm, thể chất hoặc bị bỏ rơi, bệnh nhân sẽ hình thành tâm trạng u uất và bi quan. Vì thiếu đi tình yêu thương nên sẽ dần hình thành suy nghĩ mọi người ghét bỏ và cố ý hãm hại bản thân.
- Dùng chất kích thích quá liều: Dùng chất kích thích quá liều cũng là nguyên nhân gây hoang tưởng bị hại. Nếu do nguyên nhân này, hoang tưởng thường xảy ra cấp tính. Do bệnh nhân mất đi sự tỉnh táo nên đôi khi có hành động nguy hiểm để phản kháng như giết hại người khác, tạt axit, đầu độc,…
- Do ảnh hưởng của các bệnh tâm thần: Hoang tưởng bị hại thường gặp ở bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, hoang tưởng và rối loạn nhân cách hoang tưởng. Ở người mắc các chứng bệnh này, não bộ có bất thường về cấu trúc và hoạt động dẫn đến việc hình thành những phán đoán sai lầm. Ngoài ra, người bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực cũng có thể gặp phải dạng hoang tưởng này.
- Các yếu tố khác: Ngoài những nguyên nhân trên, hoang tưởng bị hại cũng có thể liên quan đến các yếu tố như đặc điểm tính cách (bi quan, lo lắng, thiếu tin tưởng,…), môi trường sống (nguy hiểm rình rập, không an toàn) và tiền sử gia đình có người bị hoang tưởng.
Ảnh hưởng của chứng hoang tưởng bị hại
Thời gian gần đây đã ghi nhận không ít trường hợp đầu độc, sát hại, bắt cóc do bị chi phối bởi hoang tưởng bị hại. Người bệnh có niềm tin dai dẳng về các phán đoán, ý nghĩ của bản thân mà không cần bằng chứng xác thực. Vì vậy, việc giải thích và khuyên nhủ đều không mang lại hiệu quả.
Bệnh nhân bị hoang tưởng nói chung và hoang tưởng bị hại nói riêng đều cần phải điều trị. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân và những người xung quanh phải đối mặt với những ảnh hưởng, hậu quả nặng nề như:
- Ý nghĩ bị người khác hãm hại, đầu độc khiến bệnh nhân luôn căng thẳng và đề phòng quá mức. Người bệnh mất đi những cảm xúc tích cực và gần như không bao giờ thể hiện sự vui mừng, hạnh phúc. Tình trạng này kéo dài sẽ gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm,…
- Vì lo sợ người khác hãm hại nên bệnh nhân thường sống thu mình, ngại tiếp xúc. Bệnh nhân ít có các mối quan hệ, thu nhập không ổn định do hiệu suất lao động kém và nguy cơ thất nghiệp cao. Thậm chí, nhiều trường hợp không ra khỏi nhà và phải sống phụ thuộc vào gia đình.
- Ý nghĩ bị hãm hại khiến người bệnh thực hiện các hành vi phản kháng như chửi rủa, đánh đập, đầu độc, bắt cóc, tạt axit người khác,… Một số bệnh nhân lên kế hoạch tỉ mỉ để sát hại người khác vì cho rằng người này có ý định ám sát bản thân.
- Các hành vi bất thường của bệnh nhân gây ra nhiều phiền toái cho gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Thậm chí, người bệnh có thể làm hại người khác để bảo vệ chính mình.
Trong nhiều trường hợp, bạn đời và người thân trong gia đình có thể bị trầm cảm, rối loạn lo âu do sống chung với người bị hoang tưởng bị hại. Do đó, việc thăm khám và điều trị sớm là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, gia đình cũng nên tham gia trị liệu để nâng đỡ tinh thần và phòng tránh các rối loạn tâm lý, tâm thần.
Phương pháp điều trị hoang tưởng bị hại
Bản thân người bị hoang tưởng bị hại luôn cho rằng bản thân khỏe mạnh và không có bất cứ vấn đề sức khỏe nào. Vì vậy, gia đình cần cưỡng chế bệnh nhân đến bệnh viện để được khám chữa bệnh kịp thời. Trước tiên, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán thông qua các kỹ thuật như khám lâm sàng, khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm tìm chất gây nghiện, CT, MRI não,…
Hoang tưởng bị hại thường đi kèm với nhiều dạng hoang tưởng khác như hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng tự cao,… Vì vậy, quá trình chẩn đoán sẽ mất khá nhiều thời gian. Hiện nay, có hai phương pháp được áp dụng trong điều trị hoang tưởng bị hại là dùng thuốc và tâm lý trị liệu.
1. Dùng thuốc
Các triệu chứng hoang tưởng thường thuyên giảm sau khi dùng thuốc chống loạn thần. Vì vậy, lựa chọn ưu tiên khi điều trị chứng bệnh này là sử dụng thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ phải dùng thêm một số loại thuốc để cải thiện rối loạn cảm xúc và giảm các hành vi kích động.
Hoang tưởng bị hại có thể gây ra rối loạn lo âu, trầm cảm và nhiều vấn đề khác. Do đó, thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định dựa vào tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân. Trong đó, các loại thuốc được dùng phổ biến nhất là:
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc giải lo âu
- Thuốc chống trầm cảm
Đối với bệnh nhân bị hoang tưởng cấp tính, thuốc thường chỉ được dùng trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, trong trường hợp hoang tưởng trường diễn có liên quan đến tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng,… bệnh nhân có thể phải dùng thuốc suốt đời.
2. Sốc điện
Trường hợp nặng, không có đáp ứng với điều trị bằng thuốc sẽ được xem xét liệu pháp sốc điện. Sốc điện là phương pháp đưa dòng điện có kiểm soát vào não bộ nhằm tạo ra các cơn rung giật nhỏ, từ đó kích hoạt hoạt động của tế bào thần kinh. Phương pháp này giúp điều hòa nồng độ các chất dẫn truyền và giảm các triệu chứng rối loạn tâm thần như hoang tưởng, rối loạn cảm xúc,…
Sốc điện mang lại hiệu quả cao trong điều trị hoang tưởng bị hại và các hoang tưởng khác. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị mất trí nhớ tạm thời sau khi thực hiện. Mỗi lần sốc điện sẽ kéo dài khoảng 25 phút và thường phải thực hiện 6 – 8 lần để mang lại hiệu quả cao nhất.
3. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp có hiệu quả trong điều trị hoang tưởng bị hại. Thông thường sau khi dùng thuốc, bệnh nhân sẽ được can thiệp liệu pháp tâm lý để quản lý bệnh và giảm thiểu những ảnh hưởng đối với cuộc sống. Liệu pháp này có vai trò nâng cao lòng tự trọng, người bệnh học cách thể hiện, xử lý cảm xúc theo hướng tích cực và phát triển niềm tin với người khác.
Bằng cách hình thành lòng tin với người khác, tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân giảm đi những suy nghĩ sai lệch và không phù hợp với thực tế. Ngoài ra, phương pháp này cũng trang bị cho bệnh nhân kỹ năng giao tiếp để có thể xử lý những vấn đề trong cuộc sống một cách dễ dàng.
Nhìn chung, tâm lý trị liệu có vai trò quan trọng giúp bệnh nhân hòa nhập và duy trì chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, người bệnh bắt buộc phải dùng thuốc vì phương pháp này không thể kiểm soát các phán đoán sai lầm và vô căn cứ. Người thân trong gia đình cũng có thể trị liệu tâm lý để ổn định tinh thần và hiểu hơn về ý nghĩ, cảm xúc và hành vi của người bệnh.
Cách chăm sóc bệnh nhân hoang tưởng bị hại
Hoang tưởng bị hại là triệu chứng rối loạn tâm thần khá phổ biến. Chứng bệnh này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cuộc sống của người bệnh và cả những người xung quanh. Để có thể quản lý bệnh thành công, bản thân người bệnh và những người xung quanh cần thực hiện thêm các biện pháp chăm sóc như:
- Người nhà nên thể hiện sự kiên nhẫn và quan tâm đúng mực để bệnh nhân có động lực điều trị. Ngoài ra, nên trao đổi với hàng xóm và những người thân khác để tránh tình trạng xa lánh, kỳ thị.
- Xây dựng sự tin tưởng sẽ giúp bệnh nhân giảm dần những ý nghĩ bị hại. Để tạo dựng mối quan hệ tin cậy đối với người bệnh, gia đình cần giữ hòa khí, tránh mâu thuẫn và xung đột. Bên cạnh đó, nên có hành động quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ người bệnh trong suốt quá trình khám chữa bệnh.
- Bệnh nhân hoang tưởng bị hại thường có thể trạng suy nhược do căng thẳng, sợ hãi quá mức. Tình trạng đề phòng, không dám ngủ và nghỉ ngơi vào ban đêm cũng góp phần khiến sức khỏe suy kiệt. Gia đình nên xây dựng chế độ ăn hợp lý và khuyến khích bệnh nhân tập thể dục để tăng cường sức khỏe thể chất.
- Nếu có thể, cả gia đình nên tập yoga và ngồi thiền mỗi ngày. Thiền định giúp cân bằng cảm xúc và ổn định tinh thần. Đồng thời có thể cải thiện giấc ngủ, giảm lo lắng, căng thẳng và giảm các triệu chứng thể chất do hoang tưởng bị hại gây ra.
- Đảm bảo bệnh nhân không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện.
- Âm nhạc, thiên nhiên và nghệ thuật đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị các rối loạn tâm thần. Vì thế, gia đình có thể khuyến khích bệnh nhân học vẽ, thanh nhạc, học đàn, trồng cây cối, nuôi thú cưng,… để cải thiện sức khỏe tâm thần.
- Khuyến khích bệnh nhân kết bạn, giao lưu để tăng kỹ năng giao tiếp và xã hội. Nếu có thể, nên cho bệnh nhân tham gia các hội nhóm những người cùng mắc chứng hoang tưởng. Ngoài việc thoải mái chia sẻ cảm xúc, bệnh nhân sẽ có thêm kinh nghiệm để vượt qua chứng bệnh này.
Hoang tưởng bị hại là nhóm triệu chứng thường gặp ở người bị tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng, trầm cảm,… Những phán đoán sai lầm sẽ chi phối người bệnh thực hiện các hành vi gây hại cho người khác. Vì vậy, gia đình cần quan tâm để bệnh nhân có cơ hội được thăm khám và điều trị sớm. Đồng thời cần hỗ trợ và động viên để người bệnh có thể hòa nhập trở lại sau khi trị liệu.
Tham khảo thêm:
- Bệnh hoang tưởng có tự khỏi không? Có chữa được không?
- Bạn biết gì về rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi?
- Top 5 Địa Chỉ Khám Bệnh Hoang Tưởng Uy Tín Tại TPHCM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!